Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
19:38 (GMT +7)

Làm sáng tỏ thêm “tâm thức Thiền” trong bài thơ “Ngôn hoài”

VNTN - Văn thơ chữ Hán vốn là một phần tinh hoa trong nền văn học cổ nước ta. Nhiều tác phẩm đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường. Song đó chủ yếu chỉ là các bản dịch. Phần phiên âm Hán Việt nguyên tác chỉ để tham khảo. Trong số những bản dịch thơ cũng có trường hợp đạt trình độ lột tả được nội dung cơ bản và phần nào tinh thần của nguyên tác. Nhưng đa số nhiều bản dịch do đặc thù của hai ngôn ngữ khác nhau, lại chịu hạn chế của thể loại thơ (về số câu, số chữ, niêm luật gò bó), nên đã làm hạn chế đến tinh thần và nội dung của nguyên tác. Bởi vậy dẫn đến cách hiểu và đánh giá có khi ngược hẳn nhau về cùng một tác phẩm của tác giả xưa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc truyền thụ tri thức văn học cho học sinh, sinh viên nói riêng và người đọc nói chung.

Trong bài viết này, xin đề cập đến một trường hợp cụ thể là bài thơ chữ Hán Ngôn hoài của Thiền sư Không Lộ.

Bài thơ được in trong các sách đã xuất bản đều có những thiếu sót cần phải đính chính. Nguyên bản chữ Hán được phiên âm Hán Việt, bản dịch nghĩa, dịch thơ trong những sách đã in như sau:

Phiên âm:

Ngôn hoài

Trạch đắc long xà địa khả cư,

Dã tình chung nhật lạc vô dư.

Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh,

Trường khiếu nhất thanh hàn Thái hư.

Dịch nghĩa:

Tỏ lòng

Chọn được mạch đất long xà (rồng rắn) là nơi ở được.

Tình quê suốt ngày vui không chán

Có lúc lên thẳng đỉnh núi trơ trọi,

Kêu dài một tiếng lạnh cả bầu trời.

Dịch thơ:

Kiểu đất long xà chọn được nơi

Tình quê nào chán suốt ngày vui.

Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng,

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

Phan Võ dịch (Hợp tuyển thơ văn Việt Nam tập 2. Nxb Văn hóa, 1962)

Bản in trong Thơ văn Lý Trần tập 1 (Nxb KHXH, Hà Nội, 1977), phần dịch nghĩa cũng tương tự như vậy, chỉ khác vài ba từ như sau: Câu đầu dịch là “Chọn được kiểu đất long xà rất hợp có thể ở được”. Câu 3 thay từ “trơ trọi” thành “trơ vơ”. Phần dịch thơ của Kiều Thu Hoạch chỉ dịch khác vài từ ở hai câu 2 và 3 như sau: “Tình quê lai láng chẳng hề vơi/ Có khi xông thẳng lên đầu núi”. Hai câu 1 và 4 giữ nguyên theo bản dịch của cụ Phan Võ.

 

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Cả 2 bản dịch thơ của 2 tác giả có chung ưu điểm là giữ được thể thơ tương xứng và giữ được “niêm luật’’ theo thể Tứ tuyệt Đường luật thơ chữ Hán.

Tuy nhiên hai bản dịch nghĩa và dịch thơ ở 2 tập sách đã dẫn đều có nhiều chỗ cần phải bàn lại như sau:

1. Đầu đề Ngôn hoài dịch là “Tỏ lòng” hoặc “Tỏ nỗi cảm hoài” (Thơ văn Lý Trần) là chưa sát nghĩa. Ngôn có nghĩa là “nói, nói ra, bày tỏ”; hoài nghĩa: “lòng, nỗi lòng”. Vì vậy phải dịch là “Bày tỏ nỗi lòng”, “Nỗi lòng”. Vì chức năng của 2 động từ “tỏ’’ và “bày tỏ” là hoàn toàn khác nhau. “Tỏ” là ngoại động từ, chủ ngữ tác động vào “khách thể” (ví dụ : Tôi tỏ lòng anh); còn “bày tỏ” là nội động từ, chủ ngữ là tác giả tự bộc lộ nỗi lòng mình.

2.Cả hai bản dịch nghĩa và dịch thơ dịch chưa sát (bản dịch nghĩa) hoặc không dịch (dịch thơ) 2 từ khả cư = đáng ở, và cô phong = đỉnh cao đơn lẻ, còn hàm nghĩa đỉnh cao duy nhất. Dịch là “đỉnh núi” thì mất ý ẩn dụ trong bài thơ, hàm nghĩa đỉnh cao của đạo. Vả lại nguyên bản không có từ “núi” (sơn).

3.Dịch sai hoặc chưa chính xác một số từ, mà lại là những “nhãn tự”, đó là những từ sau đây:

a.Dã tình: Không thể dịch là “tình quê”. Trong 6 nghĩa của từ này ở từ điển Từ Hải không có nghĩa nào có thể dịch là “quê” (kể cả nghĩa quê mùa, quê kệch). Trong bài thơ chỉ có thể theo nghĩa thứ 6 trong từ điển là “không bị câu thúc, ràng buộc, tự nhiên nhi nhiên”. Vậy dã tình nghĩa là tình cảm tự nhiên, tự do, không bị ràng buộc, câu thúc (ý nói cái tình hòa đồng với thế giới vạn vật tự nhiên do tạo hóa sinh ra).

b.Vô dư: Nghĩa “không thừa”. Ở đây ý nói vui không lúc nào thừa thời gian. Dịch là “lai láng chẳng hề vơi”, hoặc “nào chán” đều xa nghĩa nguyên tác, nhưng cũng tạm chấp nhận, không lạc nghĩa như từ dã tình.

c.Trực thướng: Phiên âm trong sách “trực thượng” không chính xác. Cùng một mặt chữ Hán nhưng có 2 nghĩa, khi nghĩa là “trên” đứng sau danh từ, phiên âm “thượng” (sơn thượng = trên núi); nghĩa “lên, dâng lên” khi đứng trước danh từ, phiên âm là “thướng” (thướng sơn = lên núi, thướng sớ = dâng sớ). Trong bài trực thướng cô phong đính (phiên âm trong sách là “đỉnh” cũng không chính xác), nghĩa là lên thẳng đến đỉnh cao duy nhất - hàm ý đỉnh của đạo Phật. Trực còn hàm cả nghĩa đi một lèo, một mạch, không băn khoăn, do dự, không dừng lại hoặc rẽ ngang rẽ tắt, không đơn thuần chỉ chiều hướng động tác. Vì vậy dịch là “xông thẳng”, hoặc “trèo lên thẳng” đều là động tác cụ thể, vừa mạnh mẽ vừa thô bạo trái với nghĩa động từ thướng (lên) hàm nghĩa nhẹ nhàng thanh thoát. Thậm chí làm mất ý nghĩa trừu tượng mà nguyên tác muốn chỉ con đường đạt Đạo.

d.Trường khiếu: Dịch là “kêu dài”, “kêu vang’’, sai hoàn toàn! Trong từ điển Từ Hải, từ khiếu có 4 nghĩa chính, chỉ có 2 nghĩa có thể vận dụng vào nghĩa từ trường khiếu ở bài thơ này. Một là: “huýt sáo, huýt gió” (Từ Hải: súc khẩu nhi xuất thanh = chúm miệng phát ra âm thanh), dùng cho người. Kinh Thi có câu: Kỳ khiếu nhi ca = huýt sáo theo điệu hát. Sở Từ cũng có câu: Lâm thâm uyên nhi trường khiếu = Đứng trước vực nước sâu mà huýt sáo dài. Bài thơ Trúc Lý quán của Vương Duy cũng có câu: Đàn cầm phục trường khiếu = dạo đàn lại huýt sáo dài. Đủ chứng tỏ rằng con người huýt sáo dài (trường khiếu) khi tâm hồn lâng lâng sảng khoái, chứ không phải “kêu dài”.

Còn nghĩa thứ 2 của khiếu là kêu, gào, gầm, rống... chỉ dùng với súc vật. Ví dụ: hổ khiếu (hổ gầm, rống); viên khiếu (vượn kêu)... Bài thơ Đăng cao của Đỗ Phủ có câu: Phong cấp thiên cao viên khiếu ai = Gió thổi gấp, trời cao, vượn kêu buồn thảm. Bài thơ Kinh Hạ Bì Dĩ kiều hoài Trương Tử Phòng của Lý Bạch cũng có câu: Tử Phòng vị hổ khiếu/ Phá sản bất vi gia = Chàng Tử Phòng khi “hổ chưa gầm”/ tiêu phá hết của cải không cần nhà cửa”. Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọng Yêm cũng có câu: Bạc mộ minh minh hổ khiếu viên đề = Chiều hôm u ám hổ gầm, vượn kêu.

e.Thái hư: Dịch là “trời” chưa chính xác. Đây nghĩa là cõi vô biên, cõi tận cùng của trời. Trong giáo lý nhà Phật được hiểu là cõi vĩnh hằng, nơi vô thủy vô chung, không sinh không diệt. Vậy thà cứ để nguyên Thái hư không dịch còn hơn dịch là “trời”.

Vậy theo nguyên tác bài thơ phải được diễn dịch như sau:

Bày tỏ nỗi lòng

Chọn được thế đất đẹp hình “rồng rắn” đáng để ở.

Tình cảm hồn nhiên suốt ngày không lúc nào không vui.

Có khi lên thẳng một mạch đến tận đỉnh cao chót vót

Huýt một tiếng sáo dài lạnh đến tận cõi Thái hư.

Trong sách giáo khoa Văn 10 trước đây, phần hướng dẫn học bài Ngôn hoài, ở câu hỏi số 2, người hướng dẫn viết: “Tại sao đang có ý tươi vui với tình quê như thế lại chuyển sang nói ý một mình trèo thẳng lên đỉnh núi trơ trọi kêu dài một tiếng làm lạnh cả bầu trời? Ở đây tư thế và khát vọng của con người là như thế nào?” (hết dẫn).

Câu hỏi hướng dẫn như vậy, không thể hiểu khác là hướng dẫn cả người dạy lẫn người học vào một triết lý nhân sinh của con người thế tục, không phải triết lý của một nhà tu hành được coi là đã ngộ Đạo, thoát tục như Thiền sư Không Lộ. (theo Thiền uyển tập anh).

Sở dĩ hiểu như vậy, có lẽ người soạn sách, hướng dẫn đã không hiểu nguyên tác nên đã bị những từ dịch sai nghĩa là “xông thẳng, trèo lên, kêu dài, tình quê” dẫn dắt mạch suy nghĩ chăng?

Cũng chính vì căn cứ vào bản dịch và tinh thần những lời hướng dẫn trên, PGS. TS Nguyễn Phạm Hùng trong bài viết hướng dẫn thay sách lớp 10 cải cách của trường Đại học Sư phạm Việt Bắc năm 1990 (ĐHSP Thái Nguyên hiện nay), sau khi ông phân tích tỷ mỉ về “tâm thức Thiền”, ông đã kết luận một cách hùng hồn trái hẳn với tư tưởng “Thiền” như sau: “Con người trong bài thơ, con người đam mê giữa mênh mông không gian, thiên nhiên sống động kì tuyệt, giữa vô tận thời gian của niềm khoái cảm tột cùng, bỗng đột khởi một hành động phi thường, vụt lớn lên chót vót như đỉnh núi cao có tầm vóc kỳ vĩ, đối diện với cả vũ trụ lớn lao làm cho cả bầu trời phải thay đổi trước một tiếng kêu dài sảng khoái...”(trang 108). Cuối cùng tác giả còn khẳng định một lần nữa chủ đề của tác phẩm: “Bài thơ thể hiện niềm say mê yêu đời và tâm trạng sảng khoái, hào hùng của tác giả, ngợi ca vẻ đẹp kỳ vĩ và sức mạnh phi thường của con người trong thế giới rộng lớn.” (Trang108 - Hướng dẫn giảng dạy văn học lớp 10 - Tài liệu bồi dưỡng thay sách).

Những ý phân tích, đánh giá về nội dung bài thơ như trên, nếu lấy bài thơ dịch làm gốc, xem ra cũng “tán tụng” hơi quá. Còn nếu đem gán cho nguyên tác thì thật quá xa, nếu không muốn nói là sai hoàn toàn.

Theo tôi hiểu, nội dung và chủ đề bài thơ chỉ giản dị và chân thực thể hiện tấm lòng vui với cửa Thiền, vui với đạo của tác giả. Đó là tấm lòng thoát tục khi tác giả tự tìm được nơi ở thích hợp cho việc tu hành giữa núi rừng thanh tĩnh, hòa đồng giữa vạn vật thiên nhiên, hợp với sự thanh tịnh “tự nhiên nhi nhiên” (dã tình), không vương vấn cõi tục, hòa đồng với cả vũ trụ; thể hiện tư tưởng vạn vật nhất thể của Thiền học.

Chính trong cảm xúc vui sướng, lâng lâng thanh thản, không hề biết đến sự chuyển vận của thời gian (chung nhật lạc vô dư), tác giả vô tình vui bước đã đi thẳng một lèo tới chót đỉnh cao duy nhất (cô phong) ở nơi tu hành của tác giả mà không hay. Hành vi này không chỉ đơn thuần thể hiện niềm vui thưởng ngoạn thiên nhiên nơi tu hành giữa núi non của tác giả, mà chủ yếu tác giả cố ý mượn hình ảnh đó để ẩn dụ con đường đi tới đỉnh cao chân lý, chính tác giả đã tìm ra và đạt tới bằng con đường chuyên nhất thẳng tới chân lý đạo Phật không hề băn khoăn do dự!

Trực thướng là vậy, chứ đâu có chuyện “xông lên” hay “trèo” lên (?!). Ngược lại, chỉ có từ trên đỉnh cao duy nhất (cô phong đính) của sự ngộ đạo thì tuệ nhãn mới mở rộng tầm thức nhận chân lý, đúng với nghĩa đăng phong tạo cực (lên đỉnh cao được thấy hết tầm). Đó cũng chính là quá trình nhận thức giáo lý Phật: Từ thấp đến cao, từ cao đến sâu rộng. Và khi đạt tới đỉnh cao của sự giác ngộ, thì cái bản thể cá nhân nhỏ bé đã hòa đồng vào vạn vật, tưởng như trở thành một “tế bào” của Vũ trụ. Chứng minh chân lý ấy chẳng mấy khó khăn! Thì đấy, chỉ một làn hơi thở trong tiếng huýt sáo giữa lúc tâm hồn đắc đạo thấy sảng khoái nhất, một rung động cơ năng của bản thể tuy vô tình một cách hồn nhiên ấy thôi, mà tựa như cũng đủ làm “lạnh”(hàn) đến tận cùng của ba ngàn thế giới - cõi Thái hư, nơi vô thủy vô chung, vô sinh vô diệt! Đó cũng mới thực là “nỗi lòng” (hoài) mà Thiền Sư Không Lộ muốn “bày tỏ”(ngôn) cùng với các đồ đệ của ngài qua bài thơ.

Đây phải chăng cũng là dấu ấn Thiền trong thi phẩm của một nhà tu hành chân chính, từng coi công danh phú quý, của cải ở cõi đời là thứ phù du!

Mặt khác, dù cho vô tình ta vẫn nhận ra đằng sau hình bóng nhà tu hành Không Lộ, thấp thoáng ẩn hiện một nhà thơ Không Lộ. Tâm hồn thi sĩ như phảng phất hiện ra sau hai từ hàn - dù biết rằng tác giả có cố tình dùng từ “cường điệu” nhằm nhấn mạnh ý. Cảm giác “đơn chiếc” và “ớn lạnh” dù chỉ trong phút giây, đâu phải cảm giác của nhà tu hành hoàn toàn đắc đạo? Càng không phải là cảm giác của đỉnh núi hay đỉnh đạo vô tri và cõi Thái hư vô hình vô ảnh, mà là cảm nhận bằng giác quan của thi nhân thế tục vậy. Mà phải chăng chính tác giả cũng đã khiêm tốn thừa nhận rằng mình chưa hẳn đã hoàn toàn đắc đạo. Điều đó thể hiện ra trong hai từ hữu thời tức là chỉ có khi, có lúc mà thôi. Đây phải chăng cũng là nét nhân bản thể hiện nơi tác phẩm vậy!?

Trên đây là một cách hiểu để làm sáng tỏ thêm “tâm thức Thiền” thể hiện qua nội dung bài thơ. Có gì sai sót mong các thức giả xa gần chỉ giáo.

TRẦN NGỌC CHÙY

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy