Linh thiêng những nụ cười đồng đội
Sau trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ đêm Noel 24/12/1972 làm 60 đồng đội hy sinh, ông Vũ Đức Là, đội viên Đại đội 915 được chọn cử đi xây dựng Lăng Bác Hồ. Những ngày đang xây dựng Lăng Bác ở Hà Nội, ông biên thư ngỏ lời cầu hôn với một nữ đội viên cùng Đại đội 915 và được đơn vị cho nghỉ 12 ngày phép về quê cưới vợ. Hoàn thành nhiệm vụ ông lại được chọn cử đi học tại Liên Xô và trở về xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Trước kẻ thù, Tổ quốc ở trong tim
Ông Vũ Đức Là sinh ngày 25/2/1953 tại xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Trong khí thế cả nước tập trung sức người sức của cho mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nghe tin có đợt tuyển thanh niên xung phong, ông viết đơn tình nguyện lên đường và được biên chế vào Đại đội 915.
Tiếp chuyện tôi, nói về những kỉ niệm với đồng đội đã hi sinh, mắt ông hoe đỏ, nhiều lần nước mắt lăn dài. Ông ngậm ngùi: Tôi được như ngày hôm nay cũng là nhờ các anh các chị đã ngã xuống, bởi họ có thành tích và trình độ hơn tôi. Một tuần trước đêm 24/12, trong khi bốc xếp đá hộc tại khu mỏ đá tôi bị tai nạn đang điều trị, nên đại đội trưởng không ghi tên vào danh sách đi làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá. Buổi sáng đại đội chuẩn bị lên đường, tôi rất muốn đi và chống gậy ra địa điểm tập trung với anh chị em. Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy những nụ cười của đồng đội. Những nụ cười đó luôn hiện về trong giấc mơ của tôi.
Trong không gian sâu thẳm của những hồi ức, ông Vũ Đức Là như thắp lên ngọn lửa từ khúc tráng ca của Đại đội 915 một thời bom đạn ấy. Phong thái điềm đạm và giọng nói trầm ấm của người đội viên TNXP năm xưa tạo cho tôi nguồn cảm giác đang được sống cùng ông và đồng đội.
Tháng 6/1972 trước yêu cầu cấp thiết tập trung sức người sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, Đội 91 TNXP Bắc Thái quyết định thành lập Đại đội 915. Quân số của Đại đội phần lớn là nữ người dân tộc thiểu số, nhiều người chưa biết chữ và nói tiếng Kinh chưa thạo. Tuổi đời của các đội viên còn rất trẻ, đa số 18, 19 tuổi. Nhiệm vụ của Đại đội 915 là sửa chữa Quốc lộ 16A (nay là Quốc lộ 17) và Quốc lộ 1B, bốc xếp vũ khí đạn dược, hàng hóa. Đại đội đóng quân tại xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc thành phố Thái Nguyên). Có thời gian Đại đội cử một bộ phận hành quân lên huyện Phú Lương sửa chữa đường từ Đu vào Ôn Lương, nơi có nhiều cơ quan, kho tàng sơ tán. Do tính chất công việc, các tiểu đội chia nhau cơ động làm việc khắp nơi và ở nhờ nhà dân tại các địa điểm làm nhiệm vụ. Khi diễn ra sự kiện đêm 24/12, Đại đội đang đóng quân tại xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, nay thuộc thành phố Thái Nguyên.
Từ giữa năm 1972 Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Cảng Hải Phòng cùng các cảng biển và cửa sông bị địch phong tỏa bằng ngư lôi. Tuyến giao thông Lạng Sơn - Thái Nguyên - Hà Nội trở thành tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa viện trợ của các nước bạn tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Ga Lưu Xá đã trở thành “cảng nổi”, với nhiều loại hàng hóa chiến lược. Ra đời trong mùa hè đỏ lửa ấy, Đại đội 915 bước vào cuộc chiến và đối mặt ngay với bom đạn khốc liệt. Quốc lộ 1B và 16A máy bay địch thường xuyên ném bom đánh phá với cường độ cao. Đại đội phải căng mình làm việc trong mọi thời tiết. Hàng ngày, các trung đội mang vác dụng cụ di chuyển bộ vài cây số đến từng vị trí. Đường sá hư hỏng, luân phiên nhau làm việc không tính thời gian để các đoàn xe có thể qua lại. Địch ném bom ngày thì làm việc ban đêm, chúng ném bom đêm thì ta lại làm ngày.
Với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và ý chí: “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” đội viên Đại đội 915 không ngại hy sinh gian khổ, làm việc quên mình với sự lạc quan, hồn nhiên và tự tin dưới bom đạn kẻ thù đảm bảo giao thông luôn được thông suốt cho xe ra mặt trận. Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” với nội dung chính là: Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần được các đội viên thể hiện bằng bản lĩnh và ý thức trách nhiệm trong hành động thiết thực, tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân và sức trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Kẻ thù gieo tang tóc trên đất nước ta. Không miền quê nào có cuộc sống bình yên nếu không “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng chính là góp phần đưa cuộc kháng chiến của dân tộc đến ngày toàn thắng.
Quốc lộ 16A đại đội quản lý đoạn qua xã Nam Hòa, Linh Sơn, Chùa Hang tuy là con đường huyết mạch, nhưng mới được mở và trải tạm nền bằng đất đá cấp phối, lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn. Máy bay Mỹ oanh tạc dữ dội. Các khu vực Trường lái xe Tiến Bộ, Trường lái xe Việt Bắc và một số địa điểm trúng bom làm nhiều người chết và bị thương. Đại đội vẫn dàn quân khắp tuyến đường, không ai nhụt chí. Ngày 13/9/1972, đại đội đang sửa chữa đường và đào hầm cá nhân cho bộ đội và nhân dân qua lại trú ẩn ven quốc lộ, máy bay Mỹ bất ngờ lao đến ném bom, 1 đội viên hy sinh, 8 chị em khác bị thương. Các ngày sau đó, những trận bom liên tiếp trút xuống, các đội viên vẫn bám đường bám cầu để sửa chữa, san lấp, không hề e ngại khi được điều động tới các vị trí trọng điểm. Dưới bom đạn chiến tranh, sự sống và cái chết vô cùng mong manh, mọi người đều có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Dám chấp nhận hi sinh cũng là một thử thách.
Trong điều kiện nhiều khó khăn thiếu thốn, bữa cơm đa phần phải ăn độn ngô, có dạo phải ăn hạt bo bo, nhưng các hoạt động văn hóa văn nghệ vẫn luôn diễn ra sôi nổi. Đại đội thành lập đội văn nghệ thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các buổi sinh hoạt với nhiều hạt nhân hát hay, đàn giỏi. Đại đội còn được cấp trên biên chế giáo viên dạy bổ túc văn hóa. Các buổi học được tổ chức linh hoạt theo điều kiện nhiệm vụ của từng tiểu đội và diễn ra dưới vườn cây, hoặc trên bãi cỏ, chỉ có duy nhất tấm bảng cho giáo viên, còn học viên trải chiếu ngồi, kê sách vở lên đùi học.
12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, thành phố Thái Nguyên và các vùng phụ cận bị máy bay Mỹ ném bom dữ dội. “Cảng nổi” ga Lưu Xá là một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Sáng 24/12/1972, Đại đội 915 được lệnh tổ chức lực lượng đến ga Lưu Xá, phối hợp với các đơn vị bạn thực hiện nhiệm vụ do đồng chí Đại đội trưởng Triệu Văn Việt trực tiếp chỉ huy. Chập tối hôm đó, khi các đội viên đang chuẩn bị ăn bữa cơm chiều để tiếp tục giải tỏa nốt số hàng hóa còn lại thì máy bay Mỹ ập đến…
Trong mọi thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh, Tổ quốc luôn ở trong trái tim mỗi đội viên TNXP.
Họ đã sống, chiến đấu như những người lính thực sự dưới bom đạn kẻ thù với một tinh thần quả cảm. Máu của cán bộ, đội viên Đại đội 915 đã hòa vào đất đai, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những nụ cười đồng đội theo suốt cuộc đời tôi
Sau sự kiện đêm Noel 24/12/1972, Đại đội 915 được bổ sung quân số, ổn định tổ chức và hành quân về xã Tân Cương làm đường phục vụ thi công xây dựng hồ Núi Cốc. Ông Là thong thả nhẩm lại quá khứ của mình. - Tháng 4/1973 tôi nhận thông báo về tập trung tại Đội 91 đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Về Hà Nội tôi mới biết mình được chọn cử đi xây dựng Lăng Bác Hồ. Đoàn của Đội TNXP 91 đại diện cho nhân dân Bắc Thái có 30 đội viên, gồm 18 nam và 12 nữ, riêng Đại đội 915 có 4 người. Về Hà Nội, chúng tôi được biên chế vào công trường 57 và nhanh chóng tập dượt tham gia lễ diễu hành tại Quảng trường Ba Đình nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5. Sau buổi lễ trọng thể này, Lăng Bác mới được tiến hành các bước chuẩn bị khởi công xây dựng.
Một số đội viên của đoàn Bắc Thái phối hợp các đơn vị quân đội và đoàn bạn thực hiện rào xung quanh quảng trường và đào hố móng. Tôi được cử đi học nghề sắt lắp ráp 2 tháng. Công trường 57 có 3 đội sắt, trong đó đội 1 gia công các cấu kiện sắt thép trong xưởng, 2 đội còn lại thực hiện các phần việc tại Lăng và hai bên lễ đài. Toàn bộ khu giữa và phần ngầm do công binh của quân đội đảm nhiệm, các lực lượng thanh niên chúng tôi làm từ mặt đất trở lên nóc. Tiến độ thi công xây dựng của công trường vô cùng khẩn trương và phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về kĩ thuật. Các thời điểm đổ bê tông chúng tôi được điều động làm hai ca liên tục, ăn giữa ca ngay tại công trường…
Công trình Lăng Bác Hồ hoàn thành, tôi cùng 1 đội viên nữa trong số 30 người của Đội 91 được cử sang Liên Xô học tập 3 năm về gia công cơ khí và cắt gọt. Về nước tôi làm việc tại Công ty Thi công cơ giới, tham gia xây dựng Công trình Thanh niên Cộng sản thủy điện Sông Đà 9 năm. Năm 1985, ngôi trường đào tạo các ngành nghề phục vụ thi công các nhà máy điện do Liên Xô tặng Việt Nam khánh thành, tôi được điều về làm giáo viên thực hành cho đến khi nghỉ chế độ năm 2012.
Khi tôi hỏi ông Vũ Đức Là về mối lương duyên với người con gái xinh đẹp Đàm Thị Liên cùng Đại đội 915 mà có lần tôi được nghe đồng đội của ông kể, ông Là chia sẻ: Vào thanh niên xung phong, chúng tôi đều cam kết không xây dựng gia đình trong khi làm nhiệm vụ, Đại đội cũng quán triệt không gần gũi yêu đương để tránh những điều đáng tiếc. Mặc dầu vậy, trái tim của những người trẻ rất khó níu giữ để không có những rung động đầu đời. Tôi và Liên cũng thế!
Đại đội đóng quân phân tán tại nhà dân, lại thường xuyên cơ động làm nhiệm vụ, chúng tôi không cùng tiểu đội nên ít có thời gian trò chuyện. Sau trận bom ngày 13/9, đơn vị tập trung cho làm đường trên tuyến 16A, khi sinh hoạt đại đội, chúng tôi mới gặp nhau. Tuy phải lòng nhau nhưng chúng tôi chỉ dám yêu thầm, nhớ thầm, gửi lời yêu thương bằng mắt. Tôi nghĩ các đôi khác cũng vậy. Hồi ấy tất cả đội viên đều rất trẻ, chuyện trai gái nhát lắm, chỉ sợ Đại đội biết và mọi người trêu đùa.
Tôi ngỏ lời yêu Liên trong phút chia tay ngắn ngủi khi tôi lên đường đi xây dựng Lăng Bác. Tiến độ thi công xây dựng của công trình vô cùng khẩn trương và phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về chất lượng, kĩ thuật cũng như vấn đề quản lý nhân lực. Là những đội viên TNXP, lại từng cùng làm việc trong đại đội, chúng tôi đều hiểu rõ những qui định khắt khe thời chiến. Do điều kiện công tác, tôi và cô ấy chỉ có thể gửi gắm tình cảm qua những bức thư. Càng xa cách nỗi nhớ càng nhiều.
Những lá thư là tiếng lòng, là nhịp đập của trái tim và là nhịp cầu nối đôi bờ yêu thương, hò hẹn. Không thể gặp gỡ nhưng chúng tôi như đã thuộc về nhau.Cuối năm 1974, gia đình giục tôi lấy vợ, tôi biên thư bày tỏ cùng Liên. Do điều kiện công tác đặc biệt, hai chúng tôi viết thư xin phép gia đình, không thể đưa nhau về ra mắt. Thời kì ấy chiến sự tại chiến trường miền Nam đang diễn ra ác liệt, con cái nên vợ nên chồng là các cụ mừng, chả mong gì hơn thế. Ban chỉ huy công trường 57 cho phép tôi nghỉ 12 ngày về cưới vợ. Hai gia đình cách nhau chỉ khoảng 40 cây số, lại cùng ở huyện Chợ Đồn nên việc cưới xin dù gấp gáp vẫn được tiến hành trọng thể…
***
Làm nhiệm vụ phân tán và đóng quân tại nhà dân, thời gian sinh hoạt chung cùng nhau quá ít, không hẳn người nào tôi cũng đã kịp biết tên, nhưng nụ cười của đồng đội tôi không thể nào quên. Những nụ cười và năm tháng ấy tôi mang theo suốt cuộc để luôn là chính mình như họ đã sống và cống hiến.Ngược nguồn kí ức của người cựu đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915, tôi như thấy mình được sống cùng các chị các anh của thời hoa lửa. Trong nhà bia tưởng niệm, bên những nhành hoa trắng, dòng tên cán bộ đội viên hy sinh lấp lánh như những bông hoa nắng, những gương mặt hồn nhiên thật trẻ và nụ cười vẫn sáng lên.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...