Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
10:22 (GMT +7)

Nhớ về tác giả bài thơ “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”

VNTN - Khó có thể kể hết những nhà thơ Việt Nam và thế giới bắt gặp cảm hứng từ cuộc đời cao đẹp và vô cùng trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để sáng tác nên những tác phẩm về Người. Song, tôi cho rằng, bài thơ “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ” của nhà thơ Cuba là một trong những sáng tác hay nhất viết về Bác. Bài thơ được viết ra khi cuộc kháng chiến chống xâm lược nhằm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của nhân dân ta ở vào thời kỳ quyết liệt. Nguyên bản tác phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha có nhan đề là “Ho Chi Minh, su nombre puede escribir en puema” (dịch nghĩa: “Hồ Chí Minh, tên của Người có thể viết thành thơ”). Dịch giả Hoàng Hiệp đã chuyển tác phẩm sang tiếng Việt một cách sáng tạo, diễn tả được thần thái của thi phẩm thành bài thơ mà nhiều người biết tới: “Hồ chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”. Tác giả bài thơ ấy là Phêlích Pita Rôđrighết (Felix Pita Rodriguez)* *. Tôi có cơ may được gặp ông ngay sau ngày tới Thủ đô La Habana là nhờ thư giới thiệu của nhà thơ Chế Lan Viên. Chả là tôi vốn yêu thơ, thi thoảng gửi bài sáng tác nhờ Chế Lan Viên đọc góp ý để đăng báo.

 

Ngày ấy, đoàn chúng tôi gồm 10 phóng viên đa phần được triệu về từ vùng đang có chiến sự ác liệt, nhận quyết định đi Cuba bồi dưỡng nghiệp vụ thời gian 4 năm theo Hiệp định ký giữa Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) với Thông tấn xã Prensa Latina (hãng Thông tấn xã của Nhà nước Cuba). Nhà thơ Chế Lan Viên khi đó có con trai đang học đại học về kỹ thuật truyền hình ở Cuba. Trước ngày tôi lên đường, ông gặp để gửi thư và quà quê hương cho con và nhờ chuyển một lá thư cho Phêlích Pita Rôđrighết. Ông nói sang đó liên hệ với Phêlích để được giúp đỡ và học thơ bằng tiếng Tây Ban Nha. Bấy giờ điện thoại chưa phổ biến ở Hà Nội, đề phòng tôi vắng nhà, ông còn chu đáo viết sẵn một lá thư ngắn cho tôi. Dù nhiều năm đã trôi qua, tôi hãy còn nhớ bức thư có đoạn: Đường vào thơ gian khổ như mọi con đường khác. Biết rõ thế để khổ công rèn luyện thì mới mong thành công, nếu không thì thất bại. … Vào một ngày chủ nhật, chúng tôi tới thăm gia đình Phêlích như lời hẹn trước. Dạo ấy đang mùa hạ, La Habana chang chang nắng và đầy ắp gió biển. Hoa phượng rắc màu cờ trên các phố phường Thủ đô. Liên, cháu nội của nhà thơ ra mở cổng đón chúng tôi vào nhà. Liên là một bé gái chừng 7, 8 tuổi có khuôn mặt thông minh thanh tú. Bà Carơmên, vợ của nhà thơ nhanh nhẩu giới thiệu ngay về đứa cháu gái có cái tên Việt Nam là Liên: Một lần, đọc báo biết trong đoàn anh hùng, dũng sỹ miền Nam Việt Nam sang thăm Cuba có chị Nguyễn Thị Liên. Tên gọi Liên của cháu có từ đó. Fêlích giải thích thêm về ý nghĩa của từ ngữ: Đó là một từ đẹp trong tiếng Việt. Nhiều thiếu nữ Việt Nam được gọi bằng tên như thế. Liên có nghĩa là hoa sen gọi theo âm Hán - Việt. Về nhà, tôi viết bài thơ Em gái Cuba, mở đầu và khổ kết như sau: Em gái Cuba tên gọi là Liên,/ Âm tiếng Việt dịu dàng qua đỗi,/ Có hiểu lòng Mẹ Cha em hỡi,/ Gọi tên này để nhớ mãi Việt Nam/…Tận bán cầu Tây, anh gọi tên em,/ Nghe xao xuyến vọng về nỗi nhớ,/ Có cánh cò bay tên đồng lúa trỗ,/ Trùng điệp rừng dừa như biển palma,/ Gặp dáng quê nhà trên đảo Cuba. Không khí trong gia đình bỗng chốc trở nên thân mật, tự nhiên thoải mái. Phêlích tiếp chúng tôi ngay tại phòng làm việc của ông. Đó là một căn phòng bốn bề toàn sách. Sách xếp cao tới tận trần nhà. Ở khoảng tường trống chính giữa trước bàn làm việc có treo trân trọng tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh có bức tranh in hình Bác Hồ ngồi đọc sách bên bờ suối với hàng chữ: “Ho Chi Minh, su nombre puede escribir en puema”( Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ). Trên bàn có khá nhiều sách báo, tài liệu về Việt Nam và các bản dịch văn học Việt Nam ra tiếng Tây Ban Nha mà Phêlích đang làm. Trong đó, có Truyện Kiều của Nguyễn Du. Tác phẩm này ông dịch qua bản tiếng Pháp do Hội Nhà văn Việt Nam gửi tặng. Dịp ấy, Thư viện Quốc gia Cuba - Thư viện mang tên người anh hùng dân tộc Hôsê Mácti (José Martí) và Thư viện Nhà Châu Mỹ (Casa de las Américas) trưng bày cuốn sách mầu hồng nhạt có hình con chim bồ câu trắng dang rộng cánh bay, trên bìa in đậm Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng tiếng Tây Ban Nha. Đây là cuốn sách do Phêlích dịch và giới thiệu, được ấn hành ở một số nước châu Mỹ Latinh nhân dịp Hội đồng Hòa bình thế giới quyết định kỷ niệm Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới. Phêlích bảo rằng, việc dịch toàn bộ Truyện Kiều là một việc khó khăn lớn bởi ngôn ngữ, điển tích, biểu đạt tình cảm qua hình ảnh…, nhưng ông vẫn kiên trì tiến hành bởi đây là một kiệt tác có giá trị lớn về văn hóa và mang ý nghĩa xã hội rộng lớn. Nhà xuất bản Causachun ở Thủ đô Lima (Pêru) đã cho ra mắt bạn đọc tập Thơ Việt Nam anh hùng. Phần Thơ Việt Nam về chủ đề chiến tranh cách mạng của cuốn sách bao gồm một số bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thơ của các nhà thơ Việt Nam viết khác, là do Phêlích dịch và viết lời giới thiệu. Đang câu chuyện, có tiếng chuông từ ngoài cổng vọng vào, Phêlích ra đón khách. Một lát sau ông trở vào với chồng sách trên tay, vừa cười vừa hồ hởi nói về một sinh viên mà ông chưa kịp hỏi tên. Anh sinh viên ấy biết Phêlích đang nghiên cứu và viết về Việt Nam, nên đã sưu tầm tài liệu đem tới tặng ông. Tiếp đến, một cán bộ phụ nữ từ ngoại ô La Habana tới thăm và mời nhà thơ nói chuyện về Việt Nam cho khu phố của mình. Bà Carơmen cho hay, hàng ngày vẫn thường có khách như thế. Cả hai ông bà đều vui mừng và cảm thấy tự hào bởi đang làm những công việc hữu ích. Đến đây, thấy cần giới thiệu đôi nét về Phêlích Pita Rôđrighết. Ông sinh trưởng ở Cuba. Nhắc đến Phêlích P. R., bạn đọc Cuba và Mỹ Latinh nghĩ ngay đến một nhà báo, nhà văn có biệt tài về thể truyện ngắn. Với những truyện ngắn như Tobiat, Sự cướp giật…, ông trở thành một trong những nhà văn có biệt tài về thể loại này bằng tiếng Tây Ban Nha. Phêlích còn là một nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng. Ngay từ khi 16 tuổi, ông đã tạo được ấn tượng trong người đọc bằng những bài thơ đầu tay có bản sắc rõ nét. Thơ ông mang tính chiến đấu cao được hòa nhuyễn trong chất trữ tình. Ông đặc biệt thành công trong thơ thời sự. Đặt chân tới nhiều miền đất của thế giới, ông vừa viết báo, vừa làm thơ, viết văn. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam chống Mỹ xâm lược, Phêlích đã sang thăm nước ta hai lần. Giữa khói lửa đạn bom, không kể hiểm nguy, ông đã tới tận vùng có chiến sự để gặp gỡ cụ già, em nhỏ, các chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang. Phêlích được gặp Bác Hồ tại Hà Nội. Ông cho rằng, đó là một ngày cảm động hiếm thấy, có ý nghĩa nhất trong đời cầm bút của mình. Về nước, ông sáng tác một loạt truyện ký và thơ về Việt Nam trong đó có bài thơ Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ. Hai tập sách Nhật ký về Việt Nam và Thiếu nhi Việt Nam được xuất bản với số lượng lớn, phát hành rộng ở các nước Mỹ Latinh. Ông kể đã đọc sách “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ qua bản dịch tiếng Pháp (nhiều người Cuba cũng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ). Hôm ấy, ông nêu nhận xét mà tôi còn ghi nhớ mãi: Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ của một vị lãnh tụ vĩ đại duy nhất của thế kỷ này đi vào tương lai. Một thời ở Việt Nam, bài hát Cây đàn ghi ta của Víchto Hara khá quen thuộc đối với giới trẻ yêu ca hát. Nhân đây xin kể về sự ra đời của ca khúc này. Ở Mỹ Latinh, sau Phidel Castro của Cuba thì Tổng thống Aigende của Chilê được cho là người đặc biệt yêu quý Việt Nam và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại phòng làm việc của Tổng thống Aigende, chỉ thấy đặt một bức ảnh duy nhất là ảnh Bác Hồ. Những ngày diễn ra đảo chính ở Chilê do tên độc tài Pinôchê cầm đầu, chúng tôi cùng sinh viên Cuba đi mít tinh, tuần hành thâu đêm suốt sáng. Ở thư viện trường Đại học Tổng hợp La Habana, tôi đọc được bài thơ Cây đàn ghi ta của Víchto Hara - một sáng tác mới của Phêlích P. R. đăng trên báo Cá Sấu (người ta ví Quốc Đảo Cuba giống hình con cá sấu xanh). Trong tình cảm yêu mến Chilê - Tổ quốc của đại thi hào Pablo Neruda, kính trọng Tổng thống Aigende, căm thù đế quốc và lũ tay sai phản động vừa mới sát hại nhạc sỹ tài năng Victo Hara (người mà tôi đã được gặp và xem biểu diễn ở La Habana) cùng nhiều nhà yêu nước khác của Chilê ở sân vận động trung tâm Thủ đô Santiago de Chile, xúc động trước thi tứ của tác phẩm, tôi nẩy ra ý định dịch bài thơ ra tiếng Việt. Qua điện thoại, Phêlích đã rất chu đáo giải thích cặn kẽ những từ ngữ, hình ảnh mà tôi chưa hiểu hết ý nghĩa. Có lúc giọng của nhà thơ lão thành bị át đi bởi tiếng ho dài. Biết ông không được khỏe, tôi nói lời xin lỗi và cám ơn, tạm biệt. Tôi gửi bài thơ dịch ấy về cho nhà thơ Chế Lan Viên. Ít lâu sau, bài thơ được đăng trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhạc sỹ Phan Nhân đã phổ nhạc thành bài hát quen thuộc đã nói ở trên. Bản nhạc cũng được báo Văn nghệ đăng với đầy đủ tên tác giả bài thơ, người dịch, người phổ nhạc. Trước ngày rời Cuba lên đường về nước, tôi chọn một số bài thơ sáng tác của mình rồi tự dịch sang tiếng Tây Ban Nha, đem gửi cho Phêlích Pita Rôđrighết nhờ sửa giúp. Một kỷ niệm đẹp nữa đối với tôi: báo Gazeta de Cuba (tờ báo của Hội Văn nghệ Cuba) đã đăng chùm thơ này. Ngày tháng trôi qua, song những kỷ niệm về Phêlích Pita Rôđrighết, một người cầm bút Cuba đầy tâm huyết vẫn còn rõ trong tôi. Hôm ấy ra về chúng tôi đi men theo con đường đầy phượng vĩ, trĩu nặng tiếng ve báo mùa. Biển ở ngay gần đó xanh ngắt một mầu. Sóng từng đợt ào ạt xô bờ, như hát mãi bài ca không bao giờ dừng lại. Lòng tôi cứ bâng khuâng suy nghĩ về một nghệ sỹ Cuba tóc bạc trắng đáng kính, đáng quý làm sao; suy nghĩ về anh sinh viên chưa quen biết, về chị cán bộ phụ nữ thành La Habana, về bé Liên có khuôn mặt thông minh, thanh tú - mà suốt cuộc đời em gắn bó với Việt Nam trước tiên bằng tên gọi của mình.

(*) Phó trưởng ban đối ngoại Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương; Ủy viên BCH Hội hữu nghị Việt Nam - Chilê & Vênêxuêla; Phó TGĐ Liên hiệp khoa học & công nghệ phát triển nông thôn. (* *) Felix Pita Rodriguez (1909 -1990).

TS. Chu Huy Sơn*

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy