Thứ sáu, ngày 03 tháng 01 năm 2025
02:24 (GMT +7)
NHÌN LẠI 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X

Nghĩ tiếp về vấn đề phát triển lực lượng tác giả trẻ

Thực tế những năm gần đây cho thấy, lực lượng tác giả trẻ ở các địa phương đang ngày càng ít đi. Để tìm ra nhóm vài người trẻ sáng tác một cách say mê đã là khó, chứ chưa nói đến một lực lượng coi sáng tác như là công việc chuyên nghiệp...

Tác giả, nhà thơ Phạm Văn Vũ tham gia Toạ đàm "Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW" do Hội VHNT tỉnh tổ chức ngày 11/4/2023. Ảnh: Kim Ngân

Kiểm danh lực lượng tác giả trẻ Thái Nguyên

Thiếu vắng tác giả trẻ là câu chuyện chung của hầu hết các tỉnh/thành trên cả nước, chứ không phải là vấn đề của riêng nơi nào, chỉ ngoại trừ một vài trung tâm lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng trong bối cảnh đó, đối với Thái Nguyên, câu hỏi về việc xây dựng và phát triển lực lượng tác giả trẻ cũng là một nan đề. Nếu nhìn ở góc độ số lượng hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có độ tuổi từ 35 trở xuống (một mốc độ tuổi mang tính tương đối), hiện tại chúng ta chỉ có 3 tác giả. Trong khi đó, nhìn ở góc độ tác phẩm được công bố, theo quan sát của tôi, tính trong giai đoạn 5 năm vừa qua, chỉ có duy nhất 1 cuốn sách của 1 cá nhân tác giả trẻ được xuất bản. Tất nhiên, nhìn rộng ra, còn phải kể đến những người trẻ có sáng tác nhưng không phải hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, hoặc có tác phẩm nhưng không đăng tải trên báo chí, không xuất bản thành sách. Nhưng rõ ràng những trường hợp này cũng là vô cùng ít ỏi, nếu không muốn nói là rất hiếm.

Lực lượng tác giả trẻ của Thái Nguyên tuy là ít ỏi về số lượng như vậy, nhưng điều tích cực là rất đáng mừng về chất lượng tác phẩm của họ. Trong khoảng 5 năm vừa qua, các tác giả trẻ nổi bật như Nguyễn Nhật Huy, Hoàng Thị Hiền, Trinh Nguyên, Trần Thị Nhung, Nguyễn Bích Hồng đã từng bước tạo dựng được dấu ấn với công chúng bằng những tác phẩm được đăng tải khá thường xuyên trên nhiều ấn phẩm uy tín về văn chương (Văn nghệ Thái Nguyên, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội…), một số giải thưởng văn chương sáng giá (Văn nghệ Thái Nguyên, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Cuộc thi viết tại Đài Loan…). Nhờ đó, có thể thấy rằng đời sống văn học trẻ Thái Nguyên mấy năm gần đây đã hòa nhịp được với đời sống văn học trẻ của cả nước.

Chặng đường phía trước

Nhìn lại chặng đường vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã rất nỗ lực trong việc tạo sân chơi, môi trường, khích lệ và bồi dưỡng các cây viết nhỏ tuổi. Một số hoạt động trong đó đã tạo nên không khí sáng tác sôi nổi, như: Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi, CLB Văn học trẻ, Gặp mặt người viết trẻ khu vực Việt Bắc… Tất nhiên, chúng ta đều hiểu rằng sáng tác văn học là một lĩnh vực đặc thù mang tính chủ quan rất cao trong đó nội lực và ý thức lựa chọn của cá nhân là yếu tố tiên quyết, cho nên những nỗ lực của tổ chức Hội thường mang ý nghĩa “nhóm lửa” là chính, còn vấn đề “bén lửa” hay xa hơn là “giữ lửa” thì lại là một câu chuyện khác.

Trại sáng tác trẻ, nơi ươm mầm tài năng

Muốn việc xây dựng phát triển lực lượng tác giả trẻ có hiệu quả, cần phải có sự chuẩn bị bài bản, công phu, tâm huyết, bởi đây là câu chuyện liên quan đến một lĩnh vực rất đặc thù. Để hi vọng trong chặng đường tiếp theo Thái Nguyên có lực lượng tác giả trẻ đông đảo hơn, xuất hiện thêm nhiều tài năng văn chương hơn, thì bên cạnh việc duy trì những hoạt động mang tính mùa vụ, cũng cần tập trung xây dựng các hoạt động mang tính kế hoạch dài hơi hơn nữa. Trong nhìn nhận của cá nhân, tôi cho rằng nên lưu ý đến một vài vấn đề sau:

- Tổ chức các khóa đào tạo viết văn cho người viết trẻ: Tuyển chọn đầu vào và đánh giá kết quả đầu ra. Giảng viên là các nhà văn tên tuổi, các chuyên gia uy tín. Chia lớp theo lứa tuổi để lựa chọn nội dung cho phù hợp. Triển khai thường xuyên hằng tháng, kéo dài từ 1 đến 2 năm, đảm bảo tính quá trình. Có cơ chế phối hợp chính thức, thường niên giữa Hội Văn học nghệ thuật với Sở Giáo dục & Đào tạo để thực hiện.

- Tổ chức giải thưởng văn chương dành cho tác giả trẻ: Giải thưởng được tổ chức thường kỳ, 1 năm hoặc 2 năm mỗi lần. Đảm bảo tính giá trị, uy tín cao về chuyên môn. Tạo sự lan tỏa sâu rộng và sức thu hút lớn đối với đông đảo những người trẻ. 

- Tạo không gian, diễn đàn sinh hoạt văn chương thường xuyên cho tác giả trẻ: Tổ chức các cuộc thi sáng tác cho tác giả trẻ. Xây dựng chuyên mục giới thiệu tác giả tác phẩm cho người viết trẻ. Duy trì diễn đàn văn chương cho tác giả trẻ trên tạp chí điện tử và môi trường không gian mạng…

  Dù là hình thức nào, phương cách nào, vấn đề quan trọng nhất của việc phát triển lực lượng tác giả trẻ vẫn là đảm bảo tính quá trình. Làm theo quá trình, các tác giả trẻ sẽ đi vào văn chương theo một hành trình bền lâu; còn nếu làm theo tính chất mùa vụ, thời điểm, các tác giả trẻ cũng sẽ chỉ ghé chơi văn chương trong chốc lát.

Tất nhiên, để đảm bảo tính quá trình như vậy, chúng ta sẽ có rất nhiều điều kiện cần như con người, nguồn lực, thời gian…

Phạm Văn Vũ

Xem thêm:

Sự vận động của nhiếp ảnh và những thách thức tiềm ẩn cho các nhà nhiếp ảnh trong tương lai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy