Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:21 (GMT +7)

Người nặng lòng với văn hóa truyền thống

VNTN - Hội VHNT tỉnh và Hội VHNT các dân tộc thiểu số cùng trong một tòa nhà với nhau nên tôi thường xuyên được gặp gỡ bà Tô Kim Hoa. Tuy chỉ là những cuộc trò chuyện ngắn ngủi, xã giao nhưng bà để lại ấn tượng là một người giản dị, mộc mạc và thân thiện. Có dịp tâm sự nhiều hơn với bà, tôi mới nhận ra rằng bà không chỉ là một người “tài hoa” trong VHNT mà còn là một nhà báo kỳ cựu luôn nặng lòng, tâm huyết với việc gìn giữ phát huy những giá trị truyền thống đặc biệt là những giá trị văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Tô Kim Hoa (hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian) sinh năm 1955, là người dân tộc Tày, quê Cao Bằng. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Dân tộc học của Đại học Hà Nội, bà về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên từ năm 1982. Năm 2010, bà nghỉ hưu, khi đó bà đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng Văn nghệ - Thể thao. Lúc này, bà lại tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số tỉnh, đồng thời phụ trách trang Văn nghệ của Hội VHNT tỉnh trên sóng truyền hình tỉnh. Ở mỗi vị trí khác nhau, bà đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, để lại những dấu ấn riêng của mình.

Gắn bó với nghề báo gần 30 năm, bà Hoa đã công tác tại nhiều vị trí như: phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên, phát thanh viên phát thanh tiếng Tày- Nùng. Ở những vị trí đó là những điều kiện, thử thách để bà khám phá chính mình, học hỏi rèn nghề, trải nghiệm và trưởng thành. Xuất phát điểm là làm phát thanh, ngay từ những thập kỷ 80 của thế kỷ trước, hơi thở đời sống, những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã được bà con các dân tộc đón nhận thông qua giọng đọc trong trẻo, truyền cảm và rõ ràng của cô phát thanh viên Tày Kim Hoa.

Mãi tới năm 1998, khi đã “ngoài tứ tuần” bà mới có cơ hội để thực hiện các tác phẩm trên sóng truyền hình. Khi đó, bà được Ban Biên tập giao thực hiện chuyên mục Đất và người Thái Nguyên. Vốn am hiểu văn hóa và lịch sử nên bà chọn đề tài giới thiệu về di chỉ khảo cổ học Thần Sa thuộc huyện Võ Nhai. Đây là nơi mà các nhà khoa học đã phát hiện các tầng văn hóa khảo cổ có niên đại từ hậu kỳ thời đại đá cũ đến thời đại đá mới. Với sự phát hiện quan trọng này Thái Nguyên tự hào là một trong những cái nôi của loài người. Và điều này cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tìm hiểu lịch sử phát triển của tỉnh Thái Nguyên, tìm hiểu thời tiền sử ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Năm đó, đường vào Thần Sa rất khó khăn, xe ô tô chỉ vào được gần đến xã, bà và phóng viên quay phim Hà Thắng phải đi bộ cả chục cây số đường rừng để vào địa điểm quay. Được sự giúp đỡ của một đồng chí cán bộ xã dẫn đường đi trước phát đường, bà và đồng nghiệp vừa vác máy quay, chân máy, đồ nghề tác nghiệp vừa cùng nhau bám vách núi leo lên hang Phiêng Tung còn gọi là Miệng Hổ. Hang nằm ở lưng chừng núi vô cùng hiểm trở là địa điểm được phát hiện đầu tiên trong quần thể di chỉ Ngườm. Dốc ngược thẳng như thử thách lòng người, chỉ cần sơ sẩy một chút là rơi xuống vực sâu. Quyết tâm, cộng thêm đôi chút “liều lĩnh” êkip của bà đã quay được những khung hình ưng ý nhất. Tác phẩm truyền hình “Thần Sa dấu tích cổ xưa của loài người” đã được Ban Giám đốc, Ban Biên tập đánh giá cao. Với bà “từ tác phẩm thử sức đầu tiên ấy, tôi đã vững tin để bước vào một lĩnh vực mới là làm truyền hình khi tuổi không còn trẻ”.

 

Thành quả nhỏ đó như tiếp thêm lửa cho bà trong nghề phóng viên truyền hình. Những chuyến đi xa về cơ sở, đến những vùng núi cao hẻo lánh thường xuyên diễn ra. Ở những nơi đây, bà được tiếp xúc nhiều với bà con dân tộc thiểu số, được đón tiếp nồng hậu, có được những niềm vui bất ngờ khi bà con nhận ra cô phóng viên này chính là cô phát thanh viên trên Đài. Nhưng cũng có những điều khiến bà Hoa phải suy nghĩ: “bà con các dân tộc thiểu số có rất nhiều nét văn hóa đặc trưng, độc đáo trong đời sống và sinh hoạt, nhưng trước sự phát triển của xã hội, tiếp thu, du nhập những nét văn hóa mới, hiện đại khiến chúng không còn được duy trì đều đặn như trước, đang dần bị mai một thậm chí là quên lãng”. Vốn là một người con của núi rừng, nên điều đó thôi thúc bà cần phải có trách nhiệm, phải làm điều gì đó. Bà thực hiện nhiều hơn các tác phẩm truyền hình liên quan đến văn hóa các vùng miền, dân tộc thiểu số với mong muốn lưu giữ, tuyên truyền sâu rộng đến bà con để tiếp tục phát huy chúng.

Thực hiện những đề tài đó phải tốn nhiều công sức hơn những mảng đề tài văn hóa bình thường mà mức nhuận bút cũng chẳng được cao hơn. Trước tiên phải tìm hiểu kỹ, trang bị những kiến thức nhất định về tập tục, nét đặc trưng của từng dân tộc. Những năm ấy, để đến được với các bản làng thì ô tô là phương tiện “xa xỉ”, gặp đường dễ mới đi được xe máy, còn hầu như phải cuốc bộ. Tạm rời xa gia đình nhỏ, ở lại những bản làng hẻo lánh, ăn ngủ sinh hoạt với bà con có khi đến cả nửa tháng để ghi được những thức phim chân thực nhất. Hàng loạt các thước phim về dân tộc thiểu số được bà thực hiện như: Lễ cấp sắc, Tơ hồng của người Dao; Đám cưới, hát then, hát giao duyên của người Tày... Bà bộc bạch: “Bà con dân tộc luôn chân chất, nồng hậu và mến khách. Chia tay chúng tôi, họ lưu luyến và luôn tìm cách giữ liên lạc, mong ngóng, truyền nhau xem những đoạn phim. Đó là niềm vui lớn đối với tôi”.

Với những nỗ lực không ngừng cùng với lòng yêu nghề, hòa mình bám sát cuộc sống và chịu khó học hỏi, bà Tô Kim Hoa đã gặt hái được nhiều thành công: có 14 tác phẩm đạt giải tại Liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn quốc và các cuộc thi ở trung ương, hầu hết đều liên quan đến đề tài dân tộc thiểu số; và 01 giải Khuyến khích tại Liên hoan Điện ảnh và Truyền hình thể thao quốc tế FICTS - VIỆT NAM lần thứ IV năm 2008 với tác phẩm Bắn nỏ - môn thể thao hấp dẫn (Crossboww shooting - an attractive kind of spots). Đây là giải quốc tế đầu tiên mà Đài PT - TH tỉnh đã giành được, cũng là tác phẩm bằng tiếng Anh đầu tiên do Đài thực hiện.

Nói làm báo có đôi chút “khô khan” nhưng với bà Hoa thì không phải vậy. Ngay từ nhỏ, bà đã có nhiều năng khiếu: biết nhiều điệu dân ca Tày - Nùng, chèo, vọng cổ, cải lương, biết diễn xuất, đánh đàn… Trong suốt thời gian công tác tại Đài PT - TH tỉnh, bà luôn là cây văn nghệ chủ lực. Ngoài biểu diễn, bà còn thường xuyên sáng tác các bài hát mới, hoặc viết lời trên nền nhạc của sẵn của dân tộc Tày - Nùng. Có bài đã đạt được một số giải thưởng về âm nhạc. Chúng thường xuyên được chính bà thể hiện và phát sóng trên kênh phát thanh của Đài.

Ngoài cơ quan, tôi vẫn thường gặp bà tác nghiệp tại một số sự kiện văn hóa, văn nghệ trong tỉnh. Hơn 60 tuổi nhưng sự năng nổ, nhạy bén của bà là điều mà cánh phóng viên trẻ như chúng tôi còn phải “chạy dài” theo học. Bẵng đi một thời gian, bà đã không đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số nữa nên chúng tôi cũng ít gặp mặt hơn. Nghe bà bảo, đợt này bị mắc chút bệnh nhỏ về xương khớp nên đi lại bất tiện. Thời gian này, bà tranh thủ ghi chép sử, tiếp tục nghiên cứu và sáng tác về dân tộc Tày - Nùng. Ngoài ra, bà còn nhiều dự định về mảng văn hóa, văn nghệ dân gian đang ấp ủ thực hiện trong thời gian tới. Kính chúc bà ổn định sức khỏe để tiếp tục sống và cống hiến với tâm huyết gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vùng miền mà bản thân đã nặng lòng theo đuổi bấy lâu.

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước