Người Thái Nguyên và tình thơ lục bát
VNTN - Thơ vốn có nhiều thể như ong bướm có nhiều loài, hoa có nhiều hương sắc, có thể nội sinh và thể ngoại sinh. Trong đó, một thể thơ trải qua lịch sử đã trở thành một thứ “gien” tinh thần của người Việt, đó là lục bát. Người Việt làm giàu tâm hồn bằng thơ lục bát và lục bát tạo nên tính cách tâm hồn người Việt.
Lịch sử cũng đã ấn định riêng cho Thái Nguyên một xứ mơ với huyền thoại nàng Công chàng Cốc, với hương chè Tân Cương say đắm lòng người. Lịch sử định vị cho Thái Nguyên một dấu ấn hào hùng là An toàn khu, Thủ đô Kháng chiến. Đất và người Thái Nguyên, nhờ vậy, còn được trang hoàng thêm bằng bao tâm tình đã lưu dấu, bao dấu chân các bậc anh tài đã đi qua, và dĩ nhiên, bao vần thơ của các thi nhân hào hoa còn vương lại. Trong đó, hẳn nhiên là rất nhiều những câu lục bát tài hoa. Từ con đường rừng chiều trong thơ Nguyễn Bính “đèo cao cho suối ngập ngừng/ Nắng thoai thoải nắng chiều lưng lửng chiều” đến những nẻo đường Việt Bắc để nhớ để thương trong thơ Tố Hữu: “Nhớ gì như nhớ người yêu/ Trăng lên đỉnh núi nắng chiều lưng nương/ Nhớ từng bản khói cùng sương/ Sớm khuya bếp lửa người thương đi về…”. Thì đấy là duyên lục bát vừa tha thiết đắm say vừa mộc mạc ân tình đã neo đậu thành tình người Thái Nguyên.
Thái Nguyên là nơi hội tụ ban đầu của đông đảo văn nghệ sĩ, những người đã góp phần kiến tạo nền văn học kháng chiến, một nền thơ kháng chiến với những bậc anh hào thơ ca như Tố Hữu, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm… Hòa bình lập lại, Thái Nguyên trở thành nơi tề tựu của đội ngũ văn nghệ Việt Bắc với sự hiện diện của các tên tuổi như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại rồi sau này lại có thêm những Hà Đức Toàn, Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang, Thế Chính, Trần Văn Loa, Khánh Kiểm, Hữu Tiệp… Những lớp nhà thơ Thái Nguyên theo đó mà lớn lên, mà định hình tên tuổi, làm giàu thêm đời sống tinh thần cho quê hương Thái Nguyên.
Nói đến thơ, nhiều người nghĩ đến lục bát. Nhưng lục bát lại là một thể dễ làm khó hay. Có nhiều nhà thơ, khởi từ lục bát, rồi khi đã đủ nội lực lại đeo đuổi một thứ thơ riêng, không theo thể hình thức mà theo thể tâm hồn, theo sự dẫn dắt mang tính bản năng của xúc cảm thẩm mỹ. Ấy vậy mà trong những gương mặt thơ Thái Nguyên hôm nay, vẫn có những người nặng duyên, nặng tình với thơ lục bát. Trong hành trang thơ của họ lục bát chiếm phân nửa gia tài. Đó là những Ngọ Quang Tôn, Trần Cầu, Nguyễn Đình Hưng, Phan Thức, Phan Thái, Nguyễn Việt Bắc… cùng viết thơ lục bát nhưng mỗi người một dáng vẻ, một tính cách. Lục bát Ngọ Quang Tôn mộc mạc như tiếng lòng những thợ cấy thợ cày, thong dong nhẩn nha hơn thì là cái dáng vẻ thanh nhàn, thảnh thơi của những lão nông tri điền lúc trà dư tửu hậu; Trần Cầu mang lục bát về hoài niệm của muôn nẻo đường đời; Nguyễn Đình Hưng đắm say, cần mẫn trong cõi mông lung của tình thơ, tình người; Phan Thái làm duyên với những nâu sồng rơm rạ… Lục bát của họ lúc say tình, say nghĩa mà nên thơ, khi suy tư, chiêm nghiệm mà cao đàm khoát luận về những nhân tình thế thái. Họ thành thật cả trong những yêu ghét vui buồn. Họ hồn nhiên và lạc quan như thể đang nhàn du giữa cõi nhân gian đong đầy hạnh phúc. Đó cũng là lí do để người đọc yêu mến họ và thơ của họ.
Lục bát đương đại vượt qua những quan niệm thẩm mỹ thông thường, phá vỡ những chuẩn tắc của lục bát truyền thống, nhất là ở phương diện hình thức biểu đạt. Lục bát, xét từ góc độ nghệ thuật ngôn từ, là một nghề chơi lắm công phu. Ở đó, sự tinh tế hiện hữu ở sự tinh giản, sự điệu đà dần trở thành vô duyên. Câu chữ đặc sắc là ở tuyệt kỹ của yếu tố “độc” và “lạ”. Lục bát sử dụng đến kiệt cùng hình thức để biểu đạt nội dung trong một khuôn khổ cố định của số chữ theo từng cặp sáu - tám. Vì thế, làm mới thơ lục bát là một việc khó.
Trong một chừng mực nào đó, lục bát Thái Nguyên đã tinh lọc được không ít những câu thơ tài hoa, những tứ thơ độc đáo, những xúc cảm thẩm mỹ chân thành của những người làm thơ, yêu thơ đến cuồng nhiệt. Đi dọc tập thơ, người đọc dễ dàng hình dung một không gian văn hóa đặc trưng của Việt Bắc, của Thủ đô Gió ngàn, của hương chè xứ Thái, được khắc họa bằng những lát cắt của tâm trạng, có sôi nổi, có lặng thầm, có trang nghiêm cẩn trọng, có vui vẻ bông đùa, có suy tư trăn trở… ấn cảm chung là nặng nghĩa, nặng tình.
Thái Nguyên là một vùng đất đa văn hóa, hội tụ những đặc trưng văn hóa của cả miền núi, trung du và đồng bằng, cũng bởi vì thế mà thơ đa dạng, đa thanh, đa cung bậc của những xúc cảm. Chẳng hạn, tâm thế ly hương là một trong những sắc thái thẩm mỹ khá đậm trong sáng tác của các tác giả Thái Nguyên. Ở đó, hoài niệm là một tông màu chủ đạo nhưng cũng rất dễ nhận ra sự khác biệt. Trong khi Hồ Triệu Sơn trăn trở với những tiếc nuối muộn màng “con về với những giấc mơ/ Mẹ thì đã mất bơ vơ thì còn” để rồi “cầm thương nhớ mẹ ấp vào trong đêm” (Mẹ ơi - Hồ Triệu Sơn), thì Phan Thức lại bảo lưu nỗi ám ảnh về tấm lưng còng của người mẹ cả đời tần tảo: “chiều qua chợt thấy cầu vồng/ Nhịp nào mẹ gánh vít cong đến giờ” (Một đời mẹ gánh - Phan Thức). Lại nữa, suy tư là trạng thức thường trực của các tác giả. Nguyễn Việt Bắc tự vấn về sự công phá của thời gian: “trầm ngâm nhặt chiếc lá vàng/ Nhìn mây trắng hỏi ta bàng bạc chưa” (Bâng quơ - Nguyễn Việt Bắc), Trần Quang Hải nhận diện cảm thức về sự già nua hiện hình qua mấy cọng lá bàng xơ xác: “xác xơ mấy cọng lá bàng/ mà heo hắt gió mà vàng võ đông” (Trở lại bến sông xưa - Trần Quang Hải). Người thơ là người đa cảm, luôn nuối tiếc quá khứ, dị ứng với mọi sự thay đổi, đôi khi tất yếu, của cuộc sống hiện đại: “em theo xanh đỏ ánh đèn/ Đánh rơi tàn lửa cuối miền ngày xưa” (Đom đóm - Nguyễn Đình Hưng)… Nếu chỉ đắm chìm trong những hoài niệm mà cầm nắm, vuốt ve nỗi buồn thì thơ trở thành bi lụy. May thay, vẫn còn nhiều những niềm vui tỏa sáng, những hy vọng dâng tràn, những hạnh phúc rạng ngời, không mảy may so bì sang - hèn, được - mất: “Tiếng cười chật nếp nhà tranh/ Chẳng ai lấy cái rách lành để đo” (Ta về nhốt gió ngày xưa - Phan Thái). Cũng vì thế mà tiếng hát tiếng đàn trở thành sứ giả niềm vui, sứ giả tình yêu cho những tâm hồn, trái tim không tuổi: “Rơi trong sâu thẳm tiếng đàn - Lời then ngọt lịm như làn môi em” (Gặp lại điệu then - Hồ Triệu Sơn)…
Vẫn phải mặc định rằng, các tác giả thơ trong tuyển tập này, có một phần là thành viên của các câu lạc bộ. Thơ đối với họ, đơn giản là công cụ để chuyển tải các sắc thái tình cảm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Không bóng bẩy điệu đàng, không cầu kỳ câu chữ. Chỉ cần lục bát để ngâm, để đọc, để hát cho nhau nghe. Những lời thơ mang gương mặt, dáng điệu của khúc đồng dao, của lời ru bên nôi thuở nào. Chân thành, mộc mạc là ưu điểm, nhưng chân thành đến khờ khạo, mộc mạc đến vụng về lại là một hạn chế lớn không dễ khắc phục của các tác giả, của đa phần các bài thơ lục bát đang hiện hữu. Vậy nên, xác định một tâm thế rộng mở, “có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa” là cần thiết để đón đọc và yêu mến tuyển tập này, từ phía người đọc.
Ý tưởng ra mắt Tuyển tập thơ lục bát Thái Nguyên đã được Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ hằng ấp ủ. Vượt lên những tập thơ ra mắt thường niên như một cách công bố kịp thời những sáng tác mới của các thành viên câu lạc bộ, Lục bát Thái Nguyên lần này được tuyển lựa khá kỹ từ tâm huyết công phu của Ban Chủ nhiệm - các nhà thơ Nguyễn Việt Bắc, Lã Thị Thông, Nguyễn Anh Hòa, Đỗ Ngọc Tuấn, Kim Chi Hà... Đặc biệt, nhà thơ Hồ Thủy Giang nhiệt tình đảm nhận việc bếp núc cho sự hiện diện của tuyển tập này. Vì thế, trong lần ra mắt này, tuyển tập đã hội tụ những gương mặt thơ, không chỉ trong khuôn khổ, phạm vi Câu lạc bộ thơ Lục bát Thái Nguyên, mà còn bao gồm cả những gương mặt quen thuộc của thơ Thái Nguyên hiện tại. Đây là một nỗ lực nhằm ghi nhận, trân trọng những giá trị trong hành trình sáng tạo mà các tác giả thơ lục bát Thái Nguyên đã có được, cũng là con đường ngắn nhất đưa thơ đến với công chúng yêu thơ và đặt thơ trong đời sống sinh hoạt tinh thần của một không gian thơ mang tính hành dụng, khơi gợi những quan niệm thẩm mỹ mới mẻ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Thái Nguyên, nồng ấm và đậm đà hơn tình đất tình người Thái Nguyên.
Nguyễn Kiến Thọ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...