Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
03:39 (GMT +7)

Niềm tin trong “bão tố”

VNTN - Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” là tác phẩm của nhà văn hiện thực tài năng người Mĩ O.Henry, xuất bản lần đầu năm 1907 và được đưa vào sách giáo khoa của nhiều quốc gia trên thế giới, như một kiệt xuất văn học thấm đẫm triết lý nghệ thuật và tinh thần nhân văn. Truyện lấy bối cảnh là xã hội Mĩ đầu thế kỷ XX, ở góc tối của nó với những khu phố “chạy ngang chạy dọc như hóa rồ”, những căn phòng gác mái cũ kỹ kiểu Hà Lan và những họa sĩ nghèo kiếm sống qua ngày bằng mấy công việc vụn vặt, rẻ rúng. Trong hoàn cảnh vốn đã chẳng lấy gì làm tươi sáng ấy, bi kịch lại xảy đến sau chuyến ghé thăm của “một vị khách già vô hình, lạnh lẽo mà thầy thuốc gọi là viêm phổi rình rập trong quần cư, móng vuốt giá băng chạm vào đây đó”. Chứng viêm phổi tàn ác đã làm Giôn-xi, cô gái trẻ luôn khao khát sống, khao khát vẽ vịnh Naplơ, trở nên tiều tụy và hoảng loạn. Hàng ngày, công việc duy nhất của cô là hướng đôi mắt vô hồn ra bức tường xám bên ngoài và đếm những chiếc lá thường xuân đang rụng dần trong cơn mưa tuyết. Sự vô vọng của khoảnh khắc cận tử đem đến cho Giôn-xi suy nghĩ kỳ quái, rằng khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống, thì cô cũng ra đi. Nhưng điều ấy đã không xảy ra, bởi sau một đêm, hai đêm, rất nhiều đêm gió dập mưa vùi, kỳ lạ thay, chiếc lá cuối cùng vẫn không rụng xuống. Điều kỳ diệu ấy đã đem đến sự kỳ diệu tuyệt vời hơn, là sự hồi sinh bất ngờ trong tinh thần người bệnh từ niềm tin dạt dào về sức mạnh cuộc sống, giống như chiếc lá cuối cùng kia đã dũng cảm bám chặt vào tường, dù gió mưa cào quật. Kể về “Chiếc lá cuối cùng” là bởi, hơn một tháng nay, “gã khách lạnh lẽo” năm nào lại ghé thăm, không phải thành phố Washington của Giôn-xi, mà cách đó nửa vòng trái đất. Vũ Hán, thủ phủ của Corona, từ một thành phố xinh đẹp với biểu tượng huyền thoại Hoàng Hạc lâu, đã trở thành “thành phố ma” theo cách nghĩ, cách gọi đầy ám ảnh của nhiều người. Nếu như hình ảnh Giôn-xi chiến đấu với chứng viêm phổi có phần đơn độc khi bên cạnh chỉ có một người bạn, một bác sĩ thi thoảng ghé qua và một ông cụ hàng xóm nóng tính, thì gần một vạn nạn nhân của Corona có vẻ như đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc nhiều nhất có thể. Ở Việt Nam, quê quán, lộ trình, thậm chí đời tư của 12 bệnh nhân (tính đến ngày 7/2) đều được ghi nhận trong hồ sơ, được công khai theo cách chính thống và không chính thống. Nhưng trong một biển thông tin về dịch bệnh vây bủa lấy cả nhân loại, dường như sự hoang mang vẫn không suy giảm. Chúng ta gặp sự bế tắc, khủng hoảng về niềm tin trong cảnh đám đông chen chúc mua khẩu trang, tranh nhau từng lọ nước rửa tay như nước thánh, chia sẻ với nhau những video, hình ảnh chưa rõ nguồn gốc về cuộc sống đáng sợ tại “thành phố ma”. Chúng ta gặp sự khủng hoảng niềm tin trong câu chuyện nghẹn ngào của những du học sinh trở về từ Vũ Hán, rằng họ đã có một cái tết cô độc nhất trên đời, không phải bởi sự cách ly cần thiết về cơ học mà bởi sự cách ly trong định kiến với những ánh mắt nghi kỵ, những cuộc gọi điện, nhắn tin chửi bới sự trở về không đúng lúc của họ. Chúng ta gặp sự khủng hoảng niềm tin, khi một đám đông đã ngây thơ đặt niềm tin vào khóa tu tập hồi hướng nhằm… hóa giải virus Corona do một ngôi chùa “có tiếng” thực hiện và phát trực tiếp trên trang cá nhân theo đúng tinh thần “tôn giáo thời đại 4.0”… Giôn-xi đã từng đánh mất niềm tin vào cơ hội sống của chính mình, khi bản thân cô cảm nhận được sự suy kiệt của cơ thể. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta bị đánh mất niềm tin bởi sự điều khiển của đám đông, sự cố tình tung tin nhằm mua vui hay trục lợi của một nhóm người. Mấy ngày trước, trên Facebook, có một bài viết được nhiều người chia sẻ với những thông điệp thật thấm thía về niềm tin: Chỉ vì có rất rất nhiều người, tích trữ cả trăm hộp khẩu trang trong nhà nên mới tức thời xảy ra khủng hoảng. Và dự là qua cơn khủng hoảng này, lượng khẩu trang, nước sát trùng tích trữ đó có thể xài đến vài năm. Và cái chúng ta thiếu nhất không phải khẩu trang hay nước sát trùng mà chính là niềm tin cho nhau, cho chính quyền và cho xã hội. Chúng ta không có niềm tin rằng, chỉ cần mình tốt, mình sẽ được đối xử như cách mình sẽ đối xử với xã hội. Tuy nhiên, có những suy nghĩ, hành động gây khủng hoảng niềm tin, thì cũng có những con người đang từng ngày đem đến niềm tin cho người bệnh, cho nhân loại giữa cơn bão tố. Bí mật đằng sau chiếc lá dũng cảm của Giôn-xi là “cú lừa” của cụ Beman, khi lặng lẽ mang màu vẽ đến bức tường, tạo ra một chiếc lá nhỏ “không bao giờ rung rinh trong gió” vào cái đêm bão bùng mà chiếc lá cuối cùng đã rụng. Người họa sĩ ấy đã chết vì viêm phổi, khi kịp hoàn thành kiệt tác nghệ thuật đầu tiên, cũng là cuối cùng trong đời, cứu sống cô gái trẻ. Và trong cơn lốc tố của Corona, đang có bao bác sĩ, tình nguyện viên ở Vũ Hán và nhiều nơi trên thế giới đã lên đường, chấp nhận mọi nguy cơ rủi ro, giành giật sự sống cho bệnh nhân, nhưng hơn cả là cho họ niềm tin chiến đấu, như những chiếc lá cuối cùng không bao giờ rụng.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước