Những người áo vải miền biên ải
VNTN - Từng ngắm hàng đống ảnh, từ ông quan chức trong bộ comple, tới những người du lịch xộc xệch dép lê, áo cộc - họ đứng vịn tay vào cái cột mốc biên giới đúc vuông vắn bằng bê tông, mặt hướng về phía ống kính… Ánh nhìn long lanh trong những đôi mắt ấy khiến tôi trộm nghĩ tới tâm trạng của Columbus khi đặt chân lên châu Mĩ, chắc cũng không hơn gì của họ.
Có người sẽ nghĩ rằng, dọc triền biên giới hẳn đầy ắp lính gác của hai bên? Tôi thì nghĩ, không một quốc gia nào đủ kinh phí nuôi hàng triệu người lính chỉ để rình dập nơi vùng ven. Những vùng ấy tuy vậy, lại luôn là miền đất trù phú nuôi sống hàng vạn con người. Đến đây thì tôi đã lờ mờ hiểu ra, “bảo vệ” biên cương không chỉ là đội ngũ chuyên nghiệp ở những đồn trú cắm chốt nơi biên ải. Lực lượng thực chất bền bỉ gìn giữ từng mét vuông đất nơi giáp ranh chính là những người dân đã hàng ngàn năm truyền đời canh tác trên những nương ngô; đã đặt đăng đơm cá dưới từng mạch suối. Những đỉnh núi thành thiêng khi đã là nơi an táng lớp lớp tiền nhân. Cũng như tổ tiên, họ đã bảo vệ thành quả lao động của mình và gia tộc, trước khi nghĩ đến đó là tài sản của quốc gia!
Vào thời bình, chúng ta thấy những điểm “cài răng lược” người dân hai nước có sự giao thương với nhau, đúng như mối quan hệ hàng xóm láng giềng. Tiền tệ của quốc gia này trao đổi mua bán với khách hàng của quốc gia kia trong một phạm vi hẹp gần như không có gì cản trở. Vào mùa khô hạn họ nhường nhịn nhau để cùng dùng chung một lạch nước mà không tị hiềm là của anh, của tôi. Những buổi chợ lèo tèo nơi vùng biên, người dân nước này bù khú uống rượu với người dân nước kia, bởi họ từ lâu đã như hòa chung một nhu cầu về khẩu vị. Ở một góc nhìn dân dã, thì không quá lời khi nói rằng họ làm “ngoại giao” còn tốt hơn cả nhân viên đang hưởng lương của chính phủ hai nước.
Trên bộ thì vậy, còn ở dưới mênh mông đại dương thì sao? Một người tò mò có thể thấy trên bản đồ người ta khoanh vùng, phân lô…, vuông vắn như xếp gạch trên diện tích mặt nước biển. Trên biển còn phức tạp hơn ở đất liền, bởi theo quy ước quốc tế còn hoạch định nơi này của nước anh, nơi kia của nước tôi và còn có cả những nơi… của tất cả chúng ta nữa. Giữa dập dềnh sóng nước, thấy một hòn đảo bọt nổi trắng xung quanh, cảm giác mong manh và cô đơn cứ tràn vào suy nghĩ của người ta không cách nào buông bỏ được. Ấy vậy mà các bậc tiền bối hàng trăm năm trước chỉ với những con thuyền gắn buồm nâu, đã đến án ngữ và lập nên các tiền đồn cảnh vệ từ xa, khiến lũ giặc ngoài không thể bất ngờ đánh úp được vào đất liền. Những hòn đảo từ bao đời nay còn là nơi dựa dẫm của hàng ngàn con thuyền ngày ngày đánh cá ngoài đại dương. Một luồng cá, một dòng hải lưu, hay một vỉa trầm tích dưới lòng biển… có thể theo quy ước là của bên mình hay bên họ được quyền khai thác. Một ngư dân ngày đêm dọc ngang trên mặt biển, dù mới chỉ đọc thông, viết thạo nhưng luôn biết mình đang nằm ở kinh độ, vĩ độ nào để liên lạc với đất liền và với thuyền bạn. Một “tác nhân” lạ xâm lấn, có thể chỉ vài giờ sau phải chạy tháo thân, bởi những con thuyền đánh cá của ta đã ngầm báo cho nhau đang chụm vào vây hãm… Vậy là cũng giống như ở trên đất liền, bảo vệ ngư trường, trước hết phải là những ngư dân, rồi sau đó mới tới Hải đội cảnh sát biển quốc gia. Khi có hoạn nạn do thiên tai, địch họa, những ngư phủ “ăn sóng, nói gió” luôn biết bìu díu nhau để chia sẻ khó khăn giữa trùng khơi.
Một nắm đất nơi biên cương hay một ngọn sóng nơi hải phận quốc gia dù vô hình hay hữu hình cũng đều mang dấu tích của tiền nhân để lại. “Canh tác” ở nơi bất trắc ấy là những con người đầy quả cảm và luôn phải hứng chịu nhiều rủi ro. Nghĩ về sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tôi nghĩ đến công lao của những người dân áo vải miền biên ải, lòng đầy tin yêu và trân trọng!
NSNA Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...