Nói nhiều, làm còn ít
VNTN - Việt Nam đã được thế giới cảnh báo khẩn cấp về tình trạng rác thải nhựa bức tử môi trường. Theo con số của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc, Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về số lượng rác thải nhựa ra đại dương. Đồ nhựa từ lâu chiếm ưu thế trong đồ dùng sử dụng hàng ngày của người dân. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, nếu năm 1990 là 3,8kg/năm/người thì năm 2015 là 41kg/người. Riêng túi ni-lông, mỗi hộ gia đình bỏ đi từ 4 đến 5 túi/ngày. Lượng nhựa thải ra môi trường xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp tăng trưởng cao nhất nước với mức tăng hàng năm từ 16% - 18%/năm. Nguy cơ “chìm” trong rác thải nhựa và “ô nhiễm trắng” cực kỳ nguy hiểm không phải đến giờ mới được cảnh báo. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Trong Đề án, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; giảm 50% sản phẩm này so với năm 2010 tại các chợ dân sinh; thu gom, tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải từ túi ni-lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt... Đề án nói trên được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện. Chưa dừng ở đó, ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/QĐ-TTg “Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, mục tiêu cụ thể là: Sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni - lông khó phân hủy... Mặc dù có nhiều văn bản chỉ đạo như vậy, nhưng tình hình ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa không những không được cải thiện mà ngày càng trầm trọng hơn. “Cuộc chiến” chống rác thải nhựa vì thế càng gian nan hơn. Gần đây nhất, tháng 6-2019, tại Lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi toàn xã hội chung tay chống rác thải nhựa; các doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị, nhà hàng không sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, để đến năm 2025 cả nước không dùng túi ni-lông. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều động thái triển khai, nhưng chủ yếu mới dừng ở tuyên truyền, kêu gọi và hội thảo. Nhiều khó khăn, lúng túng được những người có trách nhiệm đưa ra khi thực hiện “nói không” với túi ni-lông và đồ nhựa sử dụng một lần như: Mức thuế nhập khẩu nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam quá thấp khiến mặt hàng này rất rẻ; việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện môi trường chưa được quan tâm; thói quen phân loại rác chưa hình thành trong đại đa số người dân vv… Tại Thái Nguyên, lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 650 tấn/ngày, trong đó chất thải nhựa, ni-lông chiếm khoảng 10 đến 13%. Ngoài một phần nhỏ được thu gom, tái chế, đa phần rác thải nhựa được chôn lấp, đốt hoặc vứt bừa bãi ra môi trường gây mất cảnh quan và ô nhiễm nước, không khí. Từ năm 2017, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mô hình điểm tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Tại đây chị em thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi ni-lông và vận chuyển đến nơi tái chế. Với 30 thành viên tham gia, năm đầu tiên triển khai, chị em đã thu gom được 50kg rác thải nhựa, hơn 1.000 lon bia, bán gây quỹ được hơn 300 nghìn đồng. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phấn Mễ (huyện Phú Lương) có sáng kiến tặng làn cho hội viên đi chợ và kêu gọi chị em sử dụng các loại túi giấy, vải, cói, tre đan… thay đồ dùng nhựa và túi ni - lông. Những việc làm trên có ý nghĩa tích cực, nhưng còn nhỏ lẻ và mới ở phần “ngọn”. Trong khi, những nơi phát tán đồ nhựa, túi ni-lông dùng một lần nhiều nhất là chợ, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… thì chưa có động thái tích cực nào. Tại đây, các món chế biến sẵn hầu hết đựng trong hộp nhựa; người mua hàng được “phát” miễn phí túi ni-lông để đựng đồ. Việc phân loại rác nhiều năm qua vẫn lúng túng và chưa triển khai đại trà. “Ô nhiễm trắng” đang là mối đe dọa sống còn với sức khỏe và giống nòi người Việt Nam. Với cách làm còn hời hợt và lúng túng như chúng ta đang làm hiện nay, các mục tiêu Chính phủ đề ra nói trên khó thành hiện thực.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...