Hoàng Thị Hiền “cháy mình” trong Gửi trăng về núi
(Đọc tập truyện ngắn “Gửi trăng về núi”, Nxb Thanh Niên, 2020)
VNTN - Những năm gần đây, Hoàng Thị Hiền nổi lên là một trong những cây bút trẻ nhiều triển vọng của tỉnh Thái Nguyên. Gửi trăng về núi là tập truyện ngắn đầu tay của tác giả.
Hoàng Thị Hiền là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở Hòa An - Cao Bằng, nơi có nền văn hóa độc đáo với những lễ hội mang bản sắc đậm đà, riêng biệt của tộc người non cao. Điều đó thổi vào tâm hồn Hiền những rung động và chất men say về vùng đất cội nguồn, với biết bao người dân thật thà chất phác, từng ngày, từng giờ đã và đang góp sức cùng nhau xây dựng bản làng thời đổi mới. Hiền có tình yêu da diết với quê hương, nơi những ngọn núi cao gối đầu lên vòm trời đầy mây trắng, nơi bạt ngàn cánh rừng con suối và những thửa ruộng bậc thang in dấu chân tuổi thơ. Để rồi 23 mảnh đời, số phận, thấm đẫm tình người, trĩu nặng nỗi niềm nhân thế đã hiển hiện sống động, đằm thắm, giản dị, trữ tình qua 23 truyện ngắn trong Gửi trăng về núi.
Dường như sự sắc sảo mà hồn hậu, chân thật nhưng tinh tế, phá cách nhưng chừng mực được toát ra từ sâu thẳm tâm hồn Hiền. Vì thế, truyện ngắn của tác giả trẻ phản ánh đậm nét hiện thực cuộc sống của người dân trên địa đầu phía Bắc Tổ quốc. Mỗi nhân vật mang nét tính cách khá tương đồng của hiện thực nhân sinh phong phú, thay đổi theo không gian, thời gian cuộc sống đương đại.
Hiền quan tâm đến những số phận nhỏ bé, đa đoan, phức tạp cùng biến cố đời người. Có thể nói, khi cuốn vào mạch văn, hút vào không gian nghệ thuật của riêng Hiền, bạn đọc sẽ cảm nhận, chiêm nghiệm một trần thế nghiêng ngả, nổi chìm, lênh đênh trong từng truyện, và bạn đọc lúc ấy dõi theo dòng tự sự nhiều nhịp độ của tác giả, với tâm thế, không gian, địa điểm diễn ra đầy đủ ái, ố, hỷ, nộ… của thăng trầm kiếp người. Cay đắng, nhưng hồn hậu. Đau xót đấy, nhưng nhân ái, bao dung.
Hành vi bạo lực ở con người là vấn đề được tác giả quan tâm đề cập. Bạo lực từ gia đình đến ngoài xã hội. Thế giới sinh tồn lo sợ sự phi mã của rượu chè đi đôi với bạo lực thể hiện rõ nét trong truyện Dòng sông chảy ngược. “Lão Cầm hoa chân, múa tay làm vỡ hết chum sành, bát sứ. Vừa múa lão vừa chửi...”, để rồi, người vợ cũng chính là sự hài hước hóa của bạc nhược: “Nhiều lần lão he hé mắt thấy mụ vợ rúm ró ở góc nhà, trông không khác nào mớ giẻ rách. Lão hài lòng với kẻ biết thân, biết phận coi chồng là báu vật”. Trong truyện Đường về, bạo lực phát triển theo cao trào của người chồng say rượu: “Những trận đòn không có nguyên nhân diễn ra thay lời yêu thương ngọt ngào”, và người vợ chịu đựng bằng cách trốn tránh: “Hễ anh say xỉn thì hai mẹ con lánh về ngoại”. Hay là nhân vật ông bố trong truyện Mặt hồ không gợn sóng: “Ông cay cú uống rượu say mèm, đập phá đồ đạc trong nhà. Ông trút giận lên vợ con”. Và những người con phải hứng chịu sự bê tha của ông bố: “Tôi không dám cả thở mạnh. Vợ chồng anh Quang là người chịu trận nặng nề”.
Ở truyện ngắn Đồi cỏ xanh, tác giả với giọng văn hóm hỉnh, trong trẻo, dụng công dùng thủ pháp ẩn dụ, đã giải mã cái ác đang tồn tại trong xã hội đương thời. Trong đó nhân vật người phản diện là chủ thể gây ra tội lỗi sát sinh.
Đa số truyện ngắn của tác giả trẻ Hoàng Thị Hiền có dung lượng không dài, mạch truyện, cách hành văn và tình tiết ngắn, khúc chiết, gần gũi, mộc mạc. 23 truyện ngắn chinh phục người đọc bằng lối hành văn dung dị mà thông minh, sắc sảo. Chính tư duy của tác giả trẻ có trình độ tạo nên cái nhìn thiên về duy lý chiều sâu, hướng tới nắm bắt hàm ẩn sâu xa sự vật, hiện tượng nhiều tầng, đa nghĩa qua tưởng tượng, liên kết phong phú các mối tương quan, qua đó khám phá bản chất bên trong nội tâm nhân vật. Truyện ngắn Gửi trăng về núi và Tiếng hát bên kia bờ đá đã mang đến cho bạn đọc những câu chuyện như thế.
Bằng sự quan sát thực tế, tư duy, trải nghiệm, nhân vật trong truyện ngắn của Hoàng Thị Hiền mang nhiều sắc thái khác nhau. Có nhân vật đẹp thuần khiết, bản tính nhân hậu; nhưng cũng có người mang bộ mặt của “quỷ đội lốt người” đi kèm bản tính xấu xa. Cũng có nhân vật mang hai bản tính tốt, xấu đan xen trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng chính là mô típ thông dụng các nhà văn từ xưa đã khai thác.
Trong một số truyện, tác giả xây dựng tuyến nhân vật thường theo mô típ có hai tuyến xấu - tốt, chính diện - phản diện, tích cực - tiêu cực. Đây là loại nhân vật đã định hình sẵn phẩm chất. Trong đó, nhân vật chính diện được tỏ rõ thái độ ngưỡng mộ, ngợi ca bộc lộ trong tính cách, tư tưởng,…, lối viết này dùng thủ pháp “tượng đài hóa hiện thực”. Đó là cô Thắm trong Đường về, là Đeng trong Mảnh trăng ở bản Tum, là Xuân trong Gửi trăng về núi…
Thế giới nhân vật phản diện được xây dựng theo lối hài hước, biếm họa. Ở đó tác giả với tài quan sát cuộc sống và bút pháp hiện thực, kết hợp cường điệu, trào phúng đã khá thành công trong xây dựng loại nhân vật này. Đó là lão Cẩm trong Dòng sông chảy ngược, là chồng Thắm trong Đường về, là Páo trong Trăng lạc, là dì Đăm trong Cáy tắc…
Khi xây dựng nhân vật, Hoàng Thị Hiền cố gắng khai thác nội tâm qua giọng văn trần thuật, lúc cho nhân vật tự sự, khi để tác giả dẫn chuyện, có lúc ngòi bút tác giả trôi theo lời hai nhân vật đối thoại… Thông qua nhân vật trong từng truyện, tác giả phản ánh cuộc sống của bản làng vùng cao trong đời sống đương đại, nơi cái tốt đẹp, cao cả, nhân ái vẫn song hành cùng kẻ gian ác, xấu xa.
Tuy nhiên, sau khi đọc khá kỹ tập truyện ngắn với 248 trang của Hoàng Thị Hiền, là một người đứng trên phương diện bạn đọc thẩm thấu, tôi nhận thấy, từng truyện ngắn đứng riêng lẻ thì một số truyện khá hay, viết chắc tay. Tuy nhiên, 23 truyện ngắn đứng chung trong một tập thì nhiều truyện lặp lại chi tiết giống nhau (ví dụ truyện Dòng sông chảy ngược, Đường về, Mặt hồ không gợn sóng lặp chi tiết nhân vật say rượu). Hoặc nhân vật phụ nữ ngoại tình, đó là chị Ly, vợ Quang trong truyện Mặt hồ không gợn sóng, và dì Đăm trong truyện Cáy tắc… Tiếp nữa, lối viết nhanh, mạch truyện ngắn để đáp ứng yêu cầu của việc đăng báo, nên cách giải quyết vấn đề mâu thuẫn hoặc tình tiết dẫn chuyện bị đẩy quá nhanh, thường bị xén gọt hoặc rơi vào hẫng hụt… Phải chăng vì thế mà có vẻ khiên cưỡng, sắp đặt, không tự nhiên?
Một số truyện tứ truyện và kết cấu còn đơn giản, tính khái quát xã hội chưa cao, chưa phát huy được điểm mạnh, sự tinh tế, trong sáng của ngôn ngữ vùng miền, kết hợp nền văn hóa đậm đà bản sắc của người miền núi. Ở một số truyện, hành văn pha trộn giữa lối viết của người Kinh và người dân tộc thiểu số, thế nên có cảm giác tác giả như người đứng từ ngoài quan sát cuộc sống của đồng bào, không phải là người dân tộc nói, viết về dân tộc. Những “hạt sạn” trên, đại đa số là điểm hạn chế của những cây bút trẻ.
Tuy nhiên, trong tập truyện ngắn Gửi trăng về núi, Hoàng Thị Hiền đã “cháy mình” trên từng con chữ, để rồi, từng truyện, từng nhân vật sống động, lôi bạn đọc khám phá một vùng đất của tộc người vùng cao, với nhiều số phận éo le, day dứt, nghịch cảnh… Tạo sức cuốn hút khi trang cuối của truyện được gấp lại. Và tôi hy vọng, với sự trải nghiệm, niềm cảm hứng sáng tạo, đam mê nhiệt huyết, có trách nhiệm với cuộc đời, với cuộc sống của dân tộc trên quê hương, tác giả sẽ tiến xa, tiến vững chắc trên con đường văn chương rộng mở phía trước. Mong chờ Hoàng Thị Hiền, sau tập truyện ngắn này, tôi sẽ được hồi hộp đón đọc tập truyện mới với nhiều dịch chuyển, bứt phá vươn lên.
Bùi Thị Như Lan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...