Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
12:50 (GMT +7)

Những tay bút “nhiều trong một”

VNTN - Lịch sử văn học nước nhà, nhất là từ thời kì hiện đại, được chứng kiến sự trình hiện, bung trổ hết sức ngoạn mục, ấn tượng, thuyết phục của những tác giả đa năng, đa tài, “nhiều nhà trong một nhà”. Chẳng hạn như Xuân Diệu, người ta biết đến ông với tư cách là “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới”, “ông hoàng của thơ tình yêu”, người ta cũng biết đến ông với tư cách là nhà văn (tác giả của những tác phẩm văn xuôi mà tiêu biểu là tập truyện ngắn Phấn thông vàng), rồi là nhà phê bình (tác giả của những công trình tiêu biểu như Dao có mài mới sắc, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam...), và còn là dịch giả (tác giả của những công trình dịch thuật tiêu biểu như Thi hào Nadim Hitmet, Những nhà thơ Bungari, Nhà thơ Nicôla Ghiđen...). Hay chẳng hạn như Nguyễn Đình Thi, không kể tư cách nhạc sĩ (là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Người Hà Nội, Diệt phát xít...), chỉ tính riêng trong lĩnh vực văn học thì người ta cũng thấy bất an khi định vị, định danh ông là “nhà” gì, bởi ở ông “nhà” gì cũng lớn: nhà thơ (tác giả của những tác phẩm tiêu biểu như Người chiến sĩ, Bài thơ Hắc Hải, Đất nước...), nhà văn (tác giả của những tác phẩm tiêu biểu như tập truyện ngắn Bên bờ sông Lô và các tiểu thuyết Xung kích, Mặt trận trên cao, Vỡ bờ...), nhà lí luận - phê bình (tác giả của những công trình tiêu biểu như Mấy vấn đề văn học, Công việc của người viết tiểu thuyết...), nhà viết kịch (tác giả của những tác phẩm tiêu biểu như Con nai đen, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan...)...

 

Trong không gian văn hóa đương đại, hiện tượng “nhiều nhà trong một nhà” cũng không phải là hiếm. Chẳng hạn như Nguyễn Quang Thiều, không kể tư cách họa sĩ, chỉ tính riêng trong lĩnh vực văn học thì bên cạnh danh vị nhà thơ (tác giả của các tập thơ tiêu biểu như Ngôi nhà tuổi 17, Sự mất ngủ của lửa, Những người đàn bà gánh nước sông, Nhịp điệu châu thổ mới, Bài ca những con chim đêm, Cây ánh sáng...), ông còn được biết đến với tư cách là nhà văn (tác giả của những tập truyện ngắn và tiểu thuyết tiêu biểu như Mùa hoa cải bên sông, Đứa con của hai dòng họ, Vòng nguyệt quế cô đơn, Cỏ hoang...), rồi dịch giả (tác giả của những tác phẩm dịch như Khoảng thời gian không ngủ - thơ Mĩ, Chó hoàng Đingô - truyện ngắn Úc, Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc...), rồi nhà phê bình (tác giả, đồng tác giả của những tập có thể gọi là phê bình chân dung như Người, Ba người...). Hay như Nguyễn Bình Phương, là một “ca” hết sức thú vị, khi mà việc định lượng sức nặng sáng tác của ông nghiêng về mảng văn xuôi (các tiểu thuyết Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kì thủy, Ngồi, Mình và họ) hay là mảng thơ (các tập Lam chướng, Khách của trần gian, Xa thân, Từ chết sang trời biếc, Buổi câu hờ hững) đã và đang trở thành những cuộc tranh cãi bất phân thắng bại diễn ra đối với những đồng nghiệp, những bạn đọc yêu quý ông. Hay như Nguyên Ngọc, Phạm Thị Hoài, Dương Tường, Hoàng Hưng, Trương Đăng Dung, Lý Lan, Nguyễn Chí Hoan, Ngô Tự Lập, Hoàng Tố Mai... - những người vừa sáng tác, vừa viết phê bình, vừa dịch thuật; như Chu Lai - vừa làm thơ, vừa viết văn xuôi, vừa viết kịch, vừa viết phê bình; như Hồ Anh Thái - vừa viết văn xuôi, vừa viết phê bình, vừa viết kịch, vừa dịch thuật; như Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh - vừa viết văn xuôi, vừa viết kịch, vừa viết phê bình… Trường hợp các nhà “tay đôi”, mà tay nào cũng tiện, thì có thể kể rất nhiều. Đó là những người vừa sáng tác vừa viết phê bình như: Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Hà Minh Đức, Nguyễn Đức Tùng, Mã Giang Lân, Trần Nhuận Minh, Vương Trọng, Lê Thành Nghị, Chu Văn Sơn, Đỗ Minh Tuấn, Diệp Minh Tuyền, Văn Chinh, Nguyễn Hoàng Sơn, Vân Long, Inrasara, Mai Văn Phấn, Hồ Thế Hà, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Hữu Quý, Văn Giá, Nguyễn Thị Minh Thái, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Văn Công Hùng, Trần Hoàng Phố (Nguyễn Phước Bửu Nam), Trần Quang Đạo, Mai Nam Thắng, Nguyễn Minh Khiêm…; những người vừa làm nghiên cứu - lí luận - phê bình vừa dịch thuật như: Trần Đình Sử, Nguyễn Hưng Quốc, Thụy Khuê, Hoàng Ngọc Tuấn, Hồng Diệu, Lã Nguyên (La Khắc Hòa), Đào Tuấn Ảnh, Trịnh Bá Đĩnh, Lộc Phương Thủy, Đỗ Lai Thúy, Ngân Xuyên (Phạm Xuân Nguyên), Lê Huy Bắc…; những người vừa làm thơ vừa viết văn xuôi như: Khuất Quang Thụy, Phan Thị Vàng Anh, Lê Anh Hoài, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Hạ Nguyên (Hồ Đăng Thanh Ngọc)…; hay là những người vừa sáng tác vừa dịch thuật như: Nguyễn Xuân Khánh, Bằng Việt, Anh Ngọc, Trần Vũ…

Một số nhà “nhiều trong một” của văn học Việt Nam đương đại (từ trái sang: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều)                      Nguồn: Internet

Tiêu biểu cho những tác giả “nhiều tay nhiều súng” thế hệ 7x, có thể kể, là Nguyễn Thị Từ Huy (làm thơ, viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết, viết phê bình, dịch thuật, lĩnh vực nào cũng tạo được “sóng từ trường” mạnh và lạ), là Nguyễn Ngọc Tư (thành danh với thể loại truyện ngắn, rồi hoặc lần lượt hoặc đồng thời ghi dấu ấn ở địa hạt các thể loại tản văn, tiểu thuyết và thơ), là Lê Thiếu Nhơn (khởi xuất từ thể loại thơ, rồi đến tản văn và phê bình), là Văn Cầm Hải, Đỗ Bích Thúy, Hiệu Constant, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trang Hạ, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Thụy Anh, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Trương Quý, Hoàng Anh Tú, Hoàng Phong Tuấn, Nguyễn Duy Bình, Lê Hồ Quang, Trần Huyền Sâm, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Phùng Văn Khai, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thị Việt Hà, Miên Di, Hoàng Thụy Anh…

 

Đặc biệt, có thể nói, văn đàn đương đại đang chứng kiến sự trỗi dậy ấn tượng của một thế hệ cây bút trẻ (sinh năm 1980 trở lại đây) “nhiều trong một”. Đó là Nhã Thuyên, vừa làm thơ, vừa viết truyện ngắn, vừa viết phê bình, vừa dịch thuật, chọn lập trường là “mĩ học của cái khác” một cách hứng khởi và tự tin. Đó là Mai Anh Tuấn, đoạt giải nhất cuộc thi thơ online trên website thotre.com năm 2008 với bút danh Lệ Bình Quan, đoạt giải cuộc thi Văn học tuổi 20 lần IV năm 2010 với tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu, thời gian gần đây nổi lên với tư cách là một tiếng nói phê bình cá tính, sắc sảo, và hiện tại đang bước đầu thử sức với lĩnh vực dịch thuật. Đó là Nguyễn Thị Thùy Linh, đoạt giải nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015-2016, là dịch giả của nhiều công trình được xuất bản, ngoài ra còn là tác giả của những truyện ngắn được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí có uy tín. Đó là những người vừa làm thơ vừa viết văn xuôi như Lữ Thị Mai, Trịnh Sơn, Vũ Thị Huyền Trang, Văn Thành Lê, Hồ Huy Sơn, Lê Quang Trạng, Nông Quang Khiêm, Trần Sang, Nghiêm Quốc Thanh, Ngô Thị Thanh Vân, Ngô Thị Thục Trang...; vừa làm thơ vừa viết phê bình như Vi Thùy Linh, Phan Tuấn Anh, Trần Hoàng Thiên Kim, Du Nguyên (Đậu Thị Dung), Phạm Vân Anh, Lương Kim Phương, Nguyễn Nhật Huy, Phạm Văn Vũ...; vừa viết phê bình vừa dịch thuật như Trần Ngọc Hiếu, Cao Việt Dũng, Nguyễn Vũ Hưng, Nguyễn Thị Minh Thương, Phạm Phương Chi, Ngô Hương Giang, Nguyễn Đào Nguyên...

 

Đối với những trường hợp vừa viết truyện ngắn vừa viết tản văn vừa viết tiểu thuyết chẳng hạn thì dễ lí giải, vì trường tư duy nơi những chủ thể viết này vẫn trong phạm vi trường tư duy văn xuôi. Đối với những trường hợp vừa làm thơ vừa viết tản văn, hai lĩnh vực này có vẻ xa nhau nhưng thực ra tương đối gần, bởi vì tản văn tuy là một thể loại thuộc loại hình văn xuôi nhưng lại là thể loại rất giàu chất thơ. Hay đối với những trường hợp vừa dịch thuật vừa viết phê bình, thì công việc dịch thuật vừa độc lập vừa phục vụ cho công việc phê bình… Có khả năng mang đến bất ngờ thú vị nhiều hơn cả là những “ca” vừa làm thơ vừa viết văn xuôi, đặc biệt là vừa làm thơ vừa viết phê bình, bởi những chủ thể viết này có thể vừa tự tích hợp vừa tự phân tách nhiều kiểu tư duy khác nhau, nhất là tư duy cảm tính - hình tượng - nghệ thuật (thơ) và tư duy lí tính - logic - khoa học (phê bình).

Chúng ta đều biết, mỗi chủ thể người thực chất là một chủ thể đa nhân cách, nhiều cái tôi trong một cái tôi, giàu khả năng nhập vai, phân thân. Có nhiều người tưởng chừng như “ngoại đạo” với văn chương mà trên thực tế đã và đang trở thành những nhà thơ, nhà văn tên tuổi (nhà thơ Lê Quốc Hán và nhà văn Hữu Phương vốn là những thầy giáo dạy toán, hay các nhà văn trẻ Hoàng Công Danh và Chu Thùy Anh vốn là “dân vật lí”), huống là những “dân văn chương” ròng, văn chương từ trong cốt tủy, không có gì thuộc về văn chương mà lại có thể xa lạ với họ. Những người văn chương này tự thân họ là những nhà văn hóa, những nhà tư tưởng. Một khi đã là nhà thơ, nhà văn thành danh, đứng được trên văn đàn, thì dù có viết phê bình hay không, bản thân người đó trước hết đã là một nhà phê bình, tự định hướng, tự biên tập và tự đánh giá, thẩm định sáng tác của mình, và anh ta cũng sẽ đọc sáng tác của người khác với tư cách là một người đọc lí tưởng, tức là một nhà phê bình. Bởi thế cho nên, năm 1987, khi Nguyễn Minh Châu trình ra bài viết lay động và thức tỉnh Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa thì giới văn chương ngỡ ngàng, vì lẽ khác chứ không phải vì tài năng viết phê bình của nhà văn này, bởi họ đã sẵn niềm tin, rằng một nhà văn tầm cỡ như thế hoàn toàn có thể viết được một bài phê bình tầm cỡ như thế. Và chỉ cần một bài viết ấy thôi cũng đủ để tư cách nhà phê bình của Nguyễn Minh Châu được xác lập, bên cạnh tư cách nhà văn của ông. Cũng như có nhiều nhà văn, nhà thơ, mặc dù họ không viết phê bình, hoặc viết mà không công bố, nhưng những bài trả lời phỏng vấn của họ về văn chương trên các diễn đàn cũng thể hiện rất rõ tố chất, khả năng phê bình của họ.

 

Tác giả Nguyễn Minh Khiêm chia sẻ: “Có người khuyên tôi nên tập trung một món thôi, đừng bừa xằng cả ruộng thế. Tôi nghĩ khác. Victor Hugo sáng tác hàng nghìn bài thơ, hàng nghìn bức tranh, đâu phải mình tiểu thuyết. Rabindranath Tagore cũng có hàng nghìn bài thơ, hàng nghìn bản nhạc, hàng chục cuốn tiểu luận, bao nhiêu tiểu thuyết… Tôi coi viết là một cuộc khám phá mình. Càng viết, tôi càng thấy có một nguồn năng lượng sâu thẳm nào đó trong tôi tuôn chảy. Tôi có chủ ý rất rõ ràng, mình cố li tâm mình. Cảm thấy vừa tay với cái gì thì viết cái đó. Thơ lục bát. Thơ tự do. Thơ tứ tuyệt. Kí. Phê bình…”. Tác giả trẻ Phan Tuấn Anh khẳng quyết: “Không có khoảng cách nào và cũng chẳng có mâu thuẫn gì giữa lí thuyết với sáng tạo văn học. Giữa tư cách nhà thơ với nhà lí luận - phê bình cũng vậy. Nếu như có một nhà lí luận - phê bình nào đó làm thơ dở, thì đó là do anh ta kém tài tư duy sáng tạo, chứ không phải do tư duy lí luận - phê bình làm hại”. Tác giả trẻ Lữ Thị Mai quan niệm: “Mỗi thể loại có một đặc thù riêng nên tôi nghĩ người viết trước hết phải hiểu một cách cơ bản về thể loại. Dù không rạch ròi, cứng nhắc đến mức phải cân - đong - đo - đếm thật cẩn trọng trước khi đặt bút hoặc đang viết rồi vẫn không thôi băn khoăn về việc chọn thể loại phù hợp, nhưng việc viết ra tác phẩm ngoài tin vào cảm giác của mình thì cũng rất cần có dấu ấn của quá trình tư duy. Có những chi tiết hợp để dựng truyện ngắn, có những hình ảnh lại nên lồng vào thơ, có những chuyện chỉ hợp để viết vài đoạn tản văn. Tất cả nằm trong một sự hài hòa về cảm xúc, ngôn ngữ, logic và lợi thế của người viết”. Tác giả trẻ Nguyễn Thị Thùy Linh giãi bộc: “Sáng tác thơ, truyện ngắn hay dịch văn học đều là những công việc hấp dẫn của văn chương. Đối với tôi, được sống và viết đã là một đặc ân. Sáng tạo nghệ thuật luôn đem lại cho tôi những khoái cảm đặc biệt. Tôi say mê thơ nhưng nếu có khả năng và điều kiện viết truyện ngắn hay dịch thuật thì tôi luôn hào hứng. Tôi không thấy có bất lợi gì, ngoài việc một lúc nào đó tôi trở nên bất tài trước lĩnh vực đó thôi. Những công việc ấy bổ trợ cho nhau, ít nhất là chúng thanh lọc cảm xúc trong tôi hiệu quả. Tôi là kẻ viết chậm, nên không dám nhận mình là cây bút nhiều - trong - một. Tôi cũng biết có những cây bút xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, nhưng số này hiếm. Thượng đế không thể cho ta quá nhiều thứ, và văn chương cũng không phải thứ cứ muốn là được”.

 

Mọi sự là “tùy duyên”. Có người không có khả năng viết đồng thời nhiều thể loại. Có người có thể viết đồng thời nhiều thể loại nhưng họ chỉ chuyên tâm chuyên chú đi đến tận cùng một thể loại mà họ sở trường nhất, thuận tay nhất. Có người muốn được khám phá mình, tìm kiếm mình, bung trổ mình, giải phóng năng lượng sáng tạo của mình bằng nhiều thể loại khác nhau. Có nghĩa là, trở - thành - ai là hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng và sự lựa chọn của mỗi người. Quán văn của “nhà nhiều trong một” giống như quán phở “gì cũng có”, chẳng món nào ra món nào, là một so sánh khập khiễng, một luận điệu chủ quan, một thái độ kháng cự. Tuy nhiên, đối với người cầm bút, biết tự nhận diện, tự lượng sức mình, tự ý thức “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”… là rất cần thiết.

Thực tiễn văn học của thế giới và Việt Nam cho thấy, nhiều cây bút tài năng, có trữ lượng sống và viết vạm vỡ, hoàn toàn có thể thành công trên nhiều lĩnh vực, thể loại. Họ kiến tạo nên hiện tượng giao thoa, thâm nhập, cộng sinh, liên thể loại rất thú vị. Văn xuôi, văn phê bình của người làm thơ thì thường cô nén, ám gợi, giàu thi tính. Thơ của người làm phê bình thì thường cảm xúc được tiết chế để ưu tiên khơi vẫy những đối thoại tư tưởng. Văn phê bình của người sáng tác thì thường mềm mại, tươi sống, tung tẩy, vẫn là như “con vật lưỡng thê” nhưng tính chất nghệ thuật lấn át tính chất kinh viện hàn lâm khoa học, được viết bằng lợi thế của người trong cuộc, thông tường bếp núc văn chương. Sáng tác của người dịch thuật thì thường pha nhuốm sắc màu hiện đại, phi dân tộc tính, hướng đến những giá trị phổ quát. Văn phê bình của người dịch thuật thì thường uyên bác, thông tuệ, tựa trên một chân đế lí thuyết và hệ tư tưởng triết - mĩ vững chắc…

Sự trình hiện, bung trổ ấn tượng, thuyết phục của những “nhà nhiều trong một”, đặc biệt là những cây bút trẻ, vừa phản ánh quy luật, hiện tượng tự nhiên, tự thân của văn học, vừa chứng tỏ nội lực văn hóa mạnh mẽ, phông nền kiến văn dày rộng, khả năng thực hành sáng tạo phong phú và sự đắm đuối với văn chương chữ nghĩa vô bờ bến nơi những chủ thể sáng tạo văn học hôm nay.

Hoàng Đăng Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy