Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
11:09 (GMT +7)

Dưới tán côm xanh

VNTN - Chiều nào cũng vậy, khi mặt trời khuất sau dãy núi trước mặt, mẹ tôi lại ngồi lặng lẽ dưới gốc cây côm(*) bên con đường liên huyện. Đôi mắt mờ đục của bà nhìn xuôi theo con đường cát mịn. Tận trong đáy mắt già nua mờ đục ấy luôn ánh lên một tia sáng kỳ lạ.

Hôm nay cũng như thường lệ, thấy mẹ tôi ngồi ngóng bên lề đường, mấy người trong xã đi qua, tiện miệng, hỏi:

- Bà Vũ ngồi hóng mát đấy à! Về nhà thôi, tắt mặt trời sương xuống là độc lắm đấy bà ạ!

Mẹ tôi cười nhưng đôi mắt vẫn không rời khỏi con đường:

- Các cô đi làm về rồi à! Tôi ngồi đợi cháu Bình. Ngày lên đường, cháu dặn tôi “Mẹ cứ ngồi ở gốc cây côm này cho mát đợi con, con sẽ về với mẹ”.

Trong đám có tiếng hỏi nhau:

- Bình nào? Bà ấy đợi Bình nào nhỉ?

Có tiếng trả lời đầy vẻ thông cảm và như hiểu tận tường việc bà ngồi đợi anh Bình:

- Anh Bình là con trai cả của bà cụ, đi bộ đội chống Mỹ hy sinh năm Mậu Thân 68. Hôm chia tay mẹ lên đường vào Nam chiến đấu, sợ mẹ nghĩ ngợi nhiều, sinh đau ốm, anh Bình dặn “Mẹ đừng buồn. Mẹ cứ đợi con ở gốc cây côm này, con sẽ về với mẹ”. Từ ngày nhận giấy báo anh Bình hy sinh đến bây giờ, ngày nào bà cũng ra gốc cây côm này ngồi, nói là đợi anh Bình về.

Có nhiều tiếng thở dài, rồi một giọng cảm thông:

- Rõ khổ! Chắc cụ đã cao tuổi, vì nhớ thương con quá đâm ra lẫn mất rồi.

Từ trong nhà, hai đứa con tôi dắt tay nhau chạy đến bên bà, líu ríu gọi:

- Bà!... Bà ơi! Bố mẹ cháu mời bà về ăn cơm ạ! Bố cháu phần cơm bác Bình rồi. Bà về ăn cơm cho nóng. Bác Bình về ăn sau ạ!

Bà vịn vào gốc cây côm nặng nề đứng dậy. Hai đứa nhỏ chạy ào đến, mỗi đứa dắt một bên tay bà, vừa đi vừa khoe:

- Bà ơi! Hôm nay bố cháu nấu món ốc chuối xanh, món mà bác Bình hồi ở nhà thích ăn nhất đấy.

Giọng bà vui vẻ:

- Đúng rồi. Ngày trước, bữa nào mà có món ấy là bác Bình của các cháu ăn liền năm, sáu bát cơm. Những hôm cày ở cánh đồng sâu, bác Bình thường mò về cho bà đầy một giỏ ốc biêu, con nào con nấy cứ béo tròn trùng trục như quả cau.

Hai đứa trẻ tíu tít bên cạnh như nâng bước chân bà vào nhà.

* * *

Những hôm rảnh rỗi, mẹ tôi lại kể chuyện bác Bình cho hai con tôi nghe. Những lúc ấy khuôn mặt mẹ rạng rỡ, đôi mắt ánh lên những tia sáng rất kỳ lạ. Hai đứa con tôi thì nghe như nuốt lấy từng lời bà kể. “Bác Bình ngày trước học giỏi nhất trường đấy, năm nào cũng được khen thưởng, được bầu là cháu ngoan Bác Hồ…”. Nói xong bà vào buồng mở nắp cái hòm thóc cũ (cái hòm thóc mà ngày trước tôi đã định bỏ đi nhưng mẹ bảo: “Cái hòm thóc ấy là của anh Bình con chặt gỗ trên rừng về xẻ, rồi bào bào gọt gọt cả gần tháng trời mới đóng xong cho mẹ. Con đưa nó vào buồng của mẹ. Lúc nào anh con về lấy vợ, làm nhà, mang sang nhà mới cho anh con dùng”). Bà lôi trong hòm thóc ra một cuộn giấy khen, những tờ giấy đã ố vàng, nhiều tờ không còn rõ chữ. Mẹ tôi vuốt phẳng từng tờ, đặt trước mặt hai đứa cháu, giọng tự hào: “Các cháu thấy không? Hai đứa phải cố học giỏi như bác Bình đấy. Đứa nào học giỏi, chăm ngoan, bác Bình về sẽ cho nhiều quà”. Cả hai đứa cùng nhao nhao hứa với bà là sẽ học giỏi như bác Bình. Bà vui lắm. Biết là bà lẫn, nhưng những lúc ấy, tôi và hai đứa nhỏ không hiểu sao luôn có cảm giác như bác Bình chưa hề hy sinh mà chỉ đi công tác đâu đó mấy bữa nữa sẽ về. Có lần bà nói với thằng cu lớn nhà tôi: “Bác Bình câu cá giỏi nhất làng. Đã mang cần đi là có cá mang về”. Thế là cu cậu cứ nằng nặc đòi bố phải làm cho một cái cần câu để khi nào bác Bình về dắt đi câu cá. Hóa ra, trong tiềm thức, nó cũng vẫn nghĩ có một ngày bác Bình sẽ trở về. Tôi làm cho con một chiếc cần câu và không hiểu sao lúc ấy chính tôi cũng tin rằng bác Bình sẽ về đưa nó đi câu.

Đoàn Mặt trận Tổ quốc và Hội Cựu chiến binh xã đến tặng quà và thăm hỏi sức khỏe mẹ tôi nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27 tháng 7. Mẹ tôi mặc quần áo rất ngay ngắn, chỉnh tề ra đón đoàn. Sau những lời chào hỏi, ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đứng lên chắp tay cung kính:

- Dạ thưa mẹ, người mẹ liệt sỹ đáng kính …

Tôi bỗng thấy mẹ khựng lại, đôi mắt thoảng tối. Tiếp theo lời dạ thưa là hàng loạt những lời lẽ ca ngợi những liệt sỹ đã ngã xuống cho sự nghiệp bảo vệ đất nước, rồi những công lao to lớn của những người mẹ đã sinh ra những người con anh hùng…..

Mẹ tôi đứng lên, chậm rãi ngắt lời ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh:

- Hôm nay các bác đến thăm gia đình thế này tôi có nhời cảm ơn các bác lắm, cháu Bình nhà tôi đã làm được điều gì to tát lắm đâu mà các bác quan tâm đến thế. Nhưng tôi hứa là lúc nào cháu nó về, tôi sẽ bảo cháu phải luôn cố gắng công tác tốt để không phụ tấm lòng của các bác.

Lúc tiễn đoàn ra cổng, tôi nói với ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh:

- Bác thông cảm! Năm nay bác mới thay bác Chủ tịch cũ nên không biết. Mẹ em có tuổi, đã lẫn nên lúc nào cũng nghĩ bác Bình nhà em đang công tác ở trong quân đội chưa về.

Ông Chủ tịch Hội vội xua tay:

- Không sao… Không sao. Tôi biết mà. Mới đầu tôi cũng hơi giật mình, nhưng khi thấy cụ bảo đợi anh Bình về sẽ nói lại thì tôi biết là cụ bị lẫn rồi.

* * *

Ngày ngày, mọi người trong làng đã quen với hình bóng mẹ tôi dưới gốc cây côm. Những hôm trái nắng trở trời bà mỏi không ra ngồi ở đấy, dân làng bỗng thấy buồn buồn và có cảm giác ngày hôm ấy như không trọn vẹn, như thiếu đi một điều gì đó rất vô hình nhưng lại rất thật trong mỗi con người.

Năm tháng trôi qua, đến hôm nay, cậu con trai lớn của tôi đã học lớp mười hai, với tuổi ấy cháu thừa sức hiểu chuyện bà đợi bác Bình về là chuyện không tưởng. Nhưng có một điều kì lạ, cũng giống như bà, trong tận đáy lòng nó cũng tin rằng một ngày nào đó bác Bình nó sẽ về.

Tháng trước, bố con tôi lên đồi chặt tre và lá cọ dựng một căn lều nhỏ bên gốc cây côm để mẹ tôi chiều chiều ra ngoài đó ngồi đợi bác Bình về. Từ ngày có căn lều, mỗi lần đi làm về dân xóm thường ngồi lại trò chuyện rôm rả. Nhìn mọi người vui vẻ gợi lại những chuyện về bác Bình, tôi cũng thấy lòng thư thái, nhẹ nhõm. Có người còn nói với mẹ tôi một cách rất tự nhiên, vui vẻ: “Bà ơi, tôi thấy ở làng bên có cô Thảo đẹp người, đẹp nết, lúc nào anh Bình về, tôi đưa bà sang bên ấy dạm hỏi cho anh ấy. Cô Thảo với anh Bình thì đẹp đôi nhất xã rồi”.

Rất nhiều năm tháng, buổi chiều nào mọi người cũng quây quần dưới mái lều bên gốc cây côm trò chuyện như thế. Chuyện làng chuyện xóm, chuyện anh Bình sẽ trở về, chuyện anh Bình sẽ làm nhà, cưới vợ… Những lúc ấy, tôi thấy mắt mẹ bừng lên một ánh sáng thật kì diệu. Và không chỉ có mẹ, tôi còn nhìn thấy các cụ, các bà, các cô, nhiều người cũng bắt chước mẹ tôi, cùng nhìn xuôi theo con đường cát mịn bằng ánh mắt chứa chan hi vọng. Tôi chợt ngộ ra rằng, câu chuyện đợi con trở về của mẹ tôi đâu chỉ là ảo ảnh. Mà ngược lại, nó đang từng ngày từng giờ sống trong niềm tin và hạnh phúc của bao người trong cái xóm nhỏ của gia đình tôi.

Cả tuần nay mẹ tôi không dậy được, nhưng mỗi khi chiều về lại bảo tôi:

- Con ra xem anh Bình con đã về chưa?

Chiều theo mẹ, cứ cuối ngày, sau khi làm hết công việc tôi lại thay mẹ ra căn lều nhỏ để ngóng anh Bình về. Và ở đây, tôi được chứng kiến một điều kì lạ: khi ngồi dưới gốc côm xanh, nhìn xuôi theo hướng con đường cát mịn, trong đầu tôi, những hình ảnh thân thương về anh Bình bỗng hiện lên rõ mồn một như đang xem một cuốn phim. Thảo nào mà mẹ không thể bỏ, dù chỉ một buổi ra đây để “đón” anh Bình.

Rồi đến ngày sức khỏe của mẹ tôi sa sút hẳn. Một buổi chiều tối, mẹ vẫy tôi lại và chỉ vào cái hòm thóc cũ, thì thầm:

- Con lấy cho mẹ cái hộp trong hòm thóc.

Tôi bê chiếc hộp đến bên mẹ. Bàn tay mẹ run run lần mở nắp hộp, nhẹ nhàng đặt trước mặt tôi. Tôi không dám tin vào mắt mình. Trong hộp đựng đầy những phong bì tiền. Đó là những món tiền hàng năm các cơ quan, tổ chức đến thăm mẹ nhân ngày 27 tháng 7. Trên mỗi tấm phong bì tôi nhận ra những dòng chữ mẹ viết nắn nót: “Hôm nay thêm một chiếc phong bì nữa. Thời gian con hy sinh lại cộng thêm một năm. Bình ơi, mọi người bảo con đã hy sinh nhưng ngày ngày con vẫn sống trong lòng mẹ đấy con ạ”.

Tôi bàng hoàng, ứ nghẹn. Thì ra mẹ tôi chưa bao giờ lẫn như nhiều người lầm tưởng. Mẹ hoàn toàn tỉnh táo. Mẹ thừa hiểu là anh Bình đã hi sinh lâu rồi. Tôi nắm chặt bàn tay nhăn nheo đang lạnh dần của mẹ. Tiếng mẹ mong manh như tiếng gió:

- Thế là mẹ…mẹ…sắp được gặp anh con rồi. Mẹ phải đi chăm sóc cho anh con…

Mẹ khẽ cười. Nụ cười nửa buồn nửa mãn nguyện.

Từ ngày mẹ tôi mất, cây côm đầu ngõ nhà tôi tán lá vẫn xanh rì mỗi độ xuân sang. Dưới tán cây, chiều chiều các cụ, các bà, các cô, các chú vẫn quây quần trò chuyện. Chuyện về mẹ tôi, chuyện bác Bình… Nhiều cụ vẫn nhìn xuôi theo con đường cát mịn với ánh mắt chứa chan hi vọng, nơi bác Bình tôi sẽ trở về.

(*) Một loài cây thân mộc, mọc nhiều ở vùng núi phía Bắc)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 1 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 2 năm trước

Thoát tục

Văn học 6 năm trước