Kỳ thị người bị dịch và vùng có dịch – hậu quả nhãn tiền
VNTN - Còn nhớ khi đại dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng) nổ ra năm 2002, và người nhiễm bệnh đầu tiên ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), thì làn sóng tẩy chay người Trung Quốc nói riêng, người gốc Á nói chung xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp do người gốc Á làm chủ bị thiệt hại nặng nề do người dân và du khách tránh đến các khu vực tập trung đông nhà hàng, cửa hiệu của họ. Không ít lao động gốc Á bị cho nghỉ việc, bị chủ nhà trọ đuổi ra đường. Còn khi đại dịch COVID-19 nổ ra (cũng bắt đầu từ Trung Quốc), một lần nữa người Trung Quốc, người “mũi tẹt da vàng”, người đeo khẩu trang di chuyển trên phương tiện công cộng phải nhận cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí bị xua đuổi, hành hung.
Cộng đồng người Mỹ gốc Á tại bang Massachusetts biểu tình phản đối kỳ thị người gốc Á tại Mỹ (Ảnh: AP. Nguồn: vtv.vn)
Tại Việt Nam, tình trạng phân biệt, kỳ thị người mắc dịch và người ở vùng dịch cũng xảy ra. Trải qua 3 lần bùng phát, những địa điểm có người mắc như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Đà Nẵng, bệnh nhân số 17 (Hà Nội), số 34 (Bình Thuận)… đã trở thành tâm điểm chú ý. Không ít người lên mạng xã hội bày tỏ sợ hãi, xa lánh, bêu riếu, bôi nhọ tập thể và cá nhân. Thời gian gần đây, khi Hải Dương là địa phương có nhiều ca mắc COVID-19 thì làn sóng kỳ thị cũng “chĩa” về nơi này và những người có quê hoặc đang sống ở đây. Nhiều người quá khích còn lên mạng phát ngôn vô văn hóa, gây tổn thương người Hải Dương.
Kỳ thị người mắc COVID-19 sẽ cản trở việc chống lại dịch bệnh (Tranh minh họa: Đào Tuấn)
Sự kỳ thị xuất phát từ nỗi sợ hãi. Sợ bản thân và gia đình bị lây nhiễm, sợ bị tử vong cũng là tâm lý thông thường. Nhưng sợ hãi đến mức xa lánh, ghét bỏ, xúc phạm người bệnh và vùng có dịch lại là điều đáng lên án.
Chắc hẳn không ai trong chúng ta muốn mắc bệnh. Người bệnh là nạn nhân cần được chạy chữa và động viên về tinh thần. Vậy mà, nhiều người trong số họ bị bạo hành tinh thần, khiến bệnh nặng hơn và mất niềm tin vào cộng đồng.
Hệ lụy của việc kỳ thị đã rõ. Nhiều trường hợp “chối bỏ” hai chữ Hải Dương hòng tránh rắc rối xảy đến. Việc khai báo gian dối làm khó cho công tác chống dịch, đồng thời cũng tự làm mất đi cơ hội được khám chữa bệnh cho bản thân nếu bị lây nhiễm.
Một trong những nguyên nhân để “bệnh” kỳ thị lây lan nhanh hơn cả vi rút Corona là tâm lý đám đông, tò mò, tọc mạch, chơi trội, câu like… của người dùng mạng xã hội, đã đẩy vấn đề lên quá mức, thậm chí vi phạm luật pháp.
Đơn cử như hành vi đưa danh tính, hình ảnh của bệnh nhân nhằm tấn công, quy kết, xúc phạm họ trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm ở mức độ nhẹ, thì theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội”, sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền. Còn với hành vi nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm theo Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình "giải cứu" nông sản Hải Dương. Ảnh: Hải Yến-TTXVN
Bên cạnh một bộ phận người dân tỏ thái độ xa lánh, kỳ thị người mắc bệnh và người ở vùng dịch thì không ít người lại có hành động cảm thông chia sẻ, giúp đỡ người hoạn nạn. Như việc quyên góp cung cấp thực phẩm cho người bị cách ly; lập các tổ, nhóm “giải cứu” nông sản cho nông dân vùng bị phong tỏa; lên tiếng phản biện, bênh vực người bị bệnh; dùng sức ép dư luận bắt một số “dân cư mạng” phải xóa bài hoặc xin lỗi vì đã xúc phạm người khác.
Đến nay, đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 3 ở nước ta đang được khống chế hiệu quả. Thành công này có được do nhân dân đồng lòng và Chính phủ đã áp dụng loạt giải pháp kịp thời, chính xác. Trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị người dân: “Phát huy phẩm chất quý báu của dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, không kỳ thị, xa lánh; hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè quốc tế lúc khó khăn; xây dựng hình ảnh người Việt Nam mến khách, nghĩa hiệp”.
Ca dao Việt Nam có câu: Thương người như thể thương thân/ Nhường cơm sẻ áo lòng nhân mới là. Có ai “nắm tay qua ngày đến sáng” để biết chắc cuộc đời mình sẽ luôn may mắn? Thế nên, cảm thương và giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn không chỉ là nghĩa, là tình, mà còn là gieo nhân lành cho chính mình gặt quả ngọt.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...