Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
18:01 (GMT +7)

Người tiêu dùng mong được tiếp cận sản phẩm an toàn

Những cụm từ chỉ dấu sản phẩm an toàn như OCOP, VietGAP, Hữu cơ đang dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Khi cân nhắc chọn mặt hàng nào để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày thì những sản phẩm được dán tem mác có những biểu tượng trên luôn là lựa chọn hàng đầu của người nội trợ.

Người tiêu dùng mong được tiếp cận sản phẩm an toàn
Khách đến tham quan gian hàng trưng bày và bán sản phẩm đặc trưng - sản phẩm OCOP huyện Định Hóa. Ảnh: Trần Thép

Chương trình OCOP (One Commune One Product) - mỗi xã (phường) có một sản phẩm - nằm trong Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Đây là Chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngày 7/5/2018 được coi là ngày khởi đầu của Chương trình này, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020.

Sau 5 năm triển khai, cả nước đã có hàng nghìn sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, tăng thu nhập cho hàng triệu nông dân, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc.

 Sản phẩm OCOP bao trùm hầu hết các nhu cầu thiết yếu của con người, gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; quà lưu niệm - nội thất trang trí; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Để được xếp hạng từ 3 đến 5 sao, sản phẩm OCOP phải trải qua việc đánh giá kỹ lưỡng, chuyên nghiệp trên nhiều phương diện. Cụ thể là phải qua nhiều cơ quan, hội đồng thẩm định (gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan như y tế, môi trường) từ cấp huyện, tỉnh, trung ương; chưa kể phải tích hợp các chứng chỉ quan trọng như VietGAP, ISO. Sản phẩm được mang số sao càng lớn càng thể hiện sự đầu tư từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, bảo quản, bao bì của chủ đầu tư.

Với những yêu cầu khắt khe đó, người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm có dán nhãn OCOP. Dù bỏ ra số tiền nhiều hơn so với mua sản phẩm thông thường, nhưng giá trị mang lại cho sức khỏe luôn được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu.

Thái Nguyên là một trong những tỉnh đạt nhiều thành tựu sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 173 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao; có 130 điểm giới thiệu và bán hàng từ cấp xã đến cấp huyện. Tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình quảng bá sản phẩm tại hội chợ và các sự kiện lớn. Đặc biệt, ngày 30/11/2023, tỉnh đã tổ chức Festival đầu tiên, dành riêng cho các mặt hàng nông sản tiêu biểu và sản phẩm OCOP. Hàng vạn người đã đến với Festival (tổ chức trong 5 ngày) để tham quan và mua hàng. Điều đó cho thấy người dân đã quan tâm, đặt niềm tin vào sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, ngoài các hội chợ và các chương trình quảng bá nói trên, người tiêu dùng còn lúng túng khi tìm địa chỉ bán hàng thuận tiện để mua sản phẩm OCOP hoặc giới thiệu cho bạn bè kết nối. Trên website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có mục OCOP trong chuyên mục “Sản phẩm chủ lực”, vào đó chỉ có một bài về khái niệm OCOP đăng từ năm 2021. Website dành riêng cho OCOP Thái Nguyên chưa có. Trong các siêu thị lớn ở thành phố Thái Nguyên như GO, Lanchimart, Thành Đô, Minh Cầu, Winmart… các mặt hàng OCOP Thái Nguyên (chủ yếu là trà khô và miến Việt Cường) thường đặt lẫn cùng nhiều sản phẩm khác.

 Với vị trí đứng TOP đầu cả nước về chuyển đổi số, người Thái Nguyên (kể cả người cao tuổi) đã làm quen với việc “lướt mạng” mua hàng, thanh toán điện tử, hoặc tìm địa chỉ tin cậy để đến mua hàng. Nếu như tỉnh xây dựng được (ít nhất) một siêu thị hoặc chợ bán toàn mặt hàng OCOP, VietGAP, Hữu cơ (của toàn quốc) đặt tại địa điểm thuận lợi, thì người tiêu dùng sẽ không phải tìm, hỏi, nhặt nhạnh từng món hàng ở nơi này, nơi khác như hiện nay. Không chỉ bán hàng theo cách truyền thống, việc quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội cũng cần được những người có thẩm quyền của tỉnh quan tâm đầu tư hơn. Các facebooker, tiktoker, livestreamer… đang chứng tỏ ưu thế “chốt đơn” của họ khi tiếp cận nhanh, tương tác mạnh với người mua.

 Bán được hàng là yếu tố sống - còn của nhà đầu tư. Khi sản phẩm đã đủ tiêu chuẩn để được dán biểu tượng OCOP, VietGAP hay Hữu cơ thì các cơ quan chức năng hãy làm “bà đỡ” đưa hàng đến tay người tiêu dùng nhiều hơn. Việc làm này không chỉ mang lại lợi nhuận cho người sản xuất mà còn tạo thói quen cho người tiêu dùng đến các địa chỉ uy tín để mua hàng, dần “đánh bạt” sản phẩm bẩn ra khỏi thị trường.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Chê thế nào cho đúng?

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Quyền tác giả và hiện tượng buôn bán luận văn

Chuyện người chuyện ta 6 tháng trước

Nhanh hay chậm?

Xem tin nổi bật 7 tháng trước