Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
09:14 (GMT +7)

Nhà văn Thái Nguyên với quê hương

Trách nhiệm, tình cảm của người cầm bút đối với mảnh đất mình đang sống là một vấn đề được các nhà văn Thái Nguyên rất quan tâm. Xoay quanh vấn đề này, nhà văn Hồ Thủy Giang đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Phạm Đức, nhà văn Minh Hằng, nhà thơ Doãn Long và PGS. TS Nguyễn Huy Quát. Với tinh thần đối thoại cởi mở, tất cả vì mục đích hướng đến các giá trị sáng tạo, bàn tròn văn chương của VNTN số xuân Quý Mão trân trọng giới thiệu đến quý độc giả nội dung cuộc trao đổi này.


Hồ Thủy Giang (thực hiện)

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Trong vòng hơn một thập kỷ nay, nhiều tác giả văn xuôi ở Thái Nguyên có xu hướng chọn đề tài gắn với địa phương để sáng tác, đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết. Đó là một dấu hiệu rất đáng mừng. Từng là Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi nhiều năm, anh có thể cho độc giả hiểu rõ thêm về những thành tựu mà người viết văn xuôi Thái Nguyên đã đạt được về đề tài này?

Nhà văn Phạm Đức: Từ đầu năm 2000 đến nay, văn xuôi Thái Nguyên có một bước chuyển mình rất lớn cả về đội ngũ sáng tác và tác phẩm. Các tác giả khai thác nhiều đề tài trong tiến trình phát triển chung của dòng chảy văn chương của cả nước. Người được sinh ra ở Thái Nguyên và cả những người ở tỉnh ngoài, trưởng thành từ Thái Nguyên, do yêu mảnh đất mình đang sống mà họ có nhiều tác phẩm nói về quê hương Thái Nguyên với một tấm lòng đầy trân trọng và mến thương.

Những cây bút gạo cội như Vi Hồng, Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên, Hà Đức Toàn, Lê Thế Thành, Vũ Phong, Ngọc Thị Kẹo,… đã để lại nhiều tác phẩm có tiếng vang trên văn đàn. Kế tiếp những tác giả kể trên, ngày nay nhiều tác giả mới và nhiều tác giả trẻ cũng đã để lại những dấu ấn như Phạm Quý, Nguyễn Văn, Phan Thái, Bùi Thị Như Lan, Minh Hằng, Nguyễn Đức Hạnh, Đào Nguyên Hải, Phan Thức, Bùi Nhật Lai, Đỗ Dũng, Nguyễn Thưởng, Nguyễn Anh Đào, Hoàng Thị Hiền, Mai Linh Lan, Nguyễn Nhật Huy, Trần Thị Nhung, Nguyễn Bích Hồng, Phạm Đức Hùng… và nhiều người khác đã và đang hình thành tên tuổi trên văn đàn, có nhiều triển vọng để trở thành những tác giả thực thụ.

Các nhà văn có tiểu thuyết lịch sử viết về vùng đất Thái Nguyên trong những năm gần đây phải kể đến Hồ Thủy Giang 3 cuốn, Ma Trường Nguyên 3 cuốn, Phạm Đức 1 cuốn, Phan Thái 4 cuốn, Phan Thức 1 cuốn, Hoàng Luận 3 cuốn… Đó là những nhà văn lao động rất nghiêm túc, một thứ lao động nghiệt ngã, “rút hết ruột gan” của mình để hoàn thành sứ mệnh văn học mà mình đam mê.

Một số tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim, được chiếu rộng rãi trên truyền hình, đoạt giải Liên hoan Truyền hình toàn quốc, giới thiệu với người xem về mảnh đất Thái Nguyên giàu truyền thống lịch sử và văn hóa đáng tự hào của nhân dân tỉnh nhà.

Nhà văn Phạm Đức

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Anh có thể cho những đánh giá sơ lược về nội dung và nghệ thuật một số tiểu thuyết về đề tài lịch sử đã xuất bản của người viết Thái Nguyên?

Nhà văn Phạm Đức: Có thể kể một số tiểu thuyết lịch sử của các tác giả Thái Nguyên: Hồ Thủy Giang có tiểu thuyết “Những người mở đường” viết về Đại đội TNXP 915; “Tể tướng Lưu Nhân Chú” viết về người anh hùng quê hương Núi Văn, Núi Võ, xã Vân Yên, huyện Đại Từ giúp Lê Lợi đánh giặc ngoại xâm; “Thái Nguyên - 1917”, viết về cuộc khởi nghĩa Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến. Hoàng Luận có 3 tiểu thuyết: “Làng một người”, “Nắng tím”, “Cây không lá” nội dung đều nói về chiến khu ATK Định Hóa. Ma Trường Nguyên có “Ông Ké thượng cấp”; “Ông Ké trở lại chiến khu” phản ánh về những ngày hoạt động của Bác Hồ trên mảnh đất chiến khu xưa. Phan Thức có “Thượng thư Đỗ Cận”, một vị đại quan dưới triều Lê Thánh Tông, quê hương Phổ Yên. Ngọc Thị Kẹo có “Nhật ký cô văn thư” viết về Đội TNXP 91. Phan Thái có “Linh Sơn tử chiến”, “Thanh gươm và cây tính tẩu” cùng nói về Nùng Tông Đản được Lý Thường Kiệt giao chỉ huy lộ quân chặn bước tiến của nhà Tống xâm lược; tiểu thuyết “Nắng phía sau mặt trời” viết về Đại đội TNXP 915; tiểu thuyết “Bình minh máu” viết về cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của công nhân mỏ than Phấn Mễ, Phú Lương. Phạm Đức có “Đức Thánh Đuổm Dương Tự Minh”, nói về anh hùng Dương Tự Minh mà đền thờ chính của ông ở núi Đuổm, Phú Lương…

Để đánh giá khách quan, tôi xin được nói lại nhận xét của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hằng (Đại học Thái Nguyên): “… Khi miêu tả những sự kiện, dấu ấn lịch sử của dân tộc, vẻ đẹp phẩm chất, tài năng của những người anh hùng trên đất Thái Nguyên được thể hiện rõ nét. Với những người thật, việc thật, các tác giả tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đã thành công khi tái hiện những mốc son đáng nhớ, những tấm gương sáng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước từ xưa đến nay, tạo nên nguồn cảm hứng cho các thế hệ sau tiếp tục sống và cống hiến sao cho xứng đáng với người xưa”.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Vâng, cảm ơn anh. Thưa chị Minh Hằng, trong các tác giả viết thể loại ký ở Thái Nguyên, chị là người có nhiều thành tựu, giải thưởng. Nếu tôi không lầm thì những bài ký xuất sắc nhất của chị chính là những tác phẩm viết về đất và người Thái Nguyên. Nhiều người thường nói, muốn có được những bài ký thành công, nhất là những bài ký văn học, trước hết phải có tình cảm sâu nặng với đối tượng mình sáng tác. Điều này có đúng với suy nghĩ và quan niệm của chị?

Nhà văn Minh Hằng: Với tôi là hoàn toàn đúng, không chỉ với các bài ký văn học, mà ngay cả với những bài báo (nghề chính của tôi). Nếu khi viết, tôi hiểu, yêu mến, thấu cảm đối tượng tôi đang đề cập, thì bài viết ấy của tôi được bạn đọc yêu thích hơn. Tôi đã rút ra được điều này sau thời gian cầm bút (viết báo và viết văn) là: Những gì viết ra từ trái tim thì sẽ nhanh chóng đến với trái tim.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Viết ký mà có thể làm lay động lòng người là điều rất khó. Nhưng ký văn học, ngoài giá trị thông tin lại chính nhờ những giá trị thẩm mỹ mới có thể bay cao. Khi viết ký, chị có thủ thuật gì để làm nên sự tương đồng giữa hai giá trị này?

Nhà văn Minh Hằng: Tôi không có thủ thuật gì để viết cho lay động lòng người cả. Nhưng tôi có kinh nghiệm này: Thật đằm sâu với những điều mình viết. Như mọi người thấy, tôi viết về những thứ quanh tôi, tôi sinh ra và lớn lên ở đó. Tuổi thơ của tôi có bom đạn, có hầm hào, có đói khổ, có vùng thôn quê nơi gia đình sơ tán. Khi lớn lên, trở lại thành phố, tôi lại được sống qua giai đoạn bao cấp, giai đoạn đổi mới… Tôi quan sát, ghi nhớ mọi thứ không chỉ bằng đôi mắt, mà bằng cả trái tim. Nhất là sau khoảng lùi của thời gian, của khoảng cách thì mọi thứ khác lắm. Tất cả trở nên có tâm hồn. Cái cây, con đường, ngôi nhà, dòng sông dường như đều biết nghĩ, biết vui, biết buồn.

Còn điều này nữa, gia đình tôi có ba chị em gái, tôi là em út. Các chị của tôi đều là “kho” chuyện xưa. Mỗi lần gặp nhau, chị em tôi thường nói về những gì chúng tôi đã trải qua với cảm xúc tràn ngập. Các chị tôi yêu Thái Nguyên lắm, nhưng họ không viết ra được, họ dồn tình cảm ấy sang tôi, nhờ ngòi bút của tôi chuyển tải. Tôi trở nên giàu có tình cảm, giàu có kỷ niệm hơn. Có thể liệt kê các bài: “Những cánh hoa không run trong gió rét” - viết về nghề làm hoa giấy thời bao cấp; “Sông Cầu ngày cuộn sóng” - viết về ngày máy bay Mỹ ném bom cầu Gia Bẩy khiến hơn 100 người Thái Nguyên vô tội chết oan uổng; “Một thời hợp tác xã” - viết về mô hình hợp tác xã ở Thái Nguyên nửa thế kỷ trước… nhiều chất liệu lấy từ ký ức của các chị tôi.

Cũng có tác phẩm tôi viết về nhân vật hoàn toàn xa lạ. Nhưng tôi đã “gần hóa” họ lại bằng cách “lặn” vào cảm xúc của họ; tiếp cận họ nhiều nhất có thể và quan sát họ bằng con mắt thân thiết nhất có thể. Như bài ký chân dung “Thương nhớ một người” tôi viết về cụ Bùi Liên, người làm nên thương hiệu Cà phê Liên, một người Thái Nguyên xưa. Trước khi viết bài này, tôi đã có thời gian dài tiếp xúc với cụ, được cụ coi như con cháu. Có lẽ bởi thế, tôi đưa vào bài nhiều chi tiết quan sát từ đời thường của cụ khiến người đọc xúc động.

À, như vậy tôi cũng có thể đúc ra một “thủ thuật” như cách dùng từ của anh chăng, đó là: Lắng nghe, nhập thân và quan sát kỹ.

Nhà văn Minh Hằng

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Cảm ơn chị đã cho người đọc biết những tâm sự gan ruột từ người viết ký. Còn với thơ? Thưa anh Doãn Long, so với các nhà thơ trong tỉnh, anh là nhà thơ dành nhiều tình cảm cho vùng quê Định Hóa vốn giàu truyền thống lịch sử, cách mạng… Theo tôi, vì thế mà anh đã có những thành công trong sáng tạo. Có bao giờ anh nghĩ chính những tình cảm ấy đã làm nên giá trị thơ của mình?

Nhà thơ Doãn Long: Tôi rất tự hào về mảnh đất mà tôi đã sinh ra và đang được sống, đó là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, và từ truyền thống ấy đã dần dần hun đúc tình yêu vào tâm hồn những người con quê hương cách mạng, trong đó có tôi.

Những tình cảm mà tôi dành cho quê hương không thể nói hết bằng lời. Và những điều không thể diễn tả được bằng lời thì tôi mượn thơ để thể hiện cảm xúc và tình yêu của mình. Chỉ có thơ mới có thể giúp tôi lan tỏa được giá trị văn hóa ấy.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Không một nhà thơ chân chính nào lại không có tình yêu quê hương nơi mình đang sinh sống. Nhưng để viết hay về những gì gần gũi, thân mật với ta nhất thì không phải nhà thơ nào cũng làm được. Có nguyên nhân sâu xa nào không? Anh quan niệm thế nào về điều này? Từ một kinh nhiệm bản thân chẳng hạn.

Nhà thơ Doãn Long: Vâng, đúng như anh nói: “Không một nhà thơ chân chính nào lại không có tình yêu quê hương nơi mình đang sinh sống”. Tôi đọc thơ của các nhà thơ tên tuổi, nhận thấy rằng, dù họ thành công nhất định ở mảng đề tài nào đó, họ viết theo hướng truyền thống hay hiện đại, thì trong tư duy thơ của họ bao giờ cũng dành cho quê hương nơi họ sinh sống những tình cảm chân thành nhất.

Tôi chưa bao giờ nhận mình là người thành công trên con đường chữ nghĩa. Nhưng để viết hay về chính những gì gần gũi, thân mật quả là rất khó. Cái khó là mình thường không hay để ý, hoặc xem nhẹ những gì gần gũi, thân mật, đã trở thành bình thường, nhưng thực ra nó đã ngấm sâu vào mạch máu ta, chỉ mình ta biết, ta không viết ra thì không ai biết. Điều nữa là hình như chỉ có tình yêu mới cho nhà thơ vốn sống, chỉ có tình yêu mới cho nhà thơ thấm sâu vào văn hóa truyền thống của quê hương và dân tộc mình. Từ tình yêu ấy mới có thể thăng hoa vào từng con chữ.

Tôi rất thích những câu thơ trong bài “Trở lại nhà sàn” của nhà thơ Lò Cao Nhum. Nó chân, mộc và rất đời thường: Bước lên cầu thang/ Kính cẩn mừng ông/ Chắp tay thưa bà/ Nghiêng mắt chào vợ/ Gặp dòng họ ùa về xao xuyến.

Vậy để viết hay về quê hương mình đâu cần màu mè, bóng bảy, nó cứ thật như đời mà vẫn thơ.

Nhà thơ Doãn Long

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Trong các loại hình văn học thì nghiên cứu, phê bình (NCPB) luôn mang vẻ khó khăn và… đa đoan nhất. Xin PGS. TS Nguyễn Huy Quát cho biết vài nét về hoạt động này. Hiện nay có một hiện tượng các nhà phê bình, nhất là những nhà phê bình chuyên nghiệp (hàn lâm) thường không để mắt đến các tác giả địa phương. Có thể do xuất phát từ quan niệm các cây bút địa phương chưa “đủ tầm”. Quan niệm ấy có chính xác không?

PGS. TS Nguyễn Huy Quát: Ở câu hỏi này, người phỏng vấn nói đến “nhà phê bình chuyên nghiệp” (hàn lâm), thì có nghĩa: “cặp đôi” với nó là phê bình không chuyên (nghiệp dư).

Theo tôi hiểu, những nhà nghiên cứu, phê bình (NCPB) văn học được gọi là chuyên nghiệp, thường công tác ở Viện Văn học, ở cơ quan nghiên cứu về khoa học xã hội - nhân văn... quốc gia. Còn những nhà phê bình nghiệp dư, thường sống và làm việc ở khắp nơi, như: các trường đại học, cao đẳng, các hội văn nghệ địa phương... Công việc chính của nhà NCPB chuyên nghiệp thường tập trung vào các mảng văn học được phân công, như: Văn học dân gian, Văn học trung đại, Văn học hiện đại, đương đại, Văn học dân tộc thiểu số... Văn học nước ngoài thường được phân theo vùng lãnh thổ, như: Văn học phương Tây, Văn học Mỹ La-tinh, Văn học Nga, Văn học Trung Quốc... để NCPB. Có người chuyên trách nghiên cứu các trường phái, các chủ nghĩa và các phương pháp sáng tác... Do đặc điểm công việc và hạn chế về thời gian mà những nhà NCPB chuyên nghiệp này không có điều kiện “để mắt” đến các tác giả địa phương là điều dễ hiểu. Đó là lý do chính.

Đối với giảng viên đại học, cao đẳng ở khoa văn học thì công việc chính của họ là giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH). Đề tài các cấp của giảng viên thường là những tác giả, tác phẩm được chọn từ chương trình do họ đảm nhiệm, phần lớn là văn học quá khứ. Riêng giảng viên môn lý luận văn học thì tự do thoải mái hơn trong việc chọn đề tài nên có điều kiện “để mắt” đến các sáng tác văn học địa phương, song việc NCPB của họ ở hoạt động không bắt buộc này, tùy thuộc vào năng lực, điều kiện và sở thích của mỗi người.

Trong ba mươi nhăm năm qua, sáng tác văn học của Hội VHNT Thái Nguyên đã đạt thành tựu đáng kể: Các tuyển tập thơ, văn được xuất bản, nhiều tiểu thuyết của nhà văn Vi Hồng, Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên, Phạm Đức, Phan Thức, Phan Thái... ra đời; Các giải thưởng về thơ, văn, cao nhất là giải thưởng Nhà nước (cho Vi Hồng), 22 giải thưởng các loại cho Hồ Thủy Giang;... 14 nhà thơ, nhà văn trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam... Tầm cỡ của một “nền” văn học địa phương như thế thật là đáng nể, không thể xem thường, không thể nói là “chưa đủ tầm”.

Còn một vài lý do nữa: điều kiện và khoảng cách tiếp cận các sáng tác văn học địa phương đối với nhà phê bình chuyên nghiệp có thể bị hạn chế, khiến cho họ không “để mắt” đến một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Tôi cho rằng, quan niệm: Các cây bút địa phương chưa “đủ tầm” để các nhà NCPB chuyên nghiệp (hàn lâm) “để mắt” đến, là không hoàn toàn chính xác!

PGS. TS Nguyễn Huy Quát

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Tôi biết, anh là một người rất lưu tâm đến việc viết phê bình cho các tác giả của Thái Nguyên, vậy theo anh, các nhà phê bình ở Thái Nguyên đã có sự quan tâm đúng mức đến trách nhiệm xã hội của nhà phê bình?

PGS. TS Nguyễn Huy Quát: Là hội viên Chi hội NCPB văn học thuộc Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, không thuộc diện phê bình chuyên nghiệp (hàn lâm), tôi nghĩ rằng: việc “lưu tâm viết phê bình cho các tác giả của tỉnh” là một trong những nhiệm vụ mà mình phải làm. Đồng thời, các sáng tác của họ, như là “cây nhà lá vườn”, cần được giới thiệu cho bạn đọc gần gũi nhất (tỉnh nhà) thưởng thức.

Trong hai thể loại thơ và văn xuôi, tôi thiên về NCPB văn xuôi, trong đó có những bài viết dành cho truyện ngắn và tiểu thuyết. Ví dụ, từ “Tuyển tập văn xuôi Thái Nguyên 2001 - 2006”, xuất bản năm 2007, tôi chọn ra 8 truyện ngắn có liên quan đến đề tài chiến tranh cách mạng để viết “Ký ức chiến tranh qua truyện ngắn của các cây bút Thái Nguyên”. Đây là những truyện vẫn viết theo lối truyền thống, theo lối kết cấu cũ. Sau đó không lâu, được đọc các truyện của một nhà văn kỳ cựu, nổi tiếng, tôi viết “Bút pháp kỳ ảo trong truyện ngắn cách tân của Hồ Thủy Giang”. Bài viết này là ví dụ “trực quan” về lý thuyết mới: bút pháp kỳ ảo hay huyền ảo trong sáng tác truyện. Dựa vào những ví dụ thực tế, tôi đã khuyến nghị các nhà văn Thái Nguyên đổi mới sáng tác cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.

Cùng với mạch suy nghĩ nói trên là bài Từ những lời tự bạch của Mạc Ngôn, nghĩ về việc đổi mới sáng tác truyện ở Thái Nguyên. Lời tự bạch của một nhà văn được giải Nobel năm 2012 ở Trung Quốc có nhiều nét gần gũi với các nhà văn Việt Nam. Nội dung “tự bạch” được kể một cách hồn nhiên, chân thật, bắt đầu là một thanh niên chăn dê ở quê hương Cao Mật, Đông Bắc, đến giai đoạn nhập ngũ, được đi học ở trường viết văn quân đội, rồi dần dần trưởng thành, sau gần ba chục năm, ông có số lượng tác phẩm đồ sộ, với bút pháp độc đáo và mới lạ. Tôi nghĩ, Mạc Ngôn có thể là tấm gương cho nhiều nhà văn chúng ta học tập.

Để khuyến khích các tác giả viết truyện về đề tài lịch sử, tôi đã giới thiệu các tiểu thuyết: Tể tướng Lưu Nhân Chú, Thái Nguyên 1917, Những người mở đường (Hồ Thủy Giang); Nhật ký cô văn thư (Ngọc Thị Kẹo); Ông Ké thượng cấp (Ma Trường Nguyên); Thượng thư Đỗ Cận (Phan Thức)... trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, sau đó xuất bản thành tập: NCPB một số tác giả văn học ở Thái Nguyên và trong nhà trường.

Do nhận thức được trách nhiệm của mình với hoạt động văn nghệ địa phương, tôi đã viết bài “Khảo luận về cuốn Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986 - 2011) của nhà NCPB Cao Thị Hồng.” Công trình này đoạt giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 2011. Khẳng định: “Đây là một công trình nghiên cứu công phu và bổ ích, với những lý luận và dẫn chứng xác đáng, có sức thuyết phục người đọc”, tôi đã chỉ rõ những thiếu sót, hạn chế của tác giả Cao Thị Hồng. (Xem các trang 126, 127, 132, 133, 135... ở cuốn “NCPB một số tác giả văn học ở Thái Nguyên và trong nhà trường”, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2018).

Đúng là, đa số các nhà NCPB ở Thái Nguyên ít quan tâm đến việc giới thiệu các sáng tác văn học của các nhà văn trong tỉnh. Họ đã “quên” một phần nhiệm vụ của mình và cũng chưa xác định đầy đủ trách nhiệm xã hội, với cương vị là một hội viên trong Chi hội NCPB thuộc Hội VHNT địa phương. Một số người thiên về nghiên cứu lý thuyết, lý luận có tính hàn lâm, mà ít vận dụng lý thuyết mới vào thực tiễn sáng tác để nghiên cứu các tác phẩm cụ thể, được ra đời từ cuộc sống sinh động, tươi mới.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Vâng, cảm ơn PGS. TS Nguyễn Huy Quát. Xin quay lại với nhà văn Phạm Đức. Với những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử viết về địa phương hiện có, theo anh, liệu đã tương xứng với mảnh đất Thái Nguyên vốn giàu truyền thống lịch sử và văn hóa?

Nhà văn Phạm Đức: Phải nói rằng các tác giả Thái Nguyên đã có rất nhiều cố gắng trong sáng tác về đề tài này. Tuy nhiên, như anh cũng biết, Thái Nguyên là một vùng đất rất giàu truyền thống nên các nhà văn hình như mới chỉ tái hiện được một phần bé nhỏ trong cái “kho” vô tận ấy. Có lẽ còn phải trông cậy vào nhà văn của nhiều thế hệ.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Đúng là người viết Thái Nguyên nhiều năm qua đã rất có trách nhiệm với đất và người quê hương, nơi họ đang sinh sống và sáng tạo. Tuy nhiên, việc tiếp nhận tác phẩm hình như còn có những hạn chế? Anh thấy có điều gì cần trao đổi hoặc kiến nghị về vấn đề này?

Nhà văn Phạm Đức: Bác Hồ từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta…”. Cho nên việc sáng tác về đề tài lịch sử về chính quê hương mình là một hướng đi đúng đắn. Nhưng quả thật, việc truyền bá và tiếp nhận tác phẩm còn không tương xứng. Sách rất ít đến tay người đọc, đặc biệt là với thế hệ trẻ ở Thái Nguyên, những người cần am hiểu nhất. Mong các vị lãnh đạo Tỉnh và Hội cần tạo điều kiện và giúp đỡ để các tác phẩm văn chương của các nhà văn Thái Nguyên có thể đến với bạn đọc nhiều hơn nữa.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Để bạn đọc hiểu và quan tâm hơn về thể ký, một thể loại văn học rất gần gũi với công chúng, tôi xin được đặt một câu hỏi ít nhiều mang tính kỹ thuật. Câu hỏi này phải nhờ đến câu trả lời của nhà văn Minh Hằng, người viết ký xuất sắc ở tỉnh Thái Nguyên. Thưa chị Minh Hằng, bài ký “Mặt đất này, bầu trời này” của chị viết về những biến động mang tính lịch sử, văn hóa về đất và người Thái Nguyên, nghĩa là một nội dung rất gần với sự thật, những sự thật đã nhiều người chứng kiến. Theo như nhận xét của tôi thì bài ký của chị có nhiều sự pha trộn trong cách viết. Đôi khi có chi tiết giống như trong một truyện ký, thậm chí là truyện ngắn, thậm chí là một chi tiết mang yếu tố tâm linh. Nó giống như một nghệ sĩ xiếc đi trên dây. Vậy mà không một lần trượt ngã. Chị có thể tâm sự vài điều về nghề trong khi thực thi tác phẩm này?

Nhà văn Minh Hằng: Nhận xét của anh khiến tôi cảm phục, vì anh không chỉ hiểu tác phẩm mà còn rất hiểu “bếp núc” của tôi.

Khi đặt bút viết tác phẩm này, tôi có cảm giác hơi ngợp, vì đứng trước một chặng đời dài của mảnh đất này. Dùng từ “chặng đời” vì tôi coi Thái Nguyên của tôi như một cơ thể sống. Mỗi tấc đất tôi đi qua hàng ngày có bao cuộc đời nằm dưới đó. Mỗi góc phố kia, mỗi gốc cây kia thấm hơi thở, thấm nước mắt bao thế hệ. Mọi thứ quanh tôi không vô tri vô giác.

Cốt lõi của ký là thông tin chân thật, nhưng ký văn học cho tôi một khoảng “mở” đủ rộng để tôi “thả” mường tượng, thả tâm hồn, thả cả một số “thử nghiệm” vào đó. Ở cái “hành lang mở” đó tôi sử dụng nhiều bút pháp (có thể trước đây nhiều người đã sử dụng hoặc tôi là người đầu tiên sử dụng). Đưa yếu tố “tâm linh - thiêng hóa” vào ký với tôi không chỉ ở “Mặt đất này, bầu trời này” mà còn ở một số tác phẩm khác như: “Phố xưa” (cây đa và giếng nước là đôi tình nhân kiếp trước); “Đánh thức hồn trà” (trang phục người pha trà theo thuyết âm dương ngũ hành).

Như anh nói là “đi trên dây” rất đúng. Tôi nghĩ mình đã tiết chế vừa đủ và hợp lý khi đưa tâm linh vào bài để “không bị ngã”. Đơn cử: Thực tế thì khi tôi về chỗ ở hiện nay, trên đất có sẵn một cây mít tự mọc ở góc sân, y hệt cây mít mọc ở sân nhà tôi trước kia. Việc của tôi là cho cây mít ấy như là sự tái sinh và tha thứ. Chi tiết ấy hợp lý và được bạn đọc chấp nhận…

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Muốn có nhiều tác phẩm ký có giá trị viết về đất và người Thái Nguyên, theo chị cần những yếu tố khách quan, chủ quan nào? Với những thành tựu đã đạt được, chị có muốn tiếp tục đi sâu về đề tài này?

Nhà văn Minh Hằng: Thái Nguyên còn nhiều vùng đất, nhiều con người làm chất liệu để viết ký. Thời gian qua tôi viết chủ yếu ở địa bàn thành phố Thái Nguyên, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đấy cũng là điều tôi thấy còn thiếu hụt. Vì ở các huyện, thành khác của tỉnh đều có tầng lịch sử, văn hóa sâu và hấp dẫn. Đặc biệt là ở các vùng đất “cổ” như Phú Bình, Võ Nhai, Phú Lương… nhiều cái đáng viết lắm. Để ý tưởng thành hiện thực, không có cách nào khác là bắt tay vào đọc tài liệu, đi, gặp, thu thập, quan sát, cảm nhận và viết. Thể loại ký không dành cho người lười. Bởi thế, yếu tố chủ quan vẫn là quyết định.

Tôi luôn có cảm giác thoải mái khi viết ký. Tôi thấy mình “có duyên” với thể loại này và “mối duyên” ấy vẫn còn sâu đậm.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Viết ký quả là gian nan. Không có sự đam mê và trách nhiệm cao với mảnh đất mình đang sống thì khó thành công. Xin trở lại vấn đề này với nhà thơ Doãn Long. Liệu thơ có khác ký không? Theo anh, nếu chỉ viết về bản làng của mình thì có là sự hạn hẹp, nghèo nàn về đề tài? Trường hợp của anh thì thế nào? Anh có thích câu nói không còn mới: “Đi hết tinh thần dân tộc sẽ đến với hiện đại, ra thế giới”? Vì sao?

Nhà thơ Doãn Long: Viết về bản làng mình, tôi viết cả đời không hết được, như dòng máng từ núi chảy xuống mà không hết nước. Vấn đề là ta hứng dòng nước ấy như thế nào, hay để dòng nước ấy tràn đi.

Tôi rất thích câu nói không còn mới “Đi hết tinh thần dân tộc sẽ đến với hiện đại, ra thế giới”, với tôi, tinh thần dân tộc chính là văn hóa. Vi mô văn hóa nơi chúng ta hạnh phúc được sinh sống là phạm vi làng bản, nó giống như chiếc giếng khơi của làng, nơi tập trung nhiều nét văn hóa, tạo ra cộng đồng nhỏ, có phong tục tập quán riêng, mang đặc trưng mà không nơi nào có được. Người ta làm thơ về quê hương mình cũng giống như đào giếng, biết đào thì nguồn nước không bao giờ cạn.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Trên thế giới có những nhà thơ mà những tác phẩm giá trị nhất của họ là những tác phẩm viết về chính vùng đất mà họ sinh ra, lớn lên. Ví như Raxun Gamzatốp với quê hương Đaghextan. Vì sao ở Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng, lại còn thiếu những trường hợp như thế? Anh thử đưa ra vài nguyên nhân? Anh có ý định chỉ dành những sáng tạo của mình cho đất và người Định Hóa như một quê hương văn học của mình không?

Nhà thơ Doãn Long: Quả đúng như thế. Họ thành công khi viết về quê hương họ, vùng đất mà họ đã sinh ra. Không ai hết, chính họ mới là người hiểu rõ nhất về vùng đất ấy, con người nơi ấy. Khi thực sự giàu vốn sống về quê hương, họ sẽ làm nên những tác phẩm rất thực. Cái thực của sự vĩ đại.

Vì không phải là nhà nghiên cứu nên tôi cũng chưa bao giờ có sự tìm hiểu sâu về việc có sự hiếm hoi những tác giả ở Việt Nam và Thái Nguyên tạo được những quê hương văn học ở chính nơi mình đang sống, nhưng nếu làm được điều này thì tôi tin rằng sẽ có những thành công lớn, như trường hợp Raxun Gamzatốp với quê hương Đaghextan chẳng hạn.

Tôi đang viết về mảnh đất Định Hóa của tôi, tôi nghĩ mảnh đất ấy đã và đang nuôi dưỡng tâm hồn tôi, với bề dày văn hóa, phong tục truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống. Có lẽ tôi có dành cả thời gian còn lại của cuộc đời này cũng không viết hết được.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Thưa PGS. TS Nguyễn Huy Quát, từ nãy đến giờ chúng ta được nghe khá nhiều bàn luận về trách nhiệm xã hội cũng như công việc bếp núc của người cầm bút. Với người viết, thì có người tên tuổi đã được khẳng định, cũng có người mới bước vào nghề. Trong lĩnh vực NCPB, theo anh, đối với các tác phẩm lần đầu xuất hiện có cần đến những bài phê bình hay phê bình chỉ cần nhắm đến các đối tượng đã thành danh?

PGS. TS Nguyễn Huy Quát: Đã là NCPB thực sựthực chất, thì tác phẩm của các tác giả “mới toanh” hay các đối tượng đã “chững chạc”, đều cần được phê bình, nếu ở đó có vấn đề hoặc có lợi cho phong trào sáng tác nói chung, với tác giả đó nói riêng.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Quan niệm phê bình là sự chỉ dẫn (tác giả và độc giả) đã tỏ ra lạc hậu. Vậy theo ông, thế nào là một tác phẩm phê bình? Và trách nhiệm xã hội của nhà phê bình là gì?

PGS. TS Nguyễn Huy Quát: Tôi cho rằng, ngày nay, phê bình không phải là “sự chỉ dẫn” tác giả và độc giả, mà là để định hướng, gợi ý những điều cần điều chỉnh về nội dung, hình thức và bút pháp của tác phẩm để đạt đến sự hoàn thiện nhất định. Bởi lẽ, nhờ sự phát triển của đất nước mấy chục năm qua, đa số nhà văn có trình độ từ đại học trở lên, lại có điều kiện tự học, tự nghiên cứu thuận lợi hơn trước nên phần lớn họ là những nhà văn có văn hóa. Trình độ của độc giả cũng tương tự như vậy, thậm chí cao hơn. Ở tỉnh ta, có nhà văn đã công bố những bài viết NCPB công phu đăng trên báo, tạp chí và xuất bản cả sách phê bình - tiểu luận văn học khá chững chạc - nhà văn đã kiêm nhà NCPB thực thụ!

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Xin quay lại với nguyên Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi, tôi biết, gần đây, anh có tiểu thuyết lịch sử “Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh”, anh thấy trong tương lai, bản thân anh và các nhà văn có cần tiếp tục đi sâu về đề tài này?

Nhà văn Phạm Đức: Nếu như sức khỏe cho phép, tôi cũng muốn viết một cuốn tiểu thuyết mang đậm chất Thái Nguyên.

Nhà văn Hồ Thủy Giang: Vâng, có được trách nhiệm của người cầm bút đối với mảnh đất mình đang sống thì đó là những ý nguyện đáng khích lệ. Không những chỉ là các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như anh mà còn của tất cả những người cầm bút ở Thái Nguyên.

Xin cảm ơn các anh, chị!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Tien tien****@hellomedia.vn

    djjdjdjd

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 1 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước

Thoát tục

Văn học 7 năm trước