Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
06:57 (GMT +7)

Đôi lời về bài viết Đa sắc tranh dân gian châu Á ngày Tết

VNTN - Những ngày Tết cổ truyền trôi qua thật nhanh. Hương vị ngày xuân đâu đó vẫn còn phảng phất, và còn nguyên trên những trang báo. Mấy ngày Tết không có nhiều thì giờ, sang riêng rồi mới rảnh, xem lại Báo văn nghệ Thái Nguyên số 7 (phát hành thứ ba, ngày 13/2/2018) có bài Đa sắc tranh dân gian châu Á ngày Tết của tác giả Chu Mạnh Cường. Bài viết tác giả liệt kê được khá nhiều dòng tranh, loại tranh và tên tranh… với thông tin phong phú như vậy sẽ rất được độc giả trân quý.

Tuy vậy, khi đọc tôi thấy có mấy chỗ thông tin chưa hợp lý, xin nêu ra chia sẻ cùng bạn đọc:

1. Đoạn đầu tác giả viết: “…Từ 23 tháng Chạp, ai nấy đều đổ ra chợ mua tranh, sáng tác tranh và treo dán chúng tại gia đón xuân. Đó có thể là tranh trang trí hay thờ cúng, chúc tụng, phê phán, chọc cười, trong đó có nhiều tác phẩm chơi trong mấy ngày Tết xong thì đốt để lấy may - thể hiện các triết lý nhân văn, đức tin hồn hậu...”. Không rõ tác giả nói mốc thời gian nào, nếu nói chung chung như vậy thì thời nay không phổ biến. Ở Thái Nguyên tìm mỏi mắt cũng không thấy hàng Tranh dân gian nào đâu.

2. Dùng từ không đồng nhất khiến người đọc khó hiểu: “… mảnh màu tương phản, mỗi lần in cho một mảng màu khác nhau..”. Từ “mảnh” người ta chỉ dùng cho vật liệu cứng, chẳng hạn: mảnh bát; mảnh kính vỡ; mảnh xác máy bay… chứ trong mỹ thuật khi vẽ màu không dùng từ “mảnh màu”.

3. Tác giả nên xem lại khái niệm “Giấy điệp”. Giấy làm tranh dân gian là giấy dó chứ không phải như tác giả mô tả: “… các hình được in trên giấy điệp, là loại giấy làm từ vỏ sò giã mịn óng ánh nên cho sự lung linh…”. Từ loại giấy dó này có thể làm ra giấy điệp, loại giấy mà tranh Đông Hồ sử dụng in hình. Đặc điểm của loại giấy này là độ bền rất cao, mà lại xốp nhẹ, không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc giòn gãy, ẩm nát. Với đặc tính chống ẩm rất cao, giấy dó giúp cho các bức tranh không bị ẩm mốc, trường tồn cùng thời gian. Để tiện cho việc in tranh, dân gian đã sáng tạo dùng hồ nếp trộn với bột điệp và dùng chổi làm bằng lá thông quét lên bề mặt giấy dó, khi khô nhìn tờ giấy thấy óng ánh. Dùng giấy dó đã quét điệp để in tranh người ta quen gọi là giấy điệp để phân biệt với giấy dó thường.

4. Tranh dân gian Việt Nam có lịch sử rất lâu đời (từ thời nhà Lý - thế kỷ 12 đã bắt đầu xuất hiện những gia đình hay thậm chí là cả một làng chuyên làm khắc ván, làm tranh…), chứ không phải như tác giả nói: “…Mỗi dòng tranh trên đều đã ra đời từ cách đây hàng trăm năm…”.

Tranh dân gian Việt Nam đã có quan niệm coi như là “Quốc họa Việt Nam”, có đặc trưng riêng, thường được sáng tác bởi các họa sĩ khuyết danh; không giống bất cứ dòng tranh nào trong khu vực châu Á. Trước kia (thế kỷ XVII), tại các vùng nông thôn Nhật Bản vào những ngày lễ tết thường bày bán một loại tranh bình dân là Otsu-e, cũng vẽ theo những môtíp dân gian gần gũi với người nông thôn, giống như tranh Đông Hồ của Việt Nam mà thôi...

Đầu xuân tôi xin có đôi lời chia sẻ với bạn đọc và tác giả, có gì chưa phải xin được lượng thứ.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy