Một đời duyên nợ hai chữ “Thái”
VNTN - Tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông nhân dịp tết dương lịch 2016. Vẫn giọng ấm áp tình cảm, ông nói: Chú vẫn khỏe. Trên Thái Nguyên có gì đổi mới không? Cho chú hỏi thăm anh em nhé. À, chú vừa nhận được Giải Khuyến khích của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đấy… Bao kỷ niệm vui buồn bỗng ùa về làm tôi nhớ lại những năm tháng được làm việc tại Đoàn kịch nói Bắc Thái cùng ông - đạo diễn Nguyễn Đức Trạo.
Tôi là diễn viên Đoàn Cải lương Bắc Thái từ 1973 đến 1979. Sau chuyến đi phục vụ biên giới về, tôi được điều sang công tác tại Đoàn Kịch nói Bắc Thái, và đến năm 1981 tôi được làm việc với đạo diễn trưởng đoàn Nguyễn Đức Trạo. Ông là người hiền lành, giản dị, dễ gần. Thấy tôi là người yêu nghề nên ông thường quan tâm và chỉ bảo. Những lúc công việc rảnh rỗi, chú cháu ngồi hàn huyên, ông hay kể nhiều chuyện…
Quê ông ở xã Quang Lịch huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình - đất chèo. Năm 1960 ông xa quê lên công tác tại Khu Gang thép Thái Nguyên. Dù đã sống ở Thái Nguyên nhưng duyên nợ của ông với chèo thì vẫn đậm sâu. Năm 1960, ông viết vở chèo Đất mỏ, rồi đến năm 1970 ông lại viết vở chèo Đường lên núi sắt, đều cho Đoàn Chèo Gang Thép Thái Nguyên. Vậy là với cái duyên chèo ấy, năm 1976 ông lên công tác tại Đoàn Chèo Bắc Thái. Năm 1977, ông đi học tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, rồi năm 1981 trở thành đạo diễn trưởng Đoàn Kịch nói Bắc Thái.
Những năm đó là thời vàng son của nền nghệ thuật sân khấu nói chung, và Đoàn Kịch nói Bắc Thái cũng nổi tiếng với những vở như: Đại đội trưởng của tôi, Vùng sáng hay Hà My của tôi, Câu chuyện tình yêu, Người thợ cả hay Cái chết của Minkana.v.v...
Còn nhớ, năm 1984, ông dựng vở Người bạn đời nguy hiểm, diễn liên tục hàng chục đêm tại rạp. Rồi cái năm 1985, dù đã nhận nhiệm vụ Giám đốc Nhà hát Bắc Thái, ông vẫn dành thời gian và tạo mọi điều kiện để giúp đoàn kịch dựng vở Nhân danh công lý của đạo diễn Nghệ sỹ Nhân dân Doãn Hoàng Giang. Vở diễn gây tiếng vang lớn và đoàn kịch diễn hàng tháng tại rạp.
Ai đã qua cái thời bao cấp mới thấu hiểu cái khó khăn khắc nghiệt lúc đó. Có ở gần thì thông cảm cho ông hơn. Thời bao cấp khó khăn là thế, ông lại làm lãnh đạo văn công, anh em chúng tôi thì còn chạy chợ thêm để sống nhưng với ông thì đến đi chợ cũng ý tứ, nên cứ mỗi lần về quê Thái Bình là bà nhà lại chuẩn bị cho ông một gói cá khô để dùng khi không tiện đi chợ.
Ngày đó tôi còn ở tập thể rạp. Tôi hay bắt gặp ông đang say sưa cần mẫn viết, trưa nóng hầm hập ông cởi trần ngồi cạnh chiếc quạt tai voi cũ kỹ, cứ viết và viết. Nhiều đêm một hai giờ sáng vẫn thấy ông ngồi viết. Đôi lúc muốn sang chơi, nhưng sợ ảnh hưởng đến mạch viết của ông, tôi lại thôi. Tôi nhớ một buổi trưa hè ăn cơm xong, tôi cầm ấm chè sang phòng ông uống nước bàn chuyện ngoài giờ chuẩn bị cho đoàn đi phục vụ. Ông mải viết nên ăn trưa cũng muộn, vừa ăn ông vừa nói chuyện, còn tôi rót nước pha trà. Cô con gái út của tôi còn bé, cầm cả bát cơm chạy sang cửa phòng ông gọi bố về. Thấy cháu gái thập thò ngoài cửa, tay cầm bát cơm trắng, thế là ông đón cháu vào rồi gắp khúc giữa con cá khô rất ngon cho cháu, còn ông ăn phần đầu và phần đuôi. Tôi ái ngại quá mà không biết làm thế nào, chỉ biết bảo con cảm ơn ông rồi bế con về. Một cử chỉ nhân hậu đời thường ấy nhưng tôi vẫn mãi nghĩ về nó. Tôi nhớ, đầu hè 1984, ông đưa Đoàn Kịch Bắc Thái đi biển ở Thanh Hóa. Đoàn rất hay tổ chức đá bóng, giao lưu thể thao. Có một lần đá bóng với đơn vị bạn, ông được giao nhiệm vụ thủ môn. Ông vui vẻ ra sân bãi cùng anh em, cũng cởi trần mặc quần đùi, và… đeo kính bắt gôn. Khi đội bạn sút vào gôn, ông lao ra đón bóng thật nhiệt tình, ôm được bóng và ngã ra. Mặt ông đầy cát, còn kính thì văng ra ngoài. Tôi vội vàng đỡ ông dậy và đi tìm kính cho ông. Sau này, khi đến tuổi phải đeo kính làm việc, tôi lại càng thương quý ông hơn.
Biết bao nhiêu chuyện đáng nhớ. Vậy là đã mấy chục năm rồi.
Hơn nửa thế kỷ duyên nợ với Thái Nguyên, ông đã để lại những tình cảm sâu đậm trong tôi và các bạn đồng nghiệp. Ông đã có một “tài sản” đồ sộ khi viết và đạo diễn gần 20 vở cho Đoàn Kịch - Đoàn Chèo - Đoàn Ca múa Thái Nguyên, và có cả các đoàn tỉnh bạn như Quảng Ninh, Thái Bình… Có hai vở tôi được ông mời làm trợ lý đạo diễn là Lời thề thứ chín và Vụ án hai nghìn ngày. Tôi tự hiểu là ông muốn dạy tôi làm việc. Tôi vẫn thầm cảm ơn những ngày tháng được làm việc bên ông và những gì học được ở ông. Tôi vẫn gọi ông bằng chú xưng cháu, nhưng trong lòng còn coi ông là một người cha, người anh, người đồng chí, người đồng nghiệp, người thầy.
Ông là một nghệ sĩ đam mê và nhiều đóng góp với cả một đời lao động nghệ thuật, nhưng vẫn luôn sống giản dị. 57 năm cống hiến nhưng ông không hề đòi hỏi gì, không một danh hiệu nào, đến một miếng đất để ở cũng không có. Khi công tác thì ông ở tập thể, khi về hưu thì ông ở nhờ con cháu, rồi đến năm 2007 ông chuyển hẳn về quê nhà Thái Bình.
57 năm - lâu quá mà nhanh quá. Tôi mừng, tết này ông đã thượng thọ 80, thế mà ông vẫn viết say sưa. Tôi cầu chúc cho ông mạnh khỏe, tiếp tục viết và sống vui cùng con cháu, bạn bè đồng nghiệp. Tôi không quên rằng ông là người đã dành cả cuộc đời xây dựng cống hiến cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên - quê hương thứ hai của ông. Duyên nợ đời ông nằm ở hai chữ Thái: Thái Bình - Thái Nguyên.
Trần Yên Bình
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...