Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
20:54 (GMT +7)

Một loài hoa mất với làng hoa…

Giống như Túc Duyên hay Thịnh Đức của Thái Nguyên, Hạ Lũng quê tôi là một làng hoa nổi tiếng của thành phố Hải Phòng. Nhưng bây giờ thật khó tìm thấy ở quê tôi một vườn hoa. Một loài hoa từng vang bóng của làng cũng dần không thấy nữa.


Hạ Lũng xưa là một trong 3 thôn của xã Đằng Hải, thuộc huyện An Hải, thành phố Hải Phòng, là thôn to nhất và trồng nhiều hoa nhất xã. Trên từ điển mở Wikipedia, làng hoa Hạ Lũng cũng là làng hoa Đằng Hải. Mẹ tôi, một bà lão xuân này 98 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, kể rằng từ những năm 194x, khi bà về làm dâu thì nghề trồng hoa ở Hạ Lũng đã thịnh vượng lắm rồi. Người làng trồng đủ loại, từ hồng, cúc, thược dược, huệ, violet, lay ơn… trong đó lay ơn là đặc sản.

Nhọc lắm nghề dơn

Lay ơn là tên phiên từ tiếng Pháp glaïeul. Nhưng người dân quê tôi chỉ quen gọi là “dơn”. Dơn ở Hạ Lũng có 4 loại, gọi theo màu hoa là trắng, đỏ, tím và phấn hồng lùn. Phấn hồng lùn cây thấp, bông mập, màu đỏ thẫm, dễ trồng và giá rẻ nhất. Dơn đỏ thân cao, hoa màu đỏ nhạt và không được trồng nhiều. Dơn trắng có phom như dơn đỏ nhưng các cánh hoa trắng như tuyết, được trồng nhiều nhất vì dễ bán, giá đắt. Khó trồng nên đắt nhất là dơn tím. Nhà anh họ tôi tên Tuấn, nổi tiếng cả làng về nghề trồng dơn tím. Những năm 199x, anh làm đến chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, không biết có phải do tài nghệ trồng dơn của gia đình hay không?

Năm 1996, người Hạ Lũng khi tưới dơn đã có găng tay

Trồng dơn vất vả, tốn thời gian và khó nhất trong các loài hoa, và đặc biệt khó nếu muốn hoa “trúng tết”. Củ dơn hao hao củ hành tây nhưng nhỏ và dẹt hơn. Sau vụ hoa, củ được đào lên, phơi khô cất trên gác bếp cho mọc mầm để trồng mùa sau. Dơn không chịu đất quen. Sào vườn phần trăm của nhà tôi phải cấy lúa mới trồng được dơn. Chỗ nào tát nước không tới, đất không sạch mà trồng dơn sẽ vàng lá rồi chết khi chưa kịp ra hoa.

Thời chưa có máy móc, trai làng đổi công cuốc đất cho nhau. Đất cấy lúa xong rất chặt và rít, cuốc khó lắm. Nhà nào có điều kiện mới có cái cuốc hiệu con gà của Trung Quốc, có đúc chìm hình con gà trống, tốt và sắc. Nhà tôi chỉ có cái cuốc Liên Xô lưỡi to phè mà lại choãi, khi bổ cán rung bần bật khiến tay bợt da. Nhiều nhà trong làng cũng chỉ có cuốc ấy, các ông trung niên tỏ ra “nguy hiểm” và hiểu biết, bảo Liên Xô họ công nghiệp hóa rồi, cái gì cũng bằng máy nên làm cuốc không giỏi.

Đất cuốc xong phải dùng cái vồ bằng gỗ nhãn đập cho vụn, rồi lại dùng cuốc lên luống và đánh thành rạch theo chiều ngang. Một cái chép, là thanh sắt bằng ngón tay cái đập bẹt một đầu, được dùng để khoi đất để đặt 6 củ dơn vào một rạch rồi lấp đất. Nửa tháng sau, khi dơn lên lá dài khoảng 20cm thì lại dùng chép san đất cho phẳng để chăm bón bình thường.

Dơn cũng như tất cả các loài hoa, đều thích được tưới phân bắc và nước giải. Làng tôi có 4 người là vợ chồng ông Cải, ông Lò và ông Vinh có nghề lấy phân từ các hố xí thùng trên phố về bán. Phân ủ chừng một tháng thì ngấu, có thể dùng gáo dừa múc vào đôi thùng sắt, rồi xuống ao vục thêm nước và gánh lên vườn tưới dơn.

Nước giải thì các nhà đi mua bên xã Đông Hải, cách khoảng 3km. Ở đó có ông Dư, người thầu cái WC của Trường đại học Giao thông đường thủy và bán nước giải cho dân làng hoa 4 hào một gánh, theo thời giá năm 1975. Tôi khi ấy mới 10 tuổi, khoảng 4 giờ sáng thức dậy nếu thấy vắng mẹ thì biết là bà đã quẩy đôi thúng sơn hắc ín đi mua nước giải. Lớn chút nữa, tôi biết tưới phân, nước giải cho dơn và các loại hoa trong vườn. Để điều khiển đôi thùng tôn, phải nắm vào cái thang gỗ đóng ngang miệng thùng, đồng nghĩa đôi tay auto ngâm trong phân, nước giải mà không có găng tay cao su như bây giờ. Đi học 2 - 3 ngày sau, tay vẫn còn thoang thoảng…

Hàng chục xe container chở lay ơn từ Đà Lạt ra bán ở Hạ Lũng ngày giáp tết

Khóc cười với dơn

Dơn là loài hoa ôn đới, nên được trồng vào tháng 10 âm lịch, với hy vọng sẽ thu hoạch vào dịp tết. Khóc cười với dơn là có thật. Năm nào trời lạnh, đến tết dơn vẫn “mù”, tức là đã lên bông chưa hé nụ. Phải năm trời nóng thì 20 tháng Chạp nhiều vườn dơn đã “toét”, tức đã nở hết, coi như vứt đi. Những nhà có dơn trúng tết thì cả làng sẽ biết và phải trông nom cẩn thận.

Tôi cũng từng cùng mẹ đi canh một vườn dơn năm ấy sắp trúng tết. Trời tháng Chạp lạnh buốt, mẹ con tôi lót rơm, trải chiếu nằm trong gió bấc. Nửa đêm, bỗng thấy mẹ hét lớn: trộm, trộm, trộm. Tôi vùng dậy, soi đèn pin, thấy dơn bị cắt rơi vung vãi. Tên trộm đang núp bên khóm tre. Bị soi đèn, y vùng chạy nhưng bị dân quân tóm đưa ra xã.

Sắp tết, người làng tôi đóng dơn lên tàu đi bán ở Hà Nội, đi tàu thủy ra bán ở Hòn Gai, rồi vào cả Nam Định. Hà Nội có làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân nhưng hình như họ không trồng dơn. Nam Định có làng hoa Phù Long rất nổi tiếng nhưng vẫn bị dơn làng tôi oanh tạc. Riêng Quảng Ninh xưa sau này mới có làng hoa ở thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ, nay thuộc TP. Hạ Long), thì lại do chính một số người làng tôi lập nên, khi đi “kinh tế mới” cuối những năm 197x.

Nhớ thời vang bóng

Không rõ ở nhiều nơi khác thế nào, nhưng chắc rằng cô dâu ở Hà Nội, Hải Phòng những năm 1960 - 1970 đều ôm dơn, và là dơn trắng để chứng tỏ sự trong trắng, trinh bạch. Đến những năm 198x, các cô dâu Hải Phòng quê tôi mới dần chuyển sang ôm hoa hồng trắng. Hoa hồng này cũng được trồng ở làng tôi, nhưng đừng nhầm với “hồng cổ Hải Phòng” là giống hoa có thể thấy bạt ngàn trên internet, hay từ miệng các bà, các chị mê trồng hoa thời hiện đại.

Trong các hội nghị quan trọng, người ta cắm dơn. Trên các ban thờ gia tiên, cũng phải có dơn. Một chục dơn ngày tết là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình. Biếu dơn ngày tết cũng là cách người ta dành cho họ hàng, bạn bè yêu thương, trân quý. Tôi một dạo đi làm nhà nước đầu những năm 199x, là thời điểm mọi thứ bắt đầu “quy ra thóc”, thì còn nghe các cán bộ khi phong bì cấp trên hay ngượng ngùng nói: có chục dơn “tết” sếp.

Năm 2006, lay ơn boóc đô đã được người Hạ Lũng bán ở chợ. Lay ơn truyền thống vắng bóng từ đây

Trở lại với nghề dơn Hạ Lũng, người làng tôi tự hào đã xuất khẩu dơn ngay từ những năm cuối 197x, đầu 198x. Dơn bó thành chục, lá cắt vát rồi đóng thành bịch 100 bông và chở lên Nội Bài, nghe nói xuất khẩu sang Liên Xô. Cách đây ít năm, tôi tình cờ gặp ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ông Thành tiết lộ chính ông là người đã vận động cho dơn Hạ Lũng sang Liên Xô, Đông Âu, thông qua hoạt động của Hội đồng Tương trợ kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa (khối SEV). Hoa dơn đã cùng các hàng hóa khác của Việt Nam sang Liên Xô, Đông Âu để đổi về phân bón, máy móc...

Nhờ dơn, nhiều nhà trong làng tôi mua được ti vi, xe máy, tủ lạnh. Xã thì mua được 2 xe tải hiệu Toyota, xây một hội trường lớn 800 chỗ ngồi đủ cho các đoàn nghệ thuật về diễn. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về thăm xã là các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng. Riêng tôi thì năm 1995 đã được nghe ông Tạ Duy Trinh, là Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng khi ấy hào hứng nói về một dự án du lịch làng hoa. Theo đó, 150ha đất hoa của làng tôi sẽ được bảo tồn, trở thành điểm tham quan của thành phố cảng.

Loài hoa mất với làng hoa

Nhưng không ai học được chữ ngờ. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của con người cũng dần thay đổi. Từ màu trắng trinh nguyên, màu tím thủy chung, mốt chơi dơn của người đời dần chuyển sang màu đỏ boóc đô nồng nàn hay màu vàng sang trọng. Những giống dơn này phải vào Đà Lạt để mua với giá vài nghìn một củ, và chỉ trồng một lần, không lưu được giống.

Năm 2009, lay ơn đã ít dần trong các vườn hoa

Rồi đến cơn bão đô thị hóa khi xã tôi “lên phường” và nhập vào quận Hải An năm 2002. Những cánh đồng hoa dần bị thu hồi để trở thành dự án. Các vườn hoa trong làng cũng được chia lô bán xây nhà. Hết đất, người Hạ Lũng phải đi ra các huyện xa thuê đất trồng hoa. Một số thì trồng hoa trên các khu dự án đã thu hồi nhưng chưa xây dựng. Ăn xổi ở thì nên ít ai trồng dơn. Một số người có vốn và muốn làm ăn lớn thì vào Đà Lạt mua dơn về bán mỗi dịp tết. Làng hoa nay thành chợ hoa.

Hết đất, người Hạ Lũng phải đổ đất trồng hoa trên đường nội bộ một dự án

Những ngày giáp tết, cổng làng tôi luôn có vài chục xe container biển 49 (Lâm Đồng) mở bán hoa dơn. Mỗi chục dơn ướp lạnh giá từ 50.000 - 100.000 đồng. Buôn dơn cũng như đánh bạc. Có thể lỗ lãi một đôi trăm triệu chỉ một chuyến dơn. Chuyện anh A, anh B tết này “nên người”, hoặc ông C ông D năm nay “chết sặc gạch” đối với dân làng đã quá bình thường. Cũng còn một vài người làng vẫn cố trồng dơn. Rất ít và đẹp nên rất đắt, muốn chơi phải đặt trước với giá gấp vài lần dơn ướp lạnh.

Dự án đã lấn sát những vườn hoa

Nhưng một cánh cửa khép lại, ắt có một cánh khác mở ra. Quê tôi đã hết đất để trồng dơn, nhưng có thể loài hoa này sẽ được trồng ở những miền quê khác. Chỉ ước các làng hoa sẽ không mất đi như làng hoa của tôi. Mong sao những nụ hoa của làng Phù Long sẽ mãi tỏa hương bên TP. Nam Định, cũng như những vườn hoa ở Túc Duyên vẫn mãi soi bóng xuống sông Cầu, làm đẹp cho thành phố Thái Nguyên mà không bị những dự án thôn tính vào một ngày nào đó…

Lưu Quang Phổ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Người đàn bà mang nợ những trần ai

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Phùng Quán, người đặc biệt nhà số 4

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tự khúc Na Rang

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Xuân về một dải biên cương

Xem tin nổi bật 8 tháng trước

Nghiêng mình bên xứ lạ

Xem tin nổi bật 8 tháng trước