Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
17:26 (GMT +7)

Quan niệm văn học của Thiếu Sơn nhìn từ chữ “chân” trong Chủ nghĩa Lãng mạn phương Tây

 (Kỳ 1) Đã có một thời gian, những nhà lý luận chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” (trong cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh” từ năm 1935 đến 1939) như Thiếu Sơn và Hoài Thanh đã bị phê bình là “duy mỹ”, “tiểu tư sản”, “thiếu lập trường cách mạng”, “xa rời quần chúng nhân dân”. Khởi nguồn cho cuộc tranh luận này là bài phê bình “Hai cái quan niệm văn học” của Thiếu Sơn trên báo Tiểu thuyết thứ bẩy. Ông đã phê phán quan niệm của Nguyễn Bá Học và Phạm Quỳnh xem thường vai trò của thơ, tiểu thuyết nói riêng và văn học thẩm mỹ nói chung trong khi đề cao văn chương giáo huấn, tải đạo. Nhằm góp phần thay đổi cái nhìn phiến diện về nhà phê bình Thiếu Sơn trong cuộc bút chiến năm 1935, bài viết này sẽ lý giải quan niệm văn học của ông từ mối quan hệ với chữ chân của Chủ nghĩa Lãng mạn (CNLM) trong văn học phương Tây thế kỷ XIX.

  1. Các quan niệm tiền Lãng mạn Đông, Tây về chữ chân
* Quan niệm tiền Lãng mạn phương Tây về chân thật Văn hóa phương Tây, khác với phương Đông, có một truyền thống lâu dài “chú mục vào chân lý”. Tư duy phân tích của phương Tây thể hiện trong thói quen tìm đến ngọn ngành bản chất của sự vật hiện tượng đã dẫn đến sự phân chia rạch ròi từ thời cổ đại các lĩnh vực khác nhau như nghệ thuật, triết học, toán học, vật lý, hóa học, thiên văn học. Quan niệm về chân lý, sự thật (truth) có sự khác biệt trong những lĩnh vực khác nhau ngay từ thời Aristotle đã được thể hiện rạch ròi: chân lý trong khoa học và triết học khác với chân lý trong lập luận, lời nói. Quan niệm về sự chân thật (sincerity) trong văn hóa phương Tây có quan hệ chặt chẽ với tư tưởng của Aristotle về chân lý, sự thật. Aristotle cho rằng chân thật là trạng thái trung dung, cân bằng ở giữa sự tự ti, thiếu dũng cảm và thói khoác lác. Từ sincerity xuất hiện trong tiếng Anh vào đầu thế kỷ 16, xuất phát từ từ Latinh sincerus nghĩa là “sạch”, “thuần khiết”, “đáng tin”. Thí dụ, khi nói rượu nho nguyên chất, một tôn giáo không bị biến đổi, pha tạp, hay một người nhất quán, không thay đổi bản chất, người ta có thể dùng từ này. Sau đó, từ này đã được dùng với nghĩa bóng là chỉ sự chân thật, chân thành của con người: “Một người đàn ông chân thành khi anh ta đáng tin cậy, thuần khiết, thống nhất, hoặc kiên định với đức hạnh của mình”(1). Trong thời Trung đại phương Tây, dưới ảnh hưởng quan niệm đạo đức của Aristotle và Thiên Chúa giáo, tính chân thật của một con người bị đánh giá từ tiêu chí đạo đức xã hội. Một người chỉ “chân thành” nếu anh ta sống đúng với lời răn của tôn giáo với ba chuẩn mực “tín”, “hi vọng”, “thiện”. * Chân trong truyền thống văn hóa Trung Hoa và Việt Nam tiền Lãng mạn Quan niệm về chữ chân (眞,真) trong văn hóa Trung Hoa và Việt Nam khá giống nhau bởi sự ảnh hưởng của ba học thuyết và tôn giáo lớn là Nho, Phật, Đạo. Khác với từ sincerity chỉ mang ý nghĩa đặc tính đạo đức của con người, chân trong văn hóa Trung Hoa và Việt Nam có thể là “chân thành”, “thành thật”, “thật thà” (như trong “chân tâm thành ý” 真心誠意, do đó, thường đôi khi được dùng thay đổi với từ tín - đáng tin cậy) hoặc “thật, không phải giả” (như “chân nhân chân sự” 真人真事 - nhân vật và sự việc có thật). Thiều Chửu chú giải thêm: “Ðạo Phật, đạo Lão nói chữ chân 眞 cũng như bên nhà Nho nói chữ thành 誠.(2) Yanming An chỉ ra ý niệm “ai đó có thể làm việc xấu một cách chân thành” sẽ không bao giờ xảy ra bởi cái “chân” trong truyền thống văn hóa Trung Hoa luôn gắn với đạo đức(3). Khổng Tử tin rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, đồng thời đề ra một con đường tu thân để mỗi người luôn giữ được chính đạo, có ích cho gia đình và xã hội. Vương Dương Minh giải nghĩa tâm học của Khổng giáo: “Biết tâm mình thì biết Đạo, biết Đạo là biết Trời” (Tri tâm tắc tri Đạo tri Thiên)(4). Tâm của người quân tử trong Khổng giáo gắn với các tiêu chuẩn đạo đức của một người nhập thế, phụng sự triều đình, phụng sự xã hội (ngũ luân: mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè; ba đức lớn: Trí, Nhân, Dũng; ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Trong khi đó, Phật giáo và Đạo giáo lại chủ trương xuất thế, xóa bỏ các dục vọng cá nhân và xóa bỏ các ràng buộc xã hội. Đạo Lão cho rằng hễ giữ được lòng mình vô vi thanh tịnh, thì tức khắc thấy Đạo. Đạo chủ trương diệt trừ mọi tà dục ràng buộc con người để giải thoát tâm hồn con người vào cõi hồn nhiên nguyên thủy. Sống thành thực với lòng mình, với Đạo trong một luật lệ thiên nhiên, không bị gò ép bởi dư luận, bởi hoàn cảnh, không bị lệ thuộc vào thành kiến và tập tục, đó là trở về nguyên thủy hồn nhiên. Vô tư, vô dục, vô tranh, vô danh để vô ưu và vui sống. Phật giáo cũng coi việc tu tâm là con đường đạt tới Niết bàn, tuy nhiên, khác với tâm của Nho giáo và Đạo giáo, con đường tu tâm của Phật giáo yêu cầu “diệt dục”. Sách Samuyutta Nikaya viết: “Diệt trừ dục vọng, diệt trừ thù ghét, diệt trừ mê lầm, đấy bạn ơi! Người ta còn gọi là Niết bàn đấy”(5). Tam giáo gặp nhau ở triết lý về tâm: “hệ luận của Triết học Đông phương đi từ tâm tới thân, tới vật, tới thiên, tới đạo”(6). Ở góc độ này, cái “chân tâm” của Nho, Phật, Đạo cũng tương đồng với cái sincerity thời Trung đại ở phương Tây: đều phải thống nhất với các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức của tôn giáo. Tuy nhiên, Đạo giáo với chủ trương sống thành thực với lòng mình, trở về với thiên nhiên đã thoát ra được các ràng buộc của xã hội và gặp gỡ tư tưởng của CNLM ở phương Tây ở một mức độ nào đó. Tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử với quan niệm Văn phải gắn với Đạo đã thấm vào cách quan niệm về chân trong văn hóa, văn học Việt Nam trung đại. Trần Đình Hượu khi xem xét quan niệm nghệ thuật của các nhà văn, học giả trung đại như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Đức Đạt, Lê Quý Đôn… chỉ ra các học giả này đều coi trọng tính chất “chân”, “thực” của văn chương thay vì xu hướng hoa mỹ, cầu kỳ, “hư phù lả lướt”: “phá câu cú cho là hay, trích lời quê cho là lạ, chi hồ giả dã cho là thanh”.(7) Nguyễn Văn Siêu cho rằng: “Lời càng khéo thì càng mất điều chân thực (chân ý). Ý càng kỳ thì càng rơi xuống hư hao (sức)”(8). Ngô Thời Nhậm viết: “Thơ mà quá cầu kỳ thì sa vào giả dối, quá trau chuốt thì sa vào xảo trá, hoang lương hiu hắt thì phần nhiều sa vào buồn bã. Chỉ có thuần hậu, giản dị, thẳng thắn không giả dối, không xảo trá, không buồn bã mà rốt cuộc chú trọng đến sự ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, mới là những đặc sắc chính của thơ”.(9) Trái với lối văn giả dối, văn chương “chân” và “thực” thể hiện ở sự thuần hậu, hồn nhiên, tự nhiên. Tuy nhiên, ý kiến của Ngô Thời Nhậm cũng cho thấy, với các nhà văn nhà thơ trung đại, cái chân thật của tâm hồn trong sáng tác vẫn phải gắn bó chặt chẽ với đạo đức, luân lý, trật tự xã hội phong kiến. Có thể thấy, chữ “chân” trong truyền thống văn hóa, văn học trung đại Việt Nam có ý nghĩa khá tương đồng, gần gũi với chữ chân trong truyền thống văn hóa Trung Quốc cổ trung đại và chữ sincerity trong văn hóa phương Tây thời kì tiền lãng mạn. Chúng thống nhất với nhau ở hàm nghĩa “sống đúng với bản thân mình” - nhưng là một thứ “bản thân”, nội tâm bị chế định bởi đạo đức, luân lý, trật tự xã hội. Có một điều thú vị là, chữ chân trong truyền thống Việt Nam và chân trong truyền thống Trung Hoa vừa có thể chỉ sự chân thực trong nội tâm và cái thực của ngoại giới, trong khi đó từ sincerity từ thời Trung đại phương Tây, đã chỉ được dùng với nghĩa khu biệt chỉ phẩm hạnh con người chứ không phải đặc tính của ngoại vật. Tư duy tổng hợp và tư duy phân tích được thể hiện ngay trong chữ chân của phương Đông và chữ sincerity của phương Tây như vậy.
  1. Chữ chân trong CNLM phương Tây thế k XIX
Ở phương Tây thế kỷ 18, thời đại của CNLM và sự thức tỉnh cái tôi cá nhân, từ “sự chân thật” (sincerity) tuy vẫn được dùng với hàm nghĩa “sống đúng với chính mình”, “chân thật với con người mình” nhưng với một sắc thái ý nghĩa khác thời kỳ trước đó. Sự chân thật/chân thành là một đặc điểm quan trọng trong quan niệm sáng tác của người nghệ sĩ Lãng mạn. Đã một thời, CNLM ở nước ta bị phê bình như là biểu hiện của tính tiểu tư sản, lạc hậu, phản tiến bộ. Nhưng về bản chất, CNLM phương Tây lại là một phản ứng mang tính cách mạng, góp phần hiện đại hóa văn học thế giới cũng như thay đổi nhãn quan của nhân loại trong việc nhìn nhận chính mình và xã hội. Trên bề mặt, CNLM trong văn học châu Âu thế kỷ XIX là một sự chối từ xã hội với các ràng buộc về luân lý, đạo đức. Nhưng nguyên nhân sâu xa cho thái độ chối từ này là sự phản ứng, bất bình trước nền văn hóa nặng tính duy lý của thời kỳ Khai sáng. Tính chất duy lý đã thấm vào trong sáng tác văn học, nghệ thuật, thể hiện trong các khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa cổ điển, trong việc ưa chuộng các điển cố, điển tích của văn học, nghệ thuật Hy Lạp - La Mã cổ đại. Văn học Lãng mạn chủ trương phá bỏ ranh giới phân chia cao thấp giữa bi kịch và hài kịch, giữa tiểu thuyết và văn chương bác học. Xem nhẹ lý trí, nghệ sĩ lãng mạn coi trọng trực giác và tưởng tượng, cảm xúc. Trào lưu Lãng mạn còn là sự phản ứng, bất bình trước tính chất thực dụng của nền văn minh công nghiệp mà cuộc cách mạng công nghiệp và chế độ tư sản đã mang đến. Việc hướng đến tự nhiên, đến “hương xa” (exotic), tới các tưởng tượng siêu nhiên và phi lý, tới đời sống con người bình dân, nông thôn chính là cách thể hiện sự chán ghét với các nhà máy, đô thị, hàng hóa - những biểu hiện của văn minh công nghiệp. Xã hội phương Tây cuối thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX là một thời kỳ đặc biệt hỗn loạn, với nhiều biến động, giằng co giữa các cuộc cách mạng tư sản và sự giãy giụa tái thiết nền chính trị bảo hoàng. Chán ghét thứ văn chương thù phụng triều đình hoặc chính quyền tư sản, nặng đạo lý, các nhà nghệ sĩ lãng mạn hướng tới thể hiện đầy đủ con người cá nhân từ nhiều góc độ: xấu - tốt, dũng cảm - yếu hèn, lý trí - bản năng như một cách đánh thức chủ nghĩa cá nhân và tinh thần cách mạng. Với những đặc điểm đầy tính cách mạng này của CNLM, Chủ nghĩa Hiện thực, vốn được xem như là phản ứng chống lại nó, cũng có thể coi là sự nối dài, phát triển của trào lưu này. Con người, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân mà CNLM đề cao, không nhất thiết phải sống đúng theo những chuẩn mực đạo đức của tôn giáo và xã hội. Mặc dù các nhà văn lãng mạn không chính thức sử dụng hay đưa ra một lý thuyết nào về thuật ngữ sincerity, nhưng hai nhân vật thiết lập nền móng của CNLM là Jean-Jacques Rousseau và William Wordsworth đã nhiều lần nêu quan điểm xoay quanh vấn đề này. Trong Những lời bộc bạch (1781), Jean-Jacques Rousseau đã tuyên bố: “Tôi trù tính một công việc không hề có kiểu mẫu, và sẽ chẳng ai bắt chước thực thi. Tôi muốn phô bày cùng đồng loại một con người hoàn toàn đúng với chân tướng; và con người ấy, sẽ là tôi đây. Riêng mình tôi. Tôi cảm nhận được cõi lòng mình, và tôi hiểu mọi người. Tôi được tạo ra chẳng giống một ai trong những người tôi từng thấy; tôi dám chắc là chẳng giống một ai trong những người đang hiện hữu. Nếu tôi không đáng giá hơn, thì ít ra tôi cũng khác biệt”(10). Và đúng như vậy, trong cuốn sách, Rousseau đã “chẳng ỉm đi một điều gì xấu, cũng chẳng thêm một điều gì tốt” về bản thân mình. Thí dụ như, ông đã đưa vào sách quá trình trưởng thành từ thủa thiếu niên với sự yếu đuối về thể chất và những suy nghĩ tuyệt vọng chờ chết, cho tới những kinh nghiệm tình dục và yêu đương thất bại đầu tiên, hay những tội lỗi do vô tình và cố ý của chính mình. Ông tin rằng không có con người nào, dù trong sạch đến mấy, lại không có tật xấu hay tội lỗi. Tự thuật của Rousseau đã dũng cảm, thành thật nhìn nhận và thể hiện bản thân mình không trên cơ sở một đạo đức, tôn giáo dẫn dắt nào. Rousseau đã gián cách và phản tỉnh về bản thân, chấp nhận đặt bản thân mình đối mặt với sự phán xét của xã hội như một cách tìm kiếm tự do. Cuốn sách mở đầu cho thể loại tự thuật hiện đại này đã dành nhiều ưu ái cho việc thể hiện thiên nhiên và cảm xúc. Ông cho rằng thay vì nâng cao đạo đức con người, khoa học và nghệ thuật đã làm hư bản chất ban đầu của con người, bản chất tự nhiên. Do đó, trở về với thiên nhiên và cảm xúc nội tâm chính là con đường giúp con người phục sinh cái tôi hồn nhiên nguyên thủy và tính thiện tiềm tàng trong mỗi người. Như vậy, các nhà lãng mạn phương Tây thế kỷ XIX đã tách sincerity ra khỏi sự ràng buộc của đạo đức, luân lý và nền chính trị tư sản. Theo họ, con người nói chung và người nghệ sĩ chỉ cần sống và thể hiện đúng với bản thân mình: dũng cảm thừa nhận cả phần sáng lẫn phần tối, dũng cảm và yếu hèn, lý trí và bản năng. (Kỳ 2: Thiếu Sơn và quan niệm văn học gắn với chữ “chân” Lãng mạn; Quan niệm về chân của Thiếu Sơn nhìn từ bối cảnh thời đại)   Chú thích: (1) Trilling, Lionel (1972), Sincerity and Authenticity, Cambridge: Harvard University Press, tr. 12-13. (2) Xem mục từ “chân” (真), trong Thiều Chửu (2009), Hán Việt Tự điển, NXB Văn hóa Thông tin, tr. 516; và trên Từ điển Hán Việt trực tuyến: http://dir.vietnam.online.fr/home/vnHanVietdic.htm (truy cập ngày 16/4/2019) (3) “Western 'Sincerity' and Confucian 'Cheng'”, Asian Philosophy, Số 14, tập 2, 155–169, tr. 164. (4) Dẫn theo Trần Văn Hiến Minh(1962), Tam giáo Đại cương Triết học Đông phương, NXB Ra khơi, tr. 25. (5) Dẫn theo Tam giáo đại cương, sđd, tr. 27. (6) Tam giáo đại cương, sđd, tr. 28. (7) Nhiều tác giả (1988), Từ trong di sản,  NXB Tác Phẩm Mới, tr. 60. (8) Từ trong di sản, sđd, tr. 129. (9) Từ trong di sản, sđd, tr. 70. (10) Jean-Jacques Rousseau (2017), Những lời bộc bạch, Lê Hồng Sâm dịch và giới thiệu, NXB Tri thức, tr. 17. Bùi Linh Huệ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy