Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
14:07 (GMT +7)

Những cách tiếp cận đa chiều về tiểu thuyết “Những người mở đường”

VNTN - Hội thảo về tiểu thuyết “Những người mở đường” của nhà văn Hồ Thủy Giang đã diễn ra với tinh thần nghiêm túc, trang trọng, đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm suy nghĩ về lịch sử, văn chương. Những kết quả cụ thể từ nội dung hội thảo có thể coi là những tham khảo bổ ích cho vấn đề nghiên cứu văn học cũng như thực tiễn sáng tác ở Thái Nguyên.

Trong những năm gần đây, nhà văn Hồ Thủy Giang trở thành tác giả Thái Nguyên tiên phong trên con đường tiểu thuyết lịch sử với liên tiếp ba tác phẩm về mảng đề tài này. Gần đây, ông ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Những người mở đường (Nxb Văn học, năm 2016) - tác phẩm dựa trên sự kiện 60 thanh niên xung phong Đại đội 915 anh dũng hi sinh đêm 24/12/1972 tại Lưu Xá (thành phố Thái Nguyên). Đây là kết quả từ sự tâm huyết, trách nhiệm của nhà văn, với mong muốn giúp bạn đọc hôm nay hiểu rõ hơn về một sự kiện lịch sử còn ẩn chứa nhiều điều cần giải đáp. 

Ngày 08/6/2017, Hội Văn học nghệ thuật và Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức Hội thảo về cuốn tiểu thuyết này nhằm giới thiệu cũng như bước đầu đưa ra những phân tích, nhận định về tác phẩm.

Trong Báo cáo đề dẫn, nhà văn Phạm Đức (Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) đã giới thiệu một cách trân trọng: “Chứng kiến một thực tế hào hùng, một khúc tráng ca oanh liệt như vậy, rồi đi gặp gỡ các đội viên thanh niên xung phong còn sống của Đại đội 915, hiện đang sống ở khắp các vùng rừng núi xa xôi, nhà văn Hồ Thủy Giang đã tái tạo lại sự kiện trên qua tiểu thuyết Những người mở đường để chúng ta không bao giờ quên lịch sử đã có một thời như thế”.  

Nhà văn Hồ Thủy Giang, phát biểu tại Hội thảo

Mở đầu Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Thái Nguyên trình bày tham luận Đại đội 915, Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái anh hùng, khái lược lại bối cảnh lịch sử cũng như những gì diễn ra từ năm 1972 - một sự kiện đã lùi xa, từng nhiều năm bị rơi vào im lặng. Đại đội 915 thuộc Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái được thành lập vào tháng 6/1972, 102 cán bộ, đội viên (nữ chiếm hơn 70%) tuổi đời từ 16-20, phần nhiều là con em các dân tộc thiểu số các địa phương trong tỉnh Bắc Thái, với nhiệm vụ sửa chữa, duy tu và nâng cấp đường sá, tiếp nhận và trung chuyển lương thực, hàng hóa để tỏa đi khắp các chiến trường. Đêm 24/12/1972, máy bay Mỹ ồ ạt lao đến ném hơn 700 quả bom phá các loại xuống khu nam thành phố Thái Nguyên, loạt bom thả trúng cả 2 hầm trú ẩn, 60 chiến sĩ đã hy sinh. Đây là một tổn thất vô cùng lớn, một nỗi đau khôn nguôi, một minh chứng lịch sử về sự anh dũng quả cảm của lực lượng thanh niên xung phong. Sự khái lược này đem lại những thông tin nền rất cần thiết để bạn đọc đến với cuốn tiểu thuyết lịch sử của Hồ Thủy Giang.

Trong nội dung chính của Hội thảo, các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình, nhà làm phim, bạn đọc đã tham luận, đưa ra những phân tích, luận giải, đánh giá tiểu thuyết Những người mở đường từ nhiều góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau, trên các phương diện như đề tài, khuynh hướng, đặc điểm thể loại, thế giới nghệ thuật v.v..

PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh (Giám đốc Nhà Xuất bản Đại học Thái Nguyên) với ấn tượng về sự giản dị, mộc mạc lại có vẻ đẹp cùng sự lôi cuốn riêng không dễ cắt nghĩa và những chi tiết nghệ thuật đắt giá đủ sức lay động và ám ảnh người đọc, đã khẳng định: “Có tượng đài anh hùng trên mặt đất, trong lòng người và trong những trang văn như tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thuỷ Giang. Tác phẩm là những nén tâm hương làm bằng ngôn từ nghệ thuật, thắp lửa bằng tình yêu thương, sự biết ơn, nỗi đau và nỗi nhớ, sẽ cháy sáng và thơm ngát dài lâu, trong trái tim bạn đọc và trong thời gian vô thủy, vô chung mà công bằng”. Trong khi đó, nhà văn Phan Thái (Chi hội Văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) coi tiểu thuyết này như một khúc tráng ca về thời hoa lửa, còn tác giả Mai Linh Lan (phóng viên Báo Thái Nguyên) cho rằng Hồ Thủy Giang đã xây thêm một tượng đài thật đẹp bằng ngôn từ nghệ thuật về người thanh niên xung phong. Còn với một “người trong cuộc” như ông Lê Huy Lanh (Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Thái Nguyên), đây là một cuốn tiểu thuyết hay, có tính nhân văn và giáo dục sâu sắc, đã nói giúp các đội viên thanh niên xung phong Thái Nguyên những điều mà họ chưa nói được về những năm tháng đau thương và hào hùng. Như vậy, Những người mở đường trước hết đã chiếm được cảm tình cũng như tạo được sự lay động nhất định ở bạn đọc. Có lẽ, kết quả này chính là từ sự đón nhận của bạn đọc dành cho sự tâm huyết, trách nhiệm của nhà văn trước một vấn đề cần tiếng nói thấu đáo hơn của lịch sử địa phương.

Với sự tiếp cận, soi chiếu qua những luận giải về thể loại, thi pháp, Những người mở đường được các tham luận đi sâu vào cắt nghĩa, diễn giải.

PGS.TS Trần Thị Việt Trung (Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thái Nguyên) đi vào phân tích tác phẩm này theo góc nhìn thi pháp học. Tham luận cho rằng, với thời gian nghệ thuật đan xen, đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại, không gian nghệ thuật "ba chiều", sống động, đa mầu sắc, nghệ thuật xây dựng nhân vật đa tính cách, đa giá trị, có sự vận động, thay đổi, tiểu thuyết này là câu chuyện lịch sử, từ sự kiện lịch sử có thật để nói về vấn đề của cuộc sống hôm nay với tất cả sự phong phú và phức tạp của nó. Từ những nhận định về tác phẩm này, tham luận còn đề nghị các cơ quan tổ chức có trách nhiệm cũng như các nhà văn cần đặc biệt quan tâm, chú trọng cho mảng sáng tác về đề tài lịch sử, nhất là lịch sử Thái Nguyên - một kho tư liệu đề tài dồi dào, quý báu.

TS Cao Hồng (giảng viên trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên) với cái nhìn từ đặc điểm thể loại đã chú trọng phân tích về hiện thực nghệ thuật, thời gian, không gian và đặc biệt là nhân vật của tác phẩm, qua đó khẳng định: “Tiểu thuyết Những người mở đường không khai thác chủ đề mới nhưng với nỗ lực sáng tạo, từ những chất liệu đã quen thuộc tác giả Hồ Thủy Giang với lối viết dung dị, điềm đạm, hấp dẫn, vẫn gợi cho người đọc những ngẫm ngợi, nhận thức mới, sâu sắc hơn về con người và cuộc sống đặt trong hiện thực hạ đẳng mang tính phi lý tưởng (từ dùng của M.Bakhtin)”. Băn khoăn với cách kết thúc “có hậu” trong tiểu thuyết này, tham luận cho rằng tác phẩm “cần được đọc trong tâm thế của tinh thần đồng sáng tạo và hướng đến khám phá những giá trị nhân văn có lẽ vẫn tiềm tàng sau từng con chữ”.

ThS Phạm Văn Vũ (biên tập viên Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên) nhận định tiểu thuyết này là một hướng đi, một cách giải quyết vấn đề mang tính đóng góp của nhà văn Hồ Thủy Giang, khi coi tác phẩm như là “một hướng tiệm cận và khai mở”. Ở đó, tác giả đã khoan đào, lật xới những lớp phủ dày đặc của thời gian để đến gần hơn và nhận rõ hơn sự thật, soi chiếu một cách sáng rõ, công bằng, nhằm lí giải để nhìn nhận lịch sử và con người một cách khách quan, bao dung nhất, tránh sự xét đoán sai lệch, thiếu công bằng. Đáng chú ý, đây là ý kiến khá cởi mở thẳng thắn, bởi bên cạnh những khẳng định đánh giá cao, tham luận cũng chỉ ra một số thiếu sót của tác phẩm, như: can thiệp vào ngôn ngữ nhân vật để phát ngôn khiến cho thông điệp trở nên lộ liễu, dựng khuôn hình khung tranh mà chưa chăm chút tỉ mỉ nét vẽ khiến cho tác phẩm có chỗ nghiêng về phía luận đề, kết thúc giải quyết trọn vẹn rốt ráo vấn đề khiến cho câu chuyện mất đi tính vẫy gọi, gợi dẫn và bùng nổ.

Tiểu thuyết này cũng tỏ ra lôi cuốn người đọc ở phương diện tính điện ảnh của nó, khi nhiều tham luận đã tập trung làm rõ các yếu tố xung quanh vấn đề này. TS Trần Hinh (Giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) chú ý lối viết kịch bản điện ảnh trong tác phẩm này khi thống kê và xây dựng “Bảng phân tích hành động tiểu thuyết Những người mở đường từ góc nhìn điện ảnh”. Phương pháp nghiên cứu liên ngành này cũng được tác giả Vi Phương (giảng viên Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên) áp dụng khi chỉ ra các thủ pháp và yếu tố chủ chốt của điện ảnh như cấu trúc phân cảnh; hình ảnh, âm thanh, tiếng động; lời thoại trong tiểu thuyết này. Với cái nhìn của một nhà sản xuất điện ảnh, đạo diễn Đặng Tiến Sơn (Trưởng phòng Sản xuất phim và Tổ chức sự kiện Đài PT - TH Thái Nguyên) nhận thấy trong kịch bản phim của Hồ Thủy Giang thường giầu chất văn học và ngược lại, trong tiểu thuyết của anh lại tràn đầy yếu tố điện ảnh. Đặc biệt, anh cũng nhấn mạnh thêm một sự “so sánh” đặt ra những điều đáng suy nghĩ: “Sự kiện 60 chiến sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại ga Lưu Xá, Thái Nguyên cũng là một sự kiện vô cùng đáng lưu tâm, ở đó biểu lộ lòng yêu nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, mà tầm vóc của nó không kém gì sự kiện 10 cô gái Đồng Lộc, nhưng lại chưa được chú trọng một cách đúng tầm”. Qua những tham luận trên, có thể thấy, nhà văn Hồ Thủy Giang đã có những bước đi thành công trong khuynh hướng tiểu thuyết điện ảnh - một con đường mới mẻ và thú vị của việc viết tiểu thuyết.

Trước những tham góp của cử tọa, nhà văn Hồ Thủy Giang bày tỏ sự xúc động và biết ơn trước sự quan tâm chia sẻ của mọi người. Ông vui mừng vì đã góp được một tiếng nói để tưởng nhớ các anh hùng thanh niên xung phong đã ngã xuống cho quê hương.

Có thể nhận thấy, không chỉ đặt ra các vấn đề học thuật có giá trị, Hội thảo về tiểu thuyết “Những người mở đường” của Hồ Thủy Giang còn đem lại những giây phút xúc động trước sự tái hiện về lịch sử đau thương, bi tráng. Với những kết quả tích cực về mặt khoa học cũng như ý nghĩa về mặt lịch sử, những hoạt động như hội thảo này là một cách làm cần thiết để tiếp tục tạo ra những sự thúc đẩy trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật của tỉnh nhà.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả thu được, Hội thảo cũng vẫn còn bộc lộ hạn chế đáng tiếc. Mặc dù các tham luận được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, nhưng số người tham dự có phần “khiêm tốn”, khiến cho sức lan tỏa của Hội thảo cũng bị giới hạn ít nhiều. Chương trình Hội thảo hoàn toàn không có phần trao đổi, thảo luận giữa người đọc với người đọc, người đọc với tác giả... Điều này làm mất đi tính cởi mở, tính đối thoại, sự tương tác cần thiết để gợi mở ra nhiều vấn đề, đặc biệt là với một tác phẩm văn chương. Dù lí do là ở phía người trình bày (một số cử tọa đọc lại toàn văn tham luận) hay ở phía Ban Tổ chức (trong chương trình không chuẩn bị nội dung này) thì hy vọng, những vấn đề vừa nêu cũng rất cần được khắc phục trong những hoạt động tương tự tiếp theo, để có thể đạt được hiệu quả cao hơn nữa.

Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy