Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
14:33 (GMT +7)

Ngày đẹp – Truyện ngắn. Vũ Thế Thược

VNTN - Trước cửa nhà ông Hải là đồng làng có con mương bê tông thẳng tắp nối đại công trình thủy lợi Bắc Hưng với con đường liên xã chia cánh đồng làng thành hai nửa, nửa Đông và nửa Tây. Một bên bờ đã đổ bê tông rộng hơn ba mét, bờ bên kia để cỏ, trồng keo, vải và nhãn thành quần thể nước chảy liu riu cây xanh bóng mát gió hát rì rào. Chiều tối, mờ sáng dân đi bộ qua đây đông lắm.

Ông Hải nguyên là cán bộ thủy nông huyện, một lần ông mời mấy vị lãnh đạo cơ quan về nhà ăn giỗ, nhờ cậu em rể làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thằng em con ông chú làm Chủ nhiệm HTX tiếp đón, chén rượu làm quen rồi thân mật, khách hứa giúp cho làng xây trạm bơm điện, ghi nhận làng này có trạm bơm điện đầu tiên của xã. Đồng làng mình cao, việc tát nước chống hạn rất gian nan, nay có trạm bơm điện, ấn cái là nước ròe ròe về không phải tát, người làng thầm ghi ơn ông. Loáng cái đã gần hai mươi năm, giờ trên cho kinh phí nâng cấp trạm biến thế, trạm bơm điện, đồng làng giờ mương nổi mương chìm rất quy củ, hợp lý để bắt đất từng ngày phải gồng lên cống hiến. Đầu năm vừa rồi khu đồng Ma nổi lên ba dẫy nhà khung thép phủ lưới màu đục đục của công ty Thăng Long chủ đầu tư trồng rau thơm xuất khẩu, đêm trăng ngồi hiên nhà ông Hải nhìn phía khu đồng Ma le lói những ngọn đèn, sóng lúa nhấp nhô, khu nhà y như con tàu đang bồng bềnh trên biển lúa, sóng lúa nhóng nhánh vàng nối nhau vỗ về chân tre làng đẹp tuyệt, cánh đi bộ qua đường xuýt xoa: "Đẹp dã man!" Trong con tàu ấy là một thế giới văn minh mà cây rau hoa quả được sống trong bầu trời riêng không quá nóng hay quá lạnh, uống nước lọc nhỏ giọt, ăn thức ăn tiêu chuẩn, đất phải thau rửa, tiêu độc, phải chở đất cát sa ngoài bãi sông về trộn với đất đồng theo tỷ lệ mới xuống giống, chả biết rồi ra sẽ thế nào nhưng đây là giấc mơ thành sự thật của người làng tôi. Mấy đứa cháu đang học lớp ba, lớp bốn đã nhoay nhoáy bấm điện thoại, đưa tin, đưa cảnh làng lên Phây truyền đi khắp thế giới. Cô Mây, đang làm ô sin bên Đài pốt lên dòng thời gian những lời hỷ hả: "Chúc mừng quê ta đổi mới! Quê tôi ơi cố lên!". Cô Mây còn gửi một băng video cảnh máy trồng và thu hoạch khoai tây, máy trồng và thu ngô, cả cánh đồng được trải ni lon, sau đổ đất lên trồng lúa, vừa không tốn phân, tốn nước, vừa chống sâu bệnh... Ở bên đó, mỗi cánh đồng đều xây lò lạnh, xưởng sơ chế, giữa cánh đồng đào hồ nước thả cá, nước sạch bơm vào hồ, nước hồ lại tưới đều cho cây. Hồ rộng, thức ăn chuẩn, nước sạch nên lũ cá khỏe mạnh, lớn nhanh, nhiều nhung nhúc... Thấy vậy ông Hải lại bơi về ký ức cảnh mục đồng mục châu chấu cào cào, tát vét bắt tôm lùi nướng xì xụp năm xưa, bắt cả giỏ cá chạch về om tương riềng, châu chấu cào cào cua tôm nhiều vô kể. Khu trồng rau xuất khẩu bây giờ là khu đồng Ma, nhiều ma lắm, đứa nào cũng hãi... Đồng hoang sơ, mưa, bão, hạn hán mặc trời, giống cũ, canh tác lạc hậu năng suất thấp, đói lắm. Nay có giống siêu năng suất, công nghệ tiên tiến, phân bón kịp thời năng suất bội thu, gặt xong ước đủ số thóc ăn chở về còn bán tại đầu bờ cho gọn, mỗi nhà dư hàng tấn là thường. Nghịch lý là, thóc nhiều thì tôm, cua, cá chạch châu châu gần như tiệt diệt, thế là phát triển có được có mất, chỉ có điều cái nào được nhiều hơn mà thôi. Còn cánh đồng Ma kia là khu công nghệ cao mà vợ ông đang làm ở đó, mới thế mà liên tiếp đón báo, đài, truyền hình.

Vì mưu sinh mà cô Mây phải xa nhà. Quê hương là chốn đi về, một chút tin quê cũng làm cô xúc động rất nhiều. Nhịp sống tăng tốc đến chóng mặt, hai mươi năm trước nhà này còn đống rơm đống rạ, lỉnh kỉnh ông bù rau, quạt mo, quạt giấy, quạt nan, quạt thóc một đống, có hẳn một gian cối xay, cối giã, cái cày, cái bừa, cái cuốc, cái cào, cái trang, cái mõ mạ, nong, nia, rần, sàng... giờ biến hết trơn. Mùa hè, đứa nào cũng sợ vào bếp, nấu xong nồi cơm mồ hôi nhễ nhại lại nhảy ùm xuống ao bơi mấy vòng cho mát, rồi thằng cả lấy vợ, mẹ tôi còn ẵm chắt được hai năm mới vĩnh biệt cõi trần, nhà bảy người bốn thế hệ ăn chung một mâm quây quần vui vẻ, trên dưới nề nếp đúng là thời hoàng kim của tình người. Rồi điện về, văn minh bừng sáng, hơn cả là mơ, công nghiệp phát triển, bộn bề công việc, thời giờ là giờ, là phút thật chứ không ang áng, tương đối như trước.

Lao động hiệu quả, năng suất chất lượng thì thu nhập phải cao, điều kiện sống, mức sống đầy đủ hiện đại hơn, lại thêm một nghịch lý, đời sống cao lên thì tình cảm, tình thương lại giảm đi, ăn chung một bữa thì có, ngủ chung một nhà khó thay. Nhà có ba đứa con lớn lên mỗi đứa một nơi, ở trọ chứ không chịu về ở chung, chồng nào vợ nấy, con anh con em mà xa lạ thế nào. Ngày giỗ ông bà, con cháu về đông, nhưng vài đứa một túm cắm đầu vào điện thoại chơi trò chơi, chả hỏi han chào mời ai, nên đôi lúc già cũng thấy tủi thân. Tư duy thực dụng xuất hiện, hàng xóm có ông bảy mươi thì vợ chết, vợ chết mới sáu tháng đã sôi sục tìm người về tâm sự bảo cô đơn không chịu được. Đói khổ qua rồi, nhắc lại để tham chiếu chứ ai tiếc quá khứ làm gì. Giờ vẫn ngôi nhà năm gian từ thời các cụ, không đống rơm, đống rạ, cái bếp chung với nhà ngang, dẹp đi bao nhiêu thứ, lại chỉ có hai ông bà già nên càng thênh thang. Đôi lúc bà bị con cháu nó điều đi tăng cường chỗ này mấy bữa vì chồng nó đi công tác, chỗ kia thằng con sửa nhà, lúc con dâu đẻ, khi cháu nội ốm... Có bận mấy ngày không thấy ông ra đường, hàng xóm gọi cổng mới biết ông đang ốm, nhà có một mình. Lúc đó ông mới nhận ra: dẫu trẻ hay già vợ chồng xa nhau thì thiệt. Thời thanh xuân ông đi bộ đội, đi công tác, sáu mươi mới nghỉ hưu thì nay vợ ông lại đi tư tác giúp các con, ông lại hóa ra bà, lại ngồi đúng vị trí của bà ngày trước, trông nhà, tưới rau, cho chó cho mèo, con gà cái sân cái nhà cái gì cũng đến tay, buồn hơn là có miếng ăn miếng uống mà không có người ăn. Ăn không có người trò chuyện. Một mình lại nhớ, nhớ ngày sống vui vẻ tập trung thì chả có cái mà ăn, nay có cái ăn lại không tập trung được người. Nhà có hai người, vắng ông bà nấu một bữa ăn cả ngày, vắng bà ông úp bát mì tôm cho xong, miếng ngon một mình cũng nhạt thếch. Cuối năm, nhiều khi ông đi ăn cỗ cả tuần mang phần về bà ăn không hết. Hôm nay mồng một đầu tháng, sáng sớm bà đã nhắc:

- Ông ra đình đặt mươi ngàn nhờ cụ Từ thắp cho Đức Thánh nén nhang, tôi đi làm đây, trưa nay cơm Chúa. Ông Hải nghĩ: không làm thêm Chúa nào cho ăn? Nhưng lao động thấy vui là hạnh phúc nên ông bảo: Ok! Bà Tần vơ cái túi vải đeo lên vai, nhắc cái mũ vải chụp lên đầu định đi lại dừng, giọng nói thận trọng: người Nhật cầu kỳ, dân chủ quá, chọn mười cái lá đều nhau một cặp, to hơn cũng bỏ, nhỏ hơn cũng thôi, loại nhiều lắm, cánh người làm tiếc quá nhặt về đun nước tắm, sang quá. Mỗi lá tía tô họ mua tới năm trăm đồng, đắt chưa từng có. Một người chỉ đảm đương được hơn một sào, hai sáu công lương bốn triệu, hẳn họ phải bán giá gấp nhiều lần mới có lãi chứ, tính sơ sơ hiệu quả một sào bằng héc ta lúa, tức là gấp hai mươi bảy lần, có khi cao hơn.

- Trưa nay tôi cũng không cơm nhà, sáng nay lãnh đạo Công ty nước sạch ra đình làm lễ khánh thành, họ ngỏ ý mời rồi. Khánh thành là mở nước, từ ngày hôm nay ba xã có nước máy, nước sạch, sướng quá, trời mỗi ngày mỗi sáng, đời mỗi ngày mỗi vui. Giờ bà đi làm, tối về có nước máy đấy.

Bà Tần đạp xe đi làm, nom bà lên xe còn duyên lắm, bà đi rồi ông mới rót chén trà nóng nâng lên chào buổi sáng, tâm tư ông nhẹ nhõm, sự mãn nguyện của con người nhiều khi không lý giải được. Thời bé các ông vô tư lắm, mùa xuân xuống bãi hái cỏ mật, rau muối, rau sam, bèo tấm nở đầy ao, tôm riu, tôm bủi nhiều vô kể, Tháng tư khu đồng Ma cá đẻ quẫy ùm ùm, mùa hè trẻ con cả làng tập trung bơi lội, bắt ve hái hoa sen, hoa súng, mùa thu thả diều, thả lờ đơm đó, làm khăm bắt cá rô, câu cá chuối, mùa đông đào lò nung bi, tát vét nướng tôm cá, làng xóm hoang vu, quanh làng toàn tre, cây găng, cây rứa dại, dây bìm bìm, dây tơ hồng chằng chịt, cả làng có khoảng một ki lô mét đường lát gạch, rộng chừng một mét nối đình và chùa, đình phía Đông chùa phía Tây làng. Thời ấy, làng có một đoạn đường gạch như thế đã tiến bộ lắm rồi, giờ nhà nào cũng có điện, có nước máy, đường bê tông về tận sân, đi đâu có sẵn phương tiện, tóm lại mỗi ngày mỗi hay, đường bê tông ra tận ruộng, gặt máy ba ngày hết cánh đồng, thiếu cái máy và cơm nữa là hoàn hảo. Sướng thế mà thiên hạ còn sướng hơn ta nhiều, thế thì ngang thiên đường còn gì.

Từ ngày về hưu ông Hải mới hiểu công việc gia đình là trăm thứ bà giằn, lại còn họp làng, họp chi bộ, vệ sinh môi trường, Câu lạc bộ dưỡng sinh kinh lạc, tổ hưu trí, hội Cựu chiến binh, cháu về còn trông cháu, cái gì cũng mới bắt đầu, cái gì cũng phải học. Những việc mấy mươi năm vợ ông thường làm bây giờ ông mới biết, mới chia sẻ, nhìn ông tưới rau mồ hôi nhễ nhại mà tội nghiệp. Bà bảo: đấy mới là việc không tên, nếu như ông không là hưu, ông còn phải đi làm để mưu sinh nữa, còn nhiều người khổ lắm ông ơi! Muốn biết ai thế nào hãy nhập vai của họ một lần khác biết. Giờ thì ông mới nhập vào vai bà, bái phục luôn, mấy mươi năm một mình lo toan gánh vác, bà chỉ cần một lần ông thấu hiểu là đủ, sống ở quê, lương ông năm triệu, trồng thêm cây rau, nuôi con gà con cháu về có cái cải thiện là ổn, vậy mà bà còn mê đi làm. Anh bạn Nhật Bản kén thợ nhưng không chê bà già nên bà rất vui.

Bà Tần tươi tắn nhanh nhẹn, sáu mươi nom vẫn còn giòn. Bà bảo: sống ở môi trường nào công bằng, mọi người yêu quý nhau thì gọi là nơi đáng sống, có thực mới vực được đạo, người làm thuê nào, con ở nào chả muốn làm cho ông chủ đàng hoàng. Cuộc đời bà va mấy cuộc làm hàng xuất khẩu rồi, chua chát lắm, nào trồng dưa bao tử, nào cây sa lát, nào nghệ đỏ, nghệ vàng, cà chua bi, ớt xào... chỉ được một hai vụ là phá sản. Năm kia, cũng Hội Nông dân phát động hội viên trồng khoai tây xuất khẩu, hợp đồng bài bản, ô thửa đánh số, điều hành bằng điện thoại, năm đầu hoan hỉ, năm sau khoai chở đi tiền nợ cả năm chưa trả, đểu quá mức. Nhưng lần này khác, khác hoàn toàn, cứ nhìn họ xây tường bao quanh khu trồng cây xuất khẩu, làm đường bê tông cho xe vào khu sản xuất, làm khung nhôm, lợp giấy bóng vừa thoáng lại vừa chống nóng, tỏ rõ hướng làm ăn lâu dài, bài bản, chuyên nghiệp.

Bảy rưỡi ông Hải khăn xếp áo lương chỉnh tề ra đình.

Hôm nay mồng một đầu tháng các cụ bàn nhất bàn nhì, lãnh đạo thôn, xã đã ngồi kín mấy cái bàn, đình làng năm gian, trừ gian giữa dành cho người vào làm lễ, hai bên, mỗi bên hai dãy bàn phủ khăn đỏ có hoa tươi chờ khách. Đội tế bắt đầu, cụ Lộc đánh trống, cụ Nghị đánh chiêng, cụ Tài chèng chèng thanh la, đội tế có ông Vinh Đông xướng, ông Nguyên Tây xướng quần áo vàng. Ông Khá chủ tế áo đỏ, ông Hoàn đọc chúc văn, quan viên áo xanh bốn người, dâng hương, dâng trầu, nước và rượu, đọc văn tế sau đến các cụ, sau đến dân, ba nhà Tuấn, Lệ, Thìn dâng lễ báo cáo Thành hoàng nhà động thổ, đoàn nhà Sáng khá đông, mấy mâm hoa, quả xôi gà làm lễ khai trương cửa hàng nhôm kính. Nhà Đạo cũng hoành tráng không kém, làm lễ khai trương xưởng may, xưởng nhà này nhớn đấy, ba mươi máy, năm mươi thợ. Nhà Hiếu mở dịch vụ: "Đại lý vé máy bay, vé tàu Bắc-Nam cộng đưa tin". Ví dụ ai muốn đi Hà Nội chuyến sáng, trưa hay chiều, ai đi Thái Nguyên, Lạng Sơn đăng ký trước để nó ghép xe đón trả tận nhà vừa rẻ vừa chủ động. Nhìn các cụ thượng lão áo đỏ, quần mũ đỏ sáng như mùa hoa gạo trước sân đình, các cụ áo tế, áo lương đen nom khỏe khoắn đàng hoàng. Cứ ngồi nhà, sao biết cuộc sống trong dân đang chuyển động rần rần. Đúng chín giờ, ba chiếc xe năm chỗ, hai chiếc xe mười hai chỗ đỗ xịch cổng đình. Lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, lãnh đạo công ty, đi đầu là ba cô áo dài dân tộc đỏ tươi đội ba mâm lễ xôi gà hoa trái bánh kẹo tiến vào nội đình. Lễ đặt xong hương châm nghi ngút, lãnh đạo thì ba nén, tùy tùng một nén ai cũng kẹp nén hương vào giữa hai lòng bàn tay dâng lên trước mặt, sau một hồi chín tiếng chuông ai nấy cúi gập người thành kính vái mấy vái sau mới lần lượt lên cắm hương. Ông Hải thầm nghĩ, mình mới về có mấy năm mà đã lạc hậu. Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa, hồi mình khai trương nhiều trạm bơm lớn lắm cũng chỉ cái lễ sơ sài, nhờ ai hợp tuổi vào làm lễ, giờ nom ai cũng nhất tâm ngoan đạo. Luật bất thành văn rồi, ngồi uống nước cũng vậy sếp huyện ngồi xong sếp xã mới ngồi. Ông Chủ tịch xã dẫn chương trình, giới thiệu khách quý trước, họ tên, chức tước, hàm cấp không thiếu cái quan trọng nào, vỗ tay rầm rầm, sau mới nói một câu chung chung: tới dự còn có các cụ cao niên trong làng. Đình làng là trung tâm văn hóa làng, sinh hoạt văn hóa làng là ngày giỗ của Thành hoàng làng, ngôi thứ không theo chức tước mà theo tuổi, hôm nay việc nước phá lệ làng. Cuối cùng lãnh đạo Công ty bày tỏ lời cám ơn và mời các cụ, các đồng chí lãnh đạo thôn cùng về Công ty ăn bữa cơm thân mật. Dành một ô tô mười hai chỗ chở các cụ đi trước. Vinh dự cho nhà hàng Phương Nguyên lần đầu tiên được phục vụ một đoàn sang trọng thế này.

Bữa tối bà Tần nấu canh cua nụ mướp và hoa thiên lý, có bún, rau ghém, rau kinh giới và cà muối. Ông bảo: nhìn đã ngon, muốn ăn hơn cả trưa nay. Bà khoe: Trưa nay Công ty cho mỗi người chai nước, một cái bánh dày, một bánh mì kẹp chả quế, ba quả mận hậu để trong cái túi rất đẹp, mỗi thứ đều gói lá cẩn thận, nom đã sướng ...Bà Tần ngạc nhiên:

- Liên hoan không rượu là sao?

- Chính phủ mới cấm uống rượu giờ hành chính nên mỗi người một cốc to nước cà chua luộc thả vào một cái lá lốt, nước cà chua nhờ nhờ hồng lửng lơ cái lá màu xanh nom như nước canh, mọi người cũng nâng cốc đi cạch nhau chúc mừng sức khỏe y cơm cá gỗ thời xa vắng. Ông Soan nhấm thử bảo, nhợ nhợ thế nào, rồi luôn miệng chặc chặc làu bàu, ông rỉ tai tôi: Hôm đi Hà Nội thăm người ốm trở về, vào ba cửa hàng không có đồ ăn, vắng tanh, ăn nhậu là cánh cơ quan, đoàn thể, nay có lệnh hoãn sự sung sướng, còn đứa nào đặt cơm mà chả vắng? Tiệc không rượu khác chi làm dâu không chồng, ăn trầu không vôi, vô nghĩa.

Ông hỏi:

- Bà mua cua nhà ai?

-Nhà Thành, mười bốn ngàn đồng một lạng, thịt lợn có bốn mươi ngàn một cân mà cua một trăm bốn mươi ngàn một ký, thịt lợn đầy dãy, còn cua vẫn hiếm. Ngày bé mỗi bữa cả giỏ cua, giờ một hai lạng đã sang, được cái ít nhưng sẵn mắm mì chính vẫn thơm ngon. Cái anh mì chính đúng là linh hồn của vị, không có nó mất ngon, quê hương của nó là nước Nhật Bản đấy. Nước họ có kỷ luật, kỷ cương cao lắm, họ có tác phong công nghiệp nửa thế kỷ rồi lại tự trọng hơn người, nhìn ta lù rù nông nghiệp chắc họ ngán lắm.

Bà Tần đang thiện cảm với phong cách Nhật nghe ông nói vậy càng tỏ vẻ thiện cảm hơn. Bà kể: hôm nọ tôi nghe bố con ông Đạt khẩu chiến thấy cũng hay hay. Chi ủy lên loa mời đảng viên đi họp chi bộ, thời gian bắt đầu từ bảy rưỡi. Tám giờ ông Đạt vẫn vô tư quần đùi áo may ô ngồi uống nước. Thằng con sốt ruột mới giục: tám giờ bố chưa đi họp à? Bố phải tác phong công nghiệp lên, cứ phong cách Giao Chỉ thế bao giờ mới nhớn? Ông Đạt mắng con té tát: công nghiệp là thế nào, Giao Chỉ là thế nào? Thằng con bảo: Giao Chỉ là không biết hòa đồng, công nghiệp là đúng giờ, bố ở nhà ngồi không chứ làm gì cho cam mà đi muộn, họ họp rồi mới rón rén đi vào, vừa không nắm được họp cái gì, vừa bị những cái nhìn coi thường sao bố không biết tự trọng, thế là tác phong nông nghiệp chứ thế nào nữa? Như cái áo may ô chiều qua bố vá để dùng tiếp ấy là nông nghiệp còn công nghiệp là vứt đi mặc cái mới lâu rồi, buồn cho bố quá. Ngõ có mấy nhà, lối vào ngõ hẹp người ta xin mình có một mét vuông đất để lối rẽ vào nó loe ra cho thoáng, tiện, an toàn, tưởng bố phải tự giác, vui vẻ, đằng này cương quyết không hy sinh, ai cũng như bố thì cứ đèn dầu nước giếng đến bao giờ, bao giờ mới mở mày mở mặt? Ông Đạt thượng lên: Tao không cho thì làm gì tao? Cậu con trai tự ái bảo: con lạy bố, chúng con xấu hổ về bố nhiều rồi! Chung tay xây dựng nông thôn mới, đầy người hiến đất để làm đẹp cho tập thể mà bố là đảng viên lại không gương mẫu, không dám hy sinh? Mày im ngay, đừng trứng khôn hơn vịt. Vậy thì bố bảo quả trứng có trước hay con vịt có trước? Mày hỗn vừa thôi, tao là loài vịt đẻ ra quả trứng chứ không phải là loài vịt chui ra từ quả trứng đâu nhé.

Ông Đạt đùng đùng đạp xe đi họp. Thằng con nhìn đồng hồ đã chín giờ kém mười lăm, nó chặc lưỡi ngán ngẩm. Bà Tần nói thêm: kể thế thì cũng quá đáng, ngõ ấy chắc gì được ba mươi người mà nhà ông ấy đã chiếm mấy người rồi, sống không biết mình biết người thì buồn lắm. Tôi nghe nói, ông bà ấy còn ăn riêng nữa đấy, già rồi còn dở chứng, thiệt thân thiên hạ lại cười cho.

Vợ chồng ông Hải ăn uống trò chuyện vui vẻ, hứng chí bà Tần bảo: còn lạc, còn rau thơm ông uống thêm một ly bù cho bữa trưa. Ông Hải vui lắm, nhìn chén rượu đầy đặn vợ vừa rót thêm nét mặt rạng rỡ tưng bừng nhưng còn làm bộ giữ giá: Say mất! Bà nguýt bảo: Tôi nói thật, cấm rượu giờ hành chính quá đúng, ai lại cứ hò nhau uống, lại còn hét lên dô… dô! Mặt đỏ phừng phừng, phóng xe ra đường, nói to như cãi nhau, công chức, lãnh đạo thế còn gì thể diện cho quan trên trông xuống người ta trông vào nữa. Ông uống ở nhà, uống đủ rồi đi ngủ, thế mới là tiên tửu chứ, riêng cánh thủy nông nhà ông anh nào cũng uống thành thùng. Ông Hải phá lên cười rồi hít hít mũi, ông khen: rượu thơm. Hứng chí, ông tỉ tê: Từ ngày làng phục hồi đoàn tế, đội văn nghệ, tôi thấy rất ý nghĩa, làng văn hóa mà không duy trì bản cổ cũng khó giữ danh hiệu lâu dài…

Thời sự buổi tối vừa bắt đầu, ông bảo: bận gì cũng không quên xem thời sự, thời sự buổi tối là tổng hợp sự kiện trong ngày, thông tin kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng lắm. Quyền được biết tin cũng không kém quyền được ăn được uống đâu nhá. Ông Hải ruỗi chân lên cái ghế bên cạnh lẩm nhẩm: thiên tai địch họa, an toàn giao thông, trời hại lẫn người hại, không biết lời Phật, Thánh hay Chúa truyền rằng: Đời người là bể khổ? Có lẽ đúng. Nghèo đói là bể khổ, giàu mà bị thanh tra nguồn gốc tài sản cũng khổ. Thôi cứ lam làm giữ vững danh hiệu công dân nước Việt là ô kê. Bà bảo: Ông nói đúng nhưng mới đúng một nửa, trên đời nhiều khi cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, cá nhân ai cũng chỉ là hạt cát, mình muốn cũng chả được. Đương bình yên bão lốc kéo đến cướp sạch mùa màng, gió bay nhà cửa; đương bình yên bom đạn vang rền chiến tranh toàn cõi khiếp không! Nhìn cảnh tượng bà con vùng lũ quét không sao cầm được nước mắt, nhà mình cả tủ quần áo bỏ thì tiếc mà để thì chật nhà, giá có ai đứng ra quyên góp mang cho bà con thì cả làng này cũng mấy ô tô.

Chén tình chén nghĩa, chén vợ chén chồng vui quá, ông lơ mơ buồn ngủ, buồn ngủ vẫn gắng nuốt từng mẩu tin thời sự cuối cùng và những mẩu chuyện chen ngang của bà, giọng ông chậm chậm: bà nói hay thật. Cùng lúc đầu ông đã ngả hẳn về sau ghế mắt nhắm tịt ngủ ngon lành.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước

Thoát tục

Văn học 7 năm trước