Đôi lời phúc đáp ông Đỗ Tiến Bảng
VNTN - LTS: Sau khi đăng tải bài viết “Điếu” trong “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến có thể hiểu là “Xót thương”? của tác giả Đỗ Tiến Bảng (Báo VNTN số 20 - 14/5/2019), trao đổi về bài viết Tâm sự của Nguyễn Khuyến qua bài thơ “Thu điếu” của tác giả Trần Ngọc Chùy, Tòa soạn đã nhận được ý kiến hồi đáp của tác giả Trần Ngọc Chùy. Tiếp tục tinh thần dân chủ, khách quan, tôn trọng tự do ngôn luận và tự do học thuật, kỳ này Tòa soạn đăng bài phúc đáp của tác giả Trần Ngọc Chùy.
Trước hết tôi xin tỏ lời cảm ơn ông đã đọc bài viết của tôi về bài thơ Thu điếu trên trang VNTN, và cho những ý kiến ''phản biện". Dưới đây là ý kiến hồi đáp của tôi về những góp ý của ông. 1. Về cách hiểu nhan đề Thu điếu của bài thơ: Ông đã dẫn ra những ghi chú về từ Thu điếu trong các sách đã xuất bản thơ cụ Nguyễn Khuyến. Trong đó họ giải thích hai từ đó là: "Câu cá mùa thu, mùa thu ngồi mát câu cá, thuyền câu đêm thu, câu cá về mùa thu". Rồi ông khẳng định: "Như vậy không thể quan niệm và gạt đi phần văn bản để nói như Trần Ngọc Chùy: Đây hẳn có dụng ý. Bởi vì ngoài nghĩa ẩn dụ còn có cả phép dùng từ đồng âm (chơi chữ) mà cụ Nguyễn Khuyến vốn rất sành!... Bởi lẽ âm "điếu", nếu loại bỏ tự dạng của mặt chữ Hán, còn có thể hiểu là "xót thương" theo lối "song quan" (hai nghĩa). Như vậy nhan đề bài Thu điếu vừa có nghĩa "mùa thu câu..." theo tự dạng chữ Hán (ý chỉ người ẩn sĩ chờ thời vì ở đây không hề có từ ''ngư'' là "cá"), lại vừa có nghĩa ''mùa thu xót thương'' theo nghĩa đồng âm, cũng không sai với nội dung bài thơ, không sai với chủ đề...". Đúng là tôi ''gạt đi phần văn bản'' rườm rà đó. Tôi chỉ căn cứ vào nguyên tác chữ Hán Thu điếu của tác giả mà thôi. Những chú thích đó chẳng liên quan gì đến cách lí giải của tôi. Vì tôi cho rằng những chú thích đó cho nhan đề bài thơ chẳng qua chỉ là các vị có những ''dị bản'' đó đã suy diễn, dịch 2 chữ Thu điếu. Lẽ ra nếu dịch, chỉ cần dịch "Mùa thu câu" là đủ. Đây họ lại tự ý thêm bổ ngữ cá (ngư) hoặc các ý khác vào là thừa! Nếu chỉ ghi ở phần chú thích thì dẫu dịch không chính xác cũng chẳng sao. Đằng này họ còn tự tiện thay luôn làm nhan đề bài thơ trong những sách hợp tuyển, thậm chí ở cả sách giáo khoa để giảng dạy(!) Làm như vậy, không chỉ sai nghĩa với nguyên tác, mà còn tỏ ra không tôn trọng nguyên tác, không tôn trọng tác giả, không tôn trọng luôn cả độc giả! Xét theo luật, còn "vi phạm bản quyền" tác giả! Chưa cần nói theo cách lí giải của tôi là không hợp với nội dung và tâm trạng của tác giả thể hiện trong nội dung bài thơ. Thông thường, nhan đề một tác phẩm bao giờ cũng hàm ý gợi lên nội dung của bài. Mà nội dung bài Thu điếu, theo tôi tác giả chỉ mượn cớ "đi câu" (thu điếu) theo điển tích trong lịch sử của Trung Quốc và Việt Nam xưa kia về những “ẩn sĩ” (tôi có nhắc đến trong bài), để gửi gắm tâm sự ''từ quan'' về "ẩn" của mình mà thôi. Cũng vì vậy tác giả mới cố ý lấy chữ Hán để đặt nhan đề riêng cho 3 bài thơ Nôm: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh. Cả 3 bài cùng chung một tâm trạng buồn về thời cuộc. Ngoài ra những bài thơ Nôm khác, cụ đều dùng chữ Nôm để đặt nhan đề. Nếu tác giả chủ yếu tả cảnh đi câu cá thì sao không thấy quan tâm chẳng hạn như ''tăm'' cá, hay mồi câu... như những người đi câu cá khác ta thường thấy? Mà ở đây ta chỉ thấy hiện ra hình ảnh một ông già trên "chiếc thuyền câu bé tẻo teo", như đang chăm chú ngắm không gian, trời đất: mây lơ lửng, trời xanh ngắt, ngõ trúc vắng teo, lá vàng rơi vèo trước gió... trong cảnh thu đìu hiu, quanh ''ao thu lạnh lẽo"! Tựa như tác giả đang trầm ngâm suy tư về điều gì đó...? Chỉ đến câu kết bài thơ, hầu như nhờ tiếng cá ''đớp động'' ở đâu đó ''dưới chân bèo'' mới bất chợt ''đánh động'' tâm hồn tác giả..! Chỉ một từ nghi vấn "đâu" rất mơ hồ, đủ nói rõ tác giả nào có để ý gì đến việc câu cá? Nếu bài thơ tả cảnh "mùa thu đi câu" của ai khác không phải của một nhà Nho "ưu thời mẫn thế" là cụ Tam Nguyên, thú thật tôi chẳng quan tâm kĩ thế làm gì. Vì tôi biết trong tiếng Việt cũng chỉ cần nói ''đi câu'' (không cần thêm bổ ngữ ) người ta đều hiểu là đi câu cá hay câu loài thủy sản nào đó rồi. Như vậy có thể nói chính tôi mới bám sát văn bản nguyên tác của tác giả khi phân tích bài Thu điếu. Tôi không chỉ bám vào ngôn từ bài thơ, mà còn tìm hiểu tâm sự và cảm xúc của tác giả, qua nội dung nhiều bài thơ khác viết về mùa thu. Tôi cũng tìm hiểu toàn bộ sự nghiệp thơ ca và cuộc đời của tác giả, cùng với bối cảnh lịch sử thời tác giả sống làm căn cứ. Đó là phương pháp luận giải của tôi về Thu điếu. Ông Bảng còn khẳng định: "Đây không phải thể loại câu đối để cho phép suy diễn theo loại từ đồng âm khác nghĩa. Cứ suy diễn kiểu này, thì bài Thu ẩm, có thể hiểu ''ẩm'' là ''uống rượu'', và ''ẩm'' còn là "ẩm thấm", "ẩm ướt" chăng?!". Ông cũng dẫn hai chữ Hán đồng âm ra để chỉ rõ cho tôi hiểu. Chắc ông cho rằng tôi không phân biệt nổi tự dạng những chữ đồng âm (?) Tôi nghĩ chỉ cần nói 2 từ đồng âm khác nghĩa là mọi người đủ hiểu. (Trong bản thảo viết tay gửi báo tôi có chú chữ Hán, nhưng máy ở báo có thể không cài chữ Hán). Thưa ông, còn một chữ đồng âm điếu nữa (còn đọc âm điệu, trong từ "truy điệu"), mới có nghĩa "Xót thương" (điếu từ, điếu văn). Còn chữ ''điếu" thứ 2, ông dẫn ra nghĩa là "viếng", không phải nghĩa ''xót thương''. Ví dụ bài Điếu cổ chiến trường văn (Văn viếng chiến trường xưa) nổi tiếng của Lý Hoa (đời Đường) là dùng chữ đó. Dẫu sao cũng cảm ơn ông dẫn ra để độc giả không rõ chữ Hán biết thêm. Tôi cũng không hiểu ''luật'' ''chỉ dùng từ đồng âm trong câu đối'' ông khẳng định, là căn cứ ở đâu ra?! Vả lại "điếu" trong bài Thu điếu là từ đồng âm khác nghĩa trong Hán ngữ, không phải đồng âm với tiếng Việt như từ "ẩm thấm, ẩm ướt" ông suy diễn nhan đề bài Thu ẩm, dẫn ra để giễu nhại tôi(!). Thưa ông, ở Hán ngữ, chính người Trung Quốc vẫn dùng cách "chơi chữ" kiểu đồng âm này trong văn thơ, không phải chỉ trong câu đối như ông khẳng định. Trong tác phẩm AQ chính truyện nổi tiếng, văn hào Lỗ Tấn chẳng đã dùng từ cách mạng đồng âm với 1 từ có nghĩa "cắt cổ cái mạng sống" đó sao? Vì hai từ này đều phát âm là "cứa ming" (gé ming). Vậy cụ Nguyễn Khuyến "chơi chữ" theo lối đồng âm trong Hán ngữ sao không thể được, khi cụ giỏi Hán ngữ như chính người Trung Quốc? Những điều đã viết ra ở bài trước và ở đây nữa về bài thơ Thu điếu, tất nhiên là cách nhận thức của riêng cá nhân tôi. Đó là quyền tự do của mỗi người. Suy nghĩ đúng với dụng ý của tác giả hay không, tôi không dám khẳng định. Chỉ có tác giả bài thơ nếu sống lại được, mới có thể khẳng định đúng hay sai mà thôi! Tôi chỉ dám chắc một điều: Cách hiểu của mình ít ra cũng góp phần tôn vinh nhân cách cao thượng thanh cao, không cầu danh lợi, cùng với một tấm lòng yêu nước lo đời khôn nguôi của tác giả - một nhà thơ lớn, một nhà Nho ''chính nhân quân tử'', không đồng hành với phường "giá áo túi cơm"! Để hiểu một tác phẩm, một tác giả tôi cũng biết là không hề dễ! Cụ Nguyễn Du chẳng đã từng buồn phiền viết ra 2 câu thơ cuối bài Độc Tiểu Thanh ký: "Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?" (Không biết hơn 300 năm sau/Thiên hạ có ai khóc thầm [với] Tố Như?) đó sao! 2. Trả lời phần ghi chú: Phần ghi chú của tôi trong bài báo, ông nghĩ là sai. Ông dẫn ra từ các sách Thơ văn Nguyễn Khuyến để bổ sung. Xin cảm ơn! Thực ra không phải tôi không biết, không đọc qua những chú thích này. Tôi cố tình giản lược cho đỡ rườm, chỉ cần người đọc dễ hiểu. Có thể cách tóm lược của tôi, diễn đạt chưa xác đáng. Hơn nữa giới hạn trang báo không cho phép. Ngay bài viết của tôi, biên tập cũng phải lược bớt một số câu dẫn chứng. Xin dẫn một ví dụ: Chẳng hạn từ Dương Cửu: Đoạn ông dẫn ra chỉ cỡ một phần tư chú giải trong từ điển mà đã khá dài dòng. Trong từ điển Từ Hải (Hán) còn giải thích dài dòng cụ thể hơn thế nhiều. Không tin ông thử giở Từ Hải trang 468, cột 3 ra xem thì rõ. Xin được hồi đáp với ông đôi lời như vậy.
Trần Ngọc Chùy0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...