Niềm tin ấy trong tôi càng vững chãi hơn
VNTN - Vẫn là những bài hát về biển đảo, hình tượng người chiến sĩ hải quân mà tôi đã nghe đến nằm lòng nhưng chưa bao giờ tôi thấy những ca từ ấy lại hay và ý nghĩa như khi nghe trên con tàu HQ-635 để ra đảo Bạch Long Vĩ năm 2014. Hay đến nỗi cả năm sau chuyến đi ấy, trong đầu tôi luôn thường trực vang lên câu hát “Tôi lắng nghe, Tổ quốc gọi tên mình…”. Tôi không phê phán hay chỉ trích ai đó đã nhận xét: “tuổi trẻ bây giờ chỉ biết hưởng thụ; ngại gian lao và sống thiếu lý tưởng”, nhưng chắc chắn một điều là tôi không đồng tình với suy nghĩ ấy. Rất có thể, người nói ra điều này khi họ vừa mới được nghe, được chứng kiến một hành vi không đẹp nào đó của người trẻ tuổi. Còn tôi, niềm tin vào bản thân, tin vào lý tưởng của những người trẻ tuổi từ thế hệ này sang thế hệ khác chưa bao giờ thay đổi. Niềm tin ấy trong tôi càng vững chãi hơn sau chuyến công tác đáng nhớ này.
Nắng và gió, xương rồng gần như là tất cả của Bạch Long Vĩ khi chưa có bộ đội và thanh niên xung phong ra đảo. Chuyến đi đã cho tôi biết về một hành trình sức trẻ kiến tạo đảo vô cùng gian lao nhưng đầy tự hào. Khi Đảo chưa có bến cảng, hàng nghìn khối cát, sắt thép vận chuyển từ đất liền ra phải đổ xuống biển; chờ thủy triều xuống bộ đội và Thanh niên xung phong (TNXP) mới dầm mình mang, vác lên vai từng tảng đá, thanh thép… tập kết lên đảo. Sức trẻ trên hòn đảo tiền tiêu đã chạy đua cùng các đợt triều cường như thế. TNXP đảo Bạch Long Vĩ cũng là những công dân định cư đầu tiên trên huyện đảo hơn 20 năm trước. Khi ra đảo, việc đầu tiên họ làm là bắt tay vào trồng cây xanh. Công việc tưởng chừng như đơn giản trong đất liền nhưng ở đây lại khó khăn vô cùng. Vì chỉ cần một trận gió cuốn theo hơi nước biển lên, cây cối nhiễm mặn táp hết lá rồi cứ thế chết dần, cũng có lúc cây đã lên cao đến ngang người gặp trận bão đi qua, tất cả lại bị xóa sổ hoàn toàn. Cuối cùng chỉ còn lại những loài cây như thông, phong ba chống chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết... Đảo khi ấy hoang vắng, những công dân ngủ trong những căn lán tạm bợ nghe tiếng gió hun hút và sóng biển ì oạp. Cây bị tàn phá đến đâu, bộ đội và TNXP trồng lại ngay đến đó. Nhờ vậy mà ít tháng sau, những rặng cây đầu tiên đã ăn vào lòng đất đảo…
Nếu có người hỏi tôi, liệu có phải ý chí sắt đá đó chỉ có ở các thế hệ trước? Tôi sẽ thưa: Không phải. Đó là sự nối tiếp truyền thống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tôi còn nhớ đôi mắt to đen láy, mái tóc dài, dáng người mảnh dẻ của cô gái trẻ Nguyễn Thị Như (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). 20 tuổi, Như tình nguyện xin tham gia vào Liên đội TNXP Bạch Long Vĩ với lý do giản dị, đẹp đẽ như chính lứa tuổi của em: ra đảo để được góp sức mình vì biển đảo quê hương. Còn Lê Văn Khương (Hải Phòng) thì quyết định xung phong ra Bạch Long Vĩ sau một lần được đi cùng người quen ra chơi ngoài đảo. Khương đang làm việc tại Trại sản xuất bào ngư giống, sáng sáng lặn xuống biển tìm rong, chiều về sơ chế rong làm thức ăn cho bào ngư. Phải từ bỏ nhiều thú vui ở đất liền, nhưng tình yêu với biển, đảo trong em lớn hơn tất thảy, bố mẹ Khương động viên em rằng: “trên mảnh đất Việt Nam mình thì đâu cũng là quê hương, nơi nào cần đến mình thì mình nên đến đó”…
Phóng viên Kim Ngân (Báo Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...