Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Còn đó nhiều thách thức
VNTN - Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là một xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, vấn đề này đang được Chính phủ và nhiều địa phương quan tâm trong đó có Thái Nguyên. Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC cho 5 năm tới đã được xây dựng và đang chờ HĐND tỉnh thông qua tại kì họp tới. Hy vọng điều này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, khuyến khích khởi nghiệp cũng như thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn cho nhân dân, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức…
Mới chỉ ở mức “xuất phát điểm”
Những năm gần đây, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất ngày càng nhiều. Việc đẩy mạnh ứng dụng, áp dụng tốt gói kỹ thuật canh tác tiên tiến đã giúp bà con nông dân giảm chi phí trong sản xuất, giữ được cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu sự độc hại cho môi trường và con người, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, trong trồng trọt đã có sự chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội của từng vùng. Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng đã chuyển động theo hướng trang trại tập trung, sản xuất hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 750 trang trại chăn nuôi, hầu hết đã được ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Tuy nhiên, việc áp dụng còn ở mức thấp, mô hình trình diễn (chỉ là các mô hình lồng ghép trong các nhiệm vụ trình diễn công nghệ kỹ thuật của một số đơn vị, sau đó có sức lan tỏa được doanh nghiệp và nông dân ứng dụng chứ nhà nước không đầu tư xây dựng các mô hình này một cách đại trà), quy mô nhỏ, chỉ là mang “bóng dáng” của CNC và chủ yếu là mang tính tự phát. Những điểm sáng chưa có nhiều.
Ở lĩnh vực trồng trọt, điểm sáng nhất có thể kể đến mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ). Đây là công ty đầu tiên có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Với vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng, công ty đã nhập dây chuyền thiết bị, phòng thí nghiệm nuôi cấy, ươm tạo giống nấm từ Đài Loan vào lắp đặt, sản xuất, xây dựng khu nuôi trồng với diện tích hơn 8.000m2 (sản lượng trên 100 tấn nấm tươi, trên 400 tấn nấm khô/năm, xuất khẩu trên 80%). Phú Gia đã áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp tiên tiến hiện đại, tự động hóa cao từ giai đoạn ươm tạo, nuôi cấy giống trong phòng thí nghiệm đến khi sản phẩm có mặt trên thị trường. Công ty Phú Gia sử dụng mùn cưa làm cơ chất để nuôi trồng nấm, trong quá trình nuôi trồng và bảo quản, không sử dụng bất cứ loại thuốc hóa học nào gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Một góc mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia
Ngoài điểm sáng Phú Gia, có thể kể đến một số mô hình: nhân giống hoa lan Vũ Nữ, lan Hồ Điệp, hoa cúc các loại, hoa đồng tiền, cây dược liệu; đầu tư xây dựng nhà lạnh để bảo quản hoa ở các vùng trồng hoa chuyên canh lớn của tỉnh như xã Huống Thượng (Đồng Hỷ), phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên); mô hình trang trại nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) với quy mô 23ha, mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, là mô hình nông nghiệp sạch với phần lớn thiết bị, công nghệ trồng, chế biến, bảo quản rau xanh được nhập từ Nhật Bản, do Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc đầu tư…
Mặc dù chưa hình thành được các khu, vùng và doanh nghiệp chăn nuôi CNC, nhưng trên thực tế, các CNC trong chăn nuôi (con giống, thiết bị, hình thức quản chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và xử lý môi trường…) đã được tiếp cận, chuyển giao và ứng dụng tuy rằng tỷ lệ ứng dụng còn ở mức thấp. Một số mô hình điển hình như: Chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt cao sản chất lượng cao, quy mô 2.500 con, ứng dụng công nghệ quản lý đàn, dinh dưỡng của châu Âu và Isarel tại huyện Định Hóa; Chăn nuôi gà ứng dụng CNC: giống cao sản, chuồng lạnh, tự động hóa chăm sóc, nuôi dưỡng; Chăn nuôi lợn áp dụng chọn giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống… được áp dụng tại một số trang trại tập trung tại các huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phổ Yên.
Một tin vui đến với nền nông nghiệp khi Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng thí điểm Khu Nông nghiệp CNC đầu tiên của tỉnh tại xã Tiên Phong (thị xã Phổ Yên) với công nghệ, cơ sở hạ tầng hiện đại và ứng dụng CNC vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến. Thông qua đó, sẽ xây dựng khu vực này trở thành trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả CNC trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao…
Trong tỉnh cũng đã xuất hiện thêm một số doanh nghiệp triển khai đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC và bước đầu mang lại những hiệu ứng tích cực. Có thể kể đến là: Dự án Trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Thái Cương, tại hai xã Bàn Đạt và Tân Khánh, huyện Phú Bình. Được triển khai từ tháng 8 năm 2016, Dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 15ha và triển khai trồng rau hữu cơ ngoài trời với diện tích khoảng 2ha. Việc sản xuất được áp dụng các phương pháp tự động hóa một cách triệt để, cùng với khâu tuyển chọn giống hết sức khắt khe, đặc biệt là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc. Ngoài ra, việc thực hiện các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất rau được đội ngũ 20 kỹ sư đã tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và đã có thời gian làm việc tại Isarel về sản xuất nông nghiệp sạch đảm nhiệm. Hoạt động của Dự án đã và đang mang lại những hiệu quả bước đầu đồng thời từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang hàng hóa gắn với thị trường. Hiện nay, gần 100 sản phẩm rau an toàn của dự án đang được cung ứng cho chuỗi thực phẩm an toàn Thái Cương (Số 4 đường Cách Mạng Tháng 8, thành phố Thái Nguyên).
Muôn vàn rào cản, thách thức
Đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi thời gian đầu tư dài hạn, khả năng rủi ro cao, đặc biệt là đầu ra của sản phẩm, khả năng tiêu thụ phụ thuộc vào biến động của thị trường trong nước và quốc tế, hay gặp tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ngoài ra còn một loạt các vấn đề về kỹ thuật canh tác, cây con giống… Đối với nông nghiệp CNC lại càng đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn như vốn lớn, công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại và phù hợp, mặt khác phải chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, giá bán cao, khó cạnh tranh.
Ở tỉnh ta, hình thức liên kết sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập thể, liên kết giữa các hộ dân sản xuất với nhau thành hợp tác xã, mô hình trang trại với quy mô lớn áp dụng một số CNC đang dần trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng hoạt động hiệu quả như mong muốn, không ít cơ sở đang rất lo lắng, điêu đứng và chật vật, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ sản phẩm, khẳng định thương hiệu…
HTX rau an toàn Thị trấn Hùng Sơn được thành lập từ tháng 10/2016, với quy mô trên 30 ha diện tích sản xuất, thu hút sự tham gia của 129 hộ dân, sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, đồng thời cũng ứng dụng một số CNC như giống cây trồng, cách chăm sóc nên chất lượng và sản lượng tăng lên đáng kể. Cả HTX trung bình mỗi ngày sản xuất được 2 tấn rau củ quả các loại, nếu đẩy mạnh sản lượng lên có thể lên đến 5-6 tấn/ngày. Có điều mặc dù sản lượng, chất lượng tốt hơn nhưng lại rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nguồn cung nhiều nhưng đầu ra thì không có, ngoài CTCP Chế biến nông sản Thái Nguyên thì chỉ có một số công ty nhỏ thu mua không tập trung, không đáng kể. Bà con buộc phải mang rau an toàn… ra chợ bán.
Ông Nguyễn Văn Lý, xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn, thành viên HTX chia sẻ: “Dù mang thương hiệu, chứng nhận VietGAP nhưng vẫn thường xuyên bị lép vế so với rau thông thường, bởi xấu mã hơn nhưng giá thành lại cao. Bán bằng giá rau chợ thì công sức lao động thành công cốc”.
Vùng sản xuất của HTX rau an toàn thị trấn Hùng Sơn - Đại Từ.
Trao đổi về vấn đề này, Ông Trần Văn Hạnh, giám đốc HTX bộc bạch: “Sản phẩm của chúng tôi thường có giá cao hơn 1 đến 2 nghìn đồng so với các loại rau thông thường. Lái buôn tại các chợ đầu mối nhập rau không rõ nguồn gốc với giá thấp nên bán rẻ. Điều này đánh đúng vào tâm lý ham rẻ của nhiều người tiêu dùng. Thế nên, rau an toàn bị mất lợi thế hoàn toàn”.
Trang trại chất lượng cao Nhật Huy (xóm Cà phê, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) được CTCP Xây lắp và Thương mại Nhật Huy đầu tư xây dựng từ cuối năm 2016. Với quy mô trên 3ha, mỗi năm có sản lượng 40 tấn, gồm 25 loại rau, củ quả an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP. Tuy mới hoạt động và vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, nhưng với mức tiêu thụ sản phẩm như hiện nay đã khiến ban quản lý trang trại không khỏi lo lắng. Hiện nay, trang trại mới chỉ có khoảng 20 khách hàng cá nhân thường xuyên mua sản phẩm, rất ít đơn hàng tập thể… Anh Đào Văn Lực (quản lý trang trại) chia sẻ: “Công ty hiện có 3 trang trại trong tỉnh, gồm 2 trang trại trồng trọt và 1 trang trại chăn nuôi. Thương hiệu sản phẩm đang là vấn đề chúng tôi rất quan tâm. Được tạo điều kiện xây dựng một gian hàng giới thiệu sản phẩm tại trung tâm thành phố để quảng bá sản phẩm, đang là mong mỏi rất lớn của chúng tôi”.
Sản xuất rau an toàn chủ yếu là chăm sóc thủ công (Trang trại chất lượng cao Nhật Huy xóm Cà phê, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ)
Đầu ra đã là một bài toán khó nhưng chưa phải tất cả, thời tiết, dịch bệnh và sự biến động giá cả của thị trường là những rủi ro vô cùng lớn mà con người không lường trước được. Năm 2016, các cơ sở chăn nuôi gà bị ảnh hưởng rất lớn do các dịch bệnh cúm gà H5N1. Đợt tết Nguyên Đán vừa qua, giá thịt lợn giảm mạnh khiến các cơ sở sản xuất thua lỗ nặng. Các thành viên HTX nông nghiệp Trung Na (Tiên Hội, Đại Từ) vẫn chưa nguôi được nỗi buồn khi ngày 18/3 vừa qua đã bị một trận tố lốc tàn phá nặng nề. Ông Nguyễn Văn Hội, giám đốc HTX ngậm ngùi: “Tháng 9/2016, đơn vị đã có hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm xuất khẩu, các thành viên đã mạnh dạn đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới có diện tích hơn 1ha, được đánh giá là có mức đầu tư lớn nhất, quy mô hoành tráng nhất hiện nay của tỉnh. Ngoài ra, HTX cũng tổ chức sản xuất rau an toàn các loại trên diện tích 4 ha đất liền khoảnh. Vậy mà, gió mạnh đã bẻ gãy các trụ cột, thanh giằng khiến tất cả diện tích gieo trồng bị ủi bằng. Mức thiệt hại ước tính sơ bộ lên đến hơn 2 tỷ đồng, bằng 60 - 70% chi phí đầu tư”.
Nhà lưới của HTX nông nghiệp Trung Na (Tiên Hội, Đại Từ) sau cơn lốc ngày 18/3 vừa qua.
Cần những việc làm kiên quyết, thiết thực
CTCP Chế biến nông sản Thái Nguyên là một trong những đơn vị đang tiêu thụ, quảng bá, đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng với số lượng lớn. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Đỗ Văn Cương cho biết: “Do nhận thức của cộng đồng và xã hội về các sản phẩm an toàn và chưa an toàn vẫn chưa thật sự rõ ràng. Các chế tài đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, buôn bán các sản phẩm kém chất lượng chưa được áp dụng một cách cứng rắn, dẫn đến việc lẫn lộn trong sản phẩm an toàn, ứng dụng CNC và sản phẩm thông thường”.
Ngày 5/3 vừa qua, công ty đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cùng với 15 tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm an toàn đề xuất với UBND tỉnh một số vấn đề cấp thiết để nông sản sạch có thể phát triển như: Thành lập ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm và kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp an toàn tỉnh Thái Nguyên; đề xuất chủ trương thành lập Hội Thực phẩm an toàn tỉnh; xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn, giám sát quy trình sản xuất xác nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó tổ chức dán nhãn thực phẩm an toàn cho các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chí, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ đầu mối và bếp ăn tập thể…
Việc nắm được nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm cũng là một vấn đề được người tiêu dùng rất quan tâm. Chị Quỳnh Anh (phường Trưng Vương) chia sẻ: “Thực phẩm an toàn có giá cao hơn một chút nhưng tôi vẫn chấp nhận sử dụng. Nếu biết được rõ nguồn gốc, từ đó biết qua đôi chút về quy trình sản xuất thì còn gì bằng”. Đây cũng là mong mỏi của rất nhiều người tiêu dùng Thái Nguyên.
Năm 2017, tỉnh ta đã xác định: tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh, tập trung sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC cho 5 năm tới với những nội dung, chính sách thiết thực, cụ thể như: Quy hoạch bố trí sử dụng đất đai cho các dự án nông nghiệp CNC; các giải pháp về nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, quy trình ứng dụng CNC trong sản xuất; các giải pháp về cơ chế, chính sách, vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC; thu hút các công ty thu mua bao tiêu sản phẩm nông sản; việc liên kết giữa “4 nhà”: nhà nước, nhà khoa học nông dân, doanh nghiệp đặc biệt được chú trọng và phát huy…, đang là mối quan tâm của cả xã hội. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh cho rằng: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi bền vững, mang lại hiệu quả cao cho sản xuất. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu lớn này, nếu chỉ có ngành Nông nghiệp - PTNT đơn phương thực hiện thì sẽ khó có thể thành công, mà cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương cùng bà con nông dân trong tỉnh.
Mặc dù còn nhiều rào cản và thách thức, nhưng nếu đồng lòng, các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ, trách nhiệm thì nhất định đề án sẽ thành công; Nền nông nghiệp tỉnh nhà sẽ có được những bước tiến lớn, xứng tầm với vai trò là trung tâm Việt Bắc.
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...