Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
21:26 (GMT +7)

Kết cấu tự sự trong một số tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa

VNTN - Ngòi bút nhà văn Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) bén rễ sâu nhất và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ nhất ở địa hạt tiểu thuyết, nổi bật với các tác phẩm: Nhật quang lưu niên (Ngàn năm trôi mãi), Thụ Hoạt (Làng Thụ Hoạt), Đinh Trang mộng (Giấc mộng làng Đinh), Phong nhã tụng, Tứ thư, Kiên ngạnh như thủy (Cứng rắn như nước)… Mỗi tác phẩm của ông đều có sự độc đáo riêng về cả nội dung lẫn hình thức, thu hút sự chú ý của độc giả lẫn giới nghiên cứu ở Trung Quốc và thế giới. Trong đó, kết cấu tự sự là một trong những phương diện tạo nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, đồng thời là một yếu tố thuộc về đặc trưng tiểu thuyết được nhà văn dụng công. 

1. Thuộc về chiến lược tự sự, kết cấu thể hiện cấu trúc bề sâu của truyện kể. Kết cấu liên kết các thành tố của tác phẩm, tổ chức, sắp xếp các thành tố ấy theo một dự đồ nghệ thuật riêng của nhà văn với mục đích hấp dẫn người đọc. Do đó, một kết cấu được xây dựng thành công là kết cấu có khả năng mở rộng biên độ tái tạo và diễn dịch từ phía độc giả. Bắt đầu từ Ngàn năm trôi mãi (Nhật quang lưu niên), Diêm Liên Khoa tập trung công sức vào việc xây dựng kết cấu tác phẩm, điều này dường như trở thành một vấn đề quan trọng nhất với ông: “Tưởng tượng và văn thể trở thành sức mạnh tựa như hai con ngựa chạy kéo theo câu chuyện, hoặc có thể nói, tưởng tượng có thể trở thành đôi cánh của câu chuyện, khiến cho câu chuyện được làm mới với sự bay bổng hấp dẫn”. Hầu hết các cuốn tiểu thuyết viết ở giai đoạn sau đều có cấu trúc hết sức độc đáo. Ngàn năm trôi mãi (Nhật quang lưu niên) kể lại câu chuyện về thôn Tam Tính, một ngôi làng không ai sống qua tuổi 40. Để bước qua lời nguyền, các đời trưởng thôn đã cố gắng tìm nhiều biện pháp khác nhau, nhưng cuối cùng họ đều thất bại. Tiểu thuyết sử dụng kết cấu đảo thuật, trang đầu miêu tả tình tiết cuối cùng phát sinh, sau đó từng bước lần về kể lại những sự kiện đã qua, giống như cuốn băng ghi chậm được tua ngược. Dạng kết cấu đảo thuật này được nhà nghiên cứu Vương Nhất Xuyên định danh là “thể tìm nguồn” (索源体: sách nguyên thể, sách = tìm kiếm). Diêm Liên Khoa đã từng hé mở ý nghĩa của kết cấu này trong phần lời nói đầu của tiểu thuyết Ngàn năm trôi mãi (Nhật quang lưu niên): “Trong thế gian, khoảng cách của chúng ta với xã hội quá gần, mà khoảng cách với gia đình, với quê hương thì quá xa. Chúng ta đã đi xa bao nhiêu năm, quên đi bao ký ức… tôi buộc phải viết một cuốn sách giúp tôi tìm thấy được ý nghĩa nguyên sơ từ thủa ban đầu kiếp người, chỉ như thế, tôi mới có thể bình tâm đối diện với nhân sinh, đối diện với chính mình, đối diện với thế giới mà không quá lầm lạc”. Như vậy, qua việc đảo ngược thời gian trần thuật, nhà văn muốn thể hiện ý thức tìm nguồn - tìm về nguồn gốc ban đầu của nhân sinh, qua đó ngụ ngôn hóa ý nghĩa câu chuyện, ẩn dụ cho quá trình luân hồi của đời người - ý nghĩa tồn tại của thời đại, của dân tộc và nhân loại. Nằm trong một kết cấu đậm “thi tính” và triết mỹ, hình thức đảo thuật được nhà văn sử dụng không nằm ngoài ý thức “khám phá chu kỳ sống và chết, nghịch lý của sự sống và cái chết, mối quan hệ của nó với nghi thức sống và chết ban đầu trong hình thức đảo thuật, cung cấp một mô hình biểu tượng giàu trí tưởng tượng để khám phá một cách sâu sắc những tầng sâu còn bí ẩn trong đời sống hiện đại của người Trung Quốc” (Vương Nhất Xuyên). 2. Thông thường trong tiểu thuyết, kết cấu thời gian là kết cấu trọng yếu. Triệu Nghị Hành xem thời gian trần thuật (narrative time) là thời gian trừu tượng, một khái niệm tương đối mơ hồ, bao gồm 4 phạm trù có sự cách biệt khá lớn: thời gian được trần thuật (narrated time), thời gian của hành vi trần thuật (narration time), khoảng trống ngắt quãng của thời gian trong và ngoài văn bản (texfual-extratextual time gap), thời gian trần thuật có chủ ý (temporal intentionality). Tất cả những cái gọi là “thời gian” đều có ba hình thái khác nhau: “thời khắc” (moment), “thời đoạn” (duration) và “thời hướng” (directionality). Thời gian trần thuật kiến tạo dựa trên dòng tuyến tính của ngôn từ, có tính gián đoạn qua các chương, mục, đoạn. Cấu trúc của tiểu thuyết Ngày tàn (Nhật tức) là kết cấu thời gian. Thời gian ở đây được đánh dấu bằng các mốc thời gian theo chiều tuyến tính. Các sự kiện trong mỗi chương đều dùng số giờ để đặt tên. Do được kể lại từ ngôi thứ nhất xưng “tôi” là nhân vật chính Lý Niệm Niệm - một đứa trẻ 14 tuổi trí não không bình thường, nên các sự kiện đôi khi được kể một cách lộn xộn, phi logic. Trong đó, có một chi tiết thuộc phần “Hậu biên: hãy nói thêm vài lời” rất đáng suy ngẫm: “ông ta bước vào, lấy hành lý đặt ở cửa. Nhìn tôi, một tay cầm món trứng và sữa điểm tâm để cạnh mẹ. Mấy người chúng tôi, đều nhìn người mang những món này tới. Sau khi ông ta đặt những món quà này xuống, thấy cha tôi vẫn chẳng nói một lời. Cả ngày không nói. Một tháng không nói. Một đời cũng không nói. Cuối cùng, ông ta lấy ra từ vali rất nhiều sách. Một đống sách. Đó là “Những năm tháng sống như nước”, “Phong nhã và ánh mặt trời”, “Mộng Đinh trang”, “Tử thư”. Lại có “Ngày tháng năm” và “Đất ruộng của tôi và cha chú”. Những cuốn sách này đặt trước mặt cha tôi. Châm một đốm lửa. Đốt sạch đống sách”; đoạn tiếp theo: “Cái cây thưa thớt hoa ban đầu bây giờ nở hoa dày đặc... Các cánh hoa cúc vàng và đỏ, nở từng đóa lớn trong không gian. Mùi hương nồng tới mức gió cũng không thổi át được... Mặt trời rất sáng. Những bông hoa và lũ chim đang hít thở không khí dưới ánh nắng, âm thanh nhỏ tới mức giống như ánh sáng đâm vào không khí. Khung cảnh này giống trong tiểu thuyết Ngày tháng năm của Diêm Liên Khoa. Có lẽ đó là kết thúc. Có lẽ không”. Trong hai đoạn này, tên của những cuốn sách mà đứa trẻ kể ra chính là sự ghép lại từ tên của các tác phẩm Diêm Liên Khoa: “Những năm tháng sống như nước” (Hoạt thụ chi lưu niên dữ như thủy) là ghép từ “Làng Thụ Hoạt” và “Cứng rắn như nước”; “Phong nhã và ánh mặt trời” (Phong nhã dữ nhật quang) là ghép từ “Phong Nhã Tụng” và “Ngàn năm trôi mãi ”; “Mộng Đinh trang” là đảo ngược tên của “Giấc mộng làng Đinh”; “Tử Thư” xuất phát từ “Tứ Thư” nhưng dùng từ gần âm “Tử” - “Tứ”; “Nhật nguyệt niên” sắp xếp lại từ “Niên nhật nguyệt”; “Đất ruộng của tôi và cha chú” (Ngã đích cao điền dữ phụ bối) là rút từ tên của tập tản văn Tôi và cha chú. Có thể thấy tính liên văn bản trong siêu tự sự trên, cách viết này cho thấy tinh thần chơi cùng ngôn ngữ của nhà văn, đồng thời sự sắp xếp có vẻ lộn xộn và phi logic của nó phù hợp với điểm nhìn của một đứa trẻ thần kinh có phần bất thường. Diêm Liên Khoa nhận ra rất khó thu hút độc giả bằng cách kể chuyện đơn giản, ông thấy được tầm quan trọng của việc cần phải tìm một hình thức hấp dẫn cho nội dung: “Bởi phải dựa vào câu chuyện mà tồn tại, nên anh phải cấp cho câu chuyện một dưỡng chất sống, bắt buộc phải tìm một hoặc nhiều cách duy trì, khiến cho câu chuyện dẫu không thể trở thành một cái cây cao chót vót trong đời anh, không thể tràn trề sức sống nghệ thuật, thì chí ít, hãy cho nó có được màu xanh của tán lá trong sự viết, cho nó có chút hương thơm và sắc xanh trong khu vườn nghệ thuật”. 3. Sau giai đoạn đầu sáng tác, Diêm Liên Khoa đã tránh được cách kể chuyện đơn giản (chỉ sử dụng một kết cấu tự sự tuyến tính duy nhất) và tìm cách thay đổi cấu trúc của tiểu thuyết. Trong Cứng rắn như nước (Kiên ngạnh như thủy), tác giả xây dựng hai tuyến truyện, một bên kể lại quá trình Cao Ái Quân theo đuổi sự nghiệp cách mạng, một bên miêu tả cuộc tình điên cuồng giữa Cao Ái Quân với Hạ Hồng Mai, tạo thành hai tầng trần thuật phong phú. Kết cấu song tuyến này cũng được áp dụng với Làng Thụ Hoạt. Trong Làng Thụ Hoạt, Diêm Liên Khoa phát triển câu chuyện thành hai tuyến: tuyến thứ nhất kể chuyện người dân Làng Thụ Hoạt bắt đầu làm giàu dưới sự lãnh đạo của Liễu huyện trưởng, tuyến thứ hai là quá trình tìm cách “thoát xã” của Mao Chi Bà. Tuyến thứ nhất dường như nổi lên trên bề mặt, nhưng thực tế, tuyến thứ hai có tính cấu trúc mạnh hơn, nó không chỉ thúc đẩy và kéo dài thời gian trần thuật trong mối quan hệ nhân quả với cái trước, mà còn quyết định đến bố cục phức tạp của không gian trần thuật. Việc Mao Chi Bà lãnh đạo người dân tìm cách thoát xã, chính là tìm cách thoát ly khỏi “quyền lực”, “cách mạng” và “thể chế” - kiềng ba chân của hệ thống chính trị nông thôn đại lục, đồng thời là hạt nhân trong kết cấu của nhiều tiểu thuyết như Ngàn năm trôi mãi, Cứng rắn như nước, Giấc mộng làng Đinh, Làng Thụ Hoạt. Lựa chọn cách sắp xếp này, cùng với đặt Làng Thụ Hoạt làm tiêu đề, tác giả muốn nhấn mạnh giá trị của đời sống cá nhân tự do tồn tại trong xã hội, trái ngược với dục vọng theo đuổi mục đích chính trị. Mặt khác, trong Làng Thụ Hoạt, Diêm Liên Khoa đã sử dụng hai hình thức “chính văn” và “chú thích” khác nhau để bố trí hình thức trần thuật, đây thực sự là một đổi mới của Diêm Liên Khoa trong cấu trúc kể chuyện. Trước tiên, sự sắp xếp riêng phần chú thích giúp người trần thuật xử lý được một số lượng lớn tài liệu trong chính văn, từ đó kéo dài liên tưởng của người trần thuật mà không phá hủy sự gắn kết của văn bản. Thứ hai, nó hữu ích trong việc khơi dậy ký ức và tri thức vốn có của người đọc và củng cố sự hiểu biết của họ trên nền tảng câu chuyện trong tiểu thuyết. Sự pha trộn của hai thành phần trần thuật này tạo nên một thế giới nghệ thuật độc đáo, là kết quả của sự cách tân về mặt cấu trúc tự sự của tác giả. Làng Thụ Hoạt gồm tám quyển (37 chương), lần lượt theo thứ tự là: sợi (rễ con:毛须), rễ (根), thân (干), cành (枝), lá (叶), hoa (花儿), quả (果实), hạt (种子). Làng Thụ Hoạt sử dụng tên gọi chu kỳ tăng trưởng thực vật để đặt tên các chương, dùng tên thực vật để đặt tên cho nhân vật (Mao - cỏ tranh, Liễu - cây liễu), còn số chương và cách đánh số trang đều dùng số lẻ (nhiều nhất là số 3 và 5). Với đặc trưng của ngôn ngữ Trung Hoa là tượng hình, nhà văn chú ý đến cả kênh lời và kênh hình trong việc tạo lập kết cấu. Từ “sợi” đến “hạt” thể hiện mối quan hệ nhân quả của các sự kiện. Tác phẩm lúc này là một cái cây mà mỗi quyển là một bộ phận của cái cây đó: sợi - rễ - thân - cành - lá - hoa - quả - hạt. Sự phát triển của các chương tiếp sau chính là các giai đoạn phát triển và kết quả sinh trưởng của cây cấu trúc tác phẩm. Kết cấu thú vị này ẩn dụ cho vòng quay của một đời người, quan niệm về tính luân hồi trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Trong tiểu thuyết, nhân vật chính Liễu Ưng Tước sinh ra từ nông thôn, sau bao âm mưu, biến cố, lại quay về nông thôn, khép lại vòng luân hồi của kiếp người. Việc sử dụng số lẻ để đánh số trang cũng là một sáng tạo của Diêm Liên Khoa, số lẻ thuộc dương, ẩn dụ cho vòng luân hồi và sự tái sinh. Mặt khác, tiểu thuyết không dùng tiêu chí thời gian hiện đại (dương lịch) mà biểu thị thời gian theo can, chi của lịch âm (nông lịch), lựa chọn này hết sức thích hợp để nhấn mạnh đặc trưng của không gian Làng Thụ Hoạt - một mảnh đất “đào nguyên” hoàn toàn cách ly với thế giới - nơi ý niệm về xã hội hiện đại và lịch sử cách mạng đều biến mất trong ý thức người Làng Thụ Hoạt. Như vậy có thể thấy, kết cấu của tiểu thuyết có vai trò rất quan trọng trong thể hiện chủ đề tác phẩm, và bản thân nó cũng trở thành một bộ phận của nội dung tiểu thuyết, điều này không nằm ngoài ý đồ nghệ thuật của tác giả: “Kết cấu, trần thuật, ngôn ngữ, tình tiết, chi tiết… đều thuộc về văn thể. Có lúc nó (các yếu tố trên) là một bộ phận của văn thể, có lúc nó có thể độc lập trở thành một bộ xương sống, một văn thể. Thậm chí, trong sự phát triển của câu chuyện, văn thể dường như biến mất, sau khi đọc mỗi chương, mỗi đoạn, hoặc cả thiên truyện, mới phát hiện ra sự kỳ diệu của văn thể lại nằm ở chi tiết”. Trong Làng Thụ Hoạt còn có một điểm độc đáo, đó là việc nhà văn sử dụng hình thức “nhứ ngôn” (nhứ ngôn絮言 hay nhứ ngữ絮语: được hiểu như lời dẫn hoặc chú thích) cho mỗi chương. Trong 8 quyển với 37 chương thì có 9 chương dùng “nhứ ngôn” để đặt tên. Các trữ ngôn được phân bổ xen kẽ, số lượng từ của phần “nhứ ngôn” chiếm hơn một phần ba toàn bộ tác phẩm, trong mỗi “nhứ ngôn” lại bao hàm một hoặc vài “nhứ ngôn” khác, “nhứ ngôn” khác này lại bao hàm một “nhứ ngôn” khác nữa tạo thành một hình thức “nhứ ngôn liên hoàn”. Sự liên kết và xen kẽ “nhứ ngôn” tạo nên kết cấu đa tầng bậc cho tiểu thuyết. Xét về mặt công năng tự sự, nó có hiệu quả giải thích và mở rộng nội dung lên tới mức tối đa, hơn nữa một phần lớn “nhứ ngôn” có thể tạo thành cốt truyện của tác phẩm. Có thể nói, Làng Thụ Hoạt là một nỗ lực thử nghiệm của Diêm Liên Khoa về mặt hình thức tiểu thuyết. Tác phẩm vừa là sự phản ánh hiện thực vừa là sự xâm nhập và sáng tạo hiện thực. Việc sử dụng chú thích trong tác phẩm (Làng Thụ Hoạt, Ngàn năm trôi mãi) tạo nên một dạng thi pháp đa trị với nhiều tầng bậc trần thuật, biến hiện thực giới hạn trở thành một hiện thực thậm phồn, một hiện thực số nhiều tạo nghĩa, không phải là hiện thực được phản ánh mà là hiện thực của văn bản. Xét về mặt hoạt lực tự sự, các chú thích và lời dẫn phá vỡ tính khép kín của thể loại, khai thác ưu thế của người kể chuyện, có công năng giải thích phương ngữ Hà Nam đồng thời phái sinh các nghĩa ẩn dụ. 4. Tự sự dường như là yếu tố thuộc về phong cách, nhưng như nhận xét của Vương Nghiêu: “thể loại tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa không phải là kết quả của phương pháp mà là kết quả của phương pháp luận”, tức nó là sản phẩm của sự kiến tạo bởi tinh thần - kết tinh từ ẩn ức và trải nghiệm về lẽ sống chết, những truy vấn về lịch sử, nỗi quan hoài về số phận người nông dân Trung Hoa, những vẫy vùng của bản thân nhà văn trong ngữ cảnh văn học - văn hóa - chính trị truyền thống. Lúc này, kể chuyện với Diêm Liên Khoa đã trở thành một kiểu sinh tồn: “Quá trình ngày ngày kể chuyện của chúng ta (tôi), chắc chắn là một sự thất bại, hoặc đang đi đến thất bại… Chúng ta muốn sống trong việc không ngừng kể chuyện, dùng câu chuyện để chứng minh bản thân, đánh dấu vị trí của chúng ta trong biển người, thậm chí, dùng kể chuyện để nâng đỡ sinh mệnh”. Quá trình kiến tạo văn bản, với nhà văn, là một tinh thần nỗ lực không ngừng đẩy hòn đá lên đỉnh núi của Sisiphus, trong sự trăn trở tìm cách kể và kể lại những câu chuyện của thế gian bằng mã thi pháp của riêng mình.

..................................... 1.Trong phần nội dung bài viết, người viết dịch tên các tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa để bạn đọc tiện theo dõi 2.Diêm Liên Khoa (2001), Tìm kiếm văn thể - văn thể mà tôi muốn, Bình luận tác giả đương đại, kỳ 6 3.Vương Nhất Xuyên (2001), Sự phục nguyên của nghi thức trò chơi sinh tử trong đặc trưng “thể tìm nguồn” của Ngàn năm trôi mãi, Bình luận tác giả đương đại, kỳ 6 4.Diêm Liên Khoa (2012), Ngàn năm trôi mãi, Nhà xuất bản Nhân dân Thiên Tân, tr.2-3 5.Triệu Nghị Hành (2013), Tự sự học mở rộng, Nhà xuất bản đại học Tứ Xuyên, tr.145-147 6.Diêm Liên Khoa (2016),Ngày tàn, NXB Mạch Điền 7.Diêm Liên Khoa (2016),Ngày tàn, sđd 8.Diêm Liên Khoa (2001), Tìm kiếm văn thể - văn thể mà tôi muốn, sđd 9.Vương Nghiêu (2017), Văn học đương đại Trung Quốc, Đỗ Văn Hiểu dịch, NXB Khoa học xã hội, 2017, tr.199 10.Dẫn theo Vương Nghiêu (2017), Văn học đương đại Trung Quốc, Sđd, tr.199.

Nguyễn Thị Thúy Hạnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy