Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
10:20 (GMT +7)

Hội chứng “bắn chỉ thiên”

Quyết liệt, tăng cường, nâng cao, đẩy mạnh, phát huy hơn nữa, tăng cường hơn nữa… đó là những từ chúng ta thường nghe, thường đọc thấy hàng ngày trên các bài phát biểu, các báo cáo của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Tranh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Còn nhớ, ngày 1/8/2016, phát biểu chỉ đạo trong phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi được Quốc hội khóa XIV bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch Nước) đã thẳng thắn: “Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ”. “Bắn chỉ thiên” có lẽ là “căn bệnh” trầm kha không phải sẽ nhanh chữa khỏi trong một sớm, một chiều.

“Bắn chỉ thiên”, thoạt nghe có vẻ vô hại nhưng thực chất lại gây tác hại rất lớn bởi đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dối trá, đổ vấy và không dám chịu trách nhiệm khi sự cố xảy ra bởi phân công không rõ ràng. Lâu nay trong các báo cáo, trong các hội nghị, trong các hội thảo mọi người đã không còn xa lạ gì với hiện tượng này. Các cụm từ như nâng cao, đẩy mạnh, tiếp tục phát huy, tăng cường, phát huy hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa v.v. thi nhau xuất hiện trong các báo cáo trở thành những từ sáo rỗng nghe đến nhàm chán theo kiểu: “Thi đua ta quyết thi đua/ Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu/ Hàng đầu không biết đi đâu/ Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”.

Có những báo cáo, dài cả chục trang nhưng lượng thông tin hầu như không có hoặc vô cùng ít ỏi. Trong thực tế đã xảy ra những câu chuyện nực cười là có những báo cáo có thể “xài” nhiều lần, nhiều năm với điều kiện chỉ cần sửa lại ngày tháng và số liệu cho phù hợp. Vì “bắn chỉ thiên” nên mới có việc trong các báo cáo, thành tích năm sau bao giờ cũng lớn hơn, nhiều thành tựu hơn năm trước, tất nhiên những thành tựu này cũng chung chung nốt kiểu như: nhìn chung có bước phát triển; thực hiện có hiệu quả… Đánh giá thì như vậy, nhưng cũng không có giải thích nào để người tiếp cận thông tin hiểu đã “nhìn chung” thì cái gì là “nhìn riêng”; “có bước phát triển” là bước gì, dài ngắn ra sao. “Thực hiện có hiệu quả” nhưng đã có ai tính được hiệu quả của nó?...

Cũng vậy, có những kế hoạch, phần nhiệm vụ, giải pháp đa phần chung chung, không có người chịu trách nhiệm chính và vẫn “bắn chỉ thiên” trúng đâu thì trúng là chính. Cũng vì chung chung nên mới dẫn đến tình trạng thành tích thì sẽ có người nhận nhưng thất bại thì không biết “quy” cho ai. Và, kết cục là “Làm sao cũng chẳng làm sao/ Dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao”.

Thậm chí, một nơi được xem là cần sự chuẩn mực như các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng đã lây “bệnh” này. Có những buổi hội thảo mà không thấy “thảo” ở đâu, chỉ toàn là “hội”, các “cây đa, cây đề” lên diễn đàn để ban phát chân lý bằng cách đọc không thiếu một từ trong báo cáo tham luận, hội nghị vỗ tay và đi xuống.

Các giải pháp đưa ra cũng rất “bắn chỉ thiên”, hết sức chung chung, ít có những phát hiện mới, những vấn đề đặt ra cần tranh luận và thật ra cũng chẳng áp dụng được gì. Trong thực tế nhiều lúc có những hội thảo “hẹp” về không gian, ví dụ như một vấn đề gì đó ở vùng Đông Nam Bộ thì đa phần các báo cáo tham luận đều có phần: đặc điểm tự nhiên, dân cư, kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ. Đây là đoạn viết vô ích và lãng phí giấy mực in bởi đã hội thảo về Đông Nam Bộ thì đương nhiên người viết và cả chủ tọa hội thảo đều phải biết những nội dung này và chắc chắn nó đã được đưa vào đề dẫn hội thảo.

Chữa “căn bệnh” này không thể một sớm, một chiều nhưng đã đến lúc cần giải phẫu để hy vọng tương lai có thể bớt bị chứng kiến những màn “bắn chỉ thiên” ngoạn mục đó.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Băn khoăn… chờ lương mới

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Chuyện tặng sách

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Việc kiêm nhiệm và vị trí việc làm

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Hãy là hình ảnh đẹp trong mắt du khách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Về chuyện lương giáo viên

Xem tin nổi bật 5 tháng trước