Hiểu để bảo vệ…
VNTN - Văn học nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội đặc thù thuộc thượng tầng kiến trúc. Hình thái này nói lên trường vận động, ảnh hưởng, chi phối hay tác động của văn học nghệ thuật đối với thế giới tinh thần, ý thức, tư tưởng của con người. Thế giới của văn học nghệ thuật không phải là những thực thể cân đong đo đếm hay mô tả được bằng các đại lượng vật lí. Bởi vậy, nó luôn chứa đựng năng lượng để mở rộng biên độ, lưu hoạt trong các không gian diễn dịch khác nhau.
Đặc trưng của nghệ thuật là hình thức giao tiếp gián tiếp, sử dụng các hệ thống kí hiệu, phát đi thông điệp bên trong thông qua hình tượng nghệ thuật. Văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung hướng đến cái nghĩa bên trong, cái thông điệp được tạo thành thông qua kí hiệu thẩm mĩ, mã nghệ thuật. Đặc trưng này quy ước các khả năng vận hành của văn học nghệ thuật hướng đến biểu hiện một cách thẩm mĩ nhất thế giới tinh thần của nhà văn - nghệ sĩ. Văn học không bao giờ chỉ là sự sao chép, mô phỏng thực tại. Ngay cả lí luận “mô phỏng” (Mimesis) của Aristote (384 - 322 TCN), dù mang tính chất phác, cũng không nhằm đến sự sao chép mà đòi hỏi một khả năng sáng tạo trên cơ sở của thực tại.
Bìa cuốn Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukács Gyorgy, tác giả Trương Đăng Dung.
Nhìn lại, đầy bề bộn, những vận động của lí thuyết văn học ở Việt Nam bao gồm cả phương Đông và phương Tây, từ cổ điển đến hiện đại, hậu hiện đại; từ các trường phái cấu trúc, hình thức, đến các khuynh hướng - chủ nghĩa cổ điển, lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, lập thể; các thể nghiệm cách tân nghệ thuật mới lạ trên thế giới và ở Việt Nam, trong tính toàn thể của các hiện tượng, có thể thấy, không một hình thái nào của nghệ thuật rời xa thực tiễn, nhưng cũng không có hình thái nào chăm chăm mô phỏng cái thực tại cầm nắm, đo đếm được. Ngay cả chủ nghĩa hiện thực, ở Việt Nam với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, với quan điểm “Chân - chân - chân, Thật - thật - thật” (Xuân Diệu) cũng tạo nên những thực tại không trùng khít lên thế giới khách quan. Đó là chân lí của nghệ thuật cũng là chân lí trong nhận thức về nghệ thuật. Với thế giới quan duy vật biện chứng - duy vật lịch sử, với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, hệ mĩ học của nền văn học nghệ thuật cách mạng cũng không đòi hỏi sự trùng khít hoàn toàn, tuyệt đối của thế giới nghệ thuật với thực tại khách quan. Không một nhà nghiên cứu, phê bình và người đọc nào lại ngây thơ đi đối chiếu thơ của Hồ Chí Minh với thực tại mà Người trải qua. Đó là hành vi đẽo chân cho vừa giày. Bởi lẽ, khi Bác viết: Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với xuân này (Cảnh rừng Việt Bắc). Bác đã hình tượng hóa thực tại, trừu xuất tinh thần của mình từ chính những cảm nghiệm ở thực tại. Ai lại đi dò xem chim kêu thế nào, vượn hót ra sao, trăng xưa là trăng thuở nào, hạc cũ là hạc tự bao giờ, non xanh nước biếc ở đâu, rượu ngọt chè tươi có thực không, ngô nướng, măng rừng… ra sao? Bài thơ kết đọng một tinh thần lạc quan cách mạng thông qua những hình tượng nghệ thuật có tính tượng trưng như thế. Thế giới ấy vượt lên trên thực tại để quy ước về tính phổ quát của thực tại - thực tại tinh thần lạc quan, tin tưởng của người chiến sĩ cách mạng.
Phản ánh nghệ thuật là phản ánh có tính đặc thù (tức là phản ánh thế giới bên trong của người nghệ sĩ). Chính vì thế, cần phải ý thức rất rõ đặc thù ấy trong hoạt động sáng tác và quản lí văn hóa văn nghệ. Để hiểu rõ hơn về đặc trưng của phản ánh nghệ thuật, một tham khảo hữu ích là việc phân tích tư tưởng của nhà mĩ học mác xít hàng đầu - tượng đài của nền mĩ học mác xít thế giới (và Việt Nam): Lukács Gyorgy. Vì Lukács Gyorgy là tượng đài của mĩ học mác xít, nên việc tìm hiểu ông và phần nào phê phán tính cứng nhắc trong hệ thống mĩ học mà ông đại diện sẽ giúp chúng ta nhìn nhận linh hoạt hơn, mềm mại hơn, và quan trọng là chân thực hơn vào bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật. Tính chân thực của hiện thực theo Lukács Gyorgy không hoàn toàn cứng nhắc. Hiện thực muôn màu muôn vẻ, còn khả năng mô tả của người nghệ sĩ thì bị giới hạn, do vậy, mỗi tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực là một sự “khép kín”, “toàn cục” (điều mà các nhà mĩ học tiếp nhận sẽ không chia sẻ, và cũng sẽ là một giới hạn của Lukács Gyorgy). Đồng thời, Lukács Gyorgy cũng nhận ra rằng, sự tiếp nhận của độc giả về một hiện thực trong tác phẩm luôn sinh động hơn hiện thực dâng sẵn bên ta. Khi đã tiếp thông với các quan điểm mĩ học Marxism, điều quan trọng nhất trong những bận tâm lâu dài của Lukács Gyorgy chính là “mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực khách quan”, được trình bày trong công trình đồ sộ Đặc trưng của cái thẩm mĩ. Lukács Gyorgy nhận ra những điểm quyết yếu làm nên tính biện chứng mềm mại của mĩ học Marxism, chẳng hạn như sự chuyển hóa của nội dung và hình thức, sự không nhất thiết trùng khít của hiện thực nghệ thuật với hiện thực khách quan, quá trình khách thể hóa hình thức nghệ thuật, nghệ thuật và chân lí lịch sử,…
Lukács Gyorgy quan niệm tất cả các loại phản ánh (phản ánh thông thường, phản ánh khoa học, phản ánh nghệ thuật) đều nhằm phản ánh “cùng một hiện thực khách quan”(1). Điểm trọng yếu nhất khiến cho Lukács Gyorgy trở thành tượng đài mĩ học Marxism, được vận dụng (hoặc bị lợi dụng) chính là ông nhấn mạnh đến việc phản ánh nghệ thuật tức là phản ánh hình thức cụ thể của đối tượng (L.A.C nhấn mạnh). Hình thức cụ thể của đối tượng có thể là gì khác nếu không phải là cái hình thức mà chúng ta có được từ trực quan, điều Lukács Gyorgy gọi là “hình thức xuất hiện trực tiếp của nó”(2). Ráo riết hơn, ông nhấn mạnh: “Chân lí của phản ánh nghệ thuật xuất hiện trong các tác phẩm phải phù hợp một cách chính xác với cái thực thể của hiện thực tồn tại tự thân mà nó mô tả”(3). Quan điểm này tỏa bóng vào các nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà dễ thấy nhất ở ta chính là quan niệm: “Chân - Chân - Chân/ Thật - Thật - Thật” (Xuân Diệu). Trong khi đó, Ch. Caudwell với Ảo ảnh và hiện thực, như một đối trọng đầy thông hiểu của Lukács Gyorgy, lại cho rằng có hiện thực bên ngoài và hiện thực bên trong. Hiện thực bên trong là cái mà khoa học không thể với tới, phong phú sinh động, giàu cảm xúc hơn “mảng hiện thực bên ngoài”. Trên thực thể nghiên cứu là thơ trữ tình, Ch. Caudwell đã viết: “Thơ ca với việc sử dụng ngôn ngữ của nó, thường xuyên bóp méo và phủ nhận cấu trúc hiện thực để giữ lại cấu trúc của cái tôi”(4). Cấu trúc của cái tôi ấy chính là “hiện thực bên trong” mang dấu vết chủ thể tính, là đối tượng của phản ánh nghệ thuật theo quan điểm của Ch. Caudwell. Đối với Lukács Gyorgy, khi cho rằng các loại phản ánh đều hướng đến một hiện thực khách quan, ông đã chấm dứt vai trò của chủ thể trong việc kiến tạo nên hiện thực bên trong - thứ “ảo ảnh” như quan niệm của Ch. Caudwell. Và như thế, với những thành tựu nghiên cứu mĩ học đương thời khác cũng như sau này, Lukács Gyorgy đã bộc lộ những giới hạn của mình.
Trụ cột thứ hai làm nên tòa tháp mĩ học theo tinh thần mác xít của Lukács Gyorgy chính là: Mối quan hệ khách thể - chủ thể. Sự thực thì, việc phân biệt chủ thể - khách thể trong quan niệm của Lukács Gyorgy đều hướng đến việc soi chiếu đối tượng trong tính hiện thực khách quan của nó. Chủ thể hóa hay khách thể hóa đều bị giám sát bởi “những biểu hiện trực tiếp của nó”(5). Vì quan niệm “nghệ thuật cũng phải hoàn thành sứ mệnh của khoa học” và phản ánh nghệ thuật có cùng đối tượng với phản ánh khoa học nên Lukács Gyorgy đề cao việc phản ánh trung thực thực tại. Mặc dù, từ trong sâu thẳm (của một triết gia khởi đầu với lịch sử tinh thần và truyền thống duy tâm Đức) không triệt tiêu chủ thể tính trong phản ánh nghệ thuật, nhưng Lukács Gyorgy đã đặt ra phán đoán có sự trùng khít nào đó của thực tại bên ngoài với thế giới bên trong của con người. Hẳn nhiên, trong sự tương sánh với Ch. Caudwell, quan điểm này của Lukács Gyorgy không tránh được những giới hạn. Giới hạn đó chính là cơ sở cho chúng ta nhìn nhận lại vấn đề thực tại khách quan và thế giới nghệ thuật. Từ cái nhìn tỉnh táo đó, chúng ta có thái độ và cách ứng xử phù hợp với văn học nghệ thuật, nhất là khi xem văn học vừa là một diễn ngôn nghệ thuật, vừa là một diễn ngôn chính trị.
Nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa phản ánh nghệ thuật và thực tại, Lukács Gyorgy đã giới hạn mình trong những đòi hỏi chưa thực sự biện chứng khi cho rằng phản ánh nghệ thuật, hiện thực của chủ thể (vật cho ta nghệ thuật) cần phải hướng đến đối tượng tồn tại trực tiếp (vật tự nó). Sự sửa đổi tự nhiên là nguy hiểm (nhưng sự thiếu vắng chủ thể tính, theo Lukács Gyorgy cũng nguy hiểm) và bỏ qua vai trò phản ánh của văn học là một hành vi “phi nghệ thuật”. Chính việc quá nhấn mạnh đến vai trò phản ánh của văn học và đòi hỏi sự xác lập trở lại của phản ánh nghệ thuật với hiện thực tự nó đã cho thấy giới hạn của Lukács Gyorgy đồng thời là giới hạn của mô hình phản ánh luận. Sự thực là, mô hình phản ánh luận đã xem nhẹ vai trò của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận. Tư duy lí luận văn học hiện đại và hậu hiện đại, mĩ học tiếp nhận, tường giải học, triết học ngôn ngữ, các vấn đề thuộc về Đặc trưng bản thể của văn bản văn học và phương thức tồn tại của tác phẩm văn học (Trương Đăng Dung) như là những vấn đề trọng yếu trong tư duy hiện đại nhằm phê phán giới hạn của mô hình lí thuyết phản ánh. Chúng ta muốn quản lí văn hóa văn nghệ, muốn sáng tạo nghệ thuật đáp ứng tốt nhất đặc trưng mĩ học của nó, đồng thời tham gia một cách hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng thế giới tinh thần con người, cần phải nắm được đặc trưng phản ánh nghệ thuật, thế giới nghệ thuật, tránh được sự chủ quan duy ý chí, máy móc, cứng nhắc trong việc vận dụng mô hình mĩ học mác xít.
Với việc diễn giải tư duy của các đại diện tiêu biểu làm nên tinh thần mĩ học hiện đại, hậu hiện đại (E. Husserl, M. Heidegger, H.G. Gadamer, J. Derrida, M. Bakhtin…), nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung đã chỉ ra rằng, chân lí nghệ thuật không (chỉ) nằm ở thực tại khách quan tự nó với vai trò quyền uy trong việc giám sát phản ánh nghệ thuật. Tác phẩm văn học là một hình thức ngôn ngữ đặc trưng, là hiện tượng ngôn ngữ, là hệ thống kí hiệu. Do vậy, từ quan điểm “ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể” (M. Heidegger) đến “ngôn ngữ… là nơi chúng ta tồn tại” (H.G. Gadamer), “có tồn tại một sự thực hành ngôn ngữ mà chức năng thông báo trực tiếp lùi lại phía sau” (Shklovski), tính đối thoại (M. Bakhtin), tính chất không khép kín, không phụ thuộc vào nhà văn hay mối quan hệ với hiện thực (J. Derrida), Trương Đăng Dung nhấn mạnh đến quá trình tạo nghĩa của văn bản làm nên tác phẩm văn học - Tác phẩm văn học như là quá trình. Tính chất lỏng lẻo hay “đỏng đảnh” của ngôn ngữ, khả năng bội phản của nó, các thiết chế liên quan đến quá trình tạo nghĩa (đọc/ diễn giải) đã đưa văn bản rời khỏi ngôi nhà của tác giả, dấn thân vào quá trình không thể lường trước. Tuy nhiên, Trương Đăng Dung trong ý hướng của mình, như là sự kế thừa tinh thần, tri thức hiện đại - hậu hiện đại; đối diện với tồn tại người trong không gian và thời gian; hiện hữu ngôn ngữ - văn bản - tác phẩm thực chất là một cuộc đối thoại với niềm mong mỏi về hiện thực. Đó chính là đặc trưng phản ánh nghệ thuật mà Lukács Gyorgy có thể đã nghĩ đến, nhưng chưa thể tường minh hoặc không có điều kiện tường minh trong hoàn cảnh cụ thể của mình. Sự thực là, Lukács Gyorgy có thể đã được hiểu chưa đầy đủ, hoặc cố tình bị diễn dịch một cách méo mó trước các động cơ phi văn học. Tuy nhiên, là một tượng đài của mĩ học mác xít, hiểu Lukács Gyorgy là cơ sở cho việc hiểu mĩ học của nền văn học cách mạng Việt Nam.
Như vậy, xét từ góc độ đặc trưng, văn học nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc thù, biểu hiện thế giới tinh thần, tư tưởng của người nghệ sĩ. Thế giới nghệ thuật phản ánh thế giới tinh thần, khả năng chiếm lĩnh thực tại, ý thức thẩm mĩ, tình cảm thẩm mĩ, năng lực khái quát hóa, trừu tượng hóa, hình tượng hóa thực tại. Do vậy, cần phải nắm rõ đặc trưng này để mở rộng biên độ nhận diện văn học nghệ thuật cũng như bao quát được phạm vi biểu hiện của hình tượng trong các không gian diễn giải khác nhau. Đặt văn học nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam, với nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn học nghệ thuật vừa phát huy vai trò là một diễn ngôn nghệ thuật, vừa đảm nhiệm vai trò là một diễn ngôn chính trị, cần nắm rõ bản chất, đặc trưng của tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, lại cũng cần phải hiểu rằng, năng lực chính trị của văn học nghệ thuật không phải là mệnh lệnh hành chính, không phải là tuyên truyền đường lối một cách khô khan, cứng nhắc, giáo điều, duy ý chí, mà thông qua hình tượng nghệ thuật, thông qua các mã thẩm mĩ để đến với tâm hồn, trí tưởng của người đọc. Đó là con đường “chính trị” của văn học nghệ thuật.
Lý Ái Châu
-------------
1. Trương Đăng Dung, Phản ánh nghệ thuật trong mỹ học của Lukács Gyorgy, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2018, tr. 72.
2. Trương Đăng Dung, sđd, tr. 78.
3. Trương Đăng Dung, sđd, tr. 80.
4. Trương Đăng Dung, sđd, tr. 83.
5. Trương Đăng Dung, sđd, tr. 79.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...