Nhân vật triệu phú trong văn học Mỹ
VNTN - Trong lịch sử văn học, mỗi thời kỳ khác nhau của văn học các dân tộc khác nhau đều có những nhân vật trung tâm. Loại nhân vật đó mang lý tưởng thẩm mỹ cho cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nhân vật anh hùng của văn học Hy Lạp - La Mã, nhân vật hiệp sĩ của văn học Phục Hưng, nhân vật người thừa của văn học Nga, nhân vật trí thức tỉnh lẻ trong văn học Pháp thế kỷ XIX, nhân vật công nhân trong văn học Anh hay quý tộc trong văn học lãng mạn Pháp...
Đến văn học Mỹ, lại sản sinh ra nhân vật triệu phú. Loại nhân vật mà trước chưa có mặt trong gia phả văn học thế giới. Đã vậy loại nhân vật này lại xuất hiện ngay thời kỳ đầu của văn học Mỹ (1861 - 1914). Văn học Mỹ vừa chập chững thoát khỏi văn học Anh, sau mấy thập niên bập bõm trong Kinh thánh của các nhà truyền đạo, của các cha cố suốt thời kỳ mở mang bờ cõi đã bập ngay vào kỷ nguyên hiện đại của văn học. Điều kiện kinh tế xã hội của một nước Mỹ hiện đại tạo điều kiện cho văn học Mỹ vừa ra đời đã có một diện mạo đặc biệt với nội dung riêng biệt, cắt đứt lịch sử và truyền thống (vốn rất mong manh) của dân tộc Mỹ. Mark Twain (1835 - 1910) người được Melville gọi là Lincohn trong văn học đã chua chát thừa nhận: “Ngày nay, khi bước vào một buổi dạ hội không ai hỏi anh - Ngài xuất thân từ tầng lớp quý tộc nào mà hỏi ngài có bao nhiêu tiền?”. Và văn học Mỹ đã sinh ra nhân vật triệu phú cùng với tất cả những nét điển hình của nó. Làm giàu, trở nên giàu có bằng mọi phương tiện bất chấp mọi thủ đoạn. Loại nhân vật này coi khinh giới quý tộc cũ, chà đạp lên mọi giá trị văn hóa và đạo đức... Như ta thấy, chính Walt Whitman, người khởi xướng dân chủ, cũng kinh hoàng trước sự suy đồi về đạo đức ở Mỹ. Mark Twain là nhà văn đầu tiên đặt tên cho hiện tượng văn học này trong tiểu thuyết mang tên Thời đại hoàng kim (Gilded Age, 1873). Cuốn sách trở thành tên gọi cho giai đoạn lịch sử này, và câu chuyện là hư cấu, nhưng lại có thật trong đời sống nước Mỹ.
Một số tác phẩm văn học Mỹ viết về các nhân vật triệu phú
Khi cuộc nội chiến mới bắt đầu, cả nước chỉ có chưa đầy 100 triệu phú. 15 năm sau, vào lễ kỷ niệm 100 năm ngày tuyên bố độc lập đã có hơn 1000 triệu phú. Buôn bán, kinh doanh là một nguồn chính mang lại uy tín và quyền lực trong nước và tạo ra những con người "vĩ đại” ở Hoa Kỳ.
Trong cuốn tiểu thuyết Người khách du lịch đến từ Altruria (1874) của William Dean Howell (1837 - 1920) khi được hỏi ai là người hùng điển hình kiểu Mỹ, một nhân vật đã kết luận: “Thời kỳ đó (kết thúc cùng cuộc nội chiến) đã qua và một kỷ nguyên vĩ đại của quốc gia phồn vinh bắt đầu. Của cải nhiều lên và những người hùng kiểu mới (khác với những anh hùng trong chiến đấu) đã bắt đầu được manh nha trong trí tưởng tượng của chúng ta. Không còn nghi ngờ gì nữa, triệu phú hiện là người hùng lý tưởng kiểu Mỹ. Văn học Mỹ mở đầu bằng một thời kỳ như vậy”. Thời kỳ đời sống xã hội Mỹ dù mới phát triển nhưng đã làm đảo lộn mọi giá trị văn hóa truyền thống. Đến Tổng thống Grant (1869 - 1877), một vị anh hùng trong chiến tranh dù có địa vị cao sang trong xã hội cũng lắm lúc cảm thấy tự ti, lạc mốt trước bất kỳ một kẻ triệu phú vô danh nào và không mong cho con cái mình đi theo con đường mình đã đi là “công thành danh toại” mà là con đường làm giàu.
Năm 1866, Melville (1819 - 1891) - tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Moby Dick đã có những tiên đoán sáng suốt về sự xuất hiện một thế hệ mới trong xã hội Mỹ “Cuộc xung đột của đức tin đã hỏi đâu là lực lượng mới được giải phóng sau chiến tranh giành độc lập và lấy gì để cho rằng lịch sử là một cơn gió xoay chuyển tình thế” (Trận chiến Pieces - Battle of Pieces). Sau nội chiến Bắc - Nam (1861 - 1865) như tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió (1936) của M. Mitchell (1900 - 1949), một cuốn sách viết về nhân vật tài phiệt Rhett Butler đã hốt bạc tỷ nhờ Nội chiến đã mô tả. Liên bang đã được cứu vớt và một thị trường rộng lớn với diện tích khoảng 3.500.000 dặm vuông - gần bằng diện tích châu Âu, với dân số là 76.000.000 người (năm 1900). Những người nô lệ được giải phóng bị đuổi một cách không thương tiếc ra khỏi nhà chủ cũ, những người chủ đến lượt mình cũng bị trục xuất một cách phũ phàng, bao gồm cả các chủ trại trung lưu ở Middle West và hàng đoàn người di cư từ châu Âu vì một trật tự mới của chủ nghĩa tư bản công nghiệp và tài chính. Và ngay từ năm 1871, nhà thơ Walt Whitman đã biết rằng: “Tình trạng suy đồi của giới kinh doanh trong nước không giảm bớt như người ta nghĩ mà trái lại còn tăng mạnh mẽ đến không ngờ", và ông tuyên bố rằng quanh ông trên đất Mỹ, ông thấy một “sa mạc Sahara phẳng lỳ và khô cạn, chỉ an ủi bằng những thành phố, đầy rẫy những cảnh kỳ cục, dị tật, những bóng ma đang chơi những trò ngốc ngếch, vô nghĩa".
Nhiều nhà văn đã nhìn thấy sự băng hoại đạo đức và văn hóa. Họ bàng hoàng trước sự ngu dốt, thái độ thô bạo, sự phô trương, hợm hĩnh và thiếu tôn trọng tri thức của những kẻ “giàu có thô lỗ” (Barbaric wealth) như nhà văn Charles Eliot Norton gọi. Những kẻ giàu có coi tri thức như một thứ đồ trang trí của xã hội, ngay Commodore Vanderbilt cũng đã từng nói: "Tôi đã đến Anh gặp các địa chủ, và nhiều người khác, và biết rằng so với họ, tôi là người có đầu óc chỉ bằng một nửa, vì vậy tôi không dám nói, sợ lộ mình”. Nhà triệu phú Drew thừa nhận “không bao giờ” đi học và thản nhiên nói tiếp "tôi đã bỏ học ngay từ đầu. Nhưng chẳng bao giờ bận tâm lắm về điều đó”.
Năm 1861, khi những thành viên chống đối ở miền Nam ly khai khỏi Quốc hội thì sự phát triển có hệ thống trong lục địa bắt đầu. Bức điện tín xuyên lục địa đã lần đầu tiên được phát đi từ năm 1861. Đạo luật về trại ấp (Homestead Act) năm 1862 đã mở mang cánh cửa sở hữu đất đai toàn quốc. Ngày 16 tháng 5 năm 1869, ở Promontory Point, đường sắt xuyên lục địa Hoa Kỳ được nối liền và hoàn tất tuyến đường sắt Đông - Tây, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục mở rộng lãnh thổ bằng các cuộc chiến tranh chiếm đất của người bản xứ. Năm 1867, William H. Seward một Bộ trưởng đã mua vùng Alaska mênh mông của Nga với cái giá bèo, 2 cent một acre.
Năm 1900, tổng thu nhập của Hoa Kỳ đã vượt xa vương quốc Anh. Với thu nhập hơn 70 tỷ đôla hàng năm, như Carnegie nói: “Số tiền đủ mua cả người Nga, người Áo và người Tây Ban Nha”, hoặc “đủ mua nước Pháp giàu có vẫn còn tiền thừa đề mua Đan Mạch, Na Uy, Thụy Sỹ và Hy Lạp”. Cuộc chiến xâm lược thôn tính đất đai của người da đỏ ở miền Tây đã thắng. Năm 1867 “hòa bình” đã được thiết lập ở vùng đất mênh mông này.
Nước Mỹ đã thay đổi hết sức nhanh chóng. Năm 1861, Mỹ là đất nước của các trang trại, đồn điền và làng mạc với một số ít thành phố. Năm 1900, chưa đầy 40% dân số còn làm việc đồng áng. Thành phố New York, với số dân khoảng 600.000 người năm 1861, nay đã lên tới 3 triệu. Chicago, năm 1861 chỉ có khoảng 30.000 người, nay đã vượt qua mốc 1 triệu. Và còn có những thành phố công nghiệp lớn mới ra đời như Pittsburgh và Cleveland. Đây là thời kỳ nhập cư không giới hạn với khoảng 23 triệu người đổ vào Mỹ từ giữa những năm 1860 và 1910.
Nói tóm lại là Mỹ có một nền công nghệ mới phong phú, một hệ thống xã hội và công nghiệp mới, của cải dồi dào và dân cư đông đúc. Nhân vật triệu phú ra đời trong xã hội tư bản phát triển của nước Mỹ dựa trên nền tảng và cơ sở của kinh tế, văn hóa, đặc biệt là tôn giáo, nơi có hơn 85% dân số là tín đồ Thiên Chúa giáo.
Trước hết là kinh tế xã hội. Ngay từ đầu, người Mỹ là: “những kẻ vụng về” (tinkerer) nhưng họ nhanh chóng nhận ra lợi ích do khoa học mang lại. Năm 1861, máy xay bột và kỹ thuật sản xuất đã được đưa vào ứng dụng trong quân đội liên bang. Máy gặt Mc Cormick đã có mặt trên các cánh đồng lúa mì bằng phẳng của miền Trung - Tây. Các tuyến đường sắt nối liền đất nước đảm đương bất kỳ chức năng nào, chẳng hạn như đảm bảo cho chiến thắng trận Getydburg, tướng Haupt chỉ cần một đêm, dùng tuyến đường sắt xuyên lục địa chở toàn bộ vũ khí, đạn dược ra mặt trận đủ đè bẹp quân đối phương thiếu đạn và lương thực. Chính phủ liên bang và các bang đã bắt đầu khai thác tài nguyên một cách có kế hoạch. Khoa học được đưa vào ứng dụng trong công cuộc xây dựng đất nước và mở rộng, khai thác tài nguyên, phát triển công nghiệp và quan trọng hơn nữa cho tương lai là đào tạo ra đội ngũ quản lý và tổ chức cho đất nước. Người Mỹ bước vào quá trình xây dựng đất nước trong hoàn cảnh ấy đã làm nảy sinh chủ nghĩa lạc quan gắn liền với chủ nghĩa cá nhân ích kỷ và chủ nghĩa thực dụng vô bờ bến. Có một sự thay đổi lớn về đạo đức và văn hóa truyền thống của người Mỹ (vốn là người tứ xứ mới đến mảnh đất này).
Thời hoàng kim của sự hưng thịnh mới sau cuộc nội chiến, nhiều nhà lãnh đạo, các tu sĩ, triết gia và những trí thức khác tôn sùng sự ngoan đạo (Godliness), và “cẩm nang về giàu có”. Theo Hopkins nói thì: “thậm chí ngay cả một kẻ làm giàu ích kỷ, còn hơn một kẻ lười nhác ích kỷ”. Đức giám mục Lawrence ở Massachusetts cuối thế kỷ đã trích lời của Emerson: “Lòng ngoan đạo song hành với sự giàu có... Sự giàu có về vật chất giúp cho một quốc gia hạnh phúc hơn, tươi vui hơn, bớt ích kỷ và sùng đạo hơn”. Trên thực tế, đức giám mục, giống như nhiều người dân Mỹ khác cùng chung quan điểm của Calvin cho rằng “lòng ngoan đạo” không chỉ “song hành với sự giàu có”, mà sự giàu có còn là bằng chứng chứng tỏ lòng ngoan đạo đó. Chúa trời vì sự thông minh và công bằng của Người, cho rằng dù “một kẻ đầu đường xó chợ” mà giàu có thì bất kỳ ai- kể cả Chính phủ - nếu cố tình phá hoại tài sản đó cũng là bất kính. Thực tế, nhiệm vụ mà Chúa giao phó cho Chính phủ là bảo vệ sự giàu có.
Hơn thế nữa xuất hiện một hệ quả tất yếu quan trọng từ ý kiến cho rằng sự giàu có là kết quả ý muốn của Chúa và nó là một dấu hiệu của “con người đạo đức”. Nghèo khổ cũng là ý muốn của Chúa và rất có thể là dấu hiệu của kẻ vô đạo đức. Trong khi kiếm tiền, Chúa hẳn là muốn anh kiếm được nhiều nhất, còn khi tiêu tiền, anh phải tiêu vì xã hội - nếu không, tất yếu sẽ dẫn đến sự thay đổi xã hội làm cho tương quan trở nên khó khăn, thậm chí bế tắc. Điều đó giải thích vì sao Rockefeller - một đại triệu phú lại phân thân làm hai. Một mặt là công ty Standard Oil đẫm máu và nước mắt của giai cấp công nhân Mỹ và mặt kia là Trường đại học Tổng hợp Chicago do ông sáng lập và tài trợ. Nhà từ thiện này đã nói ở khóa tốt nghiệp của sinh viên đầu tiên của trường “Chúa đã cho tôi tiền bạc thì làm sao tôi lại có thể bo bo giữ nó mà không có trường Đại học Tổng hợp Chicago?”. Nhân vật triệu phú kiểu Rockefeller có mặt rất nhiều trong tiểu thuyết Mỹ là vì vậy. Để biện minh cho những thủ đoạn làm giàu của những nhân vật triệu phú trong cuộc sống cũng như trong văn chương, người ta dựa vào lý luận của các nhà khoa học như Darwin hoặc Nitztche, không chỉ biện minh thậm chí còn lý giải cụ thể hơn cho hiện trạng về “sự sống còn của những kẻ biết thích ứng (survival of the fittest)” của Herbert Spencer, một nhà triết học Anh có ảnh hưởng lớn nêu ra. Đó là: “Sự nghèo khó của những kẻ bất tài, cảnh khốn cùng đến với những người cẩu thả, sự chết đói của những kẻ ăn không ngồi rồi, và những kẻ lấy thịt đè người đẩy nhiều người đến cảnh cùng quẫn, cơ cực”.
Darwin đã bổ sung thêm vào bức tranh đặc sắc ấy một cuộc đấu tranh nghiệt ngã và vô đạo đức, trong đó người thắng không cần đến sự biện hộ nào ngoài bản thân sự chiến thắng. Điều mà chúng ta thấy ở đây là cả tôn giáo cũ (những gì còn lại của nó) và khoa học mới cùng được sử dụng để biện hộ cho người giàu có.
Và doanh nhân với vai trò và vị trí của mình không chỉ thao túng xã hội mà còn đi vào giải quyết những vấn đề trong văn học. Quan điểm cho rằng kinh doanh là cứu vớt xã hội, triệu phú đã xuất hiện trong văn học Mỹ từ bấy, và vẫn cứ là nhân vật trung tâm, nhân vật lý tưởng đến nay, với rất nhiều các tác phẩm như: Phát triển và nghèo đói của Henry George (1879); Của tư hữu đối nghịch với phúc lợi xã hội của Henry Demaerst Lloyd (1894); Nguồn gốc của những tài sản khổng lồ của người Mỹ của Gustavus Myse (1910); và Cái hồ (1903), của Frank Norris; Sự trỗi dậy của Silas Lapham (1885) và May rủi của những món gia tài mới (1890) của William Dean Howells; Nhìn lại (1888) của Stephen Crane; Người Mỹ (1876) của Upton Synclair và Tập quán của một quốc gia (1913) của Edith Qharton; Nhà tài phiệt (1912); Người khổng lồ (1914) của Theodore Dreiser…
Có thể nói bắt đầu Thời đại hoàng kim của Mark Twain, sau đó là Một người Yankee Connecticut ở triều vua Arthur cũng của ông, nhân vật triệu phú được khai sinh. Về sau, cùng với thời gian và sự phát triển của nước Mỹ, loại nhân vật này càng trùm bóng lên văn học Mỹ, với những Theodore Dreiser, Sinclair Levis, Scot Fitzgerald, Thomas Wolfe, William Faulkner John Steinbeck..., nhất là với dòng văn học hiện thực Mỹ những năm 30, đỉnh cao là Sinclair Lewis (1885 - 1951) với các tác phẩm nổi tiếng viết về các nhà tài phiệt với các nhân vật triệu phú như Phố chính (Main Street, 1920), Babbitt (1922) và Arrowsmith (1925), ông đã là nhà văn Mỹ đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel
Hạnh Liên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...