Một tập truyện bình dị nhưng đáng đọc
(Đọc “Khoảng trời cao xanh”, tập truyện ngắn của Phan Thức, NXB Lao động, năm 2023)
Bước vào lãnh vực sáng tạo văn chương hình như mỗi người có một con đường khác nhau. Có người ham mê viết lách ngay từ ngày còn niên thiếu và mang niềm ham mê ấy đến suốt đời. Lại có người cho đến khi đứng tuổi mới hé ra những cảm hứng sáng tác, nhưng rồi sáng tác mỗi lúc một thành công. Phan Thức thuộc loại người sau.
Khi hăm hở bước chân tới Hội Văn học nghệ thuật tỉnh để nộp những bài thơ đầu tiên, Phan Thức đã vượt qua độ tuổi “tri thiên mệnh”. Vậy mà bây giờ, sau hơn hai mươi năm cầm bút, Phan Thức đã là một tác giả được khẳng định trên văn đàn văn chương của tỉnh. Những năm tháng đầu sáng tác, Phan Thức thử sức bằng thể thơ lục bát và anh đã ít nhiều ghi được dấu ấn trong thể thơ truyền thống này. Sau đó, độc giả còn được đọc những bài thơ bằng thể tự do viết về thế sự đượm mầu triết lí nhân sinh của Phan Thức. Điều này cũng dễ hiểu. Anh vốn là cây bút chịu khó tìm tòi trong cách viết.
Điều đáng nói là sau khi khẳng định được mình trên con đường thơ, Phan Thức đã bắt tay vào viết văn xuôi khi cảm thấy các ý tưởng văn chương khó diễn đạt trong thể trữ tình. Ngay từ những năm 2005, 2006, anh đã bắt đầu có truyện ngắn đăng tải trên các báo chí và được tập hợp trong tập truyện ngắn đầu tay “Chuyện chưa có hồi kết” xuất bản năm 2007. Những năm sau, Phan Thức liên tiếp cho xuất bản các tập truyện ngắn như “Ngày muộn” (Nhà xuất bản Văn học, 2009, “Nỗi ân hận muộn màng” (Nhà xuất bản Văn học, 2011), “Điều không thanh thản” (Nhà xuất bản Hồng Đức, 2015). Rồi tiểu thuyết lịch sử “Thượng thư Đỗ Cận” (Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, 2019) như một thử sức của Phan Thức và đã đem lại những thành công nhất định trong thể tài này. Đến năm 2023, tập truyện ngắn “Khoảng trời trong xanh” (Nhà xuất bản Lao động) đã là tập văn xuôi thứ 6 của anh. Sách in số lượng 2000 bản, được phát hành toàn quốc.
Để đánh giá về sáng tác văn chương của Phan Thức, một nhà phê bình đã từng nhận định: “Phan Thức cũng giống như nhiều người làm thơ, viết văn khác ở địa phương, không làm vì cái danh, cũng không phải vì sự nghiệp mà bởi những nỗi niềm không thể không viết để giãi bày với bạn bè, công chúng”.
“Khoảng trời cao xanh” gồm 22 truyện ngắn, khá dày dặn. Ở thể loại truyện ngắn, trên văn đàn hiện nay, không ít các nhà văn năng nổ trong việc đổi mới về thi pháp, về cách nhìn, cách phản ánh hiện thực thì Phan Thức vẫn luôn tỏ ra trung thành với những quan niệm và lối viết truyền thống.
Nội dung tập truyện ngắn “Khoảng trời cao xanh” chủ yếu xoay quanh những câu chuyện xảy ra ở ngay trong các thôn xóm, các tổ dân phố, có lẽ chính là những nơi tác giả đã sinh sống, chứng kiến, chiêm nghiệm. Chuyện nhỏ, có khi chỉ là phép đối nhân xử thế khéo léo, tế nhị của một ông trưởng thôn để giữ được mối giao hòa cho người trong xóm làng. Chuyện lớn, có khi luận bàn đến lịch sử, danh hiệu… Nhưng nhìn chung, Phan Thức ít đề cập đến những vấn đề to tát. Cách viết của anh cũng thường nặng về lối kể thủ thỉ, tâm tình.
Ngay truyện đầu tiên: “Cá da trơn” cũng là một truyện chỉ có thể xảy ra ở các vùng nông thôn, nhân vật là những người nông dân chân chất, thật thà. Một người bà giả vờ không ăn cá da trơn vì nhiều lần khuyên nhủ người cháu không được ra đầm của hợp tác xã câu trộm cá với đạo lí “đói cho sạch” nhưng đứa cháu vẫn không chịu để vào tai. Vậy mà cái việc đơn giản ấy cho đến tận sau này, khi người cháu đã trưởng thành, đi làm việc ở nước ngoài, nhân ngày trở về giỗ bà mới vỡ ra mọi chuyện và sám hối trong muộn màng.
Trong tập, có tới hơn một phần ba các truyện ngắn có chủ đề xoay quanh sự sám hối hoặc liên quan đến sám hối. Các nhân vật thường là các cán bộ lãnh đạo từ cấp xã đến cấp huyện, các công chức, viên chức cấp tỉnh… sau khi về hưu, tĩnh tâm tĩnh trí đã tự kiểm điểm lại bản thân trong những việc sai trái trước đây của mình để tỉnh ngộ. Cùng là sự miêu tả nỗi ân hận, sám hối nhưng cái khéo của tác giả là không để cho các tính cách trùng lặp. Mỗi người có sự phản tỉnh theo một kiểu khác nhau. Truyện ngắn “Khi từ quan” kể về một ông chủ tịch xã năng lực có phần yếu kém nhưng khôn ngoan, mánh lới, đã dùng đủ mọi cách hãm hại người khác để giữ cái ghế cho mình. Cho đến tận khi về vườn mới nhận thấy cái không đúng. Nói cho cùng, đấy là sự sám hối muộn màng, nhưng dù sao thì sự thức tỉnh vẫn là điều cần thiết. Ở truyện ngắn này, cái thông điệp chính mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc không phải chỉ nói về sự sám hối của vị chủ tịch xã kia mà là lời phê phán và cảnh tỉnh cho những kẻ đang chễm trệ trên cái ghế quyền lực.
Chủ đề sám hối trong truyện ngắn “Di tích” lại có phần hơi khác, chân thực và dễ chấp nhận hơn. Nhân vật chính là ông trưởng phòng của Sở Văn hóa phụ trách công tác quản lý các di tích lịch sử trong toàn tỉnh. Khi tại chức, ông xuề xòa, dễ tính và tỏ ra hài lòng với những việc làm qua loa, tắc trách của mình trong công tác cấp phép: “Ông chỉ biết qua hồ sơ giấy tờ mà thôi. Thực ra việc này cũng không khó, tất cả đã có trong hướng dẫn: quy trình lập hồ sơ, cấp quyết định, trung ương hay tỉnh. Vì vậy cứ đủ thủ tục, văn bản là ông lập hồ sơ báo cáo cấp trên công nhận. Mỗi lần như vậy ông cũng thấy vui, ông nhận được bao nhiêu lời cảm ơn. Có nơi còn có phong bì thuốc nước”. Nghĩa là ông đã tắc trách một cách vô tư và hồn nhiên, còn “tự sướng” cho rằng sự dễ dãi của mình là có lòng nâng đỡ, có công với cơ sở. Cho đến ngày nghỉ hưu rỗi rãi, nảy ra ý định đi thăm thú lại chính những nơi mình cấp phép, ông mới phát hiện ra sự xuề xòa trước đây của mình đã gây tác hại đến mức khó lường, đến mức làm lệch lạc lịch sử. Không những vậy nó còn gây một hiệu ứng đúp kéo theo cả cái sai cùng sự ân hận của vị chủ tịch xã trước đây cũng chỉ vì “vô tư” muốn di tích của xã mình đạt cấp quốc gia thay vì cấp tỉnh mà đã khai man hồ sơ. Ta luôn gặp những đoạn văn sám hối của các nhân vật trong tập sách kiểu như thế này: “Giá như ngày ấy mình thận trọng hơn, kiểm tra kỹ hồ sơ và trực tiếp đi thẩm định di tích trước khi báo cáo cấp trên thì ít ra sẽ không có một người như ông Hòa phải luôn canh cánh, ân hận nuối tiếc hơn mười năm nay. Và ông Hòa cũng không phải khắc khoải mong chờ ngày lương tâm được hoàn toàn thanh thản, như điều mong ước của ông khi tuổi đã xế chiều”.
Ngoài chủ đề sám hối, một loạt truyện khác của Phan Thức đã đề cập đến nhân tình thế thái, những quan niệm về nhân sinh, tiêu cực, tham nhũng… “Lá phiếu năm xưa” là câu chuyện tráo trở đến mức khó tin về một vị lãnh đạo huyện không còn liêm sỉ trong đối nhân xử thế, với người mà lẽ ra mình phải mang ơn. Truyện ngắn làm người ta liên tưởng đến tâm địa và cách moi tiền dân của các ông quan phụ mẫu trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan đầu thế kỷ 20. Chỉ có khác, là bây giờ trơ trẽn và hiện đại hơn nhiều.
Tuy không nhiều, nhưng cũng có lúc tác giả đã vượt qua những câu chuyện đời thường quanh thôn xóm để xoáy sâu ngòi bút vào việc phân tích những vấn đề đang nổi cộm một cách phổ biến trong xã hội, và từ đó đưa ra những quan niệm mới một cách đầy bất ngờ và thú vị. Về chủ đề này, “Danh hiệu” là một truyện ngắn khá tiêu biểu. Thông thường thì trong công tác và sinh hoạt ở các tổ dân phố, người ta không có nhiều thiện cảm với những người đi họp không đầy đủ, tuy có những lí do xác đáng. Khi xét danh hiệu đảng viên hàng năm, những người này chỉ ở mức “Đảng viên hoàn thành nhiệm vụ”, nghĩa là một danh hiệu bình thường. Ngược lại, có những người tuy rất chăm đi họp, rất chăm phát biểu ý kiến, thậm chí là tinh thần phê và tự phê khá cao, rồi “cuối buổi họp tất cả giơ tay biểu quyết nhất trí, còn nhất trí những gì chưa chắc họ đã nhớ…” thì thường lại đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Trong truyện ngắn này, Phan Thức đã đưa ra một quan niệm khác: Những người tuy đã luống tuổi, thậm chí là đã về nghỉ hưu nhưng vẫn cống hiến cho xã hội bằng những việc kinh doanh chân chính, đóng góp cho ngân sách nhà nước, cho dân phố mới chính là những người đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Đó là ý tưởng mới mà nhà văn gửi đến công chúng. Ngoài truyện ngắn “Danh hiệu”, các truyện ngắn như “Nhà thơ”, “Lòng tự trọng” cũng là những truyện ngắn có sự luận giải khá chí lí về các vấn đề nói trên.
Bên cạnh đó, các đề tài về sự nhiễu loạn đất đai, thi cử, xin việc, đề tài về môi trường, về lương tâm nghề nghiệp cũng được Phan Thức nói tới trong các truyện ngắn: Tuổi Tuất, Bản hợp đồng, Khoảng trời cao xanh, Suất ngoại giao, Lời thề Hippocrates, Sáu mươi chia hai bằng ba tám…
Như đã nói ở trên, lối phát triển truyện của Phan Thức là thường dựa vào những chuyện xảy ra trong đời sống xung quanh mình, có khi chỉ là những câu chuyện đời thường rất đơn giản, không có những tình huống quá gay cấn rồi thổi vào đó những tình tiết gây bất ngờ. Nhà văn Nga K. Pautovxki (1892- 1968) từng nói: “Truyện ngắn là một truyện viết ngắn gọn trong đó, cái không bình thường hiện ra như một cái bình thường và cái gì bình thường hiện ra như một cái gì không bình thường”. Có lẽ Phan Thức đã ít nhiều thấm nhuần lí thuyết này. Tuy không phải truyện ngắn nào anh cũng thành công hoặc mức độ thành công ở mỗi truyện có khác nhau nhưng các truyện ngắn của Phan Thức thường được hình thành từ lối viết ấy.
Trên văn đàn hiện nay thường xuất hiện hai kiểu truyện ngắn. Một kiểu truyện có nhiều tình huống, các tình tiết, chi tiết phong phú, cốt truyện phức tạp, nhân vật được khắc họa kì công cùng sự chú trọng tuyệt đối về ngôn từ… Một loại truyện ngắn khác chỉ có một tình huống, cốt truyện thường đơn giản, cũng không quá chú trọng đến khắc họa tính cách nhân vật. Điều được quan tâm nhất là ý tưởng, thông điệp mà tác giả gửi đến bạn đọc. Theo nhà phê bình văn học, TS. Chu Văn Sơn thì chính truyện ngắn một tình huống mới được coi là mang tính đặc trưng của thể loại. Tuy nhiên, ở loại truyện nào thì tính hấp dẫn, giá trị thẩm mĩ bao giờ cũng là những yếu tố thứ nhất để làm nên một truyện ngắn xuất sắc.
Hầu hết các truyện ngắn trong tập “Khoảng trời cao xanh” của nhà văn Phan Thức đều theo lối viết thứ hai - truyện ngắn một tình huống, và cũng có những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, chỗ yếu của Phan Thức là hơi bị lệ thuộc vào đời sống thực và đôi khi sa vào kể lể dài dòng. Cũng có lúc chừng như quá say hoặc tiếc những gì mình thu nhặt được trong đời sống thực nên ở một số truyện ngắn của anh thường bị tãi, thiếu chọn lọc, còn hình thành những “cái báng”. Với loại truyện ngắn một tình huống mà Phan Thức đang để tâm theo đuổi thì sự dồn nén, sự chắt lọc các chi tiết nghệ thuật chính là kĩ thuật hàng đầu. Trong các truyện ngắn như “Bản hợp đồng”, “Lão Háo” và một vài truyện khác của anh đều mắc phải những khiếm khuyết, hạn chế như vậy. Một điều nữa, có thể do quá thiên về cái thực nên các truyện ngắn của anh thường khô khan. Lối kể chuyện thủ thỉ, thật thà có thể cũng là một điểm mạnh của anh, nhưng lạm dụng thì cũng dễ làm cho độc giả nhàm chán.
Tuy còn có những những nhược điểm, những hat sạn khó tránh khỏi, nhưng “Khoảng trời cao xanh” là tập truyện ngắn đáng đọc. Nó có thể đem đến cho độc giả những ý tưởng, những cảm xúc đẹp, thấm đẫm nhân văn.
Hồ Thủy Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...