
Góc biếm họa số 5 (2025)

Giấc mơ Mỹ hay ảo tượng giấc mơ Mỹ thường gắn với người di cư, người tị nạn - những người luôn rơi vào trạng thái lưỡng phân trong việc định hình mình là ai. Khi ấy, Giấc mơ Mỹ như một sợi dây để họ bấu víu nhằm vượt lên các định kiến về thân phận. Trong truyện ngắn Tổ quốc (tập truyện Người tị nạn), Việt Thanh Nguyễn đã khai thác tầm ảnh hưởng, xoáy sâu vào giấc mơ Mỹ ở cả hai đối tượng: người ở lại và người ra đi. Qua đó cho thấy, giấc mơ Mỹ chỉ được giải thiêng khi cả hai chủ thể trên đồng-chủ-động xuyên qua ảo tượng.
Giấc mơ Mỹ thường gắn với thể giả định nhị phân “Giấc mơ Mỹ: Ảo tượng hay Thực tế?”. Bởi không chỉ với người nhập cư mà người bản địa cũng xem nó như một lý tưởng để theo đuổi. Nhưng, giấc mơ Mỹ “có thể trở thành một hiện thực mà ở đó dù là đàn ông hay đàn bà đều sẽ không bao giờ đạt được, từ đó khiến họ sống trong thế giới ảo tượng (fantasy world)” (1). Không những vậy, họ còn lôi kéo người xung quanh cùng ảo tượng với họ bằng cách trưng phô sự hào nhoáng từ bên ngoài (ăn mặc, cử chỉ…) đến bên trong (suy nghĩ, nhận thức…).
Bằng cách dựng nên hai hình tượng song song - đối lập là Vivien và Phương, Việt Thanh Nguyễn đã tạo ra cuộc liên đối thoại giữa người ra đi - người ở lại, người trong - kẻ ngoài, tổ quốc - ngoại lai.
Nhân vật Vivien xuyên qua ảo tượng phơi bày sự thật
Vivien, đứa con gái của người vợ trước của ông Lý xuất hiện ngay từ những dòng đầu của tác phẩm trong phép so sánh hơn với Phương “đứa trùng tên với Phương, lớn hơn Phương bảy tuổi, cao hơn Phương mười lăm phân, nặng hơn hai chục ký, và, theo ghi nhận trong những bức ảnh kèm theo lá thư, có nước da sáng hơn, mịn hơn; một sống mũi mảnh hơn, thẳng hơn; và tóc, áo quần, giày, và kiểu trang điểm trở nên hợp thời trang hơn nữa khi cô tốt nghiệp một trường tư cho nữ sinh, rồi tốt nghiệp tiếp một trường đại học đẳng cấp, kế đó là trường y rồi tới giai đoạn làm bác sĩ nội trú ở Chicago”.
Có thể thấy, người vợ trước và ba đứa con dường như nhận được nhiều sự ưu ái của người cha khi mà ông Lý “cho ép nhựa từng bức ảnh để chống lại độ ẩm và dấu vân tay, cất chúng thành chồng ngay ngắn trên cái bàn nhỏ cạnh trường kỷ trong phòng khách”. Hay việc “Ông là người hiếm khi khen ngợi, ngoại trừ lúc nói tới ba đứa con đầu” và điển hình nhất như cách Phương hình dung “cha cô cư xử hoàn toàn không giống ông lâu nay” khi “không nghi vấn hay phê phán, ông làm theo kế hoạch” mà Vivien đã vạch ra từ trước.
Chuỗi hành động trên là minh chứng cho kết quả “liệt kê các thành tựu” mà má Phương “viết trong những lá thư ngắn gọn gởi về quê hàng năm”. Nó đã xây nên trong tâm trí những người ở lại niềm tin, niềm tự hào trước những gì mà họ được biết, được nghe kể. Nói một cách chính xác, cuộc sống của người di cư đã có sự tác động ngược trở lại tới những người thân trong gia đình của họ đang ở tại quê nhà.
Ban đầu Vivien vẫn cố níu kéo và làm theo ý của mẹ để giấc mơ Mỹ tiếp nối. Cô không cho bất kỳ ai biết về sự thật, cô điềm nhiên hành xử như mình là người thành công. Việc Vivien bị mẹ áp đặt phải sống và bảo vệ ảo tượng ít nhiều đã tác động đến nhận thức của cô. Cô tự do, thoải mái thể hiện đặc quyền của một người đạt đến giấc mơ Mỹ: “trong một vài lúc khi đang ở nhà, chị rõ ràng là bà chủ trên lãnh địa của mình. Điều này đúng ở nhà hàng Nam Kha trên đường Đồng Khởi”.
“Giấc mơ Mỹ vẫn còn tồn tại đối với những người nhập cư, nhưng trở ngại đó gần như không thể vượt qua - và gánh nặng này có thể được cảm nhận qua nhiều thế hệ”(2). Sự gồng mình nhằm tương xứng với ảo tượng mà cả gia đình ở Việt Nam dệt nên của Vivien là minh chứng rõ ràng cho thấy: Giấc mơ Mỹ là một gánh nặng mang tính liên thế hệ, sâu xa hơn là liên cộng đồng, liên không - thời gian.
Có thể nhận định, nhân vật Vivien đã được xây dựng để người đọc thấy được cả hai mặt của giấc mơ Mỹ: một mặt, nó khiến con người tự tin hơn, mặt khác nó cũng khiến họ chìm trong bóng tối của sự dối trá, lọc lừa.
Trong cuộc đối thoại mang tính chất giải thiêng của Vivien và Phương tại công viên, Vivien đã chủ động phơi bày “Chị đã nói với bà ấy nên nói thật với mọi người nhà bên này đi mà”, cô kể: “Chị là nhân viên tiếp tân đang thất nghiệp. Chị bị mất việc ngay cái tháng trước khi chị qua đây. Má chị với ba dượng đâu có cái nhà nào ở ngoại ô đâu. Họ sống trong một căn hộ chung vách ở West Tulsa. Và má chị chẳng làm chủ mỹ viện Nice Nail gì cả. Bà ấy làm chuyên viên thẩm mỹ ở đó”.
Sự thật này chồng sự thật khác dần được hé lộ, đến cùng thì giấc mơ Mỹ hóa ra chỉ là việc dùng trước trả sau, là một sự ràng buộc của thẻ tín dụng giúp Vivien “không phiền chuyện tiêu tiền”. Từ thế chủ động ban đầu, giờ đây Vivien trở thành kẻ khẩn cầu em gái “Chị rất tiếc, Phương. Khi quay về, chị sẽ sắp xếp lại cuộc sống. Chị sẽ phải trả hết nợ trong bốn thẻ tín dụng cùng với các khoản nợ đại học và hy vọng người ta không tịch biên nhà của chị”;“Em hiểu được điều đó không? Làm ơn?”.
Ngòi bút Việt Thanh Nguyễn đã xây dựng một nhân vật Vivien với cái vỏ bọc đầy bóng loáng và là chủ thể sống trong ảo tượng giấc mơ Mỹ, luôn cố gồng mình bảo vệ ảo tượng vì mẹ, vì cha, vì những đứa em. Nhưng cuối cùng, sự chịu đựng trong thời gian dài cùng với việc lắng nghe bí mật mà Phương chia sẻ, Vivien quyết định tự tay xé toang vỏ bọc như một sự giải thoát: giải thoát tâm trí của mình và cả những người bên cạnh, giải thoát để bản thân và người khác không còn bị trói trong xiềng xích.
Nhân vật Phương xuyên qua ảo tượng đối mặt thực tế
Đối lập với Vivien, Phương không được nhắc tới như một cá thể độc lập, cô hiện lên rất mờ nhạt qua những phép so sánh với người chị cùng cha khác mẹ. Trong khi người chị Vivien có cuộc sống tốt đẹp thì Phương ngược lại hoàn toàn: “bằng tốt nghiệp Sinh học của cô như trở nên vô nghĩa”, “đôi khi khách cũng xin phép chụp ảnh cô, những yêu cầu ban đầu gây thích thú nhưng bây giờ thường gây khó chịu”.
Phương biết rất rõ cha luôn đối xử thiên vị giữa những đứa con của người vợ trước và người vợ sau, càng rõ hơn là qua cách hành xử của ông dành cho Phương và Vivien khi Vivien về Việt Nam. Ban đầu, cha mới là người “thường so sánh Phương với người chị vắng mặt của cô” nhưng càng về sau, sự so sánh trở thành một nỗi ám ảnh với chính Phương khi cô cũng tự đặt mình vào thế so sánh với chị mà cô luôn là người tự hạ thấp bản thân, đến nỗi “thực sự bản thân trông ra sao thì cô chẳng bao giờ biết được”.
Vivien trong mắt Phương, không chỉ là một người chị thành công mà là một tượng đài ngưỡng vọng. Cho nên, cô đã tạm gác nỗi ám ảnh so sánh, xem “việc cha họ cư xử kiểu này, thiên vị người này người kia và tự thương thân, chẳng phải là lỗi của Vivien”. Khi nhận được món quà “cái áo nịt ngực ren đen và quần lót ren đen, một quần lót lọt khe mỏng manh” từ Vivien, dù liên tục nói “em không mặc thứ này đâu!”, “mang tiếng chết”, Phương vẫn mặc.
Hành động “lẹ làng tuột bộ đồ ngủ bằng tơ nhân tạo và đồ lót bằng vải thô, và cũng nhanh như vậy tròng quần áo lót và áo ngực mới vào” của cô thể hiện một mong muốn cháy bỏng là cởi bỏ con người/định danh hiện tại để khoác lên mình con người/định danh mới mà tại đó cô được tự do.
Phương không ngại trưng ra cái giấc mơ Mỹ đã sống trong cô bấy lâu. Cô nói với Vivien một loạt mệnh đề “Em muốn”: “Em muốn được như chị”, “Em muốn tới Mỹ, trở thành bác sĩ và giúp đỡ người ta”, “Em muốn người ta phục vụ mình. Em muốn đi du lịch tới chỗ nào em muốn, bất cứ lúc nào em muốn”.
Nhưng, điều cô không ngờ nhất là sự hoảng loạn của Vivien. Đáp lại hàng loạt sự “em muốn” lại là hàng loạt sự thật được chị cô tiết lộ. Song, Phương vẫn cố chấp bảo vệ cái khát khao thầm kín “Em sẽ tìm việc. Em sẽ tự lo thân. Em sẽ chăm sóc chị”. Đổi lại, lời hồi đáp của Vivien đã phá hủy hoàn toàn ảo tượng “Chị sẽ không có thời gian để lo lắng cho một cô em gái”.
Khác với lần đầu nhận thư Vivien, cả mẹ và ba chị em Phương đều rất chú tâm lắng nghe ba đọc nhưng lần này niềm hào hứng đó đã biến mất hoàn toàn “sự giả dối của bà chị khiến Phương muốn ói đến độ cô chỉ làm được một việc là không xé lá thư làm hai”. Đây cũng là “lần đầu tiên trong đời cô thấy tội nghiệp cho cha”. Cùng với đó là những bức hình “Vivien trông thật rõ trong khung cửa, mắt ước và lớp trang điểm bị nhòe, nhưng do thời điểm hay sắp xếp tình cờ mà chính Phương lại không có trong ảnh”.
Các chi tiết trên cho thấy Phương đã xuyên qua ảo tượng và dần chấp nhận sự thật rằng chẳng có giấc mơ Mỹ. Cô cũng không còn cam chịu làm cái bóng của Vivien. Phương không có trong ảnh cùng Vivien giống như một sự tách mình ra khỏi ảo mộng, nơi mà trước giờ Phương chỉ là bản sao. Đây cũng là sự tách mình giữa các cặp chủ thể mà Phương và Vivien đang ẩn dụ, đó là Tổ quốc và Ngoại lai, Hiện tại và Quá khứ.
Cuối cùng, Phương tìm cách xóa sạch mọi thứ trong âm thầm về giấc mơ Mỹ, cô tự tay đốt bỏ ảo tượng. Hành động “đốt” đưa cô đối diện với “khuôn mặt chị cô trông giống cha cô hơn chính cô, sự đối xứng thể hiện rõ những điều mà bây giờ Phương có thể nói ra. Cha cô thương Vivien hơn cô”. Cô nhận ra tình thương của cha không đơn thuần là tình thương của ông bố dành cho đứa con gái xa cách bao năm mà là tình thương của một người đàn ông luôn hối tiếc về một thời thành công mình từng có.
Lúc cô “sắp quay người và bước vào nhà thì một cơn gió thổi dọc con hẻm, cuốn được đám tro và thổi nó đi”, giờ đây, những tàn dư cuối cùng của giấc mơ Mỹ đã biến mất. Truyện ngắn khép lại bằng một hình ảnh “bầu trời trong và thăm thẳm mà đám tro tan biến vào đó, tựa như một cái tô màu xanh bằng pha lê hảo hạng úp xuống, bao phủ trọn Sài Gòn đến hết tầm mắt của cô”.
Có thể thấy, từ thế bị động: Vivien phải cố gồng mình làm theo ý mẹ, chấp nhận nói dối nhằm bảo vệ giấc mơ Mỹ trong mắt người nhà; Phương luôn bị ba đặt vào thế so sánh với chị gái, cô ganh tỵ đồng thời cũng ước mơ chạm tới giấc mơ Mỹ, họ chuyển sang chủ động: Vivien từ chủ động ngỏ lời muốn chia sẻ bí mật đến chủ động trở thành người phơi bày sự thật; Phương từ chủ động nói ra hàng loạt mong muốn của bản thân đến chủ động đốt bỏ ảo tượng giấc mơ Mỹ. Chỉ như vậy, họ mới có thể tiếp tục sống và đối mặt với thực tại đời sống.
----------------
Tài liệu trích dẫn
(1) Ellie Quick (2016) The American Dream: Fantasy or Reality?. Ouachita Baptist University.
(2) Farhat Popal (2021) “Surviving or Thriving? What It Takes for Immigrants to Succeed” (https://www.bushcenter.org/catalyst/state-of-the-american-dream/popal-what-it-takes-to-make-it-in-america). Truy cập tháng 12 năm 2023.
(3) Việt Thanh Nguyễn (2017) Người tị nạn. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...