
Góc biếm họa số 5 (2025)

Được triển khai vào cuối năm 2021, Mẹ đỡ đầu là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, đã tạo được sức sống mạnh mẽ, lan toả rộng rãi trong xã hội. Sau 3 năm triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, chương trình đã được đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ, các nhà hảo tâm, tổ chức, đơn vị tích cực hưởng ứng, sẵn sàng chở che những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn, tạo cho các con điểm tựa, được tiếp thêm ý chí, nghị lực và niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.
Những mảnh đời kém may mắn
Theo chân các mẹ đỡ đầu ở Hội LHPN thành phố Thái Nguyên đến thăm cháu Trịnh Lâm Chi, ở xóm Phúc Thuần, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên vào một ngày nắng đẹp, con đường dẫn vào nhà cậu của Lâm Chi, nơi 2 ông cháu em ở, ngoằn nghèo qua những đồi chè đang vào vụ. Lâm Chi năm nay 15 tuổi, không may mất mẹ từ khi lên 10. Không được bố thừa nhận, Lâm Chi ở với ông ngoại và gia đình cậu mợ. Thiếu thốn tình thương yêu của cha mẹ nhưng may mắn cháu đã nhận được sự quan tâm của các mẹ đỡ đầu ở Hội LHPN TP Thái Nguyên. Các mẹ không những chăm lo, bù đắp về vật chất mà còn chỉ dạy cháu những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, liên hệ với nhà trường nơi cháu đang học để nắm bắt tình hình học tập của cháu. Câu chuyện giữa các mẹ với ông ngoại và cậu của Lâm Chi xoay quanh việc học hành của cháu ở trường. Lắng nghe, cảm nhận sự thân tình giữa những con người ấy đủ hiểu, các mẹ đã gắn bó với gia đình Lâm Chi như thế nào. Lâm Chi thủ thỉ: Từ khi có các mẹ, con cảm thấy cuộc sống vui hơn rất nhiều, con biết ơn các mẹ nhiều lắm ạ.
Thăm nhà cháu Nguyễn Văn Anh ở tổ dân phố Nguyên Gon, phường Cải Đan, TP Sông Công, chúng tôi lại cảm nhận được sự chân tình ấm áp giữa các mẹ đỡ đầu với bà cháu Văn Anh. Mồ côi cha mẹ từ khi mới 13 tháng tuổi, Văn Anh ở với bà nội. Cháu không may mắc bệnh tim, vừa trải qua 2 cuộc phẫu thuật với chi phí hàng trăm triệu đồng. Bà nội đã già, quanh năm gắn bó với ruộng vườn, nuôi cháu đã vất vả, giờ cháu mắc bệnh trọng, nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng, của các mẹ đỡ đầu ở Hội LHPN TP Sông Công và Công ty TNHH DooSun Việt Nam thì chắc không lo nổi cho cháu. Bà Vũ Thị Thanh, bà nội của cháu Văn Anh rưng rưng kể lại: Không có các mẹ chắc bà cháu tôi không sống nổi. Khi đưa cháu đi viện, các mẹ, các bố chạy qua chạy lại suốt. Lúc ở viện, có người còn dúi cho tôi 30 triệu đồng, tôi không biết lấy gì để trả ơn. Nói thật các mẹ còn hơn người nhà.
Giờ thì bệnh tật đã được đẩy lùi, Văn Anh đã tốt nghiệp THCS, các mẹ lại bàn nhau tìm cho cháu nghề học phù hợp để khi ra trường có thể vào làm việc tại Công ty DooSun. Khi được hỏi về tình cảm với các mẹ, Văn Anh bẽn lẽn nói: Các mẹ đã giúp đỡ con rất nhiều trong cuộc sống, học tập, con rất biết ơn các mẹ.
Lâm Chi và Văn Anh chỉ là 2 trong số 529 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được nhận đỡ đầu. Mỗi cháu một hoàn cảnh nhưng hầu hết đều thuộc các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt hoặc mất cả cha và mẹ. 529 trẻ được nhận đỡ đầu, tức là có 529 mảnh đời non trẻ được có thêm chỗ dựa, có thêm những hơi ấm của tình thân và động lực vượt qua khó khăn thử thách trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Đa dạng hóa cách thức triển khai chương trình
Triển khai thực hiện chương trình, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ cơ sở thực hiện việc khảo sát, lập danh sách và nắm chắc hoàn cảnh từng trẻ mồ côi, xác định các nhu cầu cần hỗ trợ, ưu tiên cho các cháu mồ côi cả bố và mẹ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.... Đồng thời gửi Thư ngỏ tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để huy động sự đồng hành với chương trình; phân công cán bộ Hội và hội viên nòng cốt giúp đỡ từng trường hợp cụ thể. Nhằm lan toả thông điệp “Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau", các cấp Hội Phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức trên website, trang zalo, Facebook của Hội LHPN các cấp; trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương, của tỉnh, trong các buổi sinh hoạt chi hội. Thông qua đó đã kịp thời lan tỏa những tấm gương tiêu biểu, những việc làm tích cực, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng và giới thiệu những hoàn cảnh cụ thể của trẻ mồ côi để kết nối mẹ đỡ đầu.
Chị Lê Thị Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Thái Nguyên cho biết: Địa bàn thành phố chúng tôi có trên 500 trẻ mồ côi, trong đó có trên 100 cháu đã được nhận đỡ đầu, còn hơn 400 cháu khác vẫn thiếu đi hơi ấm tình thương của người mẹ và chưa được kết nối. Hội LHPN thành phố đang vận động các hội viên phụ nữ quan tâm, chia sẻ và đỡ đầu các cháu mồ côi ngay tại địa phương để các cháu có được sự quan tâm đầy đủ hơn. Chị Phạm Thị Bích Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Sông Công cho chúng tôi biết thêm: Hội LHPN TP Sông Công lại phối hợp với các đơn vị trên địa bàn để đồng hành hỗ trợ các cháu, thấy được việc làm thiết thực của các cấp Hội, nhiều đơn vị đã cùng tham gia hưởng ứng phong trào một cách nhiệt tình, trách nhiệm.
Mỗi chi hội phụ nữ đã có cách làm sáng tạo, linh hoạt vận động, kết nối nguồn lực để tổ chức thực hiện chương trình, phát động phong trào gây quỹ từ những việc làm nhỏ nhất như thu gom rác có thể tái chế được để tiết kiệm bán gây quỹ, xây dựng hũ gạo tình thương, nuôi lợn nhựa tiết kiệm mỗi ngày; ký kết phối hợp với doanh nghiệp, nhà hảo tâm để nhận đỡ đầu các trẻ mồ côi; ký giao ước với các mẹ đỡ đầu của từng trẻ để giám sát việc thực hiện trong suốt quá trình đỡ đầu trẻ…
Khi đã nhận đỡ đầu trẻ, các mẹ cũng thường xuyên tổ chức thăm trẻ, từ đó nắm sát tình hình, có định hướng để giúp đỡ các con một cách sát sao trong sinh hoạt; phối hợp với các nhà trường thường xuyên thông tin tình hình học tập của từng trẻ để kịp thời động viên, hướng dẫn trẻ học hành. Nhân các ngày tết Nguyên đán, Quốc tế Thiếu nhi, tết Trung thu, đầu năm học mới… Hội Phụ nữ các cấp cũng phối hợp tổ chức thăm, tặng quà, động viên tinh thần các con. Các chị còn chú trọng việc hướng dẫn giúp trẻ làm việc nhà và chăm sóc sức khỏe bản thân…
Tấm lòng những người mẹ
529 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ (với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng), trong đó cấp tỉnh nhận đỡ đầu 53 trẻ, cấp huyện và cơ sở nhận đỡ đầu 476 trẻ. Nghĩa là, đã có nhiều hơn con số ấy những người xa lạ trong xã hội tự nguyện gánh trên vai trách nhiệm làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ không may mắn. Hiện nay, 177/177 cơ sở Hội có hoạt động đăng ký nhận đỡ đầu, các cán bộ phụ nữ cơ sở đã dành nhiều tâm sức để tuyên truyền vận động, tìm nguồn kết nối hỗ trợ đỡ đầu các con; dành những đồng lương ít ỏi của mình chia sẻ cho các con; đến tận nhà để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình. Các chị, các mẹ sẵn sàng nhặt nhạnh, gom góp từng mảnh phế liệu, bỏ ống từng đồng bạc lẻ để mua sách vở, áo ấm cho trẻ mồ côi, giúp các con phần nào vợi bớt khó khăn trong cuộc sống. Nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp với tấm lòng “bồ tát” đã đồng hành cùng chương trình, dang rộng vòng tay nhân ái, đóng góp những khoản tiền không nhỏ để đều đặn mỗi tháng các con được nhận một suất hỗ trợ. Con số hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong ba năm triển khai thực hiện chương trình Mẹ đỡ đầu đã giúp Hội LHPN làm được nhiều việc ý nghĩa cho các con. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dũng Tân (TP Sông Công) cho biết: Hiện Công ty đang nhận đỡ đầu 11 trẻ mồ côi đến khi 18 tuổi. Với tấm lòng của người mẹ, chị rất mong muốn được san sẻ yêu thương, quan tâm chăm lo cho các cháu. Ngoài ra, với trách nhiệm là Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, chị sẽ vận động 40 hội viên trong Hội cùng đứng ra nhận trách nhiệm đỡ đầu các cháu, đặc biệt là trẻ thuộc các gia đình khó khăn, giúp bù đắp phần nào những thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần cho các cháu.
Những mất mát của các trẻ mồ côi là không gì bù đắp được, nhưng với tình yêu thương và trách nhiệm của cả cộng đồng; những tình cảm của các cặp “Mẹ - Con” đã gieo yêu thương và mang hơi ấm đến với các trẻ; giúp các con vơi bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, viết tiếp những trang mới cho cuộc đời mình.
Còn đó những khó khăn
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 2.772 trẻ mồ côi; trong đó 144 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Như vậy là vẫn còn trên 2.240 trẻ chưa được nhận đỡ đầu trong đó có nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cháu đã được nhận hỗ trợ nhưng thời gian chưa dài, mới chủ yếu từ 1 - 3 năm. Các nguồn lực của địa phương để hỗ trợ, đỡ đầu trẻ mồ côi còn hạn chế, nhất là các xã nghèo. Việc kết nối với các nhà tài trợ, nhà hảo tâm để huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ của Hội Phụ nữ cơ sở cũng còn nhiều trở ngại. Chị Lê Thị Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội LHPN TP Thái Nguyên cho biết: Khó khăn nhất của chương trình là việc kết nối, tìm nguồn hỗ trợ lâu dài cho các cháu; một số đơn vị, doanh nghiệp nhận đỡ đầu cho các cháu nhưng cũng chỉ bảo đảm được từ 1 đến 2 năm. Chúng tôi vẫn cần rất nhiều sự chung tay của cộng đồng xã hội.
Cháu Văn Anh bên các mẹ đỡ đầu ở Hội LHPN TP Sông Công
Đối với Hội LHPN tỉnh cũng đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện những giải pháp để giải quyết khó khăn này. Chị Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục nắm chắc tình hình trẻ mồ côi trên địa bàn để kịp thời có giải pháp hỗ trợ, đồng thời đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ trẻ. Tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa Chương trình mẹ đỡ đầu, thông qua đó vận động, kết nối các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhận làm mẹ đỡ đầu cho các trẻ. Đồng thời với đó, tăng cường công tác giám sát theo chức năng của Hội đối với việc thực hiện chế độ chính sách đối với trẻ mồ côi nói riêng và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói chung. Hội LHPN tỉnh phấn đấu 100% trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ có mẹ đỡ đầu trực tiếp và mẹ đỡ đầu gián tiếp.
Chương trình Mẹ đỡ đầu với những việc làm cụ thể, sự quan tâm, động viên cả về vật chất và tinh thần đối với trẻ mồ côi không những đã giúp đỡ những người kém may mắn trong xã hội cảm thấy ấm lòng, có cơ hội được bước tiếp trên chặng đường mới mà còn truyền đi thông điệp sâu sắc về một nét đẹp truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” của người Việt. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên mong muốn được tiếp tục là cầu nối giữa các mẹ đỡ đầu và các trẻ mồ côi, để có 100% trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ, phát triển bền vững và không còn trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Thu Hà
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...