Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
15:30 (GMT +7)

“Hiện thực của tâm tưởng”

(Trò chuyện cùng họa sĩ Nguyễn Lộc)

Giản dị và lắng sâu, cả con người và tranh Nguyễn Lộc thường khiến người ta cảm nhận về những gì đó rất cổ điển, truyền thống. Xem tranh và nói chuyện nhiều, còn thấy dường như anh là người muốn làm hơn muốn nói, mà đã làm gì là đến nơi đến chốn, làm cho thành, cho ra…

HỌA SĨ NGUYỄN LỘC

Thạc sĩ mỹ thuật.

Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên 2012 - 2016.

Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác tranh nghệ thuật và tranh cổ động chủ đề “Bộ đội cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân” (2018 - 2019).

Có tác phẩm được trưng bày tại: Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc về đề tài quân đội năm 1999; Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc các năm 2000, 2005, 2010.

Triển lãm mỹ thuật cá nhân, Hà Nội, 2018.

Tác phẩm Lá chắn trắng được tác giả gửi tặng chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật “Vượt qua đại dịch Covid-19”, được Ban Tổ chức lựa chọn làm hình ảnh đại diện cho toàn bộ các hoạt động của chương trình.

Tôi thấy anh thường chủ yếu vẽ về những ruộng vườn cá tôm cây cỏ. Khá bất ngờ khi lần này anh có một bức tranh về đề tài các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Tác phẩm “Lá chắn trắng” của anh được bắt đầu như thế nào vậy?

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Khi biết tin bác sĩ đầu tiên của Việt Nam (Bệnh viện Nhiệt đới trung ương) bị nhiễm Covid-19, tôi thực sự xúc động. Họ là những người thay chúng ta đối mặt với hiểm nguy, giờ đây điều không mong muốn đã xảy đến với họ, thương vô cùng. Suy nghĩ ám ảnh khiến tôi vẽ một mạch bức tranh này và hoàn thành nó trong một đêm.

Tôi cứ nghĩ, chúng ta đều núp sau những tấm áo trắng ấy, họ là những lá chắn. Họ phải đối diện đương đầu với những nguy hiểm, đau đớn và hy sinh đấy, nhưng họ cũng đầy vững vàng kiên nghị đấy. Cho nên tôi vẽ những ánh mắt đặt liền kề như một khối đồng lòng kết nối với nhau. Những ánh mắt biết nói. Bàn tay thì chỉ là những hành vi thôi, còn ánh mắt nó là con người, là đức độ, là lương tri của người làm nghề.

Tác phẩm liên quan trực tiếp đến sự kiện xã hội mang tính thời sự nóng bỏng. Có nên đặt bức tranh này vào một sự định danh nào đó không, để gọi là “tranh cổ động” chẳng hạn?

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Tinh thần của nó đúng là cổ động đấy. Trên hết, tôi muốn bày tỏ sự trân trọng và niềm tin tưởng vào các y bác sĩ của chúng ta.

Tôi cũng cho nó là tranh cổ động, và ngay lần đầu tiên xem, tôi thấy nó là một tác phẩm nghệ thuật, chứ không chỉ như một sản phẩm thuần túy. Vậy chúng ta có cần phải bàn lại về tranh cổ động không, khi mà ấn tượng chung về thể loại này lại không phải là tác phẩm nghệ thuật?

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Thể loại không quá quan trọng đâu. Tôi ví dụ nhé, bức tranh về chim bồ câu như là biểu tượng hòa bình của Picasso (bắt nguồn từ câu chuyện về con chim bồ câu ngậm nhành ô liu trong Kinh Thánh) ban đầu có thể là để cổ động đấy chứ, nhưng nó thực sự là một tác phẩm, rất đẹp, rất nổi tiếng. Nói như thế để thấy rằng, quan trọng không phải anh vẽ loại tranh gì, mà là anh vẽ thế nào. Đừng câu nệ về thể loại, mà hãy nghĩ về mục tiêu. Nếu làm hẳn hoi, đến nơi đến chốn, tâm huyết và sáng tạo, thì bất kể đề tài gì, loại hình gì, cũng có thể thành tác phẩm giá trị.

 

Lá chắn trắng

Khi thực sự hứng thú với ý tưởng của mình, ngòi bút của tôi cứ trôi trượt theo cảm xúc, có khi chẳng như mình dự tính ban đầu. Cho nên khi vẽ tôi cũng không quan trọng lắm về chuyện nó là cổ động hay là siêu thực hay gì đó đâu. Quan trọng nhất là tôi vẽ nó bằng cảm xúc.

Cái tôi chủ quan của nghệ sĩ với ý thức trách nhiệm cộng đồng, nó có khoảng cách, có sự khác biệt không, theo anh?

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Tôi nghĩ là không. Chưa bao giờ tôi đặt ra vấn đề đó. Khi vẽ bức “Lá chắn trắng” này, tự tôi thấy thực sự cảm động, có cả âu lo, có cả sự biết ơn, và tôi vẽ nó một cách rất nhanh, rất thoải mái, không có gì gò bó sự sáng tạo cả.

Tôi tin là bất kỳ hình thức nghệ thuật dù bình dị hay cao siêu, dù giản đơn hay phức tạp, cũng đều sẽ có công chúng, đều sẽ được đón nhận, nếu người sáng tạo có sự tâm huyết, chân thành. Khi đó, cái tôi chủ quan và ý thức trách nhiệm cộng đồng trong nghệ sĩ chẳng có khoảng cách hay khác biệt nào cả.

Quay trở lại với những bức tranh mà anh vẫn thường vẽ về cảnh vật, đồ dùng rất bình dị quen thuộc. Tôi thấy chúng toát lên một không khí ấm cúng, an lành. Nó có phải là một dấu ấn từ cuộc sống tuổi thơ được anh lưu giữ lại?

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Tuổi thơ tôi gắn liền với ruộng đồng ao chuôm vườn tược mà. Tôi đã từng ngồi cả giờ đồng hồ để quan sát xem con ốc nó vượt thác dưới làn nước xiết như thế nào, con cua nó đánh nhau bằng càng theo cách nào, loài cá nào thì bơi ra sao. Cứ mò mẫm thế, rồi phát hiện ra một điều thú vị: cái gì cũng một quy luật, một logic nào đấy của nó. Thế là nhớ.

Cho nên tôi rất thành thuộc những gì về đồng quê. Giờ chỉ cần cầm bút vẽ một cái là ra ngay con ốc thế nào, con cá làm sao. Mà, cũng có những cái, nhờ bắt tay vào vẽ mà mình lại rành rẽ về nó hơn đấy…

Tôi nghĩ, đó là một câu chuyện gợi ra điều gì đó gần như là nguyên lí. Người họa sĩ chỉ sáng tạo được khi trước hết phải thực sự hiểu về điều mình muốn vẽ.

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Đúng rồi. Để vẽ được thì trước hết phải tìm hiểu, phải biết rõ về nó đã, thế thì mới vẽ cho hẳn hoi được chứ. Nếu đã thực sự hiểu rõ đối tượng, mọi thứ sẽ được toát lên dưới ngòi vẽ một cách… tự nhiên nhất.

Tự nhiên nhất - điều này gợi ra cho tôi khá nhiều băn khoăn. Chúng ta nên hiểu thế nào về chuyện “tái hiện” và chuyện “sáng tạo” của hội họa?

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Đúng là trong tranh tôi có những cảnh vật như thật, nhưng nó không phải là một sự thật cụ thể, tức là không thể “chụp” được ở bất kì đâu một thứ ánh sáng, góc độ, khuôn hình, đường khối, hoàn cảnh như thế. Đơn giản là vì tôi không đặt mẫu cụ thể để vẽ, mà tôi muốn vẽ một cái gì đó thuộc về “tinh thần” của câu chuyện mà tôi muốn nói.

Có người cho rằng tất cả mọi thứ, mọi giá trị đều đã nằm trong hiện thực rồi, chỉ cần “chụp” lại nó, tức là quan niệm hiện thực thuần túy. Rất nhiều người thậm chí còn cho rằng một bức tranh thực như ảnh chụp là đỉnh cao, là chuẩn mực của cái đẹp. Nhưng thực ra, đó chỉ là cái mà mắt ta nhìn thấy thôi. Hiện thực cuộc sống nó nhiều hơn rất nhiều cái ta nhìn thấy đó.

Tôi vẽ hiện thực, nhưng chưa bao giờ nó là cái “thực” cả. Nói đúng hơn, tôi nghĩ, nó là hiện thực của tâm tưởng. Một tâm tưởng không “chung chung mơ hồ” mà sâu đậm, nghiêm túc. Nó là hiện thực của riêng tôi, trong một không gian và câu chuyện của riêng tôi.

Nó là cái có thể có, chứ không phải cái đã có…

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Đúng thế. Có thể nói thế này, cái thực đấy như là một thứ thực hơn cả thực, còn gọi là “siêu thực”. Cái thật kiểu tả thật như “ảnh chụp” nó có là cái gì đâu, có nói lên điều gì đâu. Không bao giờ tôi vẽ một con cá như sao chụp lại giống thực tế, tôi chỉ muốn làm cho bức tranh có được cái đẹp của một con cá, thế là được rồi. Cái tinh thần trong bức tranh, điều đó mới quan trọng.

Nói vậy thì chuyện “tả thực” trong hội họa có ý nghĩa thế nào đây?

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Tất nhiên, có đấy. Khả năng tả thực trong hội họa thể hiện tay nghề, và nó khiến người xem thích thú. Dù là vẽ cái gì chăng nữa, bất kì hình ảnh nào, nếu anh tả thực xuất sắc, người ta sẽ khâm phục và thích thú. Cho nên, dù sao thì việc tả thực cũng là một sự thách đố về trình độ.

Bản chất của hiện thực có gì đó khá “oái oăm”. Bình thường thì nó cũng chẳng có gì đặc biệt đâu, nhưng khi được phản ánh lại thành công vào tranh, ngay lập lức nó lại làm ta thấy thú vị hơn nhiều. Lí do là ở chỗ, anh không tái hiện một cách vô tư vô tình, mà nó là sự tái hiện của xúc động, của suy tư. Cái gì cũng thế mà. Khi ta nhìn sâu xa vào nó, suy tư về nó, ta sẽ nhìn thấy những thứ còn cao hơn cả chính nó.

Vậy thì giữa hai yếu tố, một bên là sự hiểu biết đối tượng, một bên là kỹ thuật, thì anh thấy nên đánh giá thế nào?

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Phải song song đủ cả, bạn ạ. Đầu nghĩ, mắt nhìn, nhưng đồng thời phải có tay vẽ để thể hiện. Nói đến đây, tôi muốn chia sẻ thế này. Làm gì cũng vậy thôi, nhất là làm hội họa, phải học hành nghiêm chỉnh để chuẩn bị một nền tảng hẳn hoi thì mới làm được. Đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được một kỹ thuật nào đó, chứ không đơn giản làm bừa mà được.

Tôi hình dung rằng, những đòi hỏi về khả năng phối hợp đầu nghĩ mắt nhìn tay vẽ như anh nói mới là cái “chất liệu cần” để họa sĩ làm nên một bức tranh thôi. Hình như cái nỗi niềm sâu thẳm trong con người mới làm nên tinh thần nghệ thuật của họa sĩ. Khi đó, nhìn vào những bức tranh được anh vẽ ra, tôi biết anh đang chú tâm đến những gì, suy tư điều gì...

Họa sĩ Nguyễn Lộc: Tôi cho đúng là như thế. Khi ta định đặt bút vẽ, thì đó phải điều mà ta thật sự quan tâm, thật sự thấy hứng thú.

Bản thân tôi thì luôn hướng về sự im ắng, lắng đọng, tĩnh mịch. Ở nhà, tôi lúc nào cũng tắt hết các phương tiện âm thanh, rồi ngắm những gì bé nhỏ từ xa. Yên lặng, cảm nhận trong yên lặng, nó thú lắm.

Cũng chính vì vậy, tôi dành nhiều tâm sức cho những bức tranh về cảnh vật, gia đình, đồng quê. Nó là thế giới tâm tưởng của tôi.

Mong rằng thế giới tâm tưởng ấy luôn được anh lưu giữ một cách trân trọng nhất, và được nhiều người chia sẻ, đồng điệu. Cảm ơn anh với cuộc trò chuyện.

PHẠM VĂN VŨ thực hiện

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Nhà văn Phạm Đức – Bạn tôi

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước