Hai vị thông gia làng văn nghệ xứ Thái
VNTN - Đều là những “cây đa, cây đề” có nhiều cống hiến, đóng góp cho làng văn nghệ Thái Nguyên, NSNA Đỗ Anh Tuấn và KTS Mã Sôi còn là thông gia của nhau. Và trong mối dây thân tình ấy cả hai ông cùng động viên các con, các cháu trong đại gia đình biết trân quý những điều tưởng như nhỏ nhặt để tổ ấm luôn rộn tiếng cười.
1. NSNA Đỗ Anh Tuấn đón khách tại ngôi nhà mới đẹp như… thơ! Căn nhà cấp 4 được khéo léo thiết kế ở giữa trung tâm của khu vườn trồng đầy hoa, nhiều nhất là hoa giấy. Các loại hoa giấy được tự do leo lên tường, sắc hoa rực rỡ. Ngôi nhà với những ô cửa kính lớn được bố trí ở những góc đắc địa nhìn ra khoảng vườn xinh. Ngồi trong phòng khách cảm giác chỉ với tay là chạm đến thiên nhiên. Ngả mình trên xích đu, thả hồn trong tiếng nhạc, lặng ngắm những tác phẩm nhiếp ảnh treo trên tường, cảm giác thời gian đi thật chậm.
Nhiều người thích ra phố cho nhộn nhịp, NSNA Đỗ Anh Tuấn lại khác, sau nhiều năm ở nhà mặt phố ông đã quyết định bán căn nhà đó và chuyển vào xóm để ở. Từ lúc chuyển về nhà mới ông thấy thoải mái hơn nhiều, sức khỏe được cải thiện rõ rệt, thêm năng lượng để tham gia nhiều hơn những chuyến săn ảnh. Ông khoe, đây là ngôi nhà ông mơ ước từ lâu, một ngôi nhà như mang thiên nhiên về phố. Và con trai ông vốn là kỹ sư xây dựng cùng con dâu là KTS Mã Kiều Trâm đã thiết kế cho ông ngôi nhà như ý.
NSNA Đỗ Anh Tuấn (trái) và KTS Mã Sôi (phải).
Ông bảo rằng, rong ruổi chụp ảnh, ông có điều kiện tiếp xúc với con người, phong tục tập quán của từng vùng đất. Điều đó cho ông thật nhiều tình cảm, cảm hứng sáng tạo, nhất là trước vẻ đẹp thiên nhiên con người miền núi. Ở nơi xa xôi ấy cuộc sống dù khó khăn lắm nhưng suy nghĩ của họ thật giản đơn, trong trẻo. Mùa xuân đến, trên triền núi miền Tây Bắc, hoa đào khắp nơi bung cánh nở. Những ngôi nhà nhỏ bên những gốc đào hồng rực, trên trời mây trắng bay. Cuộc sống thanh bình đến lạ. Tâm trạng ông cũng thấy vui lây.
NSNA Đỗ Anh Tuấn vốn trưởng thành từ một người thợ, sau đó phụ trách công tác Đoàn, rồi làm công tác tuyên giáo, ông về nghỉ hưu khi đang làm Phó ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh. Khi còn công tác, người ta biết đến Đỗ Anh Tuấn nhiều hơn với vai trò một nhà báo của ngành chuyên viết bài tuyên truyền cộng tác với các báo. Và với công việc này, chiếc máy ảnh đã giúp ông rất nhiều. Ham mê nhiếp ảnh, ông đã tham gia lĩnh vực ảnh nghệ thuật. Được tự do sáng tạo, ông thấy thoải mái vô cùng, cuộc sống cũng nhẹ nhàng hơn, bớt căng thẳng. Là thành viên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam từ năm 1999, những năm gần đây ông làm Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Với vai trò là người đầu tầu chèo lái “con thuyền nhiếp ảnh Thái Nguyên”, ông luôn nhiệt tình, tâm huyết nên “con thuyền” cũng bớt đi ít nhiều “chao đảo” trong sóng gió.
NSNA Đỗ Anh Tuấn cùng trẻ em vùng cao trong một chuyến đi sáng tác ảnh.
Gia đình NSNA Đỗ Anh Tuấn không chỉ có mình ông đam mê nghệ thuật mà các con ông cũng công tác ở các ngành có liên quan ít nhiều đến lĩnh vực này: con gái làm giáo viên dạy Mỹ thuật của trường tiểu học; Con trai cả làm ngành xây dựng, là chồng của KTS Mã Kiều Trâm - con gái của KTS Mã Sôi.
Ông kể, vốn tham gia Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, ông và KTS Mã Sôi cũng hay gặp gỡ. Sau đó được biết hai con tìm hiểu nhau, cả hai ông đã ủng hộ nhiệt tình để các con được nên duyên đôi lứa. Có thông gia tính tình vui vẻ lại cùng máu nghệ sĩ nên cũng thú vị. Nếu theo dõi facebook của NSNA Đỗ Anh Tuấn sẽ luôn thấy KTS Mã Sôi vào bình luận, với những dòng góp ý, động viên của một người am hiểu nghệ thuật. Và dù chả mấy khi làm thơ, thế nhưng KTS Mã Sôi nhiều lúc xem ảnh còn thả những dòng tâm trạng như chắp cánh cho bức ảnh thêm sâu sắc. Ở chùm ảnh chân dung những thiếu nữ Tây Bắc thuần khiết tươi tắn, đang thả mái tóc như dải lụa khi tắm và gội đầu bên suối, Mã Sôi viết: Tung cho những cánh hoa/ Anh không thể hứng lấy/ Những hạt nước tan ra/ Ngắm hoa nước và em/ Những giây khắc êm đềm… Hoặc với bức ảnh chụp hoa chuối rừng đỏ rực Mã Sôi lại họa: Hoa chuối rừng rực lửa/ Lan tỏa lòng khát khao/ Quê hương bách nghệ trăm nghề/ Gái trai già trẻ sớm khuya vui cùng.
Nhiếp ảnh, kiến trúc, xây dựng hay mỹ thuật… dù khác chuyên ngành nhưng đều hướng tới cái đẹp nên rất dễ gần gũi, cảm thông. Trong gia đình NSNA Đỗ Anh Tuấn, hoạt động sáng tác ảnh nghệ thuật của ông luôn được mọi người ủng hộ. Những cuộc triển lãm ảnh các thành viên đều có mặt để thưởng thức, chia vui. Thỉnh thoảng có những tác phẩm được giải thưởng, ông hay tổ chức bữa tiệc nho nhỏ tại nhà, hoặc tặng cho các cháu chút tiền, như món quà nhỏ khích lệ các cháu học tập. Ông cười vui vẻ: “Cái món nhiếp ảnh là hay rong chơi lắm, lại thường đi dài ngày và rất đột xuất. Muốn vậy, phải có sức khỏe, thời gian tiền bạc, và nhất là phải được gia đình luôn động viên ủng hộ. Chú đi chụp ảnh thỉnh thoảng các con lại biếu bố vài triệu coi như lộ phí trên đường”.
Hơn 70 tuổi, với chiếc máy ảnh đeo bên người, vẫn thấy Đỗ Anh Tuấn đều đặn rong ruổi xe máy, để săn tìm khoảnh khắc trên những đồi chè đẹp của xứ Trà… Gần đây trên faceboook thấy ông hay chia sẻ những chuyến đi sáng tác, khi thì Tây Bắc, lúc lại ở Tây Nguyên, có khi vào tận biển Phú Quốc xa xôi. Với NSNA Đỗ Anh Tuấn, những góc nhìn về thiên nhiên, cảnh vật và con người chưa lúc nào hết mới mẻ và quyến rũ.
2. Trái ngược với vẻ trầm tĩnh của vị thông gia Đỗ Anh Tuấn, KTS Mã Sôi lúc nào cũng sôi nổi, nhiệt tình. Ông “quyến rũ” mọi người bởi cái chất vui tươi, thuần mộc của người miền núi. Giọng ông rổn rảng, ấm nồng như men rượu bên bếp lửa nhà sàn. Và nhất là tiếng cười. Chao ôi, cái tiếng cười vô giá của ông như được trời ban. Nó là tiếng cười sảng khoái của anh trai cày vâm váp ở trên nương vừa kéo xong hơi thuốc lào sau khi cày vỡ được thửa ruộng khó.
Chính cái sự vô tư, thẳng thắn và cởi mở đó khiến mọi người khi tiếp xúc với ông không thể không quý mến. KTS Mã Sôi là hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam lứa đầu tiên, từ những năm 1976, năm đó ở Thái Nguyên duy nhất có hai người đủ điều kiện được kết nạp vào Hội là ông và KTS Lê Biên. Con đường của những người làm kiến trúc thời đó đầy những vất vả, thăng trầm, nhưng với nghề KTS Mã Sôi chưa lúc nào vơi nhiệt huyết.
Trong ngành kiến trúc của tỉnh, ông kinh qua nhiều vị trí, và từ năm 1988 cho đến khi nghỉ hưu năm 2003 ông là Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Tư vấn Xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng Thái Nguyên. Vốn là thành viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật Bắc Thái, những năm ông làm Chi hội trưởng Chi hội Kiến trúc sư - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thì năm nào Chi hội Kiến trúc cũng có triển lãm hoặc hội thảo về chuyên ngành kiến trúc.
Nói về văn học nghệ thuật, KTS Mã Sôi cười sảng khoái: “Thoải mái lắm! Nó rất cần thiết với những người làm kiến trúc. Nghề kiến trúc đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật. Ngoài tính toán thiết kế các công trình cũng cần phải lãng mạn, cần phải đi nhiều, phải trải nghiệm, trao đổi… Và cảm xúc là vấn đề rất cần với nghề. Từ những chuyến đi, quan sát, đánh giá,… có thể sẽ bật ra những ý tưởng mới cho công trình. Rồi bằng sự tính toán khoa học cùng với lòng say mê và ý tưởng sáng tạo mới ra được một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo”. Và có lẽ chính cá tính, nghề nghiệp đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách tổ chức gia đình ông.
Kể về chuyện nuôi dạy các con, ông phấn khởi như nở từng khúc ruột: “Chú thoải mái mà, để tự nhiên thôi nhưng các con tự học, tự biết lo liệu hết. Chú không dạy trực tiếp đâu, lúc nhỏ chỉ dạy cho những khuôn phép cơ bản như: ăn uống, đi đứng, chào hỏi. Ví như, ngồi bàn học, con phải ngay ngắn ra sao. Rồi chỉ quan sát từ xa, chứ ít khí nhắc nhở”.
Có lẽ chuyện nuôi dạy các con của ông cũng như thiết kế một căn hộ gia đình. Tổng thể có đẹp thì ngôi nhà mới đẹp, từ đó mới tính toán tổ chức sao cho hợp lý, thuận tiện nhất các không gian sống, sinh hoạt cho từng thế hệ… Ngôi nhà đã đẹp rồi nhưng con người mới là trung tâm là sức sống cần thiết nhất. Gia đình hòa thuận, luôn rộn tiếng cười, đấy mới là sinh khí giữ cho nhà luôn ấm áp.
Nhà có 4 con gái, đều học hành rất tốt. Nay đều đã trưởng thành và thành đạt trong nghề. Cả 4 chị em hiện đã là thạc sĩ và có hai người theo nghề của bố. Nghề kiến trúc cũng vui nhưng vất vả, KTS Mã Sôi hay động viên các con cố gắng. Và dù các con đều đã trưởng thành, lập gia đình riêng nhưng kể về họ giọng ông trìu mến như thể họ vẫn là những cô “công chúa nhỏ” ngày nào. Ông thủ thỉ: “Không có khắt khe điều gì cả, nhất là chuyện học. Đi học có bị điểm kém nhưng chẳng bao giờ mắng mỏ, nhắc nhở, hay so sánh. Không vì điểm kém mà mình hắt hủi, cái đó là rất kiêng kỵ. Mình hắt hủi con, mai kia con cũng bị điểm kém thì sợ mình ngay. Không để nó có ấn tượng xấu về điểm kém kia, để cho nó trưởng thành dần chứ”.
Dù để các con phát triển tự nhiên, nhưng có một chuyện về cô con gái thứ 3 - KTS Mã Kiều Trâm, vẫn khiến ông nhớ mãi. Hơn 20 năm trước, Trâm vốn là học sinh giỏi văn top đầu ở trường Chuyên của tỉnh. Lúc sắp thi tốt nghiệp, ông mới biết cô vẫn đang lưỡng lự nửa muốn theo nghiệp văn chương (Khối C), nửa lại muốn là một kiến trúc sư như bố. Nhưng muốn thi kiến trúc phải học vẽ và vượt qua vòng sơ tuyển năng khiếu hội họa khắc nghiệt lắm. Những người có ý định thi vào Trường Đại học Kiến trúc đã chuẩn bị học vẽ từ vài năm trước rồi mà Trâm chỉ còn vài tháng nữa là thi tốt nghiệp và đi thi đại học, nhưng lại chưa hề biết vẽ.
Vợ chồng Kiến trúc sư Mã Kiều Trâm, Kỹ sư xây dựng Đỗ Anh Tú cùng các con.
Vừa mừng, vừa lo, ông mạnh dạn “bẻ ngang”, đưa con sang ôn thi kiến trúc (Khối A) và cho con đi học vẽ cấp tốc. Ông dẫn con đến gặp các thầy giáo giỏi, chuyên dạy vẽ của tỉnh vốn là bạn của ông nhờ giúp đỡ. Nhưng đã đưa đến 3 thầy mà các thầy đều lắc đầu: Muộn quá! Thôi muốn thi kiến trúc thì sang năm thi, chứ giờ học không kịp. Nghe các thầy nói thế Trâm chán lắm! Nghĩ mà thương, ông bảo con: Thôi về bố dạy, bố không vẽ giỏi nhưng bố nắm được nguyên tắc, bố sẽ hướng dẫn cho.
Thế là hàng ngày ông kiên trì chỉ dạy con tại nhà. Thiếu dụng cụ, họa phẩm gì ông lại lặn lội xuống tận Hà Nội mua hoặc mượn những người bạn dạy mỹ thuật. Tháng 4 đi sơ tuyển, tỉnh Bắc Thái khi ấy có mỗi mình Trâm vượt qua được vòng tuyển khắt khe của trường. Cả gia đình mừng vui khôn xiết! Sau đó Trâm theo học kiến trúc, không những đạt kết quả tốt mà thi ra trường còn “ngót nghét” loại giỏi.
Với nghề nghiệp có lẽ chị cũng ảnh hưởng từ bố khá nhiều. Cũng giống như bố, KTS Mã Kiều Trâm, hiện cũng đang là hội viên Chi hội Kiến trúc của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động Hội. Ngoài công việc chuyên môn bận bịu tại Văn phòng Sở Xây dựng, chị vẫn cộng tác khá đều đặn với Báo Văn nghệ Thái Nguyên qua những bài nghiên cứu về kiến trúc rất bổ ích và độc đáo. Tâm sự về nghề, chị đã có lần viết: “Làm nghề kiến trúc rất cần những tư duy logic và chính xác đối với từng nét vẽ, cần phải có sự lãng mạn trong tâm hồn nghệ sĩ, sự mềm mại uyển chuyển bay bổng trong từng nét vẽ, trong những phác thảo, sự chi li cẩn thận trong từng chi tiết cấu tạo kiến trúc, sự phê bình biện luận để tác phẩm kiến trúc được gọt giũa trước khi triển khai… và đặc biệt phải có cảm xúc trong quá trình thiết kế. Rõ ràng, các bộ môn văn học nghệ thuật sẽ bổ trợ cho KTS trong sáng tác kiến trúc. Và khi kiến trúc hội tụ đủ các yếu tố của các bộ môn nghệ thuật chuyên ngành sẽ trở thành tác phẩm nghệ thuật kiến trúc có giá trị.”
Kể về KTS Mã Sôi, chị Trâm bảo: “Với các con, bố chị luôn là người tuyệt vời. Ông là người hào phóng, nhất là tình thương. Chỉ cần một ánh mắt, một lời nói, là các con đã hiểu và biết mình cần phải sống như thế nào. Dù không đi sâu đi sát nhưng chính điều đó đã cho các con khoảng trời tự do để khám phá và phát triển”.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...