Thoát tục
Tin nhắn từ một số máy lạ:
-“Ni sư H. bị ốm nặng, nếu không quá bận mời ông xuống gấp”.
Đây là lần thứ hai, sau ba mươi năm thoát tục, Huệ chủ động nhờ nhắn tin cho tôi. Thế là bỏ mọi việc, tôi tức tốc ra bến Giáp Bát mua vé xe về Tiền Hải. Với Huệ dù bận mấy tôi cũng đi ngay. Vì tôi và ni sư này có một mối quan hệ không giống ai. Lời thề thốt về một mối tình cũ ư? Không, hoàn toàn không. Mấy chục năm sau chiến tranh, đồng đội cũ tản mát khắp nơi, nhớ đến nhau đã là quý, chứ gặp mặt thì hiếm hoi lắm. Nhưng riêng với Huệ, tôi có mối quan tâm đặc biệt. Tuy vậy, cũng dăm bảy năm tôi mới có dịp xuống thăm ngôi chùa nhỏ nơi em trụ trì ở Tiền Hải một lần. Đi tu đã nhiều năm, nhưng những khi chỉ có hai người Huệ vẫn xưng hô anh em với tôi. Trong cung bậc tình cảm của con người ta, có những trạng thái lạ lắm, rất khó dùng lý lẽ đời thường mà rạch ròi ra được.
Năm 1968, một trận bom khốc liệt phía tây Hà Tĩnh làm nửa non quân số đơn vị thanh niên xung phong của Huệ hy sinh. Chị em đang độ mười tám, đôi mươi mới rời đồng ruộng vào đây, không khỏi hoảng loạn. Trên lập tức điều đại đội công binh về thế chỗ. Số chị em còn sống tạm thời lui vào rừng già ổn định tư tưởng và chờ bổ sung lực lượng.
Tôi phụ tá cho hai thủ trưởng của Cục Chính trị và Quân lực xuống đơn vị của Huệ. Gọi là phụ tá cho oai chứ ngày ấy tôi còn trẻ, phận sự không khác mấy anh công vụ. Một chiều nhân lúc hai thủ trưởng họp với đơn vị, tôi tranh thủ xuống suối tắm trước. Mới cởi xong bộ quần áo ngoài thì từ trong bụi cây Huệ chạy ra ôm chặt lấy tôi. Mắt cô sáng rực, ánh lên vẻ quyết liệt man dại. Chỉ sau vài giây bất ngờ, tôi định thần được ngay, cố gỡ tay của Huệ bám riết sau lưng. Huệ hổn hển nắm tay tôi áp vào bộ ngực căng tròn của mình đang dướn lên. Tôi nói nhỏ, nhưng cương quyết:
- Đừng, đừng. Không được làm vậy.
- Em xin anh, em lạy anh, đừng đẩy em ra. Biết đâu ngày mai em chết.
Vừa thở gấp gáp, cô vừa luống cuống ấn bàn tay tôi qua ve cổ áo vào bên trong. Khe hở cổ áo quá chật, tôi giật tay lại. Không cần cởi khuy, cô nắm ve cổ áo của mình giật mạnh. Chiếc khuy áo màu nâu bay vèo xuống suối, vẽ thành những vòng sóng nhỏ và cặp vú trinh nữ nõn nà, căng mịn, phập phồng hở ra kề sát ngực tôi. Thì ra cô đã cố ý không mặc đồ lót. Tôi hiểu Huệ muốn gì. Thân thể cô đang căng lên áp sát vào tôi, bỗng nhiên mềm nhũn. Cánh tay vòng sau lưng cũng lỏng ra, mắt cô từ từ khép lại. Nhân lúc đó, tôi vùng thoát được, vơ lấy quần áo chạy biến. Được một quãng xa, chắc chắn an toàn tôi mới ngoái nhìn lại. Huệ đang gục xuống, nức nở. Mái tóc đen dài của cô xổ tung, trùm kín cả lưng. Rất may, chuyện này chỉ có hai chúng tôi biết.
Năm sau chúng tôi gặp lại nhau ở trọng điểm ngầm Ta Lê trên đường 20. Qua cái bắt tay và ánh mắt nhìn, không nói gì nhưng cả hai đều hiểu rằng mình đã trưởng thành. Huệ chủ động gợi lại câu chuyện năm ngoái có ý xin lỗi, làm cho chúng tôi thêm quý và thương nhau hơn. Tình thân giữa chúng tôi đã nhích lên tới mức chia sẻ cho nhau địa chỉ quê quán và tên bố mẹ. Cuộc chiến ngày một ác liệt, đơn vị thì nay đây mai đó, biết thế nào mà hẹn hò cho bận lòng.
Ba năm sau tôi có dịp ra bắc công tác mươi ngày. Thời gian hạn hẹp đến mấy, tôi cũng dò đường xuống Tiền Hải thăm gia đình Huệ. Điều khó xử nhất là bố mẹ Huệ cứ mặc nhiên đối xử với tôi như chàng rể tương lai. Còn tôi thì cố công giải thích là tình cảm đồng đội ở nơi cái sống cái chết cách nhau gang tấc, thì ai cũng coi nhau như ruột thịt. Bố mẹ muốn gửi cho Huệ nhiều thứ lắm, nhưng tôi chỉ có thể mang theo mấy chùm bồ kết.
Đơn vị của Huệ đã chuyển nhiệm vụ sang coi kho bí mật tận trong rừng Quảng Trị. Chùm bồ kết ấy nằm trong ba lô của tôi chẵn một năm nữa. Rồi tôi cũng tìm được cách chắc chắn gửi chùm bồ kết đến tay Huệ. Huệ có báo tin lại nhưng không thấy niềm vui với bồ kết như tôi mường tượng. Thư từ gửi theo địa chỉ số hòm thư được ít lần thì mất liên lạc cho tận đến ngày thống nhất.
Vào giữa những ngày cờ đỏ rợp trời ấy, tin nhắn lần thứ nhất của Huệ qua đường bưu điện tới tay tôi trong dịp nghỉ lễ. Tất nhiên là tôi xuống ngay theo đúng con đường đã đi. Bố mẹ Huệ tiếp tôi thân tình như con cái trong nhà. Trong lúc chờ người đi đón Huệ từ khu an dưỡng về, ông bố buồn rầu cho biết sức khỏe của các chị em rất xấu. Họ bị sốt rét lâu ngày, da xanh bủng, người gầy đét, tóc rụng gần hết. Là phụ nữ mà không có kinh nguyệt mấy năm liền, nên khả năng sinh nở là không còn. Phương án vào nương náu nơi cửa Phật đã được chị em nó lựa chọn. Ngặt một nỗi chi bộ yêu cầu số chị em là Đảng viên, muốn tôn thờ một niềm tin khác thì phải trả lại thẻ Đảng. Nói thực với anh chứ, gần mười năm cống hiến sức lực, tính mạng cho kháng chiến, cái vinh dự nhất là tấm thẻ đảng mang về với làng xóm. Nó không là vàng, là bạc gì nhưng là cái bằng chứng để mọi người tin anh là người tiến bộ. Nay do hoàn cảnh mà phải trả nó lại cho Đảng thì băn khoăn lắm, có cái gì như là sự phản bội lý tưởng. Tôi thấy chị em nó bàn nhau là nhờ anh góp ý xem nên làm thế nào cho phải.
Huệ đã về. Cô rúm ró trong bộ quân phục bạc màu. Tôi ôm đôi vai gầy của Huệ, lặng đi trong xót xa. Mái tóc dài, đen nhánh ngày nào nay chỉ còn một nhúm lưa thưa, cứng queo. Cô nhìn tôi, nhưng ánh mắt như nhìn vào cõi xa xăm nào. Nước mắt chảy thành dòng trên mặt ông bố, còn bà mẹ thì quay mặt đi, lấy khăn chấm mắt.
Việc nộp lại thẻ Đảng như thế này chưa có tiền lệ. Sau một hồi trò chuyện, đồng chí Bí thư chi bộ ở làng đã thống nhất với tôi cách giải quyết hợp lý, hợp tình. Chi bộ sẽ tổ chức lễ trân trọng đón nhận các tấm thẻ đảng và giữ gìn giúp khoảng thời gian là Đảng viên của các đồng chí thanh niên xung phong, để các cô thanh thản vào chùa mà chi bộ cũng làm đúng nguyên tắc tổ chức.
Bây giờ nhìn lại mới thấy ngày ấy người ta đối xử với lực lượng thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về hậu phương thật tệ. Tuổi thanh xuân đã cạn, mà phần đông các chị lại bị chuyển lên những nơi heo hút như ga Mậu A, ga Trái Hút, nông trường chè Mộc Châu, xung quanh toàn rừng với núi. Vẫn những chiếc giường đơn liền kề trong lán trại, ngày ngày vác bát xuống nhà ăn tập thể. Rất hiếm hoi thấy bóng dáng đàn ông. Đêm đêm, nơi ấy ngập trong tiếng thở dài.
Một số chị em cùng hoàn cảnh với Huệ chọn tĩnh tâm tu nơi cửa Phật. Âu cũng là một cách giải thoát. Sau ba năm yên phận tu hành, Huệ đã lại người. Trong tà áo dài màu nâu sẫm, cô đi đứng khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, mọi biểu hiện ứng xử đều rất chừng mực, nghiêm ngắn, rất khó phán đoán tâm trạng. Huệ đã thành con người của thế giới khác. Cái tên bây giờ cũng khác - ni cô Thích Đàm Huệ.
Người đời cho rằng cô đã thoát tục. Nhưng tôi có rất nhiều lý do để không tin điều này. Những gian nan trên con đường đi theo phật pháp, tôi làm sao biết được nếu Huệ không dành cho tôi những tâm sự thầm kín với niềm tin cậy đặc biệt. Cô kể:
Chúng em vào chùa được một ni sư cao tuổi dạy bảo từng ly từng tí. Ăn ra sao, mặc ra sao, đi đứng, cười nói thế nào đều phải luyện cho thành thục. Nghiêm ngặt hơn nhiều so với hồi mới vào thanh niên xung phong. Một hôm, có cháu bé trai chừng bốn tháng tuổi được bố mẹ đưa lên chùa tạ lễ. Bố mẹ cháu hiếm muộn, đã từng làm lễ cầu tự ở chùa này nhiều lần. Trên chiếc chiếu hoa trải giữa Tam quan, cháu bé cứ lẫy oanh oách, toét miệng cười với mọi người. Chúng em xin phép được lần lượt bế cháu một chút. Ôm đứa bé trong lòng, hôn hít da thịt non tơ, ấm áp của nó làm người em run lên. Đêm ấy, chúng em thức rất khuya, mỗi người một tâm trạng. Nửa đêm, một chị thì thào:
- Này các cậu, cảm giác làm mẹ nó như thế nào nhỉ?
Mọi người im lặng hồi lâu, rồi thói hồn nhiên mạnh bạo ngày nào trỗi dậy. Chúng em tự cởi áo ra và thay nhau đứa nọ bú đứa kia. Lúc đầu thấy nhột còn cười, nhưng sau đó đứa nào cũng đầm đìa nước mắt…
Xe khách đã chạy sang đất Tiền Hải. Tôi giở máy ra xem lại tin nhắn “Ni sư H. bị ốm nặng, nếu không quá bận mời ông xuống gấp”. Tôi định bấm gọi lại số máy này hỏi thăm Huệ ở chùa hay ở bệnh viện, nhưng lại thôi. Tôi quyết định về nhà thăm hai cụ trước. Hóa ra người ốm không phải là Huệ mà là bố mẹ cô. Các cụ đã xấp xỉ chín mươi tuổi. Từ ngõ nhìn vào, tôi thấy Huệ vẫn mặc bộ quần áo nhà chùa, ngồi im như pho tượng, mắt ngước lên trần nhà. Cô giật mình khi thấy bóng tôi và đón tiếp khá thờ ơ, khiến tôi thầm nghi ngại. Tôi ngồi bên giường người bệnh. Cụ ông vẫn tỉnh táo, nắm tay tôi:
- Bác Cường đấy à, tôi nhẩm thế nào sớm muộn hôm nay bác cũng xuống đây. Cái tin là tôi nhờ hàng xóm nhắn hộ đấy. Người nhà chùa ngồi kia biết tôi nhờ nhắn tin cho bác là cứ cằn nhằn mãi.
Tôi gợi ý đưa hai cụ lên bệnh viện huyện chữa chạy. Cụ ông tiếp lời, giọng nhỏ lại nhưng đanh sắc:
- Có bệnh gì đâu mà phải chữa, tôi với bà ấy muốn gặp mặt bác lần cuối rồi cùng cắn lưỡi tự tử đấy bác ạ. Nhục lắm, trần đời không có cái nhục nào như cái nhục này. Ô danh với làng, với nước. Chúng tôi chịu làm sao được chứ?
Thấy bố mẹ Huệ gọi con gái là người nhà chùa với vẻ lạnh nhạt, tôi chột dạ. Tính ra năm nay Huệ đã sang tuổi sáu mươi, là ni sư trụ trì chùa có uy tín nhiều năm. Chả nhẽ Huệ đã gây ra chuyện gì xấu xa? Không, không thể như vậy. Tôi có niềm tin chắc chắn vào nhân cách của Huệ. Mặc dù tôi biết ở nơi này, nơi khác cũng có một số nhà sư làm việc bậy bạ.
Cơm nước xong, Huệ phải lên chùa thỉnh kinh gõ mõ theo thường lệ. Tôi sang thăm đồng chí Bí thư cũ, để hai cụ nghỉ ngơi. Làng quê vẫn yên ả thanh bình, có khang trang hơn trước, nhưng nhìn kỹ mặt người thì chưa thấy vui. Tôi gợi chuyện, nhưng đồng chí Bí thư nói rằng đã nghỉ công việc từ lâu, việc làng việc nước không có khả năng quan tâm nữa. Như vậy, nỗi nhục trần đời mà bố Huệ nói vẫn là một bí mật riêng của gia đình.
Đêm ấy, Huệ bỏ chùa về nhà. Chừng chín giờ tối, chắc chắn không còn khách đến thăm người ốm, Huệ ra cài then khóa cửa ngõ rồi vào thay quần áo. Cô mặc chiếc áo sơ mi trắng, chiếc quần sa tanh cất giữ từ thuở nào còn hăng mùi băng phiến. Bây giờ Huệ thanh mảnh hơn nên nhìn như quần áo đi mượn. Chúng tôi ôn lại những kỷ niêm xưa. Huệ kể cho tôi nghe cuộc sống đầy thử thách của cô từ sau ngày chuyển vào Quảng Bình, rồi Quảng Trị coi kho.
Trong đó có chuyện hồi ở Quảng Trị, đơn vị cô đón tiếp anh bạn nhà thơ cùng đơn vị với tôi. Cô hỏi :
- Bây giờ chúng em đang ở Trường Sơn đông, hay Trường Sơn tây đây, anh?
Nhà thơ không xác định được tọa độ kho này, nên cười xí xóa:
- Các em đang ở nơi có cả mưa cả nắng, có nhiều muỗi như bên đông và khô kiệt nước như bên tây thì tức là ở Trường Sơn giữa.
Cả đơn vị đều cười rôm rả vì cái thông minh, hóm hỉnh của nhà thơ. Hôm ấy đại đội trưởng quyết định nấu cơm 100% tiêu chuẩn đãi khách. Tức là mỗi người ba lạng gạo, không độn. Anh biết không, trong kho của chúng em nhiều gạo và vũ khí, nhưng kỷ luật của đơn vị là khi không phải ra mặt đường san lấp hố bom thì chị em cố gắng tự túc lương thực, dành gạo cho bộ đội ngoài mặt trận. Chúng em đã trải qua ác liệt trên mặt đường, nên thực sự hiểu rằng một hạt gạo từ hậu phương vào đến đây quý như một hạt máu.
Khi kể chuyện cũ, gương mặt Huệ sáng lên, đôi mắt đã có ánh long lanh. Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì Huệ trở lại nguyên hình một ni sư. Cô đưa tôi chiếc phong bì dán kín và dặn, khi nào về đến Hà Nội thì hãy mở ra xem. Tôi đoán là trong thư nói về “nỗi nhục trần đời” theo lời của ông bố mà tôi chưa được biết.
Nguyên văn bức thư ấy như sau:
“Anh Cường ơi!
Anh tha tội cho em. Bởi vì với tình thân một đời giữa anh và em, không có gì mà không nói được. Nhưng em không đủ nghị lực nói trực tiếp với anh chuyện này. Em ruột em là chuyên viên ủy ban kiểm tra, đã lợi dụng uy tín cá nhân thế chấp thẻ Đảng của mình lấy hơn 6 tỷ đồng của một doanh nghiệp quen. Một vài báo đã đăng tin này, nhưng rất hạn chế. Có thể anh đã đọc, nhưng anh không thể ngờ nó chính là em ruột của em. Nó trốn trong chùa của em đã một tuần nay rồi. Nhiều phật tử đã to nhỏ với em. Em đang hoang mang cực độ.
Nó mà bị bắt, chắc bố mẹ em không sống nổi. Xét về cả phần đạo cũng như phần đời, nó đáng tội đày xuống địa ngục. Ngay bây giờ em có thể chuyển đi chùa khác. Nhưng dù là người đã thấm nhuần phật pháp, em vẫn là một con người có trách nhiệm với đấng sinh thành, có tình máu mủ ruột thịt. Em chỉ còn biết ngày ngày niệm Phật cầu mong điều lành. Nhưng khó quá anh ơi. Em cũng không đủ tàn nhẫn đi báo với cơ quan luật pháp và như vậy đương nhiên em là người vi phạm pháp luật ở chỗ che giấu tội phạm. Ngoài anh ra, em không dám thổ lộ với ai. Nếu một ngày nào, nhận được tin dữ, anh hãy xuống thắp cho em nén hương và nhớ mang cho em một bó hoa huệ trắng. Biết ơn anh rất nhiều vì anh đã dạy cho em giữ gìn sự trinh trắng từ thuở đầu đời cho đến ngày hôm nay. Vĩnh biệt anh trước. Em Huệ”.
Vĩ thanh:
Tôi có thể dựng câu chuyện này theo những thủ pháp nghệ thuật viết truyện ngắn mà tôi từng biết. Chỉ cần nhấn vào hai cách ứng xử với cái Thẻ Đảng ở hai thời kỳ là nó thành tứ của truyện ngay. Nhưng đây là một phần cuộc đời của chính tôi và Huệ, nên tôi chọn cách kể cổ điển này. Mong các bạn đọc văn có nghề hãy đừng coi đây chỉ là một truyện ngắn.
Truyện ngắn. Đặng Khánh Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...