Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
17:31 (GMT +7)

“Linh Sơn tử chiến” – một dấu ấn mới của nhà văn Phan Thái

(Đọc tiểu thuyết “Linh Sơn tử chiến” của Phan Thái - NXB Văn Học, 2020)

VNTN - Với những người có niềm đam mê viết, viết một cuốn tiểu thuyết đã khó, viết được một tiểu thuyết lịch sử sẽ càng khó hơn.

Khó, bởi tư liệu lưu lại những sự kiện hàng nghìn năm thật ít, có những sự kiện được ghi lại không quá vài trăm từ. Khó, bởi địa hình thực tế đã có bao thay đổi, mất hết những dấu tích khách quan. Khó, bởi tập tục sinh hoạt, ngôn ngữ, trang phục, tâm lý nhân vật, cơ cấu, địa giới hành chính… của một thời đã quá xa xôi. Nếu không kiên trì sưu tầm, đối chiếu các tài liệu tin cậy để có thêm tư liệu chính xác; nếu không am hiểu bao điều có liên quan tại thời điểm lịch sử ấy, thì dù có óc tưởng tượng phong phú, dù có tay nghề vững vàng, cũng khó tạo nên một tác phẩm vừa có tính xác thực lịch sử, lại vừa có hồn cốt của một cuốn tiểu thuyết.

Lựa chọn đề tài này, Phan Thái đã được khơi dậy cảm xúc bởi mảnh đất anh vừa đặt chân đến công tác có nhiều dấu tích lịch sử một thời. Hình như, với một tâm hồn nhạy cảm với thế giới xung quanh, Phan Thái bị những cái tên “Đồng trận”, “Voi đằm”, “Ao than”, “Núi Bàn cờ” ở mảnh đất Linh Sơn ám ảnh. Biết là khó, nhưng sự ám ảnh ấy đã lớn dần thành những hình dung, tưởng tượng về một cuộc chiến oanh liệt của cha ông cách đây đã gần hai nghìn năm.

 

Vậy là anh lao vào cuộc tìm kiếm tư liệu, tra cứu các tài liệu liên quan đến Linh Sơn trong thời điểm xảy ra cuộc chiến. Và cuốn tiểu thuyết lịch sử “Linh Sơn tử chiến” của Phan Thái đã ra đời vào tháng 8/2020. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Văn học in và phát hành trên toàn quốc. Sách dày 270 trang, với 17 chương và lời đề dẫn rất mới mẻ, gợi người đọc chuẩn bị cho một cuộc hành trình cùng tác giả về miền đất còn đầy sự kiện lịch sử bí ẩn chưa ai khám phá.

Chương đầu, tác giả mô tả âm mưu thôn tính Đại Việt của triều Tống ở phương Bắc (từ năm 1068 đến năm 1076) và công tác chuẩn bị, hạ quyết tâm chống giặc của vua Lý Nhân Tông, cùng các quần thần mà đứng đầu là Thái úy Lý Thường Kiệt. Tại chương này ta cũng gặp Lang trung tướng quân Nùng Tông Đản - người được Lý Thường Kiệt giao trực tiếp chỉ huy các bộ tộc ở phía Bắc chuẩn bị các phương án chống giặc. Người lính mới tòng quân Lừ Cắm Sải có thể là nhân vật điển hình về tâm tư, tính cách của các đinh tráng trong các bộ tộc ra góp phần chống giặc.

Các chương tiếp theo đến chương 10 là công tác chuẩn bị ráo riết của Nùng Tông Đản và tả tướng quân Vi Tất Đẳng, hữu tướng quân Trần Minh Thiện trên một phòng tuyến kéo dài từ phủ Phú Lương tới các châu Vạn Nhai, Quảng Nguyên, Lạng Châu. Dù diễn biến trận chiến chưa xảy ra, nhưng các chương này rất thu hút người đọc, bởi các diễn biến tư tưởng khá phức tạp trong một đội quân tổng hợp rất nhiều bộ tộc sống ở một vùng rừng núi rộng lớn.

Ngay trong lúc nước sôi lửa bỏng này, sự đấu tranh giữa chức vị, quyền lợi của bộ tộc mình và cả tiền bạc luôn nảy nở cùng những âm mưu ly gián, mua chuộc của kẻ thù. Chuẩn bị chống giặc ngoài cũng đồng lúc với chống thù trong, chống ngay với lòng tham và sự hưởng thụ vô lương tâm của một số quan, quân triều đình. Điển hình là việc ăn chơi sa đọa, tham ô công quỹ như quan Tổng quản Hà Bá Nghi; bị giặc mua chuộc như Tộc trưởng Lý Khương Thành, Lưu La Hoàn.

Cũng trong sự chuẩn bị đầy khó khăn trên, ta thấy bao kế sách, sáng kiến được phát huy từ người lính bình thường đến các tướng quân. Một chiến thuật đánh kỳ binh được vạch ra kỹ lưỡng và huy động tổng lực sức mạnh toàn dân cùng chống giặc. Cùng với không khí khẩn trương căng thẳng trên, vẫn có những chi tiết đời thường xen trong nhiều tình huống, tạo nên sự sống động hơn cho câu chuyện.

Từ chương 11 đến chương 17 tác giả dựng lại cuộc chiến đối đầu với 100.000 quân và 20.000 dân binh quân Tống của quân và dân Đại Việt, với thời gian kéo dài mấy tháng và không gian trải dài từ biên ải đến phủ Phú Lương. Nơi quyết chiến điểm là Linh Sơn. Đã có rất nhiều trận đánh xảy ra suốt từ các châu giáp biên đến phủ Phú Lương. Sự mất mát, đau thương là không thể tránh khỏi. Trong việc miêu tả trận chiến này, tuy rất khốc liệt một mất một còn với kẻ thù, nhưng tác giả vẫn để sự bao dung sáng lên trong cách hành xử của quân dân Đại Việt. Đó là nghĩa cử của quân tướng đối với nhau, là sự nhân nghĩa với kẻ thù. Ở đó, sự tranh đấu với cái ác như cái nền để làm sáng lên phẩm giá con người mà thôi.

Kết thúc truyện, không phải là cảnh thu chiến lợi phẩm hay cảnh hàng ngàn tù binh rũ rượi quy hàng, cũng không phải một bãi chiến trường tan hoang, chết chóc kinh hoàng, mà là cảnh trận chiến đang bước vào thế ào ạt lao lên từ các hướng của quân dân Đại Việt. Có lẽ như vậy, câu chuyện càng để lại một dư âm hùng tráng trong tâm trí người đọc. Cái đau của chiến tranh ẩn rất sâu, và cái giá của lịch sử rất oai hùng lại cũng rất con người.

Tóm lại, tuy đã cho ra đời một vài cuốn tiểu thuyết trong những năm gần đây, nhưng xác định quyết tâm lựa chọn một đề tài khó quả là một sự dũng cảm của nhà văn Phan Thái. Tác phẩm đầu tiên của nhà văn ở mảng lịch sử này là một tín hiệu đáng mừng. Cuộc chiến chống quân xâm lược phương Bắc cách đây gần 2000 năm tại Linh Sơn mới chỉ là một lát cắt trong cuộc chiến vĩ đại của Đại Việt chống quân xâm lược nhà Tống. Tuy vậy, xây dựng được một tuyến nhân vật từ người lính bình thường đến người thái úy cao nhất trong triều đình có tính cách, ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn bảo đảm tính lịch sử là một việc khó. Trong tiểu thuyết “Linh Sơn tử chiến” nhà văn Phan Thái đã để cho các nhân vật có đời sống riêng của mình, bảo đảm tính lịch sử nhưng cũng không bị tính lịch sử chi phối làm mất đi đời sống thực của nhân vật.

Đã nói là lĩnh vực khó thì cũng không tránh khỏi đôi điều còn chưa kỹ, ngữ cảnh có lúc chưa thật sát với một thời cách nay rất xa. Tôi nghĩ đấy là điều rất bình thường với một tác phẩm viết về lịch sử. Điều chính là nhà văn đã thổi hồn cho các nhân vật tái hiện lại lịch sử một cách sống động, viết về lịch sử chứ không phải chép lại lịch sử.

Khi được cầm cuốn sách và đọc nó, tôi càng khâm phục sự kiên trì tìm tòi và đặc biệt là tấm lòng của nhà văn với lịch sử, với mảnh đất Linh Sơn. Tôi tin từ tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử này, nhà văn Phan Thái sẽ còn nhiều cảm hứng để viết tiếp những câu chuyện lịch sử trên mảnh đất Thái Nguyên. Xin chúc mừng anh đã cho ra đời một đứa con tinh thần đầy ý nghĩa này. Xin độc giả hãy đón đọc và cảm nhận về tác phẩm mới của nhà văn Phan Thái, một tác phẩm viết về lịch sử trên chính quê hương mình.

Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy