Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
09:03 (GMT +7)

Đồ trang sức trong văn hóa truyền thống của người Tày Việt Bắc

Trong bộ trang phục truyền thống của các dân tộc nói chung và người Tày nói riêng, trang sức là một phần quan trọng không thể thiếu. Trang sức không chỉ thể hiện sự sang trọng của người đeo, khả năng thực hành nghề của người chế tác mà còn mang nhiều ý niệm về tín ngưỡng và thẩm mỹ truyền thống của người Tày. Trong cách phối hợp màu sắc truyền thống, trang sức như những ánh sao lấp lánh tôn lên vẻ đẹp màu chàm của bộ trang phục. Với người Tày, việc đeo trang sức phổ biến ở tất cả các giới và các độ tuổi khác nhau. Tùy từng đối tượng cụ thể mà trang sức của người Tày cũng có sự khác biệt về tạo hình và hệ thống hoa văn trang trí.

1. Những chi tiết trong bộ trang sức của người Tày

Vòng cổ (kiềm cò): Vòng cổ của người Tày được đúc bằng bạc, thường là vòng trơn, không có hoa văn chạm trổ và được đúc đặc. Ở vùng Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, hai phía đầu của chiếc vòng cổ thường được uốn cong thành vòng tròn xoáy nhỏ chứ không chạm hình hoa lá như ở các nơi khác. Mỗi chiếc vòng thường có trọng lượng từ 200g đến 500g. Trong cuộc sống thường ngày, phụ nữ Tày chỉ đeo 1 chiếc vòng cổ nhỏ. Khi tham gia lễ hội hoặc trong các dịp trọng đại, đồng bào thường đeo vòng theo bộ 2 hoặc 3 chiếc với các kích cỡ to nhỏ khác nhau. Trẻ em Tày bất kể nam hay nữ cũng thường đeo vòng cổ. Tuy nhiên, vòng cổ của trẻ em nhỏ hơn nhiều so với người lớn. Đồng bào quan niệm cho trẻ đeo vòng cổ nhằm “khóa” linh hồn đứa trẻ và không cho hồn vía đi lạc mà làm trẻ ốm đau, khóc vặt. Do quan niệm về tâm linh như vậy nên cha mẹ đứa trẻ thường đem chiếc vòng đến nhờ các thầy tâm linh yểm phù chú rồi mới đeo cho con. Chiếc vòng này sẽ được đeo cho đến khi trẻ trưởng thành.

Trâm cài tóc và dây chuyền bạc của nam giới Tày

Đối với nam giới người Tày, Nùng, khi trưởng thành họ thường đeo dây chuyền bằng bạc được chế tác một cách cầu kỳ theo hình những đốt xương. Phía đầu dây chuyền còn được trang trí bằng 1 chiếc móng/ nanh gấu hoặc móng hổ bọc bạc. Đồng bào quan niệm những chiếc móng hoặc nanh các loài thú dữ thường có tính thiêng nên có thể bảo vệ cho chủ nhân của nó khỏi sự trêu đùa của ma quỷ.

Vòng tay (kiềm mừ): Vòng tay là trang sức có cả ở nam giới và nữ giới người Tày. Vòng tay cũng được đúc bằng bạc. Để thuận tiện cho việc lao động nên những chiếc vòng tay thường được đúc sao cho ôm gần sát cổ tay người sử dụng. Ngoài ra, đồng bào còn có một loại vòng tay trơn được đúc bằng lưỡi tầm sét với quan niệm để tránh tà ma quấy nhiễu. Vòng tay nam giới được đúc tròn và trơn. Vòng tay nữ được đúc bẹp và có chạm hoa văn hình hoa lá.

Hoa tai (vẻn): Hoa tai là loại trang sức dành riêng cho nữ giới. Những em bé gái Tày khi được 3 tháng tuổi sẽ được mẹ dùng gai cây bưởi xuyên lỗ vào dái tai để đeo hoa tai. Hoa tai phụ nữ Tày cũng được đúc bằng bạc gồm 2 phần là phần hoa tròn đính ở dái tai và phần hoạ tiết đính kèm. Đồng bào có 2 kiểu hoa tai là vẻn càn và vẻn tặc. Vẻn càn thường chỉ có phần hoa đính trên dái tai hoặc có thêm phần hoạ tiết hình chữ Z đính kèm theo hoa. Vẻn tặc là loại hoa tai có phần chi tiết giống hình con vắt (tua tặc). Ngoài ra, đồng bào cũng có cả loại hoa tai hình vòng tròn. Ở những gia đình có điều kiện, hoa tai còn được đính cả những viên đá quý. Nhìn chung, hoa tai của nữ giới Tày có kiểu dáng đơn giản và không có nhiều tua rua. Gần đây đồng bào ưa dùng loại hoa tai được đúc bằng vàng.

Nhẫn (pióc mừ): Người Tày không có phong tục sử dụng nhẫn để đính hôn hoặc thể hiện tình trạng hôn nhân như người phương Tây. Việc đeo nhẫn của đồng bào vừa để làm đẹp lại vừa phòng trừ tà ma theo quan niệm tâm linh. Nguyên liệu được đồng bào ưa dùng để đúc nhẫn là tầm sét (hán phạ). Đồng bào cho rằng nhẫn tầm sét có khả năng chống lại các loại tà ma gây hại đến sức khoẻ con người. Do đó, người cao tuổi và trẻ em (những người được cho là vía yếu) là đối tượng sử dụng nhẫn tầm sét nhiều hơn cả. Người già thường đeo nhẫn ở ngón tay, còn trẻ em sẽ được bố mẹ cài chiếc nhẫn tầm sét đã được bọc trong mảnh vải lên ngực hoặc cài lên mũ. Tầm sét là kim loại hỗn hợp gồm nhiều thành phần như đồng, sắt, chì,… được tạo thành do nhiệt độ từ những tia sét đánh xuống đất ở những nơi có mỏ quặng.

Dây xà tích (slai tích pjạ): Dây xà tích là loại trang sức quý phái và được chế tác rất cầu kỳ. Mỗi dây xà tích thường có độ dài từ 25 đến 45cm. Những dây xà tích có hình vuông và được chế tác một cách công phu bằng những dây bạc nhỏ tết lại với nhau tạo thành hình xương rắn (hoặc có nơi gọi là xương lươn - đúc lay) cả ở 4 cạnh. Một bộ xà tích thường phải có đủ 3 dây mới được coi là quý (1). Phía đầu dây xà tích thường có những chùm họa tiết được đúc bằng bạc như ống đựng vôi, quả đào đựng thuốc lào, hộp nhỏ đựng trầu, chiếc ngoáy tai, chiếc rẽ tóc,… Một số bộ xà tích còn có cả chiếc móng vuốt của con hổ hoặc con gấu được bọc bạc với ý niệm tiêu trừ tà ma. Dây xà tích được nữ giới Tày giắt ở thắt lưng phía đằng trước và hai đầu dây cách nhau khoảng 15cm. Đối với nam giới, xà tích thường được móc vào cúc áo và kéo dài ra đến túi áo. Xà tích của nam giới thường có chùm chìa khóa hoặc chiếc đồng hồ quả lắc.

Bộ xà tích bằng bạc của người Tày

Vòng chân (kiềm kha): Việc sử dụng vòng chân phổ biến ở trẻ em người Tày với quan niệm vòng chân cũng là loại trang sức có khả năng trói buộc để hồn vía đứa trẻ không đi lạc. Chiếc vòng chân truyền thống của người Tày được tết bằng 3 loại dây kim loại gồm đồng, bạc và tầm sét gọi là kiềm slam theo. Khi đeo vòng vào chân đứa trẻ, cha mẹ chúng phải nhờ các thầy cúng tâm linh làm lễ yểm phù chú để chiếc vòng trở nên linh thiêng. Chiếc vòng này sẽ được đeo khi đứa trẻ được 18 tuổi.

Răng vàng, răng bạc (khẻo kim, khẻo ngần): Thực chất đây là những miếng đồng hoặc bạc được ốp vào răng để tạo nên nét duyên cho chủ nhân khi nói cười. Trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, phong trào bịt răng vàng rất phổ biến trong vùng đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc. Đồng bào chỉ bịt 2 hoặc 3 chiếc răng (thường là răng nanh) để làm duyên. Những chiếc răng vàng lấp lánh cùng với nụ cười của những chàng trai, cô gái trong buổi chợ phiên một thời là hình ảnh rất đẹp của Việt Bắc.

Trâm cài đầu: Đây là loại trang sức phổ biến ở nam giới người Tày. Trước đây, nam giới Tày có tập quán để tóc dài và búi tó về phía sau đầu, do vậy cây trâm có tác dụng giúp cố định búi tóc. Cây trâm truyền thống của người Tày được chế tác bằng bạc hoặc xương hổ. Trong đó, phổ biến là loại trâm được chế tác từ bạc có chạm những hoa văn hoa lá đẹp mắt.

2. Quan niệm về thẩm mỹ và tâm linh trong trang sức truyền thống

Mặc dù vùng Việt Bắc có nhiều những mỏ vàng trữ lượng cao nhưng đồng bào Tày lại ưa dùng trang sức được chế tác từ bạc. Việc sử dụng trang sức bằng bạc không chỉ có ở nữ giới mà còn có cả nam giới và trẻ em. Sở dĩ đồng bào ưa dùng bạc vì bạc có giá thành rẻ hơn so với vàng nên có thể sử dụng với số lượng lớn để chế tác trang sức. Thứ nữa, đồng bào quan niệm bạc có khả năng chữa bệnh nên việc sử dụng trang sức bạc cũng có tác dụng tốt trong việc nâng cao sức khỏe con người. Trong thực tế, đồng bào thường dùng những đồng bạc trắng Đông Dương (đồng Piastre) để đánh gió điều trị bệnh cảm.

Người Tày quan niệm việc đeo trang sức có những vai trò sau:

Thứ nhất: Tạo điểm nhấn cho trang phục

Khác với những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của các tộc người khác như Mông, Dao, Pà Thẻn,… bộ trang phục của người Tày lại lấy tone màu chàm xanh, đen làm chủ đạo, trên trang phục thường không có các hoa văn, họa tiết. Cách thức chọn tone màu này giúp người mặc có nét duyên dáng và đằm thắm riêng. Bên cạnh đó, cách thức chọn màu còn giúp trang sức trở nên nổi bật và trở thành điểm nhấn rất sáng. Những chi tiết trong bộ trang sức của người Tày thường chế tác không quá rườm rà, do đó tạo ra sự hài hòa giữa trang phục với trang sức.

Thứ hai: Thể hiện sự quý phái của chủ nhân

Do được chế tác từ kim loại quý và đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân nên trang sức thể hiện sự quý phái, sang trọng của người đeo. Bên cạnh các nghệ nhân chế tác trang sức bạc của địa phương thì còn có cả những thợ kim hoàn từ miền xuôi lên miền núi lập nghiệp. Những người thợ ở vùng miền xuôi đã đem tri thức nghề của họ kết hợp nhuần nhuyễn với tri thức chế tác trang sức bạc của đồng bào miền núi để tạo nên những bộ trang sức cầu kỳ và tinh xảo. Hiện nay, vẫn còn khá nhiều gia đình duy trì nghề chạm bạc truyền thống của ông cha như gia đình ông Lạng, ông Thư ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Một bộ trang sức đầy đủ thường gồm đầy đủ các chi tiết vòng cổ, xà tích, nhẫn, vòng tay, vòng chân và hoa tai. Tuy nhiên trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên đồng bào thường không đầy đủ các chi tiết mà phổ biến thường gồm vòng cổ, vòng tay và xà tích.

Thứ ba: Phòng trừ gió độc và các loại tà ma.

Do được chế tạo từ những vật liệu quý hiếm và có tính thiêng theo quan niệm dân gian như bạc, tầm sét, xương các loài thú dữ nên bộ trang sức truyền thống cũng được đồng bào coi là vật kỵ tà ma cũng như có tác dụng nhất định trong việc bảo vệ sức khỏe con người. Chính vì vậy nên trước khi sử dụng, đồng bào thường nhờ các thầy cúng làm phép để yểm phép cho bộ trang sức thêm phần thiêng liêng.

3. Sự biến đổi của trang sức truyền thống

Với sự phát triển của công nghệ chế tác kim loại quý và đời sống kinh tế đã được nâng cao nên các loại trang sức đang ngày càng phong phú về kiểu dáng và thể loại. Ngày nay, bên cạnh nguyên liệu bạc truyền thống, đồng bào còn sử dụng các loại kim loại, đá quý khác như vàng, bạch kim, ngọc xanh, ngọc trắng,… để chế tác trang sức. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những dòng trang sức mới đã làm cho trang sức truyền thống ngày càng trở nên hiếm hoi và gần như biến mất tại nhiều bản làng. Các loại trang sức mới tuy tinh xảo và có giá trị cao nhưng rất khó phối hợp với bộ trang phục truyền thống. Bên cạnh đó, do trang sức truyền thống đã trở thành của hiếm khó tìm và trang sức mới có giá thành đắt đỏ nên nhiều người đã lựa chọn trang sức bằng nhôm để thay thế. Các loại trang sức bằng nhôm tuy có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với trang sức truyền thống bằng bạc trắng và dễ tìm mua. Tuy nhiên, trang sức nhôm chỉ đáp ứng được nhu cầu về hình thức sân khấu chứ không thể hiện được những giá trị quý giá của trang sức truyền thống.

----------

(1) Theo NNƯT Đoàn Bích Khê (dân tộc Tày, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) thì quan niệm về số lượng dây xà tích hoàn toàn chỉ là quan niệm thẩm mỹ chứ không liên quan đến tâm linh.

Nguyễn Văn Bách

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy