Thứ bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024
18:30 (GMT +7)

Nhận diện tin giả

VNTN - Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, tin giả (fake news) trở thành một hiện tượng toàn cầu và ảnh hướng lớn đến nhiều quốc gia. Trước tiên, chúng ta cần một định nghĩa rõ ràng về tin giả. Theo từ điển Cambridge: Tin giả là những câu chuyện sai lệch xuất hiện dạng tin tức và được khuếch tán trên internet hoặc các phương tiện truyền thông khác, thông thường được tạo ra nhằm ảnh hưởng đến quan điểm chính trị hay như một trò đùa. Ở Việt Nam, tin giả cũng đã, đang bùng nổ hàng ngày mà rất khó có thể kiểm soát được. Ví như năm 2017, Phạm Thị Mùi (Ninh Bình) đăng tin máy bay rơi ở sân bay Nội Bài và nó nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội. Dù vô tình hay cố ý, thì thông tin đó cũng đã gây hoang mang, lo sợ cho xã hội. Rồi ngày 19/03/2019, Nguyễn Bá Mạnh (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội về sử dụng thịt lợn nhiễm sán tại Trường mầm non Ngũ Thái, nhưng thực chất đó cũng chỉ là thông tin được dàn dựng. Những ví dụ trên đây chỉ là một phần rất nhỏ của nạn tin giả. Thực tế, tất cả chúng ta đều là những người có khả năng sản xuất hay tiếp tay cho tin giả. Nguy hiểm hơn là rất ít người ý thức được tác hại của nó. Thậm chí còn coi đó như một trò đùa. Theo Martina Chapman (chuyên gia nghiên cứu truyền thông độc lập, Vương quốc Anh), có ba yếu tố tạo thành tin giả: đáng nghi, sai lệch và có tính chất lôi kéo. Trước khi có internet, chúng ta thường tiếp nhận thông tin từ những nguồn đáng tin cậy, các phương tiện truyền thông và báo chí đòi hỏi phải đi theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Tuy nhiên, internet đã tạo ra những cách xuất bản, chia sẻ và tiêu thụ thông tin một cách thiếu quản lý. Rất nhiều người gần đây tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội và thường gặp khó khăn để nhận ra nó đúng hay sai. Sự quá tải thông tin và sự thiếu hụt hiểu biết về internet càng làm tăng số lượng tin giả. Hiện nay các chính phủ đều gặp nhiều khó khăn trong xử lý vấn đề này cho dù họ có tăng cường kiểm duyệt hay dùng trí tuệ nhân tạo để quản lý mạng xã hội. Trước khi có giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề này, có lẽ mỗi người tốt nhất nên học cách nhận diện tin giả. Cũng theo Martina Chapman, tin giả bao gồm: Thứ nhất là “mồi nhấp chuột” (clickbait). Đó là những câu chuyện cố ý bịa đặt nhằm tăng lượng truy cập của một website và làm tăng giá trị quảng cáo cho website đó. Mồi nhấp chuột thường sử dụng những nhan đề giật gân nhằm gây sự chú ý. Thứ hai là tuyên truyền (propaganda) được sáng tạo có chủ ý để làm lung lạc người đọc, tăng cường những quan điểm thành kiến hay tác nhân chính trị đặc biệt. Thứ ba là sự nhại (parody). Rất nhiều trang website và mạng xã hội tạo ra những câu chuyện hay tin giả nhằm cho việc giải trí. Tuy nhiên, đó cùng là một dạng tin giả mà chúng ta cần thận trọng. Thứ tư là những nhà báo tùy tiện. Đôi khi những nhà báo xuất bản những câu chuyện hay thông tin không đáng tin mà thiếu đi sự xác minh thực tế và nó có thể làm lệch lạc suy nghĩ người đọc. Thứ năm là bóp méo nhan đề. Những câu chuyện không hoàn toàn sai nhưng nó có thể bị bóp méo qua những tựa đề lệch lạc hay giật gân. Dạng tin này thường được lan tỏa nhanh tróng trên mạng xã hội từ những tựa đề rất nhỏ và bị cắt vụn để thu hút độc giả. Thứ sáu là những thông tin mang thành kiến. Có nhiều người viết ra những tin tức hay câu chuyện để khẳng định niềm tin hay thành kiến cá nhân họ. Họ tình cờ tạo ra tin giả bởi nó thiếu tính khách quan. Nhận diện được một số dạng tin giả phổ biến hẳn là điều vô cùng cần thiết. Phần tiếp theo, người dùng mạng xã hội có thể tư duy về việc: làm thế nào để tiếp cận thông tin chính thống, đảm bảo sự thật trong thời đại hiện nay? Đầu tiên, hãy kiểm tra nguồn của câu chuyện. Bạn có nhận ra website của nó. Nếu bạn không quen thuộc với nó, hãy nhìn vào từng phần và tìm thông tin về tác giả. Thứ hai, kiểm tra toàn bộ nhan đề, nhiều tin giả sử dụng sự giật gân và tựa đề gây sốc. Thông thường nhan đề của những tin giả thường có thán từ để tạo sự chú ý. Thứ ba, kiểm tra xem những phương tiện đăng tải có đáng tin không. Kiểm tra tính tin cậy của nó ngay cả khi nó thực sự tồn tại. Thứ tư, thông thường các tin giả thường chứa đựng ngày tháng không chính xác. Vậy hãy kiểm tra xem nó cũ hay mới. Thứ năm, kiểm tra thành kiến xem liệu có phải niềm tin hay quan điểm của bạn đang ảnh hưởng tới tính chất của tin tức. Và cuối cùng hay xem nó có phải trò đùa hay không? Trên đây là một số cách nhận diện tin giả, tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta cần có sự tự ý thức về vấn đề này và tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tinh giản… nghệ thuật

Xem tin nổi bật 12 giờ trước

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước