Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
07:32 (GMT +7)

Mùa xuân trong Truyện Kiều

VNTN - Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn đã phải trải qua mười lăm năm lưu lạc, bị xã hội chà đạp, dày xéo dã man với trăm cay nghìn đắng. Mười lăm năm, qua mười lăm mùa xuân, nhưng Nguyễn Du chỉ dành cho nàng bốn mùa xuân, mùa xuân nào cũng là thời gian nàng được sống trong hạnh phúc, trong niềm vui và lo âu, thấp thỏm.

Mùa xuân đầu tiên trong Truyện Kiều mở đầu cho thiên truyện là cảnh chị em Thúy Kiều đi tảo mộ dịp Tết Thanh minh. Rồi sau đó, những biến cố của đời nàng bắt đầu. Gặp Kim Trọng, hai người yêu nhau nhưng phải chia tay để Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú. Gia đình Kiều bị vu oan, nàng phải bán mình vào lầu xanh của mụ Tú Bà, bắt đầu cuộc đời gió bụi, bị lừa gạt, bị làm nhục. Nàng đã gặp một khách làng chơi là Thúc Sinh - con một thương gia giàu có đem lòng yêu nàng vào một mùa xuân. Mùa xuân thứ hai trong đời:

Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân (câu 1293)

Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng (câu 1284)

Mảng vui rượu sớm trà trưa

Đào đà phai thắm. Sen vừa nẩy xanh (câu 1474)

Lưu ý, những câu 1293 và 1284 chỉ thời gian mùa xuân. Câu 1474 chỉ cuối mùa xuân (Đào phai thắm) sang đầu mùa hè (Sen vừa nẩy xanh). Tất cả không có cảnh sắc, không khí, thiên nhiên mùa xuân. Nhưng dù sao mùa xuân này Thúy Kiều cũng có chút niềm vui và hạnh phúc vì nàng đang được sống trong tình yêu với Thúc Sinh (Dù ngắn ngủi và phải ra tòa chịu đánh đập, tra tấn dã man vì Thúc Ông kiện cáo).

Mùa xuân thứ ba của Thúy Kiều là sau khi bị Hoạn Thư vì ghen tuông, bắt Kiều về hành hạ, sau khi đã hả giận, cho nàng trông coi, chép kinh ở quan âm các trong vườn nhà. Thúy Kiều lo sợ bị trả thù nên đã bỏ trốn đến Chiêu Ẩn Am, vào mùa xuân:

Cửa Thiền vừa cữ cuối xuân

Bóng hoa rợp đất, vẻ ngân ngang trời

Gió quang mây tạnh thảnh thơi

Thúy Kiều trước khi bước tiếp đoạn đời đau khổ, bị Bạc Hạnh, Bạc Bà lừa bán vào lầu xanh lần thứ hai, nàng có được những ngày xuân thứ ba ngắn ngủi sống yên bình ở chùa này với Sư trưởng Giác Duyên. Mùa xuân này chỉ có ba câu thơ và cũng chỉ là mốc thời gian "cuối xuân" mà thôi.

Mùa xuân hạnh phúc tràn đầy của nàng là mùa xuân thứ tư. Mùa xuân Thúy Kiều làm vợ của Từ Hải.

Từ Hải đã đưa nàng ra khỏi lầu xanh, không phải từ đam mê nhục dục của Thúc Sinh cũng không phải tình yêu lãng mạn, sách vở của anh chàng nhà nho Kim Trọng mà là của một người yêu đúng nghĩa với tình yêu. Là người "tri kỷ", trân trọng, quý mến Thúy Kiều, Từ Hải đã đưa nàng từ dưới đáy của vũng bùn nô lệ, bị chà đạp, bị khinh rẻ lên địa vị cao sang, hơn nữa thành mẫu nghi thiên hạ. Mới được "Nửa năm hương lửa đang nồng", Từ Hải với tính cách và phẩm cách của người anh hùng, của chồng Thúy Kiều đã ra đi vì nghiệp lớn: "Trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng dong". Ấy là mùa xuân mà Thúy Kiều phải xa chồng, sống trong nhớ mong và hy vọng.

Nàng thì chiếc bóng song mai

Đêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây

Sân rêu chẳng vẽ dấu giày

Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân.

Không có một chữ “xuân” nào ở đây, nhưng Nguyễn Du đã viết một mùa xuân khá đặc biệt. "Song mai", nơi nàng cô đơn chờ đợi cạnh song cửa có hoa mai, loài hoa chỉ nở vào mùa xuân. Lại "cỏ cao" và "liễu gầy" cũng là của mùa xuân. Thúy Kiều trông chồng đến "mòn con mắt" trong hạnh phúc:

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

Và Từ Hải đã trở về với Thúy Kiều, giúp nàng báo ân báo oán, với một giang sơn.

Triều đình riêng một góc trời

Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà

Thúy Kiều được sống trong hạnh phúc với Từ Hải những năm năm. Khoảng một phần ba của quãng đời mười lăm năm lưu lạc.

Những mùa xuân ấy chỉ có ý nghĩa là mốc thời gian, những thời điểm ghi lại những biến cố và dấu ấn cuộc đời Thúy Kiều. Để nói về mùa xuân, Nguyễn Du đã dành hết tài năng của mình cho mùa xuân đầu tiên trong tác phẩm. Không chỉ là dành cho nhân vật Thúy Kiều những câu thơ đẹp tuyệt trần để mô tả tuổi thanh xuân của một người con gái tài hoa,"nghiêng nước nghiêng thành" mà rồi phải chịu trăm cay nghìn đắng về sau mà hơn thế nữa là phản ánh văn hóa của cả một dân tộc: Ấy là Lễ hội, Tín ngưỡng, Thờ cúng, Hương khói, Cầu khấn, Tảo mộ, Gia phong, tình yêu nam nữ... Và qua đó là những thủ pháp nghệ thuật siêu việt của người nghệ sĩ tài ba đã tạo nên Truyện Kiều bất tử.

Mùa xuân đầu tiên trong Truyện Kiều bắt đầu từ câu 39, chị em Thúy Kiều đi chơi Tết Thanh minh:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

đến hết câu 52:

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dan tay ra về

Và kéo dài mãi đến câu 242:

Hiên tà gác bóng nghiêng nghiêng

Nỗi riêng, riêng chạnh, tấc riêng một mình

Ở đó, Nguyễn Du tả lại cảnh mùa xuân dịp Tết Thanh minh, Thúy Kiều gặp mộ Đạm Tiên, thắp hương cho người bạc mệnh, làm thơ với bóng ma rồi ra về thì gặp Kim Trọng. Thúy Kiều và Kim Trọng có cảm tình với nhau, và tối hôm đó Thúy Kiều gặp lại bóng ma Đạm Tiên, được bóng ma báo cho nàng hay số phận đầy gian truân sắp tới của mình. Thúy Kiều thao thức lo lắng cho đời mình không ngủ được, bố mẹ khuyên giải, an ủi nàng đến sáng:

Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng

Nách tường bông liễu bay sang láng giềng

Mùa xuân đầu tiên trong Truyện Kiều với Tết Thanh minh được Nguyễn Du viết nên những câu thơ ca tụng cảnh trời quang mây đẹp của tháng quý xuân, nói lên sự vui vẻ của ngày hội Đạp thanh với cỏ non, cành lê nở hoa trắng với nô nức yến oanh, với dập dìu tài tử giai nhân, áo quần như nêm, ngựa xe đông đúc như nước trong không gian ngổn ngang gò đống và vàng mã tro tiền…

Thúy Kiều đi hội xuân trong cảnh náo nức nhộn nhịp, trong cảnh thanh bình với thiên nhiên cỏ cây hoa lá xanh tươi với dòng suối nhỏ có cầu bắc ngang cùng hàng liễu rủ. Rồi ngay đó, nàng gặp gỡ Kim Trọng trong cảnh nên thơ:

Tuyết in sắc ngựa câu giòn

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời

Nguyễn Du đặc tả cỏ trong mùa xuân của nàng Kiều. Ông là người chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Đường. Nhưng thiên nhiên trong thơ Đường yên tĩnh như một bức tranh sơn mài. Cỏ hoa trong thơ Đường rực rỡ đấy nhưng cứng nhắc. Người đọc, người xem chỉ nhận biết mà không gợi suy tư. "Bãi xưa Anh Vũ xanh đầy cỏ non" (Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu) chỉ là bãi cỏ. "Đào hoa y cựu tiếu đông phong" (Đề tích sở kiến xứ - Thôi Hộ) chỉ là bông hoa đào năm cũ còn sót lại, cánh hoa như đang cười với gió đông. Nguyễn Du thêm vào trước đó một câu "Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông", cho người đọc thấy bông hoa đào lay động, cười cợt cái trớ trêu, oái ăm và có chút giễu cợt Kim Trọng, khi đoạn tang chú trở về tìm Thúy Kiều thì không còn nữa.

Cỏ trong mùa xuân đầu tiên, trong ngày hội Đạp thanh có đến 5 màu sắc khác nhau, phản ánh tâm lý, tâm trạng tình cảm của người trong cuộc.

Buổi sáng sớm trong lành, thanh khiết cả tâm hồn và trời đất, cỏ mùa xuân của nàng Kiều là:

Cỏ non xanh tận chân trời

Đến buổi chiều vãn buổi chơi xuân, lại gặp mộ Đạm Tiên, cô đơn, lạc lõng bên đường, cạnh dòng suối nhỏ thì lại là màu khác:

Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

Bên nấm mồ vô chủ, Thúy Kiều được Vương Quan kể cho hay cuộc đời tài sắc nhưng vô duyên của ca nhi Đạm Tiên. Với sự thông cảm sâu sắc trước người bạc mệnh, Thúy Kiều đã sẻ chia:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Nàng đã thắp hương, viếng mộ Đạm Tiên:

Đã không kẻ đoái người hoài

Sẵn đây ta thắp một vài nén hương

Trong khung cảnh của buổi chiều tà, của nấm mồ vô chủ, lạnh lẽo hương khói, của "Sè sè nắm đất bên đường" ấy cỏ đã đổi màu thành:

Một vùng cỏ áy bóng tà

Gió hiu hiu thổi một vài bông lau

Trong khung cảnh hiu hắt, lạnh lùng ấy len vào giữa ngày hội Đạp thanh tươi vui, rạng rỡ của Thúy Kiều, chúng ta linh cảm có điều gì đấy không hay sẽ xảy ra thì Kim Trọng xuất hiện:

Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần

Trông chừng thấy một văn nhân

Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng

Đề huề lưng túi gió trăng

Kim Trọng xuất hiện đã ngăn chặn nỗi buồn hiu hắt, cô quạnh của nấm mồ vô chủ Đạm Tiên gây nên. Trong thế giới cô tịch, ma quái ở phần đầu - "Ngổn ngang gò đống kéo lên/ Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay", Kim Trọng như ánh hào quang của mùa xuân xuất hiện, xua đuổi cái buồn, cái bi thương của Đạm Tiên và nấm mồ vô chủ, cái u ám nặng nề của gò đống, của tro tiền, vàng mã đốt cho cõi âm. Cỏ mùa xuân đã đổi sang màu thanh tân hy vọng, cỏ màu xanh da trời, xanh non pha màu áo của Kim Trọng:

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời

Một ngày bốn lần cỏ mùa xuân thay màu, đổi sắc phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng Thúy Kiều. Hơn nữa, ngay hôm sau Kim Trọng trở lại nơi kỳ ngộ, nơi gặp gỡ với những rung động tình cảm yêu đương của tuổi trẻ thì màu cỏ lại thay đổi lần nữa:

Một vùng cỏ mọc xanh rì

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu

Hội đã hết, nhân gian đã ra về. Trời đất trở lại như vốn có, khách quan, hờ hững của một vùng không gian "Cỏ mọc xanh rì". Rồi chữ "cỏ" của Nguyễn Du đi suốt Truyện Kiều với 20 lần nữa đúng nghĩa cỏ. Không kể vô số lần chữ “cỏ” đi với từ khác để mang nghĩa khác: cỏ cây, cỏ hoa, tấc cỏ, cỏ len mái nhà, cỏ lan…

Cũng đoạn thơ mùa xuân này đã có một cành liễu xuất hiện:

Dưới cầu nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Rồi sau đó, "liễu" 7 lần đi về trong Truyện Kiều thật đẹp:

Hoa trôi dạt thắm, liễu xơ xác vàng

Mùa xuân này đã cũng có một bóng trăng (gương nga) xuất hiện:

Gương nga chênh chếch dòm song

Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân

Một mình lặng ngắm bóng nga

Và Trăng đúng nghĩa lại cùng Thúy Kiều đi suốt cuộc đời với 38 lần sau đó, không kể "trăng" đi với từ khác mang nghĩa khác: trăng hoa, trăng tủi, trăng thâu, trăng tà, trăng trong, trăng già, khuôn trăng, vành trăng…

Chỉ đoạn thơ về mùa xuân đầu tiên này đã có 4 lần từ “hoa” (câu 78, 103, 146, 160) để rồi Nguyễn Du sử dụng đến 107 lần để chỉ người đẹp, sắc đẹp, tình yêu.

Cũng ở mùa xuân này, những từ chỉ ma quái đã bắt đầu xuất hiện:

Thoắt trông thấy một tiểu Kiều

Có chiều phong vận, có chiều thanh tân

Sương in mặt, tuyết pha thân

Sen vàng lãng đãng như gần như xa

Rồi chữ Ma ám ảnh suốt toàn bộ Truyện Kiều đến 185 lần. Cùng với hương vàng vó rắc, tro tiền giấy bay (vàng mã) với mồ mả, gò, đống, bóng trăng, bóng ma, với thắp hương, khấn vái, cầu nguyện. Truyện Kiều đã tạo nên một thế giới ma quái ám ảnh và chi phối cuộc đời và mọi hoạt động, tình cảm của Thúy Kiều.

Đến đây, có thể thấy, tất cả nội dung và thủ pháp nghệ thuật của Truyện Kiều đã được Nguyễn Du kí thác, hé mở ngay ở đoạn thơ viết về mùa xuân thứ nhất của Thúy Kiều. Thật là tài tình và tinh tế thay.

Cúc Liên

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy