Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
08:32 (GMT +7)

Đọc kí sự tiểu thuyết “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” của Ma Văn Kháng

VNTN - Tháng 4, năm 2019, nhà văn Ma Văn Kháng, cây đại thụ của văn học Việt Nam hiện đại cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân”. Ở tuổi 83, trong khoảng 28 ngày liên tiếp, viết và viết, 280 trang sách ra đời, đó là một kỉ lục với tất cả người cầm bút. Cảm động biết bao khi ông cầm cuốn tiểu thuyết còn tươi rói mùi mực, trao tận tay với lời đề tặng rất mực trân trọng “cuốn sách này có thể là hay nhất của đời văn Ma Văn Kháng” và nói rằng “chỉ có những người biết mình như ngọn đèn trước gió, như bấc đèn cạn dầu, có thể lụi đi bất kỳ lúc nào mới ép mình dữ dội như vậy để viết”.

 

Và tôi đã đọc, trong khoảng 2 ngày liên tiếp, trọn vẹn cuốn tiểu thuyết. Thật sự khâm phục trí nhớ, mạch kể, dòng hồi tưởng với những chi tiết li ti mà quãng thời gian 70 năm khó ai còn có thể lưu giữ. Những tên đất, tên người, những câu chuyện về các nhân vật có thật, những sự kiện một thời của thiếu sinh quân Việt Nam tại Việt Bắc đã được xâu chuỗi và tuôn trào dào dạt bằng một hình thức độc đáo: kí sự tiểu thuyết.

Có thể nói rằng, Ma Văn Kháng đã rất tinh tế khi lựa chọn thể loại kí sự tiểu thuyết - một thể loại “sử dụng tổng hợp nghệ thuật và thủ pháp khái quát, phản ánh chân thực cao độ diện mạo cụ thể của cuộc sống và chân dung sinh động cuộc sống, diện mạo tâm lí của nhân vật lịch sử”.

Trong kí sự tiểu thuyết, nhà văn thường quan tâm yếu tố thời sự, ghi chép và bình luận sự chân thực của sự kiện, từ đó phân tích, thẩm bình, giải thích sự kiện theo cách của mình. Các sự kiện, chi tiết, nhân vật được miêu tả, triển khai bám sát hoàn cảnh lịch sử, do vậy mang tầm khái quát rất lớn. Chính những điều đó khiến cho kí sự tiểu thuyết mang màu sắc khác với tiểu thuyết truyền thống. Kí sự tiểu thuyết như tên gọi, đó là sự pha trộn giữa “ghi chép sự thực và tiểu thuyết, mà ghi chép sự thực lại có sự liên quan tới phóng sự và tin tức... đó là sự kết hợp của phóng sự, truyện kí và tiểu thuyết”. Với sự lựa chọn này, Ma Văn Kháng đã thỏa sức viết để tái hiện những sự kiện chân thực về một giai đoạn trong cuộc đời ông: trong trường Thiếu sinh quân Việt Nam từ năm 1949 đến 1951 tại An toàn khu Việt Bắc - tỉnh Thái Nguyên.

Chọn kí sự trước tiểu thuyết, Ma Văn Kháng đã xác định rõ, yếu tố chân thực và các sự kiện có thật sẽ là nền tảng cho mạch kể, để từ đó, nhà văn sẽ hồi cố lại những khoảng thời gian đã mất, dựng lại những chân dung, những chi tiết đặc sắc, phản ánh rõ nét một thời đoạn lịch sử trong chính cuộc đời mình đã trải qua, đã chiêm nghiệm, gắn bó. Bình giá, triết lý về những sự kiện đó thông qua đối thoại, qua mạch kể của cái tôi nhà văn. Bên cạnh đó, tính chất tiểu thuyết sẽ giúp nhà văn xây dựng được số lượng nhân vật đông đảo, phong phú, đa dạng, mỗi nhân vật đảm nhiệm một vị trí trong dòng hồi ức của nhân vật chính Trọng Đoan, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành tính cách của nhân vật này từ sợi dây liên hệ đặc biệt như bé Hoa, Toàn, Khánh, Thiết…Đội trưởng Đỗ Định…, tất cả tạo nên chân dung tập thể một thế hệ đặc biệt của một ngôi trường đặc biệt mấy chục năm về trước.

Dòng kí sự tiểu thuyết mở đầu bằng cuộc chia tay giữa hai anh em Đoan - Hải chuẩn bị cho cuộc lên đường của cậu nhóc Đoan - vừa tròn 13 tuổi - một mình dấn thân vào cuộc hành trình lên chiến khu Việt Bắc - gia nhập trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Đây là một câu chuyện có thật trong cuộc đời của Ma Văn Kháng - Đoan chính là hình ảnh của nhà văn 70 về trước, hăm hở nhập cuộc tham gia kháng chiến khi còn rất nhỏ tuổi - sôi nổi nhiệt huyết với trái tim không hề biết sợ - nhất định đi theo con đường kháng chiến. Cuộc chia tay với một bữa cơm trong quán nhỏ ở bến Đoan Hùng với những món ăn giản dị và những lời căn dặn máu thịt của người anh đã in dấu trong trí nhớ của Đoan, giúp cho chàng trai trẻ mạnh mẽ, dũng cảm bước chân ra đi.

Cậu bé Đoan ngày đó “cao 1m28. Nặng chưa đầy 30 kg. Trong bộ quần áo bộ đội cũ kĩ. Bên ngoài là chiếc áo vét dạ cũ rộng thùng thình...” đã bắt đầu hành trình đến với Thái Nguyên - nơi đoàn Thiếu sinh quân đang vẫy gọi chỉ bằng một trái tim, đôi mắt và tâm hồn tromg veo, một lòng tin tưởng mãnh liệt vào con đường phía trước đã định.

70 năm trước, muốn lên chiến khu Việt Bắc, người ta chỉ có thể đi bộ, đi đò dọc sông, đạp xe...Và chàng thiếu niên trẻ tuổi ấy đã xuống đò dọc, bắt đầu hành trình của mình bằng chuyến ngược dòng sông Lô - con sông oai hùng gắn với chiến công đánh chìm tàu giặc, là huyết mạch giao thông, cũng là một cửa ngõ vào vùng cấm địa với kẻ thù.

Tái hiện chuyến đi đầu tiên một mình trong đời Đoan bắt đầu từ một bến sông và cùng với dòng sông ấy, dòng kí ức ào ạt chảy trôi. Đó là kí ức về những con người tình cờ gặp gỡ trong chuyến đi - chưa từng quen biết - nhưng chỉ cần biết Đoan là thiếu sinh quân - tất cả đã dành cho em bao trìu mến, thân thương, chăm sóc, chở che. Thế mới biết, những ngày đầu kháng chiến, lớp thiếu sinh quân đầu tiên đã chiếm được sự tin cậy, kì vọng của nhân dân thật sâu đậm. Không gian chiến khu Việt Bắc bắt đầu mở ra với một bức tượng đài “thần chết” để xác định rõ: vùng tử địa với quân thù. Nhưng đây cũng chính là vùng an toàn của ta. Rời đò lên bộ, Đoan đã đi với tất cả tâm trạng náo nức, thu vào tầm mắt ngây thơ trong sáng tất cả cảnh sắc của núi rừng: “miền rừng núi âm u bí ẩn và thiêng liêng. Nơi hội tụ sinh lực của cuộc kháng chiến thần thánh. Nơi rồi đây, Đoan sẽ được sinh sống, rèn luyện và học tập để trở thành một chiến sĩ góp phần vào công cuộc kháng chiến kiến quốc”. Không gian Việt Bắc mở dần ra theo bước chân của chàng trai trẻ: rời bến Bình Ca, qua Đèo Khế, giã từ các các anh chị đồng hành, Đoan đi sâu vào nơi tập kết. Đó là bản Khuôn U, Đại Từ, nơi đóng quân đầu tiên của đại đội thiếu sinh quân mới được thành lập theo chỉ thị của Bác Hồ và Tổng Quân Ủy. Từ đây, Đoan sẽ hòa mình vào tập thể, sẽ sống chung với đồng bào dân tộc, sẽ trui rèn con người theo kỉ luật để trở thành anh vệ quốc.

Môi trường thiếu sinh quân ở chiến khu Việt Bắc đã được tái hiện một cách sinh động: đó là cuộc sống mới, kỉ luật nhưng gắn bó chặt chẽ với đồng bào. Môi trường đó là nơi tập rèn cho tuổi trẻ, nơi bồi đắp tâm hồn, nơi bắt đầu tình bạn và những rung động đầu đời, nơi mở rộng tầm mắt về văn hóa, trí tuệ và nhân cách.

Những ấn tượng về Đại đội trưởng Đỗ Định; những người bạn như bé Hoa, Toàn, Khánh, Thiết... buổi ban đầu thiếu sinh quân chia ngọt sẻ bùi. Anh Đỗ Định rèn cho Đoan lòng can đảm, Thiết cho Đoan sự ấm áp của gia đình khi bị bệnh sốt rét ngã nước hành hạ... tất cả những điều đó đã giúp cho Đoan trưởng thành nhanh trong môi trường thiếu sinh quân.

Từ buổi ban đầu sống cùng đồng bào, đoàn thiếu sinh quân lớn mạnh từng ngày, đã đến lúc đoàn thiếu sinh quân cần được tập hợp thành đội ngũ. Không gian tập kết của trường thiếu sinh quân mở ra cùng với yêu cầu của kháng chiến; từ Nà Lải, Khuôn U đến Y Na, Gò Pháo, Soi Mít, Yên Thái... tất cả bắt đầu di chuyển. Sự mở rộng không gian này để bắt đầu đón nhận hàng trăm thanh thiếu niên từ các đoàn về hội tụ. Lớp măng non đã được trui rèn trong lửa đạn chiến tranh là vốn quý cần được học tập để nâng cao sức khỏe, văn hóa... không thể tá túc với nhân dân như thủa ban đầu. Cần phải có môi trường chuyên nghiệp để luyện rèn. Đó là thời điểm trường Thiếu sinh quân chính thức được đặt tên và xác lập địa điểm.

Từ khắp mọi miền, thiếu sinh quân - những chàng trai trẻ tuổi ở khắp nơi hội tụ về Thái Nguyên: nào là Đoàn Thiếu sinh quân vệ quốc của Phòng Chính trị Bộ Tổng tư lệnh đến Đoàn Thiếu sinh quân khu Tư, rồi Thiếu sinh quân trung đoàn 74 Cao Bằng, Thiếu sinh quân vùng Trung du Bắc Bộ, Thiếu sinh quân khu Ba rồi cuối cùng là Thiếu sinh quân hoạt động trong lòng địch ở Hà Nội...

Mỗi trang thiếu niên là cả một tài hoa đang chờ phát lộ, mỗi cá thể là cả một tài năng âm nhạc, hội họa, thơ ca, toán học, thể thao... tất cả được tập hợp trong một đội ngũ với những thầy cô giáo, những anh chị phụ trách tâm huyết, có tri thức và văn hóa, tận tình chỉ dạy như Phạm Tuyên, Đỗ Nhuận. Những cánh chim từ mọi miền đến họp bầy, dưới sự dẫn dắt của lớp đàn anh đã trở nên một đoàn thiếu sinh quân kiêu hùng, giỏi giang. Cũng trong môi trường đó, tháng ngày trôi đi, tình bạn, tình đồng chí giữa những chàng trẻ tuổi được hun đúc, bền bỉ cho đến mấy chục năm sau vẫn không phai mờ.

Mạch hồi ức của nhà văn đã tái hiện không chỉ sự kiện thành lập trường Thiếu sinh quân với những gương mặt xuất sắc, sau này góp phần lập nên nhiều công tích trong hai cuộc kháng chiến, mà còn tái hiện lại một môi trường học tập đẹp đẽ, nơi ấy, con người được cộng hưởng những giá trị, tôn vinh những tài năng, giũa rèn khí chất cương cường và nhân cách đạo đức, bồi đắp hiểu viết về văn hóa, văn học, ngoại ngữ...

Có những chi tiết trong dòng kí sự tiểu thuyết mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc, đó là tiếng hát và ngọn lửa trong những đêm liên hoan của thiếu sinh quân. Giữa không gian núi rừng, ngọn lửa trại rừng rực đã soi tỏ những gương mặt trẻ trai sau thời gian học tập luyện rèn. Và trong không gian thiêng liêng ấy, tiếng hát của những chàng vệ quốc trẻ, những anh vệ nhóc, vệ út đã thắp lên ngọn lửa trong tim của chính họ. Ngọn lửa nhiệt thành yêu nước mà cho đến hôm nay vẫn còn nóng bỏng và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thời gian đã thay đổi những cậu bé thành những anh vệ quốc trẻ tuổi “gương mặt được bào rửa bằng nắng gió lấp lánh ánh sáng của hiểu biết, niềm tin, sự khôn lớn và lòng dũng cảm”.

Trong tiểu thuyết này, với thể tài ký sự, nhà văn đã làm được công việc ghi chép có tính biên niên sử, thỏa mãn nhu cầu dựng lại trung thực những gì có thực xảy ra cách đây đã lâu. Ví dụ, đó là những trang viết về quá trình hình thành nhà trường, sự kiện Bác Hồ đến thăm, tình hình chiến sự trên toàn quốc, ngày khai giảng, việc hai chiếc máy bay cổ ngỗng Pháp bắn phá nhà trường, sự việc mấy chú thanh thiếu niên trốn trường đi bộ đội, cuộc rèn cán chỉnh quân ở nhà trường…Chính là ký sự đã kiến trúc nên bộ khung của cuốn sách, tạo nên cái nền, bối cảnh để câu chuyện từ đó diễn tiến có điểm tựa để khai triển. Cũng nhờ thể tài ký sự mà tác giả khắc ghi được một số lượng nhân vật đông đảo, phong phú xoay quanh nhân vật Đoan - cái trục xuyên tâm của cuốn sách. Các nhóm nhân vật được hình thành theo trục không gian và thời gian: đó là ba người trong tổ tam tam gồm Toàn, Khánh, Đoan. Là bộ ba tướng - sĩ - tượng Thiết đen, Kim Diểu vua cầu, Lục hạt mít, nghịch ngợm, hồn nhiên. Là Sáng, chàng Tây lai cùng con chó Jack ngộ nghĩnh và rất nhiều nhân vật khác: Huy Anh, Hào, Phìn… mỗi nhân vật một nét riêng về tài năng, tính cách, hoàn cảnh và số phận. Ký sự đã góp phần quan trọng tạo nên một bức tranh đông đảo đa sắc màu về những thanh thiếu niên ở một thời kỳ lịch sử. Họ là những chàng trai yêu nước, gan dạ, thông minh, tươi đẹp, hào hùng, được hấp thu một nền văn hóa chính trị tốt đẹp để trở thành những nhân cách tích cực của cuộc sống.

Tất nhiên nói đến cuốn sách không thể không nói đến thế mạnh của sự vận dụng kỹ thuật viết tiểu thuyết, một sở trường đặc biệt của cây bút Ma Văn Kháng. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc tác giả đã tạo dựng được một cốt truyện với các tuyến nhân vật và tình tiết đan xen hợp lý và chặt chẽ, hoàn toàn không bị các sự kiện che lấp; ở khả năng tạo lập các tình huống đặc sắc và công phu xây dựng các tính cách, vấn đề sống còn của tiểu thuyết. Ở đây, Đoan khác Toàn, khác Khánh. Bộ ba Diểu, Lục, Thiết bên sự đại đồng là những nét tiểu dị. Ở đây, nghệ thuật dựng, tả, kể chen lẫn triết luận và man mác sắc - thái trữ tình của nhà văn đã góp phần tạo nên các trang văn mang tính ẩn dụ nghệ thuật, sinh động và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Các chương 9: Lửa trại, chương 11: Giấc mơ hồng, chương 17: Pha Đin, miền đất thiêng… là những ví dụ tiêu biểu. Cũng vậy, nếu như chương 16: Trong vòng tay bạn bè thấm đẫm tình đồng đội cảm động và xót thương, thì cuộc tản cư của gia đình ba mẹ Đoan trong chương 15: Làng quê yêu dấu. Đất lạ thân thương, với bút pháp giầu chất thơ được miêu tả như một công cuộc khai sinh ra một thế giới mới đầy bi tráng và lãng mạn. Còn chương 14: Chuyện ở Trạm xá và nhân vật Sáng Tây lai cùng con chó Jack ngồ ngộ chính là những điểm nhấn nho nhỏ các nhà tiểu thuyết thường hay dùng để câu chuyện thêm đậm đà, ý vị.

Với cái nhìn trong cuộc của người chứng kiến/ tham gia, bằng tâm thế và cái nhìn từ cuộc sống hôm nay để soi rọi lại kí ức của 70 năm về trước, bằng một giọng văn có sức quyến rũ từ nội lực, “Mãi mãi một thời thiếu sinh quân” của Ma Văn Kháng đã thực sự lưu lại được vẻ đẹp của một thời thiếu sinh quân Việt Nam, góp phần làm sáng rõ chân dung những con người trẻ tuổi của thời đại anh hùng kháng chiến chống Pháp, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Cao Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy