Phố chợ Kỳ Lừa
VNTN - Khách phương xa lên miền biên viễn, sau khi qua thị trấn Đồng Mỏ độ hai chục cây số, sẽ thấy không khí quanh mình trở nên khác hẳn. Trong lành và tươi mát. Ấy là bởi bạn đã lên đến độ cao trên 500 m so với mực nước biển rồi đấy. Độ chục phút sau, một ga tàu lửa rất cũ sẽ hiện ra trước mắt - ga Bản Thí, xem như bạn đã đặt chân đến thành Lạng, vì chỉ độ mươi cây số nữa thôi bạn sẽ được ghé thăm phố chợ Kỳ Lừa.
Vào thời ông Thân Công Tài cùng thuộc hạ chưa lên kế hoạch mở mang thương mại, thành Lạng hẳn còn rất đìu hiu, cái thung lũng nằm giữa bốn bề đồi núi được tô điểm bởi dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn chưa thể gọi là sầm uất. Những đoàn sứ bộ của cả hai nước lân bang qua lại nơi bến đá, chắc cũng chỉ thấy một cảnh quen thuộc ấy là lau lách đìu hiu và con thuyền nhỏ của ngư ông hững hờ neo nơi bến vắng.
Nhân nhắc đến sứ bộ, mấy ai biết từng có một Phùng Khắc Khoan tài tử đã tình cờ gặp gỡ và ngâm vịnh cùng tiên Liễu Hạnh tại vùng đất biên ải này… Truyền thuyết chỉ nói quan trạng khi đi sứ Trung Hoa trở về ngang qua khu rừng đào thuộc Đoàn Thành thì gặp một người con gái xinh đẹp ngồi nghỉ dưới gốc cây, họ Phùng thấy nàng má hồng mắt biếc bèn buông lời ong bướm, chẳng ngờ thôn nữ nọ lại đối đáp thông minh trôi chảy, khiến ông trạng phải mười phần nể phục. Họ Phùng lúc ấy đâu biết mình có phúc lớn được tiếp kiến với thần tiên, chỉ mãi sau này khi đã về đến Thăng Long, Phùng Khắc Khoan lại có dịp tái ngộ với Liễu Hạnh và nhận ra sự thật, để rồi ngỡ ngàng như trong giấc mơ.
Góc phố chợ Kỳ Lừa xưa
Hôm nay, có người khách lãng du tình cờ nghe được giai thoại ấy, bỗng cũng thầm muốn một lần được gặp tiên nữ, chẳng biết nàng đang ở nơi đâu giữa miền biên viễn quanh năm mây phủ này?
....
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em...
Câu ca dao chẳng biết có tự khi nào mà thuở nhỏ tôi đã thuộc làu qua lời ru của bà, của chị, vậy mà cũng có khi, bởi dòng đời trôi đẩy khiến tôi quên bẵng đi mất - nơi ấy - quê hương mình lại ềm đềm đến vậy.
Có dịp ghé thăm xứ Lạng hôm nay, thật khó hình dung ra được chính nơi đây chỉ cách nay vài thập kỷ, chợ Kỳ Lừa vào phiên thú vị đến thế nào. Người ở bản xa đi từ lúc gà gáy canh ba, đến gần chợ mới rẽ vào bụi cây đám cỏ nào đó thay áo mới, vấn tóc, soi gương. Đi chợ không hẳn để bán mua, có khi chỉ vì nhớ cô gái bản mà đến, lại có khi chỉ là bởi hàng cao đai (một dạng đồ ăn giống món phở) nấu khéo nơi gốc dã hương già mà tìm về. Đông vui, tấp nập, này là sắc xanh của áo chàm, với nông thổ sản trên vai xuống, nọ là bóng áo nâu thấp thoáng ấy là những người miền xuôi mang theo muối, cá khô lên... để đổi lấy những sản vật của núi rừng.
Chợ không có cổng vào, cũng chẳng bảng tên, nhưng hễ nói đến là ai cũng biết, bởi nó họp trên cả một vùng rộng lớn của Lạng thành.
Đền thờ người có công mở mang phố chợ nằm trên đỉnh một con dốc dài, hằng năm cứ vào mùa xuân, người dân ở đây lại mở hội tưởng nhớ ông. Cuối con dốc ấy có một địa danh nghe khá lạ tai: Giếng Vuông. Lạ là bởi hễ nói đến giếng hẳn ai cũng nghĩ ngay đến cái miệng hình tròn. Nhưng riêng nó quả là vuông thật, nằm ngay sát con suối nhỏ chảy xuyên qua chợ, một thời là nguồn nước sinh hoạt của cư dân quanh vùng, giếng bây giờ không còn.
Chợ xứ Lạng hôm nay khang trang, to rộng, nhiều hơn, nhưng đã mất rồi cái gọi là bản sắc, chỉ còn hai ba dãy phố nhỏ nằm nơi khuất nẻo là còn bày bán dăm ba thứ hàng do người dân bản địa trồng trọt hoặc sản xuất ra, tôi gọi đó là sự níu kéo cuối cùng.
Khách đến Lạng Sơn bây giờ biết nhiều hơn đến chợ Tân Thanh, Đông Kinh hay chợ Đêm, với đặc nhan nhản những hàng điện tử, may mặc của Trung Quốc.
Cũng may, vẫn còn đó những đặc sản không thể trộn lẫn của nơi đây, ấy là món vịt quay béo ngậy bày bán nhiều nơi, mà đình đám hơn cả chính là dãy hàng ở cuối đường Bắc Sơn bây giờ. Hay là hàng coóng phù chỉ xuất hiện vào những chiều đông và đôi khi vẫn sáng đèn lúc đã khuya lắm. Lại thương người con gái thu mình trong giá rét cố đợi người khách muộn.
Thật là thiếu sót nếu dạo chợ Kỳ Lừa xong mà không tản bộ qua cây cầu nhỏ để sang bên kia sông, cầu này mang tên chợ, nhưng dân gian vẫn gọi là cầu sắt, đơn giản vì nó được xây dựng hầu hết từ thứ kim loại này. Với tôi, nó là một trong những cây cầu đẹp nhất. Nhỏ thôi nhưng rắn rỏi, cũng không kém phần điệu đà bởi hai dãy lan can dành cho người đi bộ, tôi chắc ai, nếu một lần đứng ở đó, trên cầu, ngắm hoàng hôn đang buông dài phía đại ngàn, hẳn sẽ rất khó quên.
Lại nữa, ở hai bên đầu cầu là hai địa danh tâm linh nổi tiếng, bờ Bắc có đền Kỳ Cùng được biết đến bởi sự linh thiêng ít thấy, bờ Nam là nơi tọa lạc của ngôi chùa cổ có tên Diên Khánh, tục gọi là chùa Thành. Mà tôi cũng thích cái tên tục hơn, nó mộc mạc, gần gũi, nhưng lại đầy vẻ tôn nghiêm thuần khiết. Ngày trước, tôi hay đi lễ chùa, đi chẳng phải cầu gì, chỉ là được nghe thoang thoảng mùi hương trầm ngan ngát trong gió sớm. Là để có đôi phút tĩnh tâm mà ngẫm nghĩ sự đời, cũng có khi là được nhìn thấy bụi mẫu đơn đang trổ bông bên bờ tường rêu phong cũ kỹ.
Nay, thì chẳng muốn nữa bởi dù cố tìm nhưng không thấy cái gọi là đi vãn cảnh chùa. Sư sãi thì cưỡi xe sang, ở phòng máy lạnh, xài đồ xa xỉ mà không chút bận tâm. Phật tử chỉ chăm chăm cầu lộc, cầu vinh... khấn vái, xin xỏ chẳng chút ngượng mồm nơi cửa Phật. Nghĩ mà thương thay cho những kiếp người.
Mà thôi, ta đi tiếp, đến khu bờ Nam của thành Lạng, người dân vẫn gọi là bên Tỉnh, nơi có những dãy phố dài, thẳng tắp, vỉa hè còn rộng hơn lòng đường, cây xanh phủ bóng mát quanh năm. Chỗ này là do người Pháp sau khi chiếm Lạng Sơn đã cho xây dựng làm khu hành chính, nhà ở cho quan chức thời đó.
Ngồi nhấm nháp cốc trà nóng trên hè phố, dưới nắng mai tràn ngập của một ngày đông, tôi nghĩ về tầm nhìn của người đã được giao trách nhiệm quy hoạch đô thị cho Lạng Sơn hơn trăm năm trước. Để đến tận bây giờ, nơi đây vẫn là một trong những thành phố đẹp nhất miền Bắc. Cái nhìn của bậc tiền nhân sao khác làm vậy so với lũ cháu con sau này.
Thoáng chốc, lại đã tàn ngày, nắng chiều chiếu xiên xiên trên những dãy tường thành còn vương lại dọc hè phố khiến cho tâm trạng của người lữ khách bỗng trở nên chơi vơi, xa vắng. Những thành xưa lối cũ, bóng liễu bờ lau... Giờ ở nơi đâu.
Bế Mạnh Đức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...