Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
07:28 (GMT +7)

Ích dụng của thơ

VNTN - Những câu hỏi đang được đặt ra: thơ đi về đâu? thơ có ích lợi gì? khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Đi cùng những câu hỏi là thái độ dè bỉu hay xem thường, thậm chí mai mỉa thơ. Dưới cái nhìn toàn thể, xem thơ như một sự kiện xã hội, với thái độ nhân văn và một tinh thần thông hiểu, sẻ chia, bài viết này bày tỏ những suy ngẫm về ích dụng của thơ trong xã hội đương đại.

Người ta quả đã không có được sự đồng cảm cùng với thơ. Do vậy, định kiến là điều không tránh khỏi. Những phân tích tại đây không hướng tới việc đánh giá thơ hay và thơ dở. Thơ được hình dung như một thực thể, một không gian hay một dữ kiện văn hóa - xã hội. Tại đó, thơ nói lên nghĩa lý tồn tại của mình.

Thơ có lịch sử rất lâu đời trong nền văn chương của nhân loại. Từ hình thức kể chuyện rong, hát thơ trong các thành bang cổ đại Hy Lạp đến những áng Kinh thi của Trung Hoa, những câu ca dao của người Việt,… sự hiện diện của hình thức thơ nói lên đời sống tinh thần của con người. Trong xã hội đương đại, việc thơ xuất hiện ngày càng nhiều, đến mức, người ta dùng đến khái niệm “lạm phát thơ” để gọi tên thực trạng này. Nhiều người có ý mỉa mai hay dè bỉu thơ, cho rằng nó vô ích, vô nghĩa. Không ai đọc thơ, nhà thơ bị coi rẻ, tác phẩm thơ không bán được, chủ yếu là biếu tặng, dường như đã nói lên đời sống vô nghĩa, dư thừa của thơ trong xã hội đương đại. Gần đây, một số hoạt động tôn vinh thơ một cách “nghiệp dư” lại càng làm cho hiệu ứng rẻ rúng này lan tỏa trong xã hội. Xét từ góc độ xã hội học, trước khi là hiện tượng nghệ thuật, thơ là một sự kiện, một hiện tượng xã hội. Bởi thế, đánh giá thơ hay hoặc dở, để rồi rẻ rúng thứ thơ được xem là dở, vô hình trung đã không có được sự thấu hiểu cần thiết hay đúng hơn là không có được cái nhìn “toàn thể” về một sự kiện xã hội. Từ cái nhìn sâu hơn vào hiện hữu, chúng ta thấy rằng, thơ chính là ngôi nhà để con người nương náu bên cạnh không gian địa lý sinh tồn. Sống trong không gian thơ ca là sống với những mộng mơ, tưởng tượng. Nghĩa là, thơ tạo nên một không gian thi vị về “Nhà”, nơi con người hiện hữu. Thơ giải tỏa các trạng thái dồn đẩy tâm lý. Cái vui buồn hờn giận yêu ghét - thất tình lục dục, hỉ nộ ái ố của đời sống được lắng kết vào thơ, làm cho thơ trở thành một phương thức sống. Trong một nghiên cứu theo hướng nhân học xã hội, Kate Jellema với bài viết: “Quê hương chùm khế câu đầu trong thơ” - thơ của những người yêu thơ và xây dựng một cộng đồng đổi mới đã chỉ ra vai trò của các câu lạc bộ thơ, của phong trào thơ ca quần chúng trong việc kiến tạo không gian sinh tồn ở Việt Nam. Thơ thể hiện cảm quan của con người về đời sống, nơi sống và trạng thái tinh thần của họ. Chính từ thơ, những liên kết xã hội được thực hiện. Cộng đồng đổi mới vì thế có thể được xây dựng thành công trên những giá trị nhân văn như thế. Điều này dường như càng có thêm xác tín khi chính người viết bài này đã nhận được sự chia sẻ từ những người làm thơ lớn tuổi về nhu cầu cần một điểm tựa, một nghị lực để họ có thể sống tốt hơn trong hoàn cảnh của bản thân (Hiện đại và những động thái của truyền thống ở Việt Nam: những cách tiếp cận nhân học, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2010).

Trở lại với nền thơ đương đại Việt Nam, hàng năm có rất nhiều ấn bản thơ ra đời. Tạm gác lại câu chuyện của những câu lạc bộ thơ, chỉ xét đến những ấn phẩm thơ được in thành tập hoặc đăng báo - tạp chí, đó quả là con số khổng lồ. Trong quang cảnh khá đìu hiu của thơ ca thế giới, nơi mà thơ trở nên hiếm hoi, ít ỏi (bởi không còn ai quan tâm đến thơ nữa), thì ở Việt Nam, thơ vẫn nở rộ. Điều đó có thể được lý giải từ nhiều góc độ. Tuy nhiên, trên thế nhìn nhân văn, tích cực, thơ đã tạo nên một cộng đồng của xúc cảm và suy tư. Vẫn nhận thấy trong hầu hết các sáng tác của những cây bút có thể xem là lão thành hiện nay như Hữu Thỉnh, Trương Đăng Dung, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Đàm Khánh Phương, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Trọng Khơi,… đến các cây bút thế hệ sau như Miên Di, Vi Thùy Linh, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Phong Việt, Hoàng Đăng Khoa, trẻ hơn nữa như Lữ Thị Mai, Nồng Nàn Phố, Du Nguyên, Mạc Mạc, Linh Lê, Nguyễn Thị Thùy Linh, Kai Hoàng,... những trăn trở, suy tư về cuộc sống, về con người, về những gì rất gần gũi với bản thể hôm nay. Đọc thơ họ, dẫu nhiều âu lo, nhưng vẫn thấy thơ dường như là con đường dẫn đến sự an tĩnh cho tâm hồn. Viết và viết. Phải viết ra như là cách thức của đời sống. Như thế, chưa cần đến việc xuất bản, in ấn hay việc đọc của công chúng, ngay hành vi viết đã mang trong nó giá trị của sự cứu rỗi. Chẳng hạn, trường hợp Nguyễn Quang Thiều, ông làm thơ, vẽ tranh, viết tản văn, phê bình,… Điều đó nói lên những trạng thái sống của con người. Thơ Nguyễn Quang Thiều là nơi cảm xúc suy tư mang tính “sử thi tôn giáo” (Chu Văn Sơn) của ông được biểu lộ. Từ thời Ngôi nhà mười bảy tuổi, Sự mất ngủ của lửa, Những người đàn bà gánh nước sông đến Châu thổ, người ta nhận thấy những suy tư ngày càng dầy lên, cồn cào, chực như bục vỡ. Vậy nên, Châu thổ bộn bề, trù mật như thế. Cảm thức về cuộc sống, về kiếp người, về những biến chuyển của cõi người qua lăng kính một cá nhân nhạy cảm, giàu suy tư buộc phải hiện hình thành câu chữ, thành hình tượng (nếu để ý sang hội họa, ta sẽ thấy tranh của Nguyễn Quang Thiều chuyển đạt khá rõ nét cảm quan sử thi tôn giáo của ông). Điều đó làm cho Nguyễn Quang Thiều cân bằng trở lại để thực hiện nhiệm vụ làm người của mình một cách trọn vẹn. Ở thế hệ đầu 8x, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã nhận thấy cần phải viết. Viết để được sống đúng như những thôi thúc trong thăm thẳm của lòng mình. Mặc dù đang học Đại học Ngoại thương, mặc dù có nhiều cơ hội để tìm được việc làm, có đời sống vật chất đủ đầy, nhưng anh lại chọn con đường làm thơ và viết tiểu thuyết. Với người khác có thể là dị thường. Nhưng, với Nguyễn Thế Hoàng Linh, con đường đó là biểu hiện của việc hiểu rằng chỉ có viết mới có thể duy trì sự bình thường. Trường hợp khác còn rất trẻ như Nguyễn Thị Thùy Linh (sinh năm 1991), chị vừa đoạt giải nhì cuộc thi thơ trên tạp chí Văn nghệ quân đội (2016). Những bài thơ đoạt giải như: Khi anh yêu em, Lala bé bỏng, Mở cửa ngục…, đã cho thấy khía cạnh ích dụng của thơ. Những thế giới của xúc cảm, suy tư chuyển hóa thành nhịp điệu, hình ảnh và nhạc tính, trong sự gợi mở của lời làm nên vẻ đẹp của thi ca. Thế giới ấy, non tươi, trẻ trung nhưng đôi chỗ chạm đến cái trầm tĩnh cần thiết của trải nghiệm. Thế giới ấy vừa trần thế lại vừa phảng phất chút huyền hồ siêu thực. Thế giới ấy rất đời, nhưng nghe kỹ, lại cảm được những vọng âm xa xôi chớm một sắc thiền. Thơ Nguyễn Thị Thùy Linh giăng mắc ở khoảng giữa của những đối cực như thế. Bởi Linh còn trẻ? Một chút thôi. Nội lực làm nên tinh vân ấy là một tâm hồn đang bay múa giữa nhiều cung bậc, mà đôi khi, chính Nguyễn Thị Thùy Linh cũng chưa định rõ cho mình. Điều đó có gì là quan trọng? Hành trình giữa những giao thoa, những ranh giới và vượt qua ranh giới mới làm nên sự sống. Với Nguyễn Thị Thùy Linh, thơ là nơi cô có thể sắp đặt và kiến tạo thế giới riêng của mình. Đó là thế giới mà cô khao khát. Vậy thì, thế giới đó sẽ giúp Linh vượt qua những điều bất như ý của đời sống, của công việc, của muôn vàn mối quan hệ mà cô có thể kiểm soát hoặc không thể kiểm soát. Với nhiều nhà thơ khác cũng như vậy. Họ vừa làm nhà báo, công an, bộ đội, giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, nhân viên truyền thông,… vừa làm thơ. Thơ chính là cái gia vị không thể thiếu, thậm chí tối thiết giúp duy trì đời sống của họ. Giá thử, không có thơ, họ sẽ ra sao? Thơ làm hiện lên ở khía cạnh “mộng mơ” nhất những tầng vỉa của con người cá nhân trong một đời sống giăng mắc chằng chịt các quan hệ, tương giao.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)

An toàn tinh thần trong xã hội đương đại là điều chúng ta cần nói đến trong suy tư về ích dụng của thơ. Dù hay, dù dở, dù hiện ra với hình thái nào, thơ vẫn là nơi cư ngụ của tâm hồn, sự hiện hữu của con người. Rộng hơn, thơ kiến tạo một không gian sống. Bởi vậy, thái độ khinh miệt hay phỉ báng, rẻ rúng thơ chính là biểu hiện của một xã hội đang thiếu đi những thông hiểu và chia sẻ. Hãy hình dung về thơ như là sự hiện diện của những điều vắng mặt, hay, đó là sự hiện ra của những thế giới siêu hình, trừu tượng. Làm cụ thể hóa các dữ kiện vô hình, thơ như một phương thức tái lập cân bằng, một van xả hay một nguồn trợ lực cho sự sống. Vì những điều không nên định giá là hay dở đó, ích lợi của thơ luôn là điều đáng nói trong bối cảnh đương đại. Thơ cứu rỗi con người trước những nguy cơ của xã hội, trong nền kinh tế thị trường đầy bất trắc, trong những hiện diện vô cảm. Thơ như thế là một cách tự chữa trị của con người trong đời sống rất dễ tổn thương hiện nay. Sự bất an là điều ai cũng có thể nhận ra trong thế giới mà chúng ta đang sống. Bất an về sức khoẻ, về kinh tế, những khả năng hiện sinh đã đẩy con người đến những mưu cầu tôn giáo - tín ngưỡng, cơ hội thị trường, cơ hội giáo dục, nhu cầu chữa bệnh,… tạo lập trạng thái an sinh xã hội. Thơ, trong guồng quay “tìm kiếm an toàn tinh thần” đã phát huy năng lực tự chữa trị cho cá thể, đồng thời hình thành những không gian nhân tính nhằm kháng cự các nguy cơ đến từ xã hội. Chúng ta dường như được tiếp thêm sức mạnh, tinh thần yêu nước qua Tổ quốc gọi tên mình của Nguyễn Phan Quế Mai, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến. Khi trầm tư trước đời sống, người đọc có thể nhận ra những cảm xúc sâu lắng về tồn tại, hiện hữu của kiếp người qua thơ của “thi sĩ - triết gia” Trương Đăng Dung (Những kỷ niệm tưởng tượng). Khi đã mỏi mệt với dòng đời, đôi khi lắng lại để đọc thơ ba câu của Mai Văn Phấn (Thả),… Đó chính là cơ hội của con người, mà nhiều khi vì bận rộn, vì mê mải, con người đã vô tình đánh mất. Cả sáng tạo thơ và thưởng thức thơ, trong những đòi hỏi cần thiết, chu đáo cho các hành vi này, đã giúp con người sống chậm lại, cảm nhận được những cái tinh vi, nhỏ bé, mong manh hơn của đời sống. Vì thế mà con người được tái tạo, được bồi đắp, được tiếp thêm năng lượng. Cái ích dụng của thơ vẫn ở đấy, mà con người đôi khi vì những lý do ngoại thân đã vô tình không để ý.

Hãy nhìn vào nền thơ đương đại Việt Nam, sự trương nở của nó, như đã nói, trong tư cách hiện tượng xã hội nói lên trạng thái tinh thần, thái độ, ứng xử của con người. Làm thơ trong nghĩa lý nội tại của hành vi này là điều phải được trân trọng bất kể nó hiện diện như thế nào. Những mộng mơ về quá khứ, truyền thống, lịch sử hay những tưởng tượng về tương lai, những ám ảnh vô thức hay những suy tư, biểu cảm về thực tại, ý thức, những duy trì có tính chất mẫu hình của thơ truyền thống hay những tìm tòi cách tân xa lạ,… có vai trò bình đẳng trong việc biểu hiện chân dung con người đương đại.

Thơ đi về đâu? Đó là câu hỏi mà việc đặt ra nó đã hàm chứa thái độ bất bình đẳng hay những định kiến về giá trị, ích lợi của thơ. Đáp án cho câu hỏi này, ở tâm thế hiện nay, là thơ đã biến mất, thơ vô dụng,… Đáp án này thực tế đã có (bởi định kiến), trước khi câu hỏi được nêu ra. Sự thật, thơ chẳng đi đâu cả, nó ở giữa cõi nhân gian đầy xáo trộn, đầy bất trắc, bất toàn. Một cộng đồng thông hiểu và nhân ái sẽ hiểu rằng, một tiếng thơ chính là một tâm sự, một “tiếng lòng”. Dù hay dở thế nào, nó cũng giúp ta nhận ra người khác (tha nhân), qua đó nhận ra chính mình (tự ngã). Trong những động thái này, điều cần được ý thức chính là không có gì hiện diện mà vô nghĩa. Mỗi cá nhân là một bản thể, một giá trị không lặp lại và luôn có xu hướng tự đóng kín. Chỉ có gặp gỡ mới có thể khai mở những thế giới đóng kín. Đó là nền tảng tinh thần cho tiến trình thông tri giữa các cá thể trong xã hội, giữa các nền văn hóa.

Thơ là thể loại phản ánh thế giới chủ quan cá nhân. Trong sự hoài nghi về ích dụng của thơ, chúng ta nói đến vai trò tạo dựng trạng thái an toàn cho con người trong không gian sống nhiều rủi ro hiện nay. Từ lăng kính “an ninh con người”, chúng ta hi vọng những cái nhìn, thái độ và ứng xử một cách nhân văn hơn với thơ, qua đó, với những bản thể khác. Điều đó, phải chăng có thể “làm dịu đi những nỗi âu lo và sợ hãi”, giảm trừ những động thái chia tách, ngăn cản con người đến gần nhau hơn, thông tri và cộng cảm. Ích dụng của thơ hiện lên trong những nỗ lực nhân văn như thế.

Nguyễn Thanh Tâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy