Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:29 (GMT +7)

Nhân vật chính – Truyện ngắn. Hoàng Bình Trọng

VNTN - 1.

-Thằng quỷ, mày khá lắm! - Bác sĩ Trương Đình Hùng âu yếm nhìn vào khuôn mặt rộng bản, có cặp lông mày cong cong một cách nho nhã và đôi tai to như tai Phật của nhà văn Lưu Ngọc Tuyến - “Thức tỉnh” là cuốn tiểu thuyết thứ hăm lăm của mày, phải không? Hăm lăm cuốn, bình quân mỗi cuốn ba trăm trang! Chữ nghĩa đâu trong đầu mà tuôn ra lắm thế không biết. Tao rất tự hào có thằng bạn nối khố xuất chúng như mày!

-Thôi đi Hùng ơi! - Nhà văn dở cười dở mếu…

Bác sĩ vân vê hàng ria mép, hất hàm: Này, bây giờ đã vào Sài Gòn chơi với tao được chưa? Cách đây hai năm, mày đã hứa, bao giờ cuốn “Thức tỉnh” ra lò, mày sẽ chơi xả láng một thời gian, nhớ không?

-Nhớ chứ. Nhưng mà…

-Lại còn “nhưng mà…”. Nói là mời mày vào chơi, kỳ thực, tao muốn đưa mày vào Sài Gòn chữa bệnh. Chẳng lẽ mày không tự biết, so với thời gian trước, thì hiện tại, da dẻ mày nhợt nhạt, mặt mũi mày hốc hác đi nhiều sao? Biết hả? Nếu biết thì vào trong ấy khám xem mắc bệnh gì?

-Chậc! Vẫn chỉ di chứng mấy căn bệnh tao mắc hồi còn ở bên Lào ấy mà. Bao giờ trầm trọng quá, tao nhờ tay y sĩ trên trạm xá xuống tiêm cho vài phát là ổn. Thời gian này tao ngại nhất là đến các trung tâm y tế, dễ bị bới bèo ra bọ. Ngộ nhỡ các nhà thông thái nọ phát hiện tao mắc một thứ bạo bệnh gì đó thì... hết hơi.

-Giời ạ! Giả sử mắc bạo bệnh như ung thư chẳng hạn mà biết chính xác để lo chữa trị chẳng hơn là mù tịt, ngồi chờ chết sao?

-Nếu đã bị bệnh ung thư thì biết chính xác để làm gì? - Nhà văn vẫn cãi bướng - Thà cứ bán tín bán nghi còn có năm mươi phần trăm hi vọng an toàn, chứ đã toạc móng heo, biết chắc lưỡi hái tử thần lửng lơ trước mặt, thì hồn vía đâu mà lo công này việc nọ. Trong khi đó tao đang muốn tập trung tinh lực để viết cuốn tiểu thuyết mới mà tao rất yêu thích.

-Thì ra vì thế đấy! - Bác sĩ Hùng la lên và biết chắc lúc này dù có bị buộc dây vào cổ mà kéo, nhà văn cũng chẳng thể vào Sài Gòn với mình được.

Trương Đình Hùng với Lưu Ngọc Tuyến là bạn cùng xóm, hai nhà chỉ cách nhau một con kênh nước đục lờ nhờ có chiếc cầu khỉ bắc qua. Hồi nhỏ, hai đứa từng mút chung một chiếc kẹo kéo mẹ cho, cắn chung một quả ổi hái trong rừng; từng dãi nắng đỏ đầu đi bắt châu chấu cào cào nuôi chung một con chim sáo; từng học cùng lớp cùng trường từ cấp một đến hết cấp ba. Chớm tuổi thanh niên chẳng biết trời xui đất khiến sao đó mà Hùng với Tuyến trúng tuyển nghĩa vụ quân sự một lúc, được biên chế cùng đơn vị tác chiến, xông pha trên các mặt trận B2, B3. Mãi đến tết Mậu Thân 1968, Hùng bị thương được chuyển ra Bắc; còn Tuyến thì được thăng lên chức đại đội trưởng, dẫn quân qua Lào giúp bạn tiễu trừ bọn phỉ Vàng Pao. Hai người tạm thời mất liên lạc với nhau từ bấy. Sau hòa bình thống nhất, Lưu Ngọc Tuyến có năng khiếu văn chương, đã chọn nghề cầm bút. Trương Đình Hùng, tuy đã “tam thập nhi lập”, vẫn miệt mài ôn tập, thi đỗ vào trường Đại học Y Dược, ra trường với chức danh bác sĩ, được điều vào công tác tại Sài Gòn. Tuy cách xa nhau hàng nghìn cây số, hai người vẫn liên lạc với nhau đều đặn. Hùng đặc biệt quan tâm đến việc viết lách của Tuyến. Mỗi lần nhận được tập sách nào đó do bạn gửi tặng, bác sĩ mừng như bắt được của, rồi cầm nó đi khoe hết người này, người nọ. Ông cất công vận động vài cây bút phê bình có uy tín viết bài “lăng xê” đứa con tinh thần yêu quý của bạn lên mặt báo. Chưa hết, ông còn tìm đến mấy vị đồng hương cùng tỉnh thuộc loại có máu mặt trong đó quyên tiền ủng hộ nhà văn. Bao giờ gom được một khoản kha khá, bác sĩ làm một chuyến hồi hương, tiếng là thăm xóm làng nội ngoại, nhưng thực chất chỉ để chuyện trò bù khú với thằng bạn nối khố vài đêm. Những lúc đó, dù cả hai nay đã ngoại lục tuần, họ vẫn xưng hô mày tao chi tớ như hồi để chỏm, và xem đó là điều vui thích đặc biệt.

-Này! Thằng quỷ! - Bác sĩ bất thình lình huých cùi chỏ vào hông nhà văn - Cuốn tiểu thuyết đang dự định ấy, mày định viết về đề tài gì vậy?

-Đề tài chiến tranh. Tên của nó là “Những tấm lòng yêu thương” - Nhà văn nói trơn tru như đọc sách - Bối cảnh xảy ra ở Lào. Nhân vật chính thứ nhất lấy từ nguyên mẫu cô Tạ Thị Quyết, đồng hương cùng huyện của chúng ta, một thời từng là thủ lĩnh trung đội thanh niên xung phong dưới chân đèo Phù Then.

-Tạ Thị Quyết ư? - Bác sĩ ngắt lời bạn - Cái tên nghe quen quá. Hình như tao đã đọc một bài báo trên tờ Phụ nữ thành phố viết về vị này thì phải?

Nhà văn gần như chồm lên: “Bài báo ấy nói gì?”.

-Nói rằng... vị này vào Nam lập nghiệp từ năm 1980, lúc đầu chỉ hai bàn tay trắng, mà nay đã là chủ nhân một doanh nghiệp cỡ bự, đang ăn nên làm ra.

-Từ năm 1980 à?... Nhân vật chính của cuốn sách tao sắp viết cũng bỏ làng ra đi vào năm 1980 và biệt tăm tích từ bấy đến giờ! -  Nhà văn thở gấp gấp - Này, mày đã diện kiến với người đàn bà này bao giờ chưa? Người ngợm ra sao? Hiện tại sống với ai?

-Chưa. Tao chỉ nghe đồn là vị này hay đi lễ chùa và làm từ thiện. À, còn điều này nữa... có lời đồn là... hồi ở bên Lào, cô nàng đã hoang thai, đẻ ra một đứa con lai.

-Nói láo! Đứa bé ấy tên là Triệu Việt, con nuôi chứ phải con đẻ của Tạ Thị Quyết đâu mà đồn cô ấy hoang thai!

Nhà văn bất ngờ đỏ mặt tía tai, sừng sộ quát nạt, đùng đùng bước ra cửa sau. Thông cảm với bản tính nóng lạnh thất thường của bạn, bác sĩ lẳng lặng bám theo...

Tuy sống độc thân, nhưng Lưu Ngọc Tuyến cũng tạo dựng được một cơ ngơi rộng rãi dưới chân đồi có đủ vườn rau ao cá và vài cây ăn quả để những lúc căng thẳng thì ra đó thư giãn. Đôi bạn kéo nhau đến một cây lộc vừng cạnh cái ao nhỏ cuối vườn. Lưu Ngọc Tuyến vỗ vỗ lên cái đầu hói trán liền với sọ của bạn, đắc chí:

-Mày thấy khu vườn của tao có “tuyệt cú mèo” không?

-Tuyệt thì có tuyệt, nhưng ở một mình như mày thì buồn thối ruột.

-Nếu còn viết lách được thì thời gian để buồn không nhiều đâu.

-À, nhân nói đến viết lách vậy ta quay lại đề tài lúc nãy nhé. Qua thái độ sừng sộ lúc nãy của mày, tao nghĩ, mày đã cho người đàn bà có tên là Tạ Thị Quyết mà tao đọc được trên báo với cô Tạ Thị Quyết, cố nhân của mày, là một đúng không?

-Đúng, đúng. Ngoài sự trùng hợp một số chi tiết quan trọng ở hai nhân vật này ra, linh tính còn mách bảo với tao rằng, họ là một. Mày hãy tin, linh tính không bao giờ đánh lừa tao đâu nhé.

-Tin. Nếu vậy bây giờ hẳn mày nóng lòng muốn gặp Tạ Thị Quyết?

-Chẳng những chỉ mỗi cô Quyết, mà cả thằng bé Triệu Việt, con nuôi cô ta nữa cơ -  Lưu Ngọc Tuyến hạ giọng tiếp - Nhưng càng nóng lòng càng phải dằn lòng. Đợi đến khi cuốn “Những tấm lòng yêu thương” viết xong, tao tìm gặp họ thì tốt hơn. Vì sao ư? Vì mẹ con họ là hai trong ba nhân vật chính trong tiểu thuyết mà tao đang nung nấu. Gặp hai người bây giờ, ngộ nhỡ lối sống của họ không còn đẹp đẽ như xưa thì... thì...

-Tao hiểu, tao hiểu - Bác sĩ sốt sắng ngắt lời bạn - Mày vừa nói trong cuốn truyện ấy có ba nhân vật chính, vậy ngoài hai mẹ con bà Quyết lấy nguyên mẫu trong đời thật ra, còn nhân vật nữa thì do mày hư cấu chứ?

-Sao lại hư cấu. Nhân vật thứ ba là tao đây này, rõ chưa? Nói toạc cho mày biết luôn: Trong truyện, tao vẫn gọi đúng mặt bắt đúng tên từng người, chẳng thay đổi tẹo nào đâu nhé.

-Vậy chắc chắn đây là cuốn sách rất... gan ruột của mày, đúng không? Mày lại làm tao sốt ruột chờ một đứa con tinh thần nữa của mày ra đời rồi đó...

-Sốt ruột thật à? Nếu vậy đến tối tao sẽ kể tóm tắt cốt truyện cho mày nghe. Còn bây giờ ta ra quán bà Béo chơi vài “chóc” đã nhé.

2.

Quê mẹ ngày...

Trương Đình Hùng thân mến!

Hôm đó, sau khi nhậu ở quán bà Béo trở về, chúng mình đều say bí tỉ, tao không kể tóm tắt cốt truyện cuốn “Những tấm lòng yêu thương” cho mày nghe được. Sáng hôm sau thì mày đã khăn gói vào Sài Gòn làm tao áy náy mãi. Để khỏi mang tiếng: “nói lời chẳng biết giữ lời”, tao quyết định tâm sự với mày bằng thư vậy.

Câu chuyện bắt đầu xảy ra vào giữa mùa thu năm 1971 trên nước bạn Lào.

Hôm đó, đơn vị quân tình nguyện do tao làm đại đội trưởng đóng tại hang Thuồng Luồng thì được tin cấp báo: có một toán phỉ Vàng Pao hơn bốn chục tên ăn mặc trang bị giả dạng lính cụ Cụ Hồ, bí mật đột nhập bản Na-bua. Tao triệu tập ngay một cuộc họp từ cấp bậc tiểu đội trưởng trở lên, rồi hạ lệnh toàn đại đội cấp tốc hành quân tiễu phỉ.

Trời tối mò mò. Bộ đội đi chưa được nửa đường thì sấm chớp nổi đùng đùng, mưa tuôn như xối. Những khúc suối cắt qua đường, bình thường có thể xắn quần lội qua, chẳng mấy chốc, nước đã dâng cao không ngờ, réo ồ ồ như bò rống. Đơn vị hành quân trên đường bị cắt ra từng nhóm lẻ không liên lạc được với nhau. Mãi đến hai giờ sáng cơn mưa mới chịu dứt, mực nước vơi dần. Quãng đường còn lại, bộ đội vừa đi vừa chạy, nhưng cũng phải quá sáu giờ mới đặt chân đến Na-bua, và cũng là lúc toán phỉ nọ đã rút êm thấm vào rừng sâu. Bao nhiêu tội ác thảm khốc do chúng gây ra hầu hết đã được trận mưa dông kéo dài rửa sạch. Hơn năm chục xác chết bị lũ cuốn trôi. Gần ba chục nóc nhà sàn cháy thành than bị vùi trong bùn đất, lá khô, củi mục. Sau tiếng rưỡi đồng hồ lùng sục, cậu liên lạc đại đội mang đâu về một cái bọc vải. Trong bọc có một bé trai độ năm sáu tháng tuổi: “Báo cáo, thằng cu này ngất xỉu trên bụng một xác chết phụ nữ, chắc là mẹ của cháu”. Tao đỡ lấy thằng cu. Càng dỗ nó càng khóc ngặt nghẽo. Nhưng khi tao đút ngón tay vào miệng nó, thì nó mút chùn chụt. Tao bảo cậu liên lạc đun nước pha sữa bột cho thằng cu ăn. Ăn xong, nó ngủ như chó con, nom thương quá. “Giải quyết chuyện cháu bé sao cho ổn thỏa đây?”. Tại thời điểm đó, câu hỏi này làm tao đau đầu lắm, Hùng ạ. Giữ nó lại trong đơn vị thì dĩ nhiên là không xong, nhưng gửi cháu cho một gia đình hảo tâm nào đó cũng chẳng dễ. Sự kiện bọn phỉ Vàng Pao giả dạng bộ đội Việt Nam, gây ra bao nhiêu tang tóc cho dân bản Na-bua, đã có dư luận ngấm ngầm: “Lính cụ Hồ phản bội tình hữu nghị Việt Lào”, nên hễ thấy bộ đội ta đến đâu, là bà con Lào quanh vùng chạy bán sống bán chết. Bàn đi tính lại mãi, cuối cùng lãnh đạo đại đội nhất trí đem cháu bé gửi tại đơn vị nữ thanh niên xung phong dưới chân đèo Phù Then. Thủ trưởng của họ là Tạ Thị Quyết đó, Hùng ạ.

Bấy lâu đọc báo, nghe người ta ca ngợi Quyết hết lời, tao hình dung, đây phải là một nữ tướng cỡ bà Trưng, bà Triệu. Đến khi tao và cậu liên lạc đem cháu bé đến đây, thì lại diện kiến với một cô nàng mảnh mai, trắng trẻo, nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ khoan thai mực thước khiến cả hai thằng đực rựa sửng sốt. Vào thời kỳ này, Quyết mới hăm bốn tuổi, và đã có chồng, có con. Chồng Quyết là thủy thủ hoa tiêu trên tàu hải quân, hi sinh tại cảng Gianh đầu năm 1967 trong một trận đánh với giặc lái Mỹ. Tháng tư năm đó, đứa con trai mới sáu tháng tuổi của Quyết bị máy bay Mỹ giết chết trong lớp mầm non. Chính vì những nỗi đau khôn xiết đó mà người con gái thông minh, xinh đẹp, trẻ trung, nhân hậu này, đã nhanh chóng trở thành nữ anh hùng trên một cung đường huyết mạch. Và cũng chính vì những nỗi đau thương khôn xiết đó mà khi bọn tao mang cháu bé ngây thơ côi cút nọ đến đây, Quyết đã đưa cả hai tay ra đón, nước mắt rơi xuống miệng cười: “Ôi, cục cưng của mẹ. Bấy lâu, con bỏ đi đâu mà nay mới quay về với mẹ vậy?”. Đoạn, cô quay ngoắt sang tao: “Em muốn đặt tên cho bé là Triệu Việt, được không anh? Triệu là Triệu Voi, một tên khác của nước Lào. Việt là Việt Nam. Triệu Việt là tên đứa con chung của hai dân tộc, anh nhỉ.” Tôi gật gù khen hay, và ngậm ngùi chia tay với bé Triệu Việt cùng những người mẹ muôi hồn hậu của nó.

Hùng thân mến! Giả thử mối quan hệ giữa mình với Quyết và bé Triệu Việt chỉ dừng lại ở đây, thì chắc chắn cuốn tiểu thuyết “Những tấm lòng yêu thương” sẽ không đủ độ chín để ra đời đâu. Nhưng đường đời khó tránh khỏi những bước ngoặt bất ngờ. Bước ngoặt bất ngờ đầu tiên trên đường đời của bọn tao là, cha đẻ của bé Triệu Việt, tên là Thoong-bay còn sống, và đang ráo riết đi tìm con. Số là, sau một thời gian khá dài đi dân công hỏa tuyến, ngẫu nhiên mà Thoong-bay về Na-bua đúng vào hôm bọn phỉ Vàng Pao cùng bộ đội Việt Nam vào đây với hai mục đích khác nhau, và đã lần lượt ra khỏi bản. Một vài người dân Na-bua may mắn thoát chết sau vụ thảm sát đó, vì hiểu lầm, đã nói vói Thoong-bay rằng, cả gia đình anh gồm cha mẹ, vợ, ba đứa em đều bị bộ đội Việt Nam giết hại. Riêng đứa con trai măng sữa của anh, thì bọn họ mang theo chẳng biết để làm gì. Nỗi đau cùng cực khiến Thoong-bay mất hết lý trí. Anh rủ một người bạn thân vác súng cùng anh đi tìm đơn vị bộ đội nọ để báo thù và giành lại con. Hành động điên rồ của hai người gây không ít khó khăn cho bọn tao trong công cuộc tiễu phỉ. Cuối cùng bọn họ bị bắt. Chúng tao mất khá nhiều thời gian, công sức mới làm cho cả hai chàng trai tin rằng họ đã mắc mưu bọn phỉ Vàng Pao; rằng chính lũ phỉ mới là thủ phạm tàn sát dân Na-bua; rằng cháu bé con của Thoong-bay còn sống, hiện được các cô thanh niên xung phong cưu mang chăm sóc. Tiếp đó, dĩ nhiên đích thân tao phải dẫn Thoong-bay đến doanh trại “các thím”. Mất đứt một ngày băng ghềnh vượt thác vắt nhiều như trấu, nhưng cuối cùng lại xôi hỏng bỏng không. Cách đấy hai tuần, trong một lần trực chiến trên mặt đường, Tạ Thị Quyết bị sức nổ của một quả bom tấn hất lên, bị thương nặng ở đầu, ở cánh tay trái, phải vào binh trạm 31 điều trị. Ba hôm sau thằng Triệu Việt cũng được đưa đến đây, vừa để cháu tránh xa nơi bom đạn, vừa cho Quyết đỡ buồn. Vậy là tôi và Thoong-bay lại lội suối băng rừng đến binh trạm 31. Vào thời ấy, ở cái bệnh viện dã chiến bé nhỏ này có khá nhiều thương bệnh binh của bộ đội Pa-thẹt Lào điều trị. Sau khi được Thoong-bay cho biết về mục đích chuyến đi và hoàn cảnh khốn khó của gia đình, thì chính những người đồng bào của Thoong-bay đã phân tích cho anh ta rõ, với điều kiện hiện tại, anh sẽ khó mà nuôi nổi đứa con đang tuổi sài đẹn kia. Chi bằng cứ để cho cháu nó ở với chị Quyết, vừa đảm bảo mạng sống chắc chắn cho nó, vừa tránh cho chị ta khỏi một cú xốc do tổn thất tình cảm. Đợi đến khi nào cháu cứng cáp lên, mình xin đón về vẫn chưa muộn. Mới đầu, Thoong-bay bất bình ra mặt. Nhưng vì họ nói nhiều quá, phân tích có lý có tình quá, Thoong-bay đâm ra lưỡng lự. Rồi Thoong-bay trực tiếp thương lượng với Quyết; nhìn khuôn mặt phúc hậu với cặp mắt.

to tròn có cái nhìn như trải dạ cởi lòng của cô; nghe giọng nói như chìm trong nước mắt của cô khi cô cố dằn lòng dặn dò anh cách kiêng cữ, cho ăn uống, thuốc men thế nào khi đứa trẻ mắc tật này, chứng nọ thì Thoong-bay xót xa như muối xát lòng. Đặc biệt, khi đôi bàn tay xanh gầy của Quyết run lên bần bật lúc cô trao “cục cưng” cho Thoong-bay vì biết mình sắp lên cơn co giật do chứng chấn thương sọ não, và kéo vạt áo lau dòng nước mắt tủi hờn, thì Thoong-bay bật khóc, cuống quýt: “Chị đừng ngất, đừng ngất! Con của chị đây, em gửi nó cho chị nuôi đó”...

Chứng chấn thương sọ não của Quyết bắt buộc phải chuyển ra Bắc tiếp tục điều trị. Lăn lóc hết quân y viện này qua quân y viện khác, mãi bốn năm sau Quyết mới chữa lành hẳn chứng co giật và cũng là lúc nước nhà hòa bình thống nhất. Quyết được giải ngũ về quê tiếp tục làm nghề dạy học. Hồi này, nàng mới hăm tám tuổi, sắc xuân đang phơi phới, quá khứ có nhiều thành tích, hiện tại có duyên trong nghề gõ đầu trẻ, rất được học sinh, bạn bè, đồng nghiệp và các bậc phụ huynh yêu mến, quý trọng. Khốn nỗi, cái hạt ngọc minh châu đó lại có tì vết. Do chỗ Quyết đã mang về quê một bé trai năm tuổi khôi ngô tuấn tú tên là Triệu Việt, mà theo nhiều lời đồn thì nó là con hoang của Quyết thời cô ở Lào. Dĩ nhiên, đó là ngoa truyền, nhưng Quyết không cải chính. Quyết lặng lẽ làm cho Triệu Việt một tờ “khai danh dự thay thế giấy khai sinh”, có tên cha hẳn hoi. Mày đoán xem, cái thằng đàn ông mắc oan Thị Kính ấy là ai nào? Là tao đó. Là thằng Lưu Ngọc Tuyến, bạn nối khố của mày đó. Thế nào? Đọc đến đoạn này hẳn mày vỗ đùi cười ha hả rồi, phải không? Được, cứ cười cho thỏa chí tang bồng rồi nghe kể tiếp... Đầu năm 1979, trên đường chuyển quân lên biên giới phía Bắc, tao được nghỉ phép về làng mình mươi hôm. Tiện thể, tao ngược lên La Hà thăm Quyết với thằng Triệu Việt. Hóa ra, chẳng những một mình Triệu Việt nhầm tao là bố đẻ của nó, mà ngay cả bà Kệ, mẹ của Quyết cũng nhầm tao là con rể của cụ: “Dì ơi, cậu ơi, dượng ơi... bố Tuyến của cháu đã về”, “Cháu Thùy, cháu Lữu ơi, thằng Tuyến chồng cái Quyết nhà ta về đây rồi này...”. Cứ thế, hai bà cháu kêu toáng lên. Người nọ truyền người kia, chẳng mấy chốc, khắp làng trên xóm dưới đều biết tin “thiếu tá Lưu Ngọc Tuyến về quê vợ” lũ lượt kéo đến nhà “bà ngoại” xem mặt “con làng rể xã”. Thú thật, mới đầu tao thấy rất rất khó xử, nhưng sau đó thấy ba mẹ con bà cháu của Quyết vui sướng quá, tao xúc động đến nao lòng. Giờ tao cứ tiếc, giá hồi ấy ở lại với mẹ con cô ấy có phải tốt không!

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, chiều hôm đó tao từ biệt La Hà mà thương Quyết đến đau thắt từng khúc ruột. Tao còn đau hơn nữa, là một năm sau, tao được tin, cha đẻ của Triệu Việt đã tìm đến La Hà đón con trai về Lào. Vậy là Tạ Thị Quyết lại chịu đựng nỗi đau mất con, chẳng biết với chứng chấn thương sọ não tiềm ẩn kia, Quyết có vượt qua khỏi cú sốc tinh thần khủng khiếp này không?

Hùng ạ! Đó là tất cả những gì tao hiểu biết về hai nhân vật chính kia, sau đó, vì nhiều lý do này nọ, bọn tao hoàn toàn mất liên lạc với nhau. Lắm lúc tao đã nghĩ dại, hẳn Quyết không còn tồn tại trên đời này nữa. Nhưng, đúng là người tính chẳng bằng trời tính, theo như mày nói bữa nọ, thì Tạ Thị Quyết chẳng những chưa chết, mà còn sống khỏe sống đẹp ở Sài Gòn. Nếu đúng vậy thì cuốn tiểu thuyết dối già của tao sẽ tìm thấy một kết thúc “có hậu”. Hứa với mày, tao cố gắng quên hết bệnh tình cho tâm hồn bay bổng, đầu óc luôn tỉnh táo để giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc chiến thầm lặng này.

Chào mày, chúc cả gia đình mày mọi điều tốt đẹp.

Tao của mày: Lưu Ngọc Tuyến.

3.

Bức thư trên Lưu Ngọc Tuyến gửi cho Trương Đình Hùng hôm trước, thì sáng sớm hôm sau, nhà văn bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết “Những tấm lòng yêu thương”, tuy nhiên với lời hứa: “tao cố gắng quên hết bệnh tình” thì ông không giữ được. Nhưng, với một người biết sống cho ra sống như Lưu Ngọc Tuyến, thì vậy cũng có cái hay. Nghĩ rằng, mình mắc bạo bệnh có thể chết bất cứ lúc nào, nhà văn đã không lãng phí dù chỉ một phút trong cái kho tàng quỹ thời gian ít ỏi còn lại để viết ngày viết đêm. Nhờ thế, ông đã hoàn thành công việc quan trọng ấy một cách xuất sắc trước dự định ba tháng.

Từ Sài Gòn, nhận được tin vui đó, Trương Đình Hùng gọi điện báo cho nhà văn gửi bản thảo vào, và hứa sẽ lo các phần việc còn lại từ A đến Z cho đứa con tinh thần thứ 26 của thằng bạn nối khố được ra đời trọn vẹn. Đồng thời bác sĩ gần như ra lệnh cho Tuyến phải vào viện làm một số xét nghiệm, soi chụp xem có mắc bạo bệnh hay không để còn tìm phương cứu chữa. Dĩ nhiên bây giờ thì nhà văn chẳng còn lý do gì để trì hoãn. Không những chỉ đến bệnh viện tỉnh, ông còn ra ngoài bệnh viện trung ương soi chụp xét nghiệm đủ loại, nhưng ngoài mấy triệu chứng bệnh lặt vặt như viêm phế quản, viêm tuyến nước bọt, sỏi thận ra, người ta chẳng phát hiện được bất cứ một chứng gì gọi là bạo bệnh cả. Biết chắc “kho quỹ thời gian” của mình còn đầy ắp, ông bay vào Sài Gòn chơi với bác sĩ Hùng luôn nửa tháng. Trở về nhà, ông còn nghĩ cách “ăn chơi xả láng” dài dài. Ông chặt tre rồi cặm cụi ngồi đan trúm, đan đó, đan lờ... Ông đem ra đặt ở những bờ mương, con đìa, ngoài đồng. Ở vùng này các loại lươn chạch, cá rô, cá trê nhiều vô kể. Chịu khó một chút là mỗi ngày nhà văn cũng được vài ba cân. Ông ăn ít thôi, phần còn lại, thứ thì ông cho bà con lối xóm, thứ thì ông thả xuống ao nhà để thỉnh thoảng xách cần ra câu với mục đích thư giãn...

Sau ba hôm gió bấc mưa dầm, trời bỗng dưng hửng nắng. “Hôm nay mà làm nghề thì có gạo đây”, nhà văn tự nhủ, và xách giỏ, xắn quần đi ra đồng. Mơ được ước thấy, ông chỉ mới “thăm” hơn chục cái trúm ven đìa đã đổ ra cả một chiếc giỏ đại toàn lươn là lươn, con nào con nấy béo mụp mịp thân vàng hươm. Xách chiếc giỏ trĩu tay về nhà thì một chiếc Toyota màu cánh gián đỗ xịch trước cổng nhà ông.

-Nhà văn đi đâu về mà nom như một lão nông tri điền vậy?

-Ồ Hùng! - Lưu Ngọc Tuyến nhận ra cái đầu hói của Trương Đình Hùng khi bác sĩ mới từ trên xe bước xuống. Nhưng chẳng phải chỉ một mình bác sĩ, sau ông, còn có một thanh niên và một phụ nữ luống tuổi. Nhà văn chợt cảm thấy như có một luồng điện chạy từ chân lên đầu. Ông bước nhanh về phía hai người, quên mất mình đang lấm lem bùn đất, nhà văn giang tay ôm chầm hai mẹ con. Không gian yên ắng lạ thường.

Sau phút giây bất ngờ, nhà văn quay sang bác sĩ:

-Sao mày ra chơi mà không gọi điện báo cho tao biết?

-Báo trước thì còn gì thú vị nữa - Bác sĩ nháy mắt ranh mãnh, rồi từ từ lấy một vật vuông vức trong túi xách ra đưa cho nhà văn. Một giây sững lại, Lưu Ngọc Tuyến chồm đến, giật lấy cuốn sách: “Nó ra rồi sao? Nhanh vậy?”. Rồi như chợt hiểu, Lưu Ngọc Tuyến nhìn sang mẹ con Tạ Thị Quyết, đoạn đấm mạnh vào vai Trương Đình Hùng. Tất cả cùng cười. Chưa bao giờ, bác sĩ thấy bạn mình cười vui như thế…

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 1 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước

Thoát tục

Văn học 7 năm trước