Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
09:39 (GMT +7)

Niên phả lục – thiên kí sự chính trị xuất sắc trong văn xuôi trung đại Việt Nam

LTS: Văn học trung đại Việt Nam mở ra từ năm 939 với thành tựu lớn lao của thơ, mãi đến năm 1755, thể kí mới ra đời. Tác phẩm kí đầu tiên là Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề hoàn thành năm 1755, và 9 năm sau, Niên phả lục của Trần Tiến đã xuất hiện, trong đó có nhân vật trung tâm là Tham tụng Thượng thư Trần Cảnh. VNTN đã có lần giới thiệu về ông trong việc chống tham nhũng và biên soạn bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam năm 1749. 

Bài viết sau đây của nhà thơ Trần Nhuận Minh giới thiệu về sự đóng góp của tác phẩm Niên phả lục về mặt thể loại, với tư cách là một tập kí sự chính trị lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt Nam.


 

Niên phả lục là một quyển kí sự chính trị rất đặc sắc của Trần Tiến (1709 - 1770). Ông người làng Điền Trì, nay thuộc huyện Nam Sách, Hải Dương, tự là Khiêm Đường, hiệu là Cát Xuyên, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748), làm quan Phó đô Ngự sử, tước Sách Huân Bá, sau thăng Lễ bộ thượng thư. Ông là tác giả các bộ sách: Đăng khoa lục sưu giảng, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Cát Xuyên tiệp bút, Cát Xuyên thi tập, Niên phả lục… Sách giáo khoa phổ thông Ngữ văn lớp 10 - nâng cao vinh danh Trần Tiến là một trong năm nhà viết kí xuất sắc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam, cùng với Vũ Phương Đề, Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ, Lý Văn Phức. Các tác phẩm tiêu biểu của năm nhà văn trên đều viết bằng chữ Hán.

Trong năm nhà văn lớn đó, thì Vũ Phương Đề (1697 - ?) là tác giả Công dư tiệp kí (1755) - ghi chép về các danh thần, danh nho, những người tiết nghĩa và các chuyện dân gian thần quái, ác báo; Lê Hữu Trác (1720 - 1791) là tác giả Thượng kinh kí sự (1783) - viết về việc ông từ Hà Tĩnh lên Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, con trai chúa Trịnh Sâm; Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) là tác giả Vũ Trung tuỳ bút (viết sau năm 1823) - tác phẩm gồm tiểu truyện về các danh nhân, các thắng cảnh du lãm, và các khảo cứu về địa lí, phong tục, lễ nghi, ẩm thực…; Lí Văn Phức (1785 - 1849) ghi chép các sự việc trên đường đi công vụ sang Tây Dương (tức Bengale) năm 1830, sang Yên Kinh (Trung Hoa) năm 1841.

Niên phả lục (1764) của Trần Tiến thì khác hẳn. Theo tôi, đây là tác phẩm lớn nhất của kí trung đại Việt Nam. Tác phẩm gồm 2 tập. Tập 1 - Tiên Tướng công niên phả lục, Trần Tiến viết về người cha của ông là Diệu Quận công, Tham tụng Thượng thư Trần Cảnh, từ lúc sinh ra, rồi ra làm quan nhưng vô cùng lận đận, theo vua đi đánh dẹp nông dân khởi nghĩa, đứng đầu đến 4 bộ (Công, Binh, Hộ, Lễ), 2 lần làm tể tướng, rồi chống tham nhũng, bênh vực dân nghèo bị quan lại cướp ruộng đất nên nổi loạn…, cho đến khi ông từ trần. Về văn chương, tập này được viết rất uyên bác, thâm hậu, “rất hay, bút pháp của đại gia”, “sâu kín, nhưng rõ ràng, ý tại ngôn ngoại”, cảm giác rất rõ là tác giả đã học tập và kế thừa bút pháp Sử kí của Tư Mã Thiên. Trong tập còn bộc lộ nhiều quan điểm về chính trị xã hội, đến nay “vẫn còn nguyên giá trị” và có ý nghĩa thời sự. Về nghệ thuật, “Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, có một người dám đứng ra bộc lộ cái tôi của mình”. “Đây là một tập nhật kí, dùng nhiều thể văn đan xen: kí sự, tùy bút, trữ tình, tự sự, bình luận”. Vì thế, “nó không giống bất cứ một ai trước đó, đồng thời đặt nền móng cho những người đi sau noi theo như Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ” (Nguyễn Đăng Na - Lời giới thiệu).

Tiếp theo là 8 văn bản có liên quan đến tập kí trên, vừa như minh họa vừa như bổ sung, nên vì thế, kết cấu vẫn chặt chẽ trong sự nhất quán của một tác phẩm, trong đó có những văn bản rất có giá trị về lịch sử và văn hóa, như Bài khải về binh chế của Trần Cảnh, tâu vua: “Đạo trị nước và giữ nước, gốc ở binh chế”, khuyên vua nên giữ phép “tỉnh điền” và thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”; như Bài khải dâng vua khi hộ giá Tây chinh: “Bọn giặc cũng là dân đen của triều đình”, nên xin vua dung tha cho họ sau khi họ đã bị bắt; như thư từ trao đổi giữa các tướng lĩnh ở thời Lê... Đặc biệt là bài Tựa sách Minh nông chiêm phả, do chính Trần Cảnh viết, với dung lượng, bố cục và nội dung mang giá trị cao của bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Tập 2 - Trần Khiêm Đường niên phả lục, Trần Tiến tự viết về mình, thuật lại việc đi thi rồi đi chấm thi của tác giả, mà như ta được biết, lúc đó đi thi, thi đỗ, nhiều trường hợp đã là kết quả của hối lộ và mua bán bằng cấp. Câu đầu tiên, Trần Tiến viết: “Tôi họ Trần, thuở bé tên là Tân, lớn lên tên là Kính, lại có tên là Tiến, tự là Khiêm Đường, con của Thừa tướng Trần công, do bà Quận phu nhân họ Nguyễn sinh ra…”

Với tác phẩm này, Trần Tiến đã khai sinh ra một thể loại kí mới trong văn xuôi trung đại Việt Nam là kí tự thuật. PGS-TS Nguyễn Đăng Na nhận xét: “Và điều quan trọng nhất chính là, lần đầu tiên trong văn xuôi tự sự Việt Nam, có một tác phẩm kí tự thuật. Chỉ khi con người ý thức được về mình, ý thức được về vai trò và vị trí của mình, thì, loại hình tự thuật mới ra đời. Ở thời trung đại, mấy ai dám làm như vậy?”.

Khác với các tập kí khác, lấy sự việc làm trung tâm, hoặc các truyền thuyết hoang đường, ma quái, các câu chuyện dân gian, các khảo sát phong tục, phong cảnh du lãm hay ẩm thực, để làm nên nhiều trang văn đặc sắc,  Niên phả lục không có những yếu tố đó. Nói như Nguyễn Đăng Na, nó là cả một xã hội sôi bỏng, với những “lòng người chia lìa, đồng liêu đố kị, vua thì tăm tối, tiền hậu bất nhất, quan lại thì tham lam tàn bạo, lợi dụng đục nước béo cò”… “Đặc biệt cuộc nổi dậy của ba ông hoàng (Duy Mật, Duy Quy, Duy Chúc ở Thanh Hóa những năm 1738 - 1739 và những cuộc nổi dậy tiếp theo của Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Vũ Trác Oánh,… rồi Nguyễn Hữu Cầu…”, nó đi thẳng vào các vấn đề chính trị gay gắt nhất của đất nước ở thời đó. Có thể nói đây là kí sự chính trị. Nó lại lấy con người hoạt động chính trị làm trung tâm, và đặc biệt, con người này lại ở phía bên kia - tạm gọi như thế - nghĩa là bên đi đánh dẹp nông dân khởi nghĩa, với “những cảm xúc”, “những băn khoăn, trăn trở, ưu thời mẫn thế”, khắc họa nhiều tâm trạng, các tình huống và cả số phận. Điều này chưa từng có trong kí trung đại Việt Nam.

Về xã hội chính trị, nó nói rõ nông dân bị cường hào ở các làng xã cướp ruộng đất, đàn áp bức bách và bần cùng, đến mức họ chỉ còn một con đường cuối cùng là “gửi thân cho giặc” chống lại triều đình. Nó mô tả quân giặc rất mạnh và qua làng xã nào cũng “tuyệt đối không tơ hào đến cái kim sợi chỉ của dân”, trong khi quan quân của triều đình, “về danh nghĩa là đi đánh giặc,  nhưng thực chất là đi cướp của dân. Thảy đều như vậy”. Chúng “tung hoành bạo ngược, dung túng bọn tướng sĩ cướp đoạt tài vật của dân gian, vơ vét từ chổi cùn rế rách” của dân. Đám quan quân này đến đâu là “đục khoét ăn nhậu, vui say tửu sắc, cờ bạc thâu đêm suốt sáng, khi giặc đến thì bỏ cả ấn tín mà chạy...”. Nó mô tả các cuộc họp trong triều, các quan lớn chỉ đưa mắt nhìn nhau, chờ đón ý chỉ của nhà vua rồi mới nói đưa đà, ve vuốt, nịnh bợ, “không ai dám nói một câu nào theo ý mình”. Nó mô tả ngay cả bậc hoàng thượng cũng sáng nói một đàng, chiều làm một nẻo. Sáng thì “khen là có công khai quốc, khen ngợi không tiếc lời”, chiều lại “thăng có một tư, lòng dạ không biết thế nào mà lường. Chỉ trong một khoảng khắc đã đổi thay như vậy, huống chi là lâu dài?...”. Khi điều hành việc nước, vua  thường “bày ra nhiều việc tạp dịch, trưng dân ngày càng phiền nhiễu, gây nhiều khổ sở cho dân”. Trong việc quan, vua “thường dùng lũ bẻm mép, cho họ là hiền tài”. Đất nước vì thế mà suy vong. Có lẽ đây là tác phẩm duy nhất trong các kí trung đại mô tả trực tiếp nhà vua (vua Lê Hiển Tông) bằng những đường nét khách quan, không mấy sáng sủa…

Về quân sự, nó mô tả các cuộc giao tranh của quân triều đình và quân khởi nghĩa, như một quyển nhật kí chiến tranh. Nguyễn Đăng Na nhận xét: từ trước đến nay, “chưa có tài liệu nào ghi lại đầy đủ, chính xác đến từng  ngày, từng giờ, từng địa điểm, số quân, số thuyền bè, súng ống, diễn biến chiến sự… như bộ Niên phả lục của Trần Tiến”. Nó mô tả rất trung thực, khách quan hai trận tuyến, nhưng chủ yếu là từ phía quân triều đình, với  nhiều cuộc thắng to và cũng không ít cuộc thất bại thật thảm hại. Có hải đội ra quân, cuối cùng “bị thua và bị giết, toàn quân bị lật chìm, tướng sĩ thì không một ai chạy thoát”. Viết về nông dân khởi nghĩa, gọi họ là “giặc”, tâu vua là họ “làm càn”, nhưng trong cả bộ sách, tuyệt không có một chữ nào xúc phạm, khinh miệt hay lên án họ, kể cả khi họ tàn phá gia đình mình, làng mình để trả thù. Đó cũng là một điều hiếm thấy trong các tác phẩm về chiến tranh từ xưa đến nay.

Về nhân vật, trong Niên phả lục, tác giả và nhân vật do tác giả xây dựng, thành nhân vật trung tâm “để từ đây, mọi sự kiện được quan sát, đánh giá, miêu tả dưới điểm nhìn trực diện của anh ta. Điều này, tất cả các tác giả trước đây, chưa một ai làm được” (Nguyễn Đăng Na). Chỉ xin nói về nhân vật Trần Cảnh. Đây là những chi tiết Trần Tiến ghi về người cha của mình trong đời thường, không phải là hư cấu theo phương pháp xây dựng nhân vật của tiểu thuyết. Có lẽ vì thế chăng mà nhân vật hiện lên rất sống động, từ những việc nhỏ bé hằng ngày với những phẩm chất mà đến nay vẫn có thể còn làm cho chúng ta ngạc nhiên.

Trong tập kể nhiều chuyện về ông. Khi làm Hiệp trấn Sơn Tây, có người phạm tội tham nhũng, bán cả nhà đi biếu ông, lại có quan đồng liêu xin cho, ông không nhận và “vẫn xử tử hình, tịch thu toàn bộ gia sản”. Rồi có một nhà buôn xin được vua cho phép độc quyền bán muối. Văn bản đến tay ông, ông không cho thực hiện và lập tức tấu trình xin hoàng thượng bãi bỏ, vì được thế, anh ta sẽ bán bóp chẹt dân, vì không có muối thì dân sống thế nào được, vua đành thôi, không nói gì.

Khi đang làm Tế tửu Quốc tử giám, thì Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ nổi dậy ở bản huyện, vua cử ông làm tướng tiễu trừ. Ông xin vua cử người khác, vì cùng quê, lại có quan hệ tốt với tiến sĩ Nguyễn Mại, cha của  Nguyễn Tuyển, nhưng vua dứt khoát không nghe. Do đó quân của Nguyễn Tuyển đã tràn vào làng, phá đình làng, đốt cháy các xóm mạc, san phẳng nhà ông, đào mộ mẹ ông, rồi chém chết cả gia đình họ Nguyễn Xuân, người trông coi nhà ông, vì không khai mộ cha ông, mộ ông nội ông và mộ thượng tổ họ Trần ở chỗ nào để cho nghĩa quân khai quật (Hậu duệ của gia đình này suốt 270 năm đều được Dòng họ mời dự giỗ và tri ân hằng năm - cho đến hiện nay). Vậy mà đến khi cuộc khởi nghĩa tan, quân sĩ 700 người bị bắt, vua cho xử tử, ông mất ngủ một đêm soạn tờ khải, sáng sớm sau dâng vua “cúi xin chúa thượng mở lòng hiếu sinh lớn lao của trời đất” mà “an ủi trăm họ ngày đêm mong ngóng”, xin cho chỉ chém một chủ tướng là Cừ (văn bản không ghi họ và không thấy ghi Nguyễn Tuyển) còn phó tướng thì chặt chân, để không làm loạn lần sau, rồi tha, còn lại xin tha hết, vì họ cũng là dân đen của triều đình, chỉ muốn làm ăn yên ổn, vì bức bách quá mà phải làm càn. Vì ông là chủ tướng, gia đình và làng quê ông lại bị hại, mà ông xin cho, nên vua nghe, còn các quan tướng khác thì rất tức giận.

Cũng vì thế, trong triều, ông rất cô độc, “khi có sự, không ai nói đỡ cho một câu”. Có lần trái ý vua, ông bị hạ xuống đến 6 bậc, phải giúp việc cho người hầu của mình. Thời gian sau, chính vua Lê Hiển Tông phục chức cho ông, đã nói trước triều đình:“Ông Trần bị giáng đến thế, mà không hề ca thán gì, cũng không nhờ vả ai xin xỏ cho…”.

Đương chức tể tướng, ông đã xin vua cho nghỉ việc “để dành chỗ cho người hiền tài” và viết thư cho người được vua rất tin cậy, là quan đốc xuất Hải Quận công Phạm Đình Trọng, có câu: “Mong ngài giúp đỡ vài lời, khải tấu (với vua) nói đầy đủ những điều kém cỏi của tôi, không thể đảm đương được việc, tốt nhất là cho về hưu. Được thế, xin khắc cốt ghi xương, ơn cao coi bằng núi Thái”. Nếu cái thư đó không còn lưu trong Niên phả lục, thì ngày nay chúng ta khó mà tin được.

Về hưu, ông chiêu mộ dân ly tán sau những năm loạn lạc, trong đó có những người đã từng được tha tội chết ở các huyện, khai hoang lập ấp ở một số làng xã, dọc triền sông Kinh Thầy, từ Nam Sách, Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương) đến Đông Triều (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) hiện nay (thời ấy đều thuộc đạo Hải Dương), được vua Lê phong chức Hải Dương khuyến nông sứ. Trên cơ sở hướng dẫn dân trồng cấy, ông đã soạn bộ sách Minh nông chiêm phả, dâng vua Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông) năm Kỷ Tị (1749). Có lẽ vì thế chăng mà từ năm 1770, ông đã được tạc tượng thờ tại Văn chỉ Linh Khê (Hải Dương) cùng với Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng.

Với những nội dung đó, Niên phả lục của Trần Tiến là một kí sự chính trị đặc sắc, đã “dựng lại được không khí của cả một thời đại” như lời nhận xét của PGS-TS Nguyễn Đăng Na. Đó là một trong những tác phẩm lớn của nền văn học Việt Nam, không chỉ của thời Lê.

Trần Nhuận Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy