Thứ tư, ngày 14 tháng 05 năm 2025
02:43 (GMT +7)

Động lực cho người lầm lỡ tái hoà nhập cộng đồng

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định số 22) của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023 là một chính sách tín dụng rất nhân văn. Không chỉ tạo công ăn việc làm, sinh kế cho những người đã trót lầm lỡ, mà còn giúp họ có điều kiện phát triển bình đẳng, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Huyện Phú Bình đang tích cực triển khai và đang là đơn vị dẫn đầu của tỉnh về số dư nợ trong chương trình này.

Tạo việc làm ngay tại nhà

Ông Đào Văn Miễn (sinh năm 1951) xóm La Lẻ xã Tân Thành huyện Phú Bình là một trong số những trường hợp được vay vốn theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Trở về với cuộc sống đời thường khi đã  hết tuổi lao động, làm gì để phát triển kinh tế gia đình là điều vợ chồng ông băn khoăn. Đúng lúc đó, ông Miễn được tiếp cận với nguồn vốn vay theo Quyết định 22. Với 100 triệu đồng được vay từ tháng 3 năm 2024, sẵn có điều kiện vườn bãi rộng, có chuồng trại, vợ chồng ông Miễn đã đầu tư chăn nuôi. Từ số tiền được vay, ông tu sửa lại chuồng trại, mua 2 con trâu và xây thêm 4 ô chuồng để chăn nuôi lợn. Đến nay, con trâu đực đang được vỗ béo, con trâu nái đã được bán. Từ số tiền bán trâu, vợ chồng ông Miễn tiếp tục mua 4 con lợn nái. Đến nay, cả 4 nái lợn đang có chửa và có 2 con sắp đẻ. Gia đình ông rất phấn khởi vì thời điểm này, lợn con đang có giá cao. Hơn nữa, nhờ chính sách này mà vợ chồng ông đã có việc làm ngay tại nhà, phù hợp với độ tuổi, mang lại hiệu quả.

Ông Đào Văn Miễn xóm La Lẻ  xã Tân Thành( Phú Bình) tại khu chuồng trại
Ông Đào Văn Miễn xóm La Lẻ xã Tân Thành( Phú Bình) tại khu chuồng trại

Không chỉ giải quyết việc làm, nguồn vốn theo Quyết định 22 cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho người vay, như với ông Nguyễn Văn Lương (sinh năm 1959) ở xóm Ca, xã Kha Sơn. Tháng 5 năm 2024, khi được được vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Lương đã cùng con trai đầu tư phát triển xưởng mộc. Với số tiền vay, hai bố con ông đã bàn bạc và dành 40 triệu đồng để mua thêm một máy cắt, một máy bào, phần còn lại để mua gỗ làm nguyên liệu sản xuất. Có thêm máy móc, việc sản xuất của gia đình thêm thuận lợi, các đơn hàng được đẩy nhanh tiến độ. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 30% so với trước. Hơn thế, xưởng mộc của bố con ông Lương đã tạo việc làm cho 3 thành viên trong gia đình và 2 lao động thời vụ, với mức thu nhập trung bình từ 7 đến 15 triệu đồng/tháng.

Đại diện Ngân hàng chính sách huyện Phú Bình và Công an xã Kha Sơn kiểm tra nguồn vốn vay tại gia đình ông Nguyễn Văn Lương (thứ ba từ trái sang)
Đại diện Ngân hàng chính sách huyện Phú Bình và Công an xã Kha Sơn kiểm tra nguồn vốn vay tại gia đình ông Nguyễn Văn Lương (thứ ba từ trái sang)

Nhiều giải pháp quản lý nguồn vốn được triển khai

Có thể thấy, nguồn vốn cho vay theo Quyết 22 có tính đặc thù, để nguồn vốn được giải ngân đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, công tác rà soát các trường hợp vay vốn được các địa phương chú trọng. Ông Dương Văn Lơ, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn xóm Phẩm 1, xã Dương Thành cho biết: Khi rà soát các hộ thuộc diện được vay theo Quyết định số 22, chúng tôi ưu tiên tìm hiểu về nhu cầu vay vốn, hoàn cảnh gia đình, đặc biệt là sự thống nhất của gia đình trong việc sử dụng nguồn vốn sau khi vay. Trong hồ sơ vay vốn, các hộ phải kèm theo phương án sử dụng vốn vay theo mẫu. Thêm vào đó, các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn còn thực hiện kiểm tra thường xuyên theo quy định của ngân hàng.

Anh Nguyễn Xuân Mạnh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay  vốn xóm Vo xã Tân Thành cho biết: Hiện Tổ của tôi có 2 trường hợp vay vốn theo Quyết định 22, các trường hợp này đều đầu tư vào chăn nuôi và nguồn vốn đang phát huy hiệu quả.

Cùng với đó, công an các địa phương cũng chủ động thống kê các trường hợp vay vốn. Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng Công an xã Nga My cho biết: Xã Nga My hiện có 9 trường hợp được vay nguồn vốn này. Chúng tôi thực hiện báo cáo các trường hợp vay vốn theo Quyết định số 22 theo mẫu riêng của ngành công an. Quá trình thực hiện, chúng tôi đã phân loại các trường hợp để thuận lợi cho Ngân hàng trong quá trình thẩm định các trường hợp được vay vốn.

Gia đình chị Ngô Thị Oanh xóm Vo xã Tân Thành( Phú Bình) đầu tư chăn nuôi bò sau khi được vay vốn theo QĐ 22/2023/QĐ-TTg
Gia đình chị Ngô Thị Oanh xóm Vo xã Tân Thành( Phú Bình) đầu tư chăn nuôi bò sau khi được vay vốn theo QĐ 22/2023/QĐ-TTg

Với những cách làm đồng bộ và sự phối hợp giữa các ngành như đã nêu trên, nên từ đầu năm 2024 đến hết tháng 3 năm 2025, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Bình đã giải ngân nguồn vốn theo Quyết định số 22 được 12,130 tỷ đồng (chiếm 38,1% doanh số cho vay của toàn tỉnh), với 131 trường vay. Trong số này, có trên 85% được vay ở mức tối đa (100 triệu đồng), số còn lại vay từ 50 - 70 triệu đồng. Người vay chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, số ít đầu tư kinh doanh, mua máy móc, nông cụ sản xuất.

Ông Tạ Văn Chung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Bình cho biết: Để có được kết quả như trên, thời gian qua, đơn vị đã tích cực, chủ động phối hợp với ngành Công an và bốn tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền để triển khai cho vay đối với các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng. Trong đó, công an xã, thị trấn rà soát, lập danh sách các trường hợp được vay vốn, đảm bảo chính xác, kịp thời. Sau khi được giải ngân, việc kiểm tra nguồn vốn được các Tổ tiết kiệm và vay vốn, cũng như các hội đoàn thể cơ sở kiểm tra theo quy định. Hiện, tất cả các trường hợp vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, đang phát huy hiệu quả. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã và đang triển khai để nhiều người biết đến và sớm được tiếp cận với nguồn vốn này.

Có thể nói, tuy thời gian triển khai nguồn vốn vay theo Quyết định 22 chưa dài, nhưng bước đầu đã cho thấy tính khả thi mà nguồn vốn mang lại, không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội. Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg được thực hiện thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù có được tâm lý tự tin, yên tâm hơn để hòa nhập với cộng đồng và quan trọng là đã trao cho họ một cơ hội để làm lại cuộc đời, vươn lên trong cuộc sống.    

Nguyễn Chi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy