Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
07:55 (GMT +7)

Nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư bức hàng quân địch ở Đại Từ cần được công nhận là di tích lịch sử

VNTN- Một ngày cận Tết Quý Mão 2023, chúng tôi viếng thăm Đền Khuôn Gà (ở tổ dân phố Vân Long, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) và đến gặp ông Trần Duy Khang, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã (nay là thị trấn) Hùng Sơn, ở tổ dân phố Hàm Rồng, thị trấn Hùng Sơn để nghe kể về lịch sử ngôi đền này. Ông Khang là người chỉ đạo và tham gia biên tập cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Sơn (1945 – 2012) nên hiểu rất rõ về phong trào cách mạng của địa phương.

Clip: Ông Trần Duy Khang, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Sơn chia sẻ

Theo con đường bê tông mới trải chạy ngoằn ngoèo vắt qua Gò Xum, vào dốc Đỉnh Rồng, dọc theo chân Gò Đồn cũ, chúng tôi rẽ sang tổ dân phố Vân Long. Xuyên qua những vạt chè đang cúp ngọn phẳng phiu, đợi mưa Xuân bật mầm cho lứa mới, ô tô dừng lại ở lưng chừng đồi. Bước lên những bậc thềm dưới tán cây cổ thụ được quét dọn sạch sẽ, chúng tôi vào sân Đền. Người chúng tôi gặp đang quét lá ở sân Đền là ông Bàng Văn Quế, nhà ở ngay gần đây.

Ông Quế kể lại: Thời xa xưa xóm Khuôn Gà là một vùng rừng sâu núi thẳm, âm u trùng điệp, quanh năm mây phủ thuộc dạng thâm sơn cùng cốc của xã Hùng Sơn (nay là Thị trấn Hùng Sơn), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Xóm Khuôn Gà về sau đổi thành xóm Vân Long, đến nay thành Tổ dân phố Vân Long.

Người có công khai thiên lập địa tại làng Khuôn Gà là Cụ tổ của họ Bàng, cụ Bàng Đình Huy và vợ là Tạ Thị Diệu. Hai cụ lập nghiệp ở đây từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sinh được 2 người con là Bàng Văn Nhàn và Bàng Thị Mùi.

Khi ấy, gia đình cụ Bàng Đình Huy đã lập một ngôi đền nhỏ phía sau nhà để thờ Sơn thần, Thổ địa và Bà chúa Thượng ngàn để cầu an cho đại gia đình.

Con trai cụ tổ Bàng Đình Huy là cụ Bàng Văn Nhàn sinh ra 11 người con (7 trai, 4 gái), người con gái của cụ là Bàng Thị Mùi cũng sinh được 3 người con trai, tất cả con cháu nội ngoại đều ở quần tụ bên nhau tại xóm Khuôn Gà và một vài xóm gần kề. Vợ chồng cụ Nhàn ở với con trai út là ông Bàng Văn Vinh cho đến cuối đời. Sau này khi ông Bàng Văn Vinh qua đời, ngôi nhà và đất thổ cư đó lại chuyển cho con trai cả của ông là anh Bàng Văn Tuấn, cho đến nay.

Theo các các nhà nghiên cứu lịch sử ở địa phương cho biết: Khoảng đầu năm 1940, cụ Bàng Văn Nhàn được đồng chí Đặng Đức Giao một cán bộ của Huyện hội Việt Minh (gọi tắt là Ban Châu) đóng tại xã Yên Lãng vận động vào tổ chức hội và được giao nhiệm vụ là xây dựng một đường dây liên lạc từ Tân Trào sang Phú Lương, Võ Nhai với biệt hiệu là “Tiến Long”.

Từ đó cụ Bàng Tiến Long đã triển khai tổ chức xây dựng lực lượng và kiến tạo một căn cứ địa hoạt động ngay tại Khuôn Gà, cụ giao cho những người con trai lớn trong nhà các nhiệm vụ cụ thể là:

1 - Ông Bàng Văn Nhã phụ trách An ninh, phụ giúp cha phụ trách chung và tham gia các việc cơ mật.

2 - Ông Bàng Văn Thọ tổ chức nhóm giao liên làm nhiệm vụ liên lạc với Ban Châu đưa đón cán bộ.

3 - Ông Bàng Khang chịu trách nhiệm tổ chức, xây dựng lực lượng tự vệ, làm nhiệm vụ canh phòng thật nghiêm ngặt đảm bảo bí mật, nội bất xuất ngoại bất nhập, tuyên truyền nhân dân thực hiện “ba không” chống kẻ gian xâm nhập.

Quang cảnh bên ngoài Đền Khuôn Gà
Quang cảnh bên ngoài Đền Khuôn Gà

Ông Khang đã xây dựng Tổ Tự vệ tại Khuôn Gà gồm các ông Bàng Văn Nhã, Bàng Văn Phúc, Trần Văn Thịnh, Nguyễn Văn Thụ, Trần Văn Khuôn, Trần Văn Luân… do ông Bàng Khang làm Tổ trưởng, bảo vệ từ dốc Nhà Cà (Đỉnh Rồng) vào đến dốc Dạt, khu vực này giáp ranh với xã Tiên Hội, vòng sang đát Học (*), giáp xã Tân Linh.

Tổ Tự vệ thay nhau tuần tra canh gác suốt ngày đêm, đảm bảo cho nhân dân yên tâm lao động sản xuất, tạo nên một khu an toàn bí mật. Ngoài ra cụ Long còn có người con rể cả là ông Trần Văn Tân làm nhân viên văn phòng tại nhiệm sở của tri huyện, đây là nơi làm việc của bộ máy chính quyền thuộc địa và nơi đóng quân của quân đội thực dân Pháp, tiếp sau là Nhật, nên mọi thông tin tình hình của địch đều được ông Tân nắm rõ và bí mật cung cấp cho cách mạng.

Trong thời kỳ hoạt động của Hội Việt Minh, ngôi nhà của cụ Nhàn đã là nơi gặp gỡ trao nhận tin mật và nghỉ chân của cán bộ Việt Minh. Ngoài việc nuôi giấu cán bộ cách mạng, gia đình cụ Nhàn (Bàng Tiến Long) còn là nơi hội họp, tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ trước khi đưa về các tỉnh hoạt động, có Tổ Tự vệ tuần tra cảnh giới bảo vệ cẩn mật.

 Để thuận lợi cho việc hoạt động bí mật và đảm bảo an toàn cho cán bộ ta, năm 1942, cụ Nhàn đã chọn vị trí trên quả đồi sau nhà con trai cả là ông Bàng Văn Nhã để dựng ngôi Đền. Tại đây có thể quan sát được toàn bộ xóm làng và phát hiện được người lạ đi vào từ mọi hướng.

Từ đỉnh đồi nơi đặt ngôi Đền có thể quan sát được toàn bộ xóm làng theo mọi hướng
Từ đỉnh đồi nơi đặt ngôi Đền có thể quan sát được toàn bộ xóm làng theo mọi hướng

Đền được làm bằng gỗ có 4 gian, gian giữa là nơi đặt bát hương thờ cúng thần linh, thổ địa, gian bên trái là nơi quan sát tiếp khách, còn hai gian bên phải thông nhau là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật và mở lớp đào tạo bồi dưỡng tư tưởng cho cán bộ Việt Minh trước khi đi về các tỉnh hoạt động. Ngôi đền này, ngày thường rất vắng vẻ và u tịch, nên những việc hệ trọng, cơ mật đều được chuyển đến những gian trong của ngôi đền để bàn bạc và thảo luận. Các cán bộ Tiền Khởi nghĩa như ông Bảo Sơn, ông Sao, ông Kỳ Trang, ông Lý Quảng, ông Tiền Phong, ông Nhất Quý, ông Trường Sơn, ông Tam Sơn, ông giáo Thái, ông giáo Giao, ông Nam Tiến, ông Thái Sơn v.v., thường được tổ chức hội họp tại đây.

Cũng từ chính nơi đây, căn cứ Khuôn Gà trở thành một nơi an toàn và rất bí mật đưa cán bộ Việt Minh di chuyển từ Võ Nhai, Phú Lương sang Tân Trào, hoặc từ Tân Trào về Phú Lương hay Võ Nhai.

Ông Khang (phải) cung cấp tư liệu lịch sử cho nhóm tác giả. Ảnh: Hồ Điệp
Ông Khang (phải) cung cấp tư liệu lịch sử cho nhóm tác giả. Ảnh: Hồ Điệp

Những công lao đóng góp của cụ Bàng Tiến Long và nhân dân xóm Khuôn Gà đã được tóm tắt tại trang 29 cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Sơn (1945 - 2012) xuất bản năm 2015, như sau:

“Khi Cứu quốc quân mở đường liên lạc qua xóm Vân Long thuộc Hùng Sơn, đã được gia đình cụ Nhàn (tức Bàng Tiến Long), bí mật giúp đỡ, đồng thời một số thanh niên ở đây đã được giác ngộ, tham gia vào Đội Tự vệ Cứu quốc. Vân Long trở thành một điểm liên lạc an toàn trên đường từ căn cứ Núi Hồng sang địa phận huyện Phú Lương, Võ Nhai...”.

Ngày 16/8/1945, theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, đội quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp (khi ấy là Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam) chỉ huy, xuất phát từ căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang), tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên.

Chiều 17/8/1945, đoàn Giải phóng quân tập kết tại xóm Đồng Măng, Đồng Cọ xã Yên Lãng để bổ sung lực lượng và lương thực. Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trao đổi với các đồng chí lãnh đạo địa phương về mục đích chủ trương khóa chặt đồn Nhật ở huyện lỵ. Đồng chí Đường Nhất Quý, Lương Văn Đổng và đồng chí Ảnh - Cán sự Châu Giải phóng được giao nhiệm vụ chỉ huy 1 trung đội Cứu quốc và 3 đại đội Tự vệ chiến đấu, bao vây quân Nhật ở huyện lỵ Đại Từ, không để chúng liên hệ với quân dưới thị xã Thái Nguyên nhằm ứng cứu nhau.

Đêm 17 rạng ngày 18/8/1945, đoàn quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã bí mật kéo về xóm Vân Long, một căn cứ an toàn, bí mật và là cơ sở quan trọng của Ban Châu. Quân chủ lực được bí mật đóng trong các khu rừng, Ban Liên lạc đóng tại ngôi nhà của cụ Bàng Tiến Long, Ban Tham mưu cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp trú tại ngôi đền Khuôn Gà.

Tại đây, có quân đội canh gác vòng trong rất cẩn mật, Tổ Tự vệ Khuôn Gà được phân công cảnh giới vòng ngoài vô cùng chu đáo. Sau khi được gia đình cụ Bàng Tiến Long cùng nhân dân xóm Vân Long giúp đỡ thu xếp nơi ăn chốn ở, bộ phận hậu cần (chủ yếu là tự vệ của các xã trong huyện tình nguyện đi theo) đã cùng với nhân dân lo ăn ở cho đoàn quân. Cụ Long sai con cháu xay thóc, giã gạo, thịt dê, thịt gà; ông Bá Bản và bà Nhiêu Hàng là hai gia đình khá giả ngoài xóm Hàm Rồng được tin báo cũng cho người đem gạo, muối thực phẩm vào giúp đỡ...

Các nhân chứng lịch sử cho biết: Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đề xuất với ông Long cho người dẫn đường để tìm vị trí có thể quan sát được đồn địch đóng trên đồi huyện. Cụ Long cử con trai mình là ông Bàng Văn Thọ đưa đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đội kỹ thuật đi men theo đát Giếng qua khe cây Quyếch ra khu gốc Sấu và băng rừng lên đỉnh gò Đồn (là ngọn núi cao nhất trong vùng, gần bờ sông ở khu Miếu Mỏ, xóm Hàm Rồng).

Ông Bàng Văn Thọ (trái), con trai cụ Bàng Tiến Long gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2000. Ông Thọ là người đưa Đại tướng đi quan sát đồn huyện và nhận thư bức hàng quân Nhật của Đại tướng để chuyển cho ông Tân. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp.
Ông Bàng Văn Thọ (trái), con trai cụ Bàng Tiến Long gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2000. Ông Thọ là người đưa Đại tướng đi quan sát đồn huyện và nhận thư bức hàng quân Nhật của Đại tướng để chuyển cho ông Tân. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp.

Từ trên đỉnh gò Đồn, nhìn rất rõ đồn cao (đồn binh) và đồn thấp (đồn hành chính) của huyện Đại Từ. Tại đây, bộ phận kỹ thuật có cả chuyên gia người Mỹ (Biệt đội Con Nai, được cử sang giúp Việt Minh khi ấy) đã chọn vị trí đặt ống nhòm cho Đại tướng quan sát kỹ đồn Nhật trên đồi huyện. Đồng thời, cụ Long cho người bắn tin cho ông Trần Văn Tân là con rể làm việc trong phủ huyện. Ông Tân bí mật truyền tin về: Tình hình quan quân địch trên phủ huyện đang hoang mang cực độ.

Sau khi đi thị sát đồn Nhật trở về, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cho mời cụ Long ra ngoài Đền. Tại đây, đã diễn ra một cuộc họp bí mật kéo dài vài giờ đồng hồ. Sau khi nghe cụ Long báo cáo thông tin tình hình địch trong đồn huyện đang rất hỗn loạn lo sợ và bên ngoài đồn dân quân tự vệ và du kích đang tập trung bao vây chờ lệnh.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp suy nghĩ hồi lâu, ông quyết định viết một bức thư giao cho đồng chí Phạm Huy Động và đồng chí Nam Tiến cử người đem lên đưa cho quan tri huyện lúc đó là Ngô Tuấn Tiếp. Theo nhật ký của đồng chí Nhị Quý thì có 3 người tham gia chuyển bức thư đó, là ông Bàng Văn Thọ, Trần Văn Tân và ông Vỵ con bà xếp Dần. Sau khi giao bức thư cho cán bộ địa phương, đồng chí Võ Nguyên Giáp tập hợp lực lượng, tiếp nhận thêm lương thực, thực phẩm, chuẩn bị đầy đủ mọi nhu yếu phẩm cần thiết, cảm ơn cụ Long và bà con nhân dân. Đồng chí quyết định không đánh đồn Đại Từ mà lệnh cho đoàn quân tiếp tục luồn rừng qua xã Phục Linh, An Khánh tiến thẳng về giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên.

Sự kiện này cũng được tóm tắt trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hùng Sơn xuất bản năm 2015. Tại trang 33 có ghi: “Ngày 16/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, một đội Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang), về giải phóng thị xã Thái Nguyên. Ngày 18 tháng 8, trên đường hành quân, đơn vị có đi qua và nghỉ tại Khuôn Gà, xóm Vân Long, xã Hùng Sơn. Tại đây đoàn đã được gia đình cụ Nhàn (Bàng Tiến Long) và bà con trong vùng tiếp đón ân cần, lo nơi ăn, chỗ nghỉ chu đáo...".

Ông Trần Duy Khang, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hùng Sơn là người chỉ đạo và tham gia biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã cho biết: Trong quá trình làm tư liệu, chúng tôi đã tìm gặp nhân chứng, thu thập tài liệu đầy đủ để khẳng định sự kiện đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đơn vị Quân Giải phóng trên đường từ Tân Trào về giải phóng thị xã Thái Nguyên đã dừng chân tại khu vực Đền Khuôn Gà, xóm Vân Long là hoàn toàn chính xác. Khi đóng quân ở đây, vị trí Đền ở trên cao nhất, có thể quan sát rộng khắp bốn xung quanh nên được đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi chỉ huy. Đêm 17 rạng ngày 18/8/1945, khi thảo bức thư bức hàng quân Nhật, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết tại Đền Khuôn Gà là hoàn toàn có căn cứ khoa học.

Lại nói về tình hình địch trên đồn huyện, khi bị dân quân du kích bao vây, cộng với tình hình quân Nhật đang thua trận khắp nơi, quân sĩ hoảng loạn hoang mang, bộ máy tay sai cũng hốt hoảng lo sợ trước nguy cấp khi biết quân Nhật sắp bại trận. Tri huyện Ngô Tuấn Tiếp trở vào phòng làm việc thấy trên bàn có một phong thư lạ, hắn gọi hỏi nha dịch không tên nào biết ai đưa đến, hắn quát tháo đuổi hết ra ngoài và đóng cửa đọc thư. Đọc xong, hắn toát mồ hôi hột, nhưng vấn cố tỏ ra bình tĩnh như không có gì xảy ra. Nhưng sáng hôm sau, binh lính trong đồn nhốn nháo vì không thấy Tri huyện đâu. Được tin Ngô Tuấn Tiếp bỏ trốn, ta phao tin và hô hoán như có đại quân sắp công phá đồn, quân lính và đám dân binh trong đồn hỗn loạn la ó rồi lũ lượt kéo cờ trắng ra hàng, du kích ta xông vào bắt và giải tù binh, thu giữ tài liệu, súng đạn.

Đền Khuôn Gà, nơi phát tích bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bức hàng quân Nhật ở đồn trung tâm huyện Đại Từ
Đền Khuôn Gà, nơi phát tích bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bức hàng quân Nhật ở đồn trung tâm huyện Đại Từ

Như vậy, chính nhờ có lá thư bức hàng của đồng chí Võ Nguyên Giáp, mà lực lượng địa phương đã không tốn một viên đạn, không phải đổ một giọt máu, chiếm trọn vẹn đồn binh trung tâm của quân đội Nhật tại huyện Đại Từ.

Sau khi giải phóng thị xã Thái Nguyên, một cán bộ Việt Minh có biệt danh là Thị Sinh giao cho cụ Tiến Long vận động Tổ Tự vệ và nhân dân vận chuyển số vũ khí thu được của giặc đem về xóm Vân Long cất giữ, cụ đã cho dựng một kho bí mật tại khe Kẹp Bị và giao cho ông Bàng Văn Thọ phân công tự vệ canh gác ngày đêm.

Nhận rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp là tìm mọi cách để trở lại thống trị Việt Nam và cả Đông Dương, Đảng và Chính phủ ta đã tranh thủ mọi khả năng kéo dài sự hòa hoãn, nhằm tích cực chuẩn bị mọi mặt, mọi lực lượng để sẵn sàng cho cuộc chiến tranh lâu dài. Đồng thời, cử nhiều đoàn cán bộ quay lại Việt Bắc xây dựng căn cứ địa lập An toàn khu (ATK), cho các cơ quan trung ương ở và làm việc lãnh đạo kháng chiến. Trong đó, Khuôn Gà (còn gọi là Khuân Gà, xóm Vân Long) được cơ quan Bộ Quốc phòng chọn làm nơi cất giấu vật tư, vũ khí của quân đội. Nhân dân được quán triệt thực hiện nghiêm chủ trương “3 không” (Không nói những chuyện lộ bí mật; Không nghe những điều liên quan đến giữ bí mật; Không chỉ đường cho những người lạ đến cơ quan, kho tàng và và bộ đội trú quân).

Với công lao ủng hộ giúp đỡ, bảo vệ cán bộ và kho xưởng sản xuất phục vụ kháng chiến, năm 1947, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tặng Bằng khen cho cụ Bàng Tiến Long. Tấm Bằng khen đó hiện được đưa vào đền Khuôn Gà, tại ban thờ hai Cụ, trong đó ghi: “Cấp cho ông Bàng Tiến Long, 42 tuổi. Ở xã Thành Công, phủ Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để ghi công giúp cán bộ, giữ cơ quan ”. Bên dưới ghi rõ: Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 1947 Dân chủ Cộng hòa năm thứ III, do Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc bộ Nguyễn Xiển ký.

Tấm Bằng khen do Chính phủ cấp cho ông Bàng Tiến Long hiện được lưu giữ tại Đền Khuôn Gà.
Tấm Bằng khen do Chính phủ cấp cho ông Bàng Tiến Long hiện được lưu giữ tại Đền Khuôn Gà.

Sự kiện Đại đoàn quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy dừng chân tại xóm Vân Long và căn cứ bí mật đền Khuôn Gà ít người biết đến. Cho đến năm 1997, ông Trần Văn Tân khi về già mới viết thư tay gửi cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại câu chuyện ông được đưa bức thư do Đại tướng viết cho quan huyện thời bấy giờ.

Năm 1998 ông Trần Văn Tân được Chính phủ tặng Bằng có công với nước theo Quyết định số 07/TTg, ngày 05/1/1998 (do Thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải ký).

Ngày 25/7/2000 sau 55 năm, ông Bàng Văn Thọ gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu An dưỡng Đoàn 16 Hồ Núi Cốc. Hai người ôm nhau, ôn lại chuyện cũ. Tấm ảnh chụp khi hai người bạn già ngồi ôn lại những ngày gian nan chiến đấu giúp chúng ta gặp lại những chiến sĩ cách mạng kiên trung năm xưa, khi giờ đây họ đều đã trở về thế giới người hiền.

Như vậy, đền Khuôn Gà là nơi đã từng là nơi được lực lượng Việt Minh của ta bàn thảo những vấn đề cơ mật và hội họp. Đặc biệt là nơi ghi dấu ấn sự kiện đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng làm nơi nghỉ chân và tổ chức cuộc họp quan trọng tối mật đêm 17 rạng ngày 18/8/1945; là nơi phát tích bức thư bức hàng quân Nhật của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Ngày nay, nhân dân địa phương trong vùng và du khách thập phương về đây làm lễ dâng hương, nhưng hầu như họ chỉ được biết đây là ngôi đền thiêng nhờ các vị thần linh đã phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà cửa yên vui, con cái trưởng thành, trai hiền gái đẹp, chứ ít ai biết được đây còn là một di tích lịch sử cách mạng.

Đền Khuôn Gà nay không còn là riêng của một dòng họ nữa, mà trở thành nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân trong vùng. Hàng năm, có rất nhiều du khách thập phương, các đoàn tham quan, các tổ chức Phật giáo về thắp hương làm lễ cầu an cứu độ chúng sinh.

Ông Bàng Văn Quế, ông Trần Duy Khang đều cho biết: Nguyện vọng của người dân Vân Long và gia đình, con cháu cụ Bàng Tiến Long đều mong muốn các cấp có thẩm quyền lập hồ sơ và công nhận Di tích lịch sử cho Đền Khuôn Gà. Việc làm này không chỉ giúp ghi nhận và bảo tồn di tích, mà còn giúp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế  hệ mai sau. Di tích sẽ không chỉ là niềm tự hào của riêng xóm Vân Long mà là niềm tự hào của cả địa phương, từ thị trấn đến cấp huyện và tỉnh.

Clip: Ông Bàng Văn Quế chia sẻ nguyện vọng của gia tộc về ngôi đền

Chúng tôi thả dốc trở lại cầu Huy Ngạc để ra thị trấn Hùng Sơn khi những ánh nắng xuân đang chiếu nghiêng vào những cành đào khoe sắc. Đất trời như bừng giấc. Xuân đã về với bao niềm tin, hy vọng, hiện hữu trên những khoé mắt, nụ cười của mỗi người dân.

Văn Vượng - Trần Thép

------------

(*) Tiếng địa phương, “đát” là khe, lạch nhỏ hơn suối, thường nằm giữa các quả đồi.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy