Một giải thưởng và một cuốn sách
(Nhân đọc cuốn “Tôi và Thái Nguyên”, tuyển tập chọn lọc từ Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021)
“Tôi và Thái Nguyên” là tập sách được xuất bản từ sự tuyển chọn các tác phẩm đoạt giải, các tác phẩm vào chung khảo cùng một số bài hưởng ứng trong Cuộc thi viết mang tên “Tôi và Thái Nguyên” năm 2021 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức. Tác giả chủ yếu của tập sách là các cây bút đang sinh sống tại Thái Nguyên cùng một số cây bút ngoài tỉnh, những tác giả đã từng có thời gian công tác ở Thái Nguyên, đi qua Thái Nguyên hoặc chỉ là sự yêu quý mảnh đất trung du này qua sách báo, qua tưởng tượng như Hồ Thị Thu Hằng (Hà Nội), Dương Châu Giang (Hưng Yên), Đỗ Thành Đồng (Quảng Bình), Lê Trung Cường (Hải Phòng) Nguyễn Thành Nam (TP Hồ Chí Minh), Mai Chí Vũ (Hà Nội), Nhất Mạt Hương (Bắc Ninh), Nguyễn Văn Loan (Bắc Giang).... Có những tác giả đã thành danh như Nguyễn Đức Hạnh, Lưu Thị Bạch Liễu, Phan Thái, Minh Hằng… có những tác giả mới toanh như Lã Thị Thông, Tiết Thị Minh Hà, Cồ Thị Thơm, Võ Thị Thu Hằng, Hồ Quỳnh Châu, Sao Băng…
Thời gian Cuộc thi vẻn vẹn hơn một tháng mà có tới gần 100 tác phẩm của gần 100 tác giả tham gia, hơn 60 bài vào chung khảo, 16 bài vào giải, có thể nói đây là một cuộc thi có sự thành công khá bất ngờ. Có được điều này, trước hết, có lẽ bắt đầu từ cái tên Cuộc thi do Ban tổ chức đặt ra: “Tôi và Thái Nguyên”. Cái tên đã như một gợi ý, một khai mở, khích lệ tinh thần người viết. Và cũng từ đấy mà Cuộc thi đã tựu đủ các thành phần, từ các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên hội văn học nghệ thuật của địa phương đến các tác giả lần đầu tiên cầm bút.
Một điều đáng nói, nội dung Cuộc thi tuy có chung một đề tài, một chủ đề lớn là viết về những kí ức sâu sắc, đáng nhớ trên vùng đất Thái Nguyên, nhưng các tác phẩm gần như không hề có sự trùng lặp. Mỗi tác phẩm đều mang một vẻ riêng. 70 bài viết trong cuốn sách đã tạo ra một bức tranh toàn cảnh, đa màu sắc từ truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng lớn lao… đến cuộc sống đời thường cùng những tình cảm, kỷ niệm riêng tư… Đọc cuốn sách, ta như được nhìn thấy, cảm thấy, hình dung thấy những vùng đất, những địa danh, những gương mặt, những cảm xúc buồn vui đã bị lớp bụi thời gian bao phủ, gợi nhắc lại những gì ta đã vô tình lãng quên. Không hề quá khi nói rằng cuốn sách giống như một biên niên sử, một địa chí, một từ điển về Thái Nguyên (thu hẹp) bằng văn chương.
Điểm nổi bật nhất, cũng là điểm mạnh nhất của cuốn sách là tính chân thực. Nói một cách khác, chính tính chân thực của các tác phẩm đã thuyết phục được độc giả. Nói cho cùng thì tính chân thực bản thân nó đã là một yếu tố làm nên giá trị thẩm mỹ. Qua cuốn sách độc giả sẽ được hiểu một Thái Nguyên không chỉ bằng thời gian, không gian vật lý, địa lý mà còn là một Thái Nguyên tâm hồn…. Không phải bất cứ một tác phẩm báo chí, văn chương nào cũng làm nổi điều này.
Nếu tác phẩm “Điệu Then của cha tôi” của Hồ Thị Thu Hằng (giải Nhất) giống như một phác thảo về lịch sử, văn hóa, cách mạng một thời ở xứ Thái thì các tác phẩm khác, mỗi bài một vẻ đã tạo ra một cái nhìn toàn cảnh hết sức chân thực về mảnh đất Thái Nguyên.
Tuy nhiên, thiển nghĩ, giá trị chân thực không phải là giá trị duy nhất của cuốn sách. Đọc “Tôi và Thái Nguyên”, đặc biệt là loạt bài đoạt giải, ta nhận thấy khá rõ một giá trị thẩm mỹ của không ít các bài viết. Có một nhà phê bình có nêu lí do vì sao một số tác giả rất mới (có người viết văn xuôi lần đầu) nhưng đã đoạt giải, thậm chí cao hơn các tác giả chuyên nghiệp. Nhà phê bình nọ cho rằng có được thành công ấy là bởi các tác phẩm của họ đã thuyết phục độc giả bằng những kỉ niệm thật, những cái thật của chính bản thân mình chứ không phải ở nghệ thuật, kỹ thuật văn chương. Đó là một nhận định chính xác. Nhưng thấy cũng cần nói thêm cho đầy đủ. Trong các tác phẩm đoạt giải, ta dễ dàng nhận thấy điểm mạnh của các bài viết không chỉ dừng lại ở “cái thật” mà còn nổi lên một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là năng lực sáng tạo của tác giả. Tuy số chữ của Cuộc thi quy định không quá 1.500 chữ, có sự gò bó về dung lượng nhưng không ít tác phẩm đã có cấu trúc khá chặt chẽ. Nhiều bài viết sử dụng những chi tiết mang tính vật liệu vừa đủ, đặc biệt đã biết cách “tung ra” những chi tiết mang tính nghệ thuật cao. Đó là biểu hiện của một lối viết có nghề. Đơn cử như trong bài “Ký ức về một trận bom” của Tiết Thị Minh Hà (giải Nhì). Sự xuất hiện nhân vật bé Thảo ở đầu bài viết với đức tính hiền lành, nhút nhát, dễ thương (đến mức không dám lấy trộm một mảnh giấy vụn của nhà máy)… đã có sự ứng dụng nghệ thuật “gài mìn” cho phần sau của tác phẩm trong cảnh cô bé chết thảm bởi bom Mỹ. Nhất là hình ảnh Thảo sau đó được tác giả hóa thân thành một ngôi sao đầy thương cảm trên bầu trời nhà máy. Những chi tiết nghệ thuật, những điểm nhấn ấy đã cộng hưởng tạo ra những cảm xúc mãnh liệt ở phần cuối: “Đêm đêm, tôi vẫn thường ngước lên những vì sao ở phương trời ấy, mà tưởng nhớ hình bóng nhà máy của tuổi thơ, nơi có mùi giấy kraft thơm thơm, hăng hắc trong những giấc ngủ vùi. Và Thảo ơi, tôi biết, trong những vì sao trên bầu trời đầy thương nhớ kia, có một vì sao nhỏ bé hiền lành như cỏ - vì sao ấy là Thảo, người bạn thân thiết của tôi, người đã vĩnh viễn về nơi thiên cổ nhưng cũng vĩnh viễn hóa thành một vì sao lấp lánh trong tâm hồn tôi”. Cách viết ấy cũng được áp dụng ở các bài “Điệu then của cha tôi” của Hồ Thị Thu Hằng (Giải Nhất), “Nhà máy của tôi” của Cồ Thị Thơm (giải Ba), “Miền thương xanh mãi” của Dương Châu Giang (Giải Ba), “Hương vị người Thái Nguyên của Hoàng Việt Hằng (Giải Ba); “Linh tính của bác Lai” của Đỗ Thành Đồng (Giải Tư), “Những chuyến tàu đêm” của Võ Thị Thu Hằng (giải Tư), “Áo chàm của mẹ” của Lã Thị Thông” (Tặng thưởng của Ban tổ chức). Người viết bài này cũng rất coi trọng các tác phẩm như “Sông Cầu tuổi thơ tôi” của Kim Ngân (giải Nhì), “Giờ này chị ở đâu” của Trần Đình Vinh (giải Tư), “Chị tôi” của Minh Hằng (giải Tư), “Người soát vé tàu và những ván cờ năm ấy” của Hồ Quỳnh Châu (giải Tư)… Đó là những bài viết đã ít nhiều mang tính chuyên nghiệp. Hầu như các bài đoạt giải không chỉ dừng lại ở những kí ức, những kỷ niệm mà đã nâng lên thành những hình tượng nghệ thuật. Trong tập sách, có thể dễ dàng dẫn ra những chi tiết, những đoạn, những câu văn bình dị nhưng chững chạc và đẹp không thua kém những cây bút chuyên nghiệp. Xin được dẫn ra những ví dụ:
“…Cho đến tận bây giờ, gia đình tôi vẫn sống một cuộc sống đạm bạc nhưng vô cùng vui vẻ và hạnh phúc. Bởi vì, trong tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt, rằng hạnh phúc thực sự chính là biết gửi gắm cuộc đời mình, tâm hồn mình cho mảnh đất đã từng nuôi sống, từng giúp mình vượt qua bao gian lao, vất vả, tạo cho mình niềm vui, niềm tự hào lớn. Mảnh đất ấy, chính là Nhà máy Luyện Cán thép Gia sàng” (Nhà máy của tôi - Cồ Thị Thơm); “…Tôi quay trở lại rạp Phúc Lợi vào một chiều thu năm 2021. Gió mơn man thổi từ mặt hồ Thiên Nga tràn qua con đường nhỏ vào rạp. Cách đây mấy chục năm rạp ồn ào náo nhiệt, giờ hoang vắng tĩnh mịch cô liêu. Gió lùa đám lá khô bay xào xạc, tả tơi rơi xuống những hàng ghế xi măng phủ màu thời gian bạc phếch rêu phong… Tôi lắng nghe rêu phong thầm thì kể chuyện, rêu phong cũng có hồn? Hay đó là lời từ ký ức thẳm sâu trong tôi đang lên tiếng?” (Lời của rêu phong - Trần Giáp); “Tôi nghĩ, người Việt Nam ta ở đâu thì cũng “nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Nhưng tình huống độc nhất trong đời cho đến nay của tôi chỉ gặp ở Thái Nguyên. Vùng đất với những con người nhân hậu như cụ bà chủ quán và vợ chồng bác Lai mà tôi đã gặp sẽ không bao giờ quên được” (Linh tính của bác Lai - Đỗ Thành Đồng); “…Tôi vẫn thường trở về Lưu Xá, cái nhà ga mang màu huyền thoại tuổi thơ, đứng lặng nhìn và mường tượng thấy những chuyến tàu hơi nước hoen gỉ nhẹ nhàng lướt trên sân ga xưa trong một tâm trạng đầy bồi hồi, thương nhớ. Với tôi, ga Lưu Xá cùng những chuyến tàu đã trở thành một miền tâm tưởng, một địa danh vĩnh viễn không thể phai nhòa trong ký ức tuổi hoa niên” (Những chuyến tàu đêm - Võ Thị Thu Hằng); “Cô nằm lại ở ven đồi, nhìn về ngôi nhà cũ gắn với cô suốt mấy mươi năm… Mưa tầm tã, gạt đi nước mắt, tôi nghĩ đến cái lắc đầu của chị khi chúng tôi ngỏ lời tha thiết: “Anh chị về quê sinh sống đi!”. Tôi nghĩ đến ánh mắt xanh kiên định, vững vàng như cây keo, cây chè Đình Cả của người phụ nữ xinh đẹp, hiền lành, bé nhỏ - khi chị bước lên xe” (Miền thương xanh mãi - Dương Châu Giang); “…Niềm vui của tôi tăng lên gấp bội khi hiểu rằng, ở miền mây trắng kia, mẹ tôi dường như vẫn nhìn thấy những tà áo chàm bay bay trong gió theo các thiếu nữ lên nương, xuống chợ, vẫn nghe thấy tiếng thoi lách cách trong những ngôi nhà sàn trên núi cao. Và đặc biệt, vẫn có một niềm tin, áo chàm, trang phục chàm của mẹ vẫn mãi mãi trường tồn” (Áo chàm của mẹ - Lã Thị Thông); “…với tôi, ký ức Thái Nguyên chỉ là một ngôi nhà không số, không tên như thế. Tôi cũng dám chắc, các anh, các em tôi, dù đang công tác ở bất cứ nơi đâu, dù ở bất cứ một cương vị nào trong xã hội thì họ vẫn luôn hướng về ngôi nhà có mái tranh xiêu xiêu bên bờ suối vắng ngày xưa. Nơi ấy, có nụ cười hiền của bố, có tấm lưng còng của mẹ đã vì các con mà quên cả thân mình. Nơi ấy, có một người anh đã dâng hiến máu xương cho Tổ quốc, cho tương lai tươi sáng của các em. Ngôi nhà ấy đối với anh em tôi là tình cảm đầm ấm thân thương đến suốt cuộc đời” (Dưới mái nhà xưa – Sao Băng/ Ninh Thị Thanh Hằng). Hơi dài dòng một chút là bởi chính những áng văn trên đã góp một phần quan trọng làm nên tầm cỡ cho một giải thưởng vốn có một quy mô không mấy lớn lao này.
Vì vậy, một điều khẳng định là các bài viết trong Cuộc thi đã ít nhiều có được kĩ xảo viết văn xuôi, dù chỉ là những bước ban đầu. Cũng có nghĩa, chất lượng Cuộc thi không chỉ dừng lại ở bình diện nội dung.
Thể loại của Cuộc thi cũng là một vấn đề đáng bàn. Theo thể lệ của Ban tổ chức quy định về thể loại khá chung chung: văn xuôi tự do. Không ngờ cái khái niệm “văn xuôi tự do” hơi khác thường, ban đầu có phần làm cho nhiều tác giả hơi lo ngại nhưng xem ra đã không làm khó ai, mà ngược lại đã gợi mở ra khá nhiều hướng viết, cách viết. Hầu hết các tác phẩm đã hoàn thành “chức phận” thể loại của mình. Từ đó, cuốn sách đã tựu đủ các thể: tản văn, tạp bút, tạp văn, hồi ức, ghi chép… với đầy đủ các yếu tố tự sự, trữ tình, chính luận đan xen, hòa điệu với nhau. Một số tác phẩm có sự giao thoa giữa các thể loại. Tự sự và trữ tình, tản văn pha hồi kí, ghi chép phảng phất tùy bút… Thậm chí có đôi ba tác phẩm bản thân đã mang hình hài của một truyện ngắn như “Người soát vé tàu và những ván cờ năm ấy” của Hồ Quỳnh Châu, “Lời của rêu phong” của Trần Giáp… những tác phẩm này chỉ cần thêm vài tình tiết, có cái kết tương xứng đã có thể trở thành một truyện ngắn thực thụ. Nhưng nói cho cùng thì sự phân chia thể loại cũng chỉ là tương đối. Nhà văn có thể sáng tạo ra những thể loại mà các nhà nghiên cứu chưa kịp tổng kết, nâng lên thành lí thuyết chung. Thế giới đã có chuyện khó xếp thể loại cho Đaghextan của tôi của Raxun Gamzatop. Việt Nam cũng có những trường hợp tương tự. Nói vậy, không phải là sự khẳng định Cuộc thi đã đạt tới những tầm cao ấy, nhưng dù sao đó cũng là một đặc điểm riêng của Cuộc thi này.
Cũng có vài ý kiến nhận định đây chỉ là cuộc thi dành cho các cây bút nghiệp dư. Điều này chỉ đúng một phần. Tuy có một số bài vẫn còn tồn tại những nhược điểm rất cơ bản của người mới cầm bút như kết cấu thiếu chặt chẽ, các hình ảnh, từ ngữ còn non yếu, thậm chí một số tác phẩm còn hơi thô mộc, lủng củng… Nhưng một điều chắc chắn là đa phần các bài viết ở cuộc thi đã thực sự là những tác phẩm văn chương, có sức lôi cuốn khá mạnh mẽ.
Ngoài những tác phẩm đoạt giải, có một số bài tuy không lọt mắt xanh của Ban Giám khảo những cũng đã chiếm được tình cảm của nhiều bạn đọc. Hơi tiếc đối với tác phẩm “Dưới mái nhà xưa” của Ninh Thị Thanh Hằng (Sao Băng). Đây là một trong số rất ít tác phẩm tuy không hướng về những sự kiện quan trọng, những tên tuổi, nhưng địa danh lớn… nhưng bằng một giọng văn thủ thỉ vô cùng xúc động, văn phong mềm mại, đã mô tả một cách sinh động những hi sinh thầm lặng của người mẹ, người anh liệt sĩ cùng những đứa em cùng chung sống dưới một ngôi nhà xưa cũ, một mái tranh nghèo nhưng đầm ấm, yêu thương trên mảnh đất Thái Nguyên này. Đó là những con người mà có họ ta mới có cuộc sống tốt đẹp hôm nay. Hay “Lời của rêu phong” của Trần Giáp cũng là một trường hợp đáng tiếc. Nếu tránh được một vài chi tiết không nên có và tạo ra những điểm nhấn cho bài viết thì cũng là một tác phẩm xuất sắc.
Nhìn chung, cuốn sách rất khó tránh khỏi những nhược điểm, thậm chí những nhược điểm sơ đẳng nhưng đây là một cuốn sách khó dời tay. Nó không chỉ làm độc giả hiểu thêm đất và người xứ Thái mà điều quan trọng hơn là sự lay động tâm can, chính vào nơi sâu thẳm của trái tim, nhất là đối với những người đã lớn lên, trưởng thành hoặc đã từng đi qua mảnh đất Thái Nguyên mang màu huyền thoại này.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...