Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
16:42 (GMT +7)
NHÌN LẠI 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X

Sự vận động của nhiếp ảnh và những thách thức tiềm ẩn cho các nhà nhiếp ảnh trong tương lai

VNTN- Ngày nay, người ta không còn đặt ra câu hỏi rằng nhiếp ảnh để làm gì. Nhưng khi nghiên cứu sự ứng dụng của nhiếp ảnh vào đời sống con người, thì phải chăng không chỉ đi tìm hiểu xem các nhà khoa học đã ưu tiên cho nhiếp ảnh những ứng dụng nào. Mà nên chú trọng vào việc nghiên cứu xem nó đã thấm qua nền kinh tế thị trường sâu rộng ra sao...

Tác giả phát biểu tại buổi Tọa đàm Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW do Hội VHNT tỉnh tổ chức ngày 11/4/2023. Ảnh: Kim Ngân
Tác giả phát biểu tại buổi Tọa đàm Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW do Hội VHNT tỉnh tổ chức ngày 11/4/2023. Ảnh: Kim Ngân

Chỉ nhờ cái nôi của nền kinh tế thị trường, thì việc đổi mới sáng tạo đã luôn được hòa nhịp đồng điệu với nhu cầu sử dụng của con người như thế. Kỹ thuật ứng dụng cho nhiếp ảnh hôm nay, không những đáp ứng được cho mọi thần dân trên khắp thế giới phẳng mà nó còn có thể thỏa mãn tột cùng mọi điều ước cho một nhà nhiếp ảnh có tham vọng nhất!

Để có một bức ảnh, hai chục năm trước người ta còn dằn vặt xem phải mua máy ảnh nào, ống kính tiêu cự bao nhiêu? Rồi chuyện mua phim, tìm nơi in ảnh… Còn hôm nay thì hầu như ai cũng đều biết chụp ảnh: Giờ tan tầm ông bố chụp cảnh tắc đường khi trở về nhà, bà vợ chụp món trứng rán đang sủi tăm trên bếp, đứa con gái lớn chụp cái móng tay mình vừa tự sơn, thằng em năm tuổi lúi húi chụp con cóc đang liếm mối nơi gốc mít…

Đơn giản và dễ sử dụng, nhiếp ảnh quen thuộc với mọi đối tượng người tiêu dùng. Chưa có thời nào, người ta “chuyện trò” với nhau bằng những hình ảnh luân chuyển như hiện nay. Cái điện thoại vốn để nói với người bên kia chưa đủ thỏa mãn con người, gửi một tấm hình để thay phải giải thích lòng vòng, biến ý tưởng “trăm nghe không bằng mắt thấy” nhẹ nhàng như một sự tiện lợi. Hình ảnh dần trở thành thứ “ngôn ngữ giao tiếp” phổ thông, khiến cuộc sống chợt trở nên sống động hơn rất nhiều.

Nhiếp ảnh luôn có sức hấp dẫn đặc biệt - Những tay máy thuộc Chi hội Nhiếp ảnh Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tại ATK Định Hóa. Ảnh: QK
Nhiếp ảnh luôn có sức hấp dẫn đặc biệt - Những tay máy thuộc Chi hội Nhiếp ảnh Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tại ATK Định Hóa. Ảnh: QK

Những người dùng máy ảnh để chụp sương, chụp núi… Mượn những tấm hình để diễn tả nỗi lòng mình, rồi có thể nhờ nỗ lực lao động hay do may mắn mà có ảnh đăng báo, chọn triển lãm. Chỉ bằng những góc nhìn sáng tạo và độc đáo mà họ được gọi là nghệ sĩ. Họ tập hợp với nhau trong một câu lạc bộ, hoặc vào hội lớn, hội nhỏ… Tùy theo hoàn cảnh, phần lớn họ từ bỏ cuộc chơi sau dăm năm theo đuổi. Ai nặng đam mê là cứ chạy đua theo cái nghiệp luôn được trẻ hóa, trong khi bản thân thì được thời gian hong già… Công nghiệp ngành ảnh mỗi thời cặp kè với một lứa những nhà nhiếp ảnh. Sự kết duyên thiếu cân đối đã hút trọn niềm đam mê của những con người. Trong khi nhiếp ảnh hướng đến lớp người mới trẻ trung, thì lớp người tình xưa cũ của “nàng Nhiếp” cũng đang nở nụ cười thỏa mãn, vì đã được hưởng trọn một đời đam mê.

Nhiếp ảnh bắt nhịp với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, cứ phăm phăm tiến về phía trước theo phương trình tuyến tính. Nhưng với một cá nhân, hay một tổ chức nhiếp ảnh, thì lại có một hành trình lên, xuống hình sin tương đối trùng lặp, để người ta có thể áp vào mà khảo sát.

Một người đam mê với nhiếp ảnh ngay từ thời trẻ, thì sẽ có độ chín với nghề ở quãng tuổi ba nhăm. Giai đoạn từ ba nhăm đến năm nhăm tuổi là khoảng thời gian vàng dành cho nhiếp ảnh. Sở dĩ có thể kết như vậy, là ở cái tuổi đó người ta sung sức để lao động làm tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Có điều kiện để ưu tiên nguồn tài chính không bị phụ thuộc cho hoạt động nhiếp ảnh. Ngoài ra ở lứa tuổi ấy, người ta còn dồi dào sức khỏe để có thể cả ngày ngồi trên xe máy mà vẫn đủ minh mẫn, hào hứng săn tìm cái đẹp trên suốt cả hành trình.

Cái quan trọng nhất, là ở lứa tuổi ấy người ta còn muốn được học tập và trau dồi kiến thức chuyên môn, mọi giác quan đang mở để thâu nhận. Mỗi một thành công, là một dấu mốc được đón đợi ở trạng thái tâm lý vừa khao khát, vừa hào hứng đầy tươi trẻ. Nó khác xa với thứ cảm xúc trơ lì trong giai đoạn sau của cuộc đời. Trạng thái của con người khi gặt hái thành quả, mà lại coi nó như việc đương nhiên phải vậy. Ấy là khi tính cách, phong cách đã khuôn cứng thành bảo thủ.

Với một Câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh, nó cũng có chu kì thăng trầm theo từng giai đoạn. Nhưng sự tồn tại của mỗi CLB lại rất khác nhau. Mặc dù bản chất chung của mô hình CLB, đều là sự tập hợp của những người cùng hướng tới một sở thích.

Ở Việt Nam, xuất hiện hai mô hình CLB: Câu lạc bộ tự phát và câu lạc bộ được một tổ chức đứng phía sau làm điểm tựa. CLB tự phát ở Việt Nam, tồn tại thường không được lâu, nó phụ thuộc quá lớn vào niềm đam mê của nhóm vài ba người khởi xướng. Nếu một vài mắt xích bị trục trặc bởi hàng trăm lý do, thì CLB đó đã ngưng trệ, nó leo lắt thêm một thời gian rồi tự giải thể trong im lặng. Nhưng khi nhìn vào những CLB có được một tổ chức bảo lãnh, thì ta thấy khác hẳn.

Ví dụ: CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu ở thành phố Hồ Chí Minh, có Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đỡ đầu. Hay tại Thái Nguyên có CLB Nhiếp ảnh Công nhân Gang Thép, được Hội đồng CLB Công ty Gang Thép gây dựng lên. Những tổ chức đứng sau mỗi CLB, thường hàng năm vẫn trích một phần kinh phí để duy trì sự hoạt động và đó là điều căn cốt để duy trì cho một CLB nhiếp ảnh hiện nay… Ở các địa phương từ khi có các Hội văn học nghệ thuật được thành lập, thì ở đó cũng luôn có một tổ chức nhiếp ảnh. Những phân hội (hoặc chi hội) nhiếp ảnh cũng được Hội VHNT đỡ đầu cho các hoạt động chuyên môn. Mô hình thực chất giống như các CLB có được một tổ chức đứng sau.

CLB Nhiếp ảnh Công nhân Gang Thép thành lập từ 1987, trong mấy chục năm qua luôn là một CLB mạnh hàng đầu của miền Bắc. Trong ảnh: Một triển lãm ảnh của CLB. Ảnh: QK
CLB Nhiếp ảnh Công nhân Gang Thép thành lập từ 1987, trong mấy chục năm qua luôn là một CLB mạnh hàng đầu của miền Bắc. Trong ảnh: Một triển lãm ảnh của CLB. Ảnh: QK

Mỹ thuật và nhiếp ảnh, là hai chị em có tuổi đời xa nhau bằng nhiều thiên niên kỷ. Nhưng chúng đều xuất phát bởi nhu cầu tự nhiên theo ý chủ quan của con người. Từ những bức họa trên trần các hang động của người cổ đại, đến cuộc triển lãm sắp đặt với không gian ba chiều là những bước đi chậm men theo cả chiều dài của lịch sử loài người. Nhưng nhiếp ảnh thì lại khác, nó không những lấn át người chị của mình bằng cách tả thực, nó còn muốn làm được những việc mà người anh em liền kề với nó là điện ảnh vẫn gánh vác. Những nhà nhiếp ảnh hôm nay khi chán ảnh đơn thì chuyển sang ảnh series, rồi ảnh bộ. Hết sắp đặt trước khi chụp, lại miệt mài ngay được với những phần mềm đồ họa để thiết kế ảnh ý tưởng…

Thực ra càng cố đi thử nghiệm để đua với các lĩnh vực khác, thì nhiếp ảnh lại càng mất đi tính đặc thù nằm sẵn trong gen của mình. Thử hỏi một nghệ sĩ nhiếp ảnh ham mê ảnh bộ, nhớ được lời bao nhiêu bài hát mà hằng ngày mình vẫn nghe? Trong khi bất chợt thấy một câu thơ ai đó vừa đọc lên, thì biết ngay đó là của Nguyễn Du, hay của Bà Huyện Thanh Quan. Giai điệu đặc trưng đã tạo nên hồn thơ khác biệt. Ngày nay người ta trao giải cho những bộ ảnh, người xem chỉ nhận ra cái nơ có sắc xanh, hay đỏ. Nhưng chỉ một lát sau là người ta không còn nhớ cái bộ ảnh đó có gì… Thực ra một bộ ảnh dù có hay mấy, thì cũng chẳng đua được với một video clip có nhạc đệm. Một bức ảnh ý tưởng có chất đầy ý tưởng vào đó, cũng khó cạnh tranh được với một tác phẩm mỹ thuật lập thể được đắp nổi bằng sơn dầu. Và ở thời đại 4.0 cùng sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, thì ý niệm của một cá nhân sẽ luôn bị cạnh tranh, rồi đi tới mỏi mệt bởi cứ chạy đua với những bộ não ưu việt…

Khi nói nhiếp ảnh đang ở đỉnh cao, thì đó là dấu hiệu để chuẩn bị quan sát nó lao dốc. Còn người bi quan khi cho rằng nhiếp ảnh đã tuyệt cùng suy kiệt, thì ta lại thấy hé lộ niềm vui, rằng ngày mai đồ thị sẽ đảo chiều. Những quy luật khách quan luôn lấn lướt những nhận định chủ quan. Nhiếp ảnh trong tương lai sẽ còn tiếp tục được cải tiến, nâng cấp theo ước vọng người tiêu dùng. Người chơi ảnh luôn được hưởng lợi bởi giá cả và sự tiện dụng. Đam mê với nhiếp ảnh là để đón đợi hay chạy theo, còn phụ thuộc vào tâm thế và lợi thế của mỗi người… Nhiếp ảnh mãi mãi sẽ còn là phương tiện và là bạn đường của những người yêu mến nó.

Vũ Kim Khoa

Xem thêm:

Mỹ thuật trước những yêu cầu mới của đời sống và công chúng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy