Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
20:36 (GMT +7)

Điệp viên hoàn hảo khi nào có phim?

VNTN - Các chiến sĩ tình báo chiến lược của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ đã lập được nhiều chiến công như kỳ tích mà đối phương cũng phải thừa nhận và đánh giá như những “điệp viên hoàn hảo”. Nhưng phim về các nhà tình báo chiến lược của ta rất hiếm. Trong dịp kỷ niệm 46 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không có phim nào về đề tài tình báo chiến lược của Việt Nam.

Có lẽ cuộc đời của họ với tính chất công việc “sống để bụng, chết mang theo”, thầm lặng ghi công với Tổ quốc, thầm lặng hy sinh vì đất nước, và họ cũng thầm lặng sống khi hoàn thành nhiệm vụ, mà việc làm phim về họ cũng có nhiều trắc trở khó thành? Và vì thế số phim làm về đề tài này cũng rất ít, không những thế không phải phim nào cũng để nhớ trong lòng khán giả. Ngoài ra có những dự án dở dang, có những dự án vẫn chỉ là dự án nhiều năm chưa thực hiện được.

46 năm - gần 100 tập - 6 phim

46 năm, tính từ năm 1975, số phim làm về đề tài tình báo chiến lược, từ những nguyên mẫu có thật của điện ảnh- truyền hình Việt Nam có thể đếm trên đầu ngón tay: 6 phim, với số tập phim cũng khá khiêm tốn chưa tới 100 tập.

 

Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ (bên phải) chụp hình lưu niệm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Năm 1982, khi tập đầu tiên “Đứa con nuôi vị giám mục” của bộ phim điện ảnh 8 tập “Ván bài lật ngửa”, do Xí nghiệp phim Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982 - 1987, đạo diễn Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa), kịch bản Nguyễn Trường Thiên Lý (Trần Bạch Đằng), đã gây xôn xao khán giả xem phim Việt.

Cho tới khi các tập tiếp theo:“Quân cờ di động” (1983), “Phát súng trên cao nguyên” (1983), “Cơn hồng thủy và bản tango số 3” (1984), “Trời xanh qua kẽ lá (1985)”, “Lời cảnh cáo cuối cùng” (1986), “Cao áp và nước lũ” (1987), “Vòng hoa trước mộ” (1987) ra rạp và lên sóng truyền hình HTV, rồi sau là VTV, thì như một cơn chấn động, bởi sự thành công vượt tầm về doanh thu và độ phủ sóng, với khán giả xem phim Việt trong suốt 5 năm.

Năm 1986, Điện ảnh Việt Nam công chiếu phim “Biệt động Sài Gòn”, 4 tập: “Điểm hẹn”, “Tĩnh lặng”, “Cơn giông”, “Trả lại tên cho em” của đạo diễn Long Vân. Phim lập kỷ lục người xem, tạo nên một chấn động phòng vé hồi đó, các rạp gần như phải tăng suất chiếu mà vẫn “hút” khán giả, dù phim được chiếu cả trên truyền hình.

 

Quảng cáo phim “Ván bài lật ngửa”

Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên” của nhà văn Hữu Mai, phim “Ông cố vấn”, đạo diễn Lê Dân, được sản xuất và phát sóng 10 tập vào giữa thập niên 1990.

Tới năm 1996, phim truyền hình 15 tập “Người đẹp Tây Đô”, dựa theo hồi ký của nhà tình báo Lâm Thị Phấn thời kháng chiến chống Pháp, nhà văn Trầm Hương viết kịch bản, đạo diễn Lê Cung Bắc. Phim đã làm nên một làn sóng xem phim truyền hình của công chúng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông - miền Tây Nam bộ.

Gần 10 năm nữa, truyền hình Việt Nam mới lại có phim “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”, 29 tập, của hãng TFS sản xuất năm 2003, đạo diễn Bùi Cường, phóng tác theo tiểu thuyết “Ông tướng tình báo và hai bà vợ” của nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết. Phim tái hiện khoảng thời gian dài từ kháng chiến chống Pháp đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, với nhân vật trung tâm là vị tướng tình báo Hai Lâm.

Thêm 5 năm nữa, phim "Con đường sáng" - 15 tập, lên sóng Đài Truyền hình Hà Nội tháng 3/2008, do Phạm Việt Thanh và Nguyễn Đức Việt làm đạo diễn. Bộ phim được quay và dựng trong vòng 24 tháng, nhưng thời gian chuẩn bị cũng kéo dài 24 tháng, được tiến hành quay tại rất nhiều địa điểm trên đất nước Việt Nam, tổ chức lồng tiếng ở cả 2 miền… Phim cũng đã gây được tiếng vang bởi việc song song thời điểm đó, nhà tình báo “nguyên mẫu” đã được minh bạch những điểm chưa rõ khi “mất tích” - hy sinh, và sau được phong hàm Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT).

Phim đều lấy nguyên mẫu các anh hùng liệt sĩ tình báo

Phim “Ván bài lật ngửa” được lấy nguyên mẫu AHLLVT - Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo, là nhà tình báo hoạt động đơn tuyến, không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ, người mà CIA gán cho biệt danh: “Chuyên gia tạo ra các cuộc đảo chánh”, đến 10 năm sau ngày thống nhất đất nước, thân phận của ông mới được công khai.

“Biệt động Sài Gòn” trong đó có lấy nguyên mẫu nhà tình báo Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, dựng lại một số chiến công đã đi vào lịch sử chiến trận khu Sài Gòn - Gia Định của lực lượng Biệt động thành trong các chiến công đánh Dinh Độc Lập, khách sạn Bring, Caravel, Tòa Đại sứ Mỹ,… làm cho quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn lúc đó đã phải khiếp sợ.

 

Quảng cáo phim “Biệt động Sài Gòn”

Phim “Ông cố vấn” lấy nguyên mẫu là AHLLVT- Thiếu tướng tình báo chiến lược Vũ Ngọc Nhạ, người được cài cắm làm việc trong Phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn, nhân vật chủ chốt trong vụ án cụm tình báo chiến lược A.22 làm rung động chính trường Sài Gòn vào cuối năm 1969.

“Người đẹp Tây Đô”, là nguyên mẫu của nữ tình báo chiến lược Lam Thị Phấn. Thông qua cuộc đời người phụ nữ thời phong kiến, vượt thoát vòng kiềm tỏa những giới hạn bất bình đẳng, tham gia kháng chiến, trở thành một nữ tình báo tài sắc, thông minh, lập nhiều chiến công trong lòng địch.

“Vị tướng tình báo và hai bà vợ”, lấy nguyên mẫu AHLLVT - Thiếu tướng Đặng Trần Đức (Ba Quốc), tình báo chiến lược, bí mật hoạt động trong cơ quan chính quyền Sài Gòn. Để thực hiện nhiệm vụ, và che giấu thân phận, dù đã có gia đình riêng khi ở miền Bắc, nhưng khi được phái vào Nam theo dòng người di cư, sống dưới thân phận một người khác và cưới một người vợ khác, che mắt hoạt động.

33 năm hoạt động của nhà tình báo huyền thoại AHLLVT Đào Phúc Lộc (Hoàng Minh Đạo) được thể hiện trong phim “Con đường sáng”. Toàn bộ cuộc đời gần như huyền thoại của người Trưởng phòng Tình báo chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ thuở thiếu thời trong gia đình viên chức ở Móng Cái - Quảng Ninh cho tới khi hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ trên sông Vàm Cỏ Đông - Nam Bộ, được phục dựng lại với 144 nhân vật trong phim bước ra từ lịch sử.

Và 13 năm tiếp theo không có phim nào

Nếu như không tính dự án phim “Ông cố vấn”, chưa tới 1/3 đường đã “gãy gánh”, theo dự kiến là 50 tập, nhưng sau khi phát sóng 10 tập, thì dừng lại cho đến tận hiện tại (2020) thì cũng chỉ có 10 tập này. Tính từ năm 2008, sau khi phim “Con đường sáng” phát sóng, thì cho tới kỷ niệm 46 năm Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, 13 năm sau, vẫn chưa thấy một dự án nào về phim đề tài này được xem là chuẩn bị - đang - đã sản xuất. Dù năm 2020 đã có một kịch bản phim điện ảnh “Anh hùng tình báo Phạm Xuân Ẩn”- tác giả Phạm Thuỳ Nhân đoạt Giải Ba cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” của Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

 

AHLLVT- Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn cùng chú chó thông minh, trung thành

Thật ra, năm 2014, đã có dự án làm phim truyền hình và điện ảnh về “Điệp viên hoàn hảo”- AHLLVT- Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. Trong buổi ra mắt sách ngày 18/2/2014, Giáo sư Larry Berman, tác giả cuốn “X6 - Điệp viên hoàn hảo”, đã công bố trao bản quyền cho First News - Trí Việt tổ chức thực hiện bộ phim truyện nhiều tập và phim nhựa 120 phút mang tên “Điệp viên hoàn hảo X6”. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty First News - Trí Việt lúc đó cho biết, phim truyền hình về Phạm Xuân Ẩn, dự kiến dài 32 tập, mỗi tập khoảng 45 phút, kinh phí của bộ phim sẽ vào khoảng 1 triệu USD, còn phim điện ảnh dự kiến sẽ dài khoảng 120 phút (chưa có dự kiến tài chính). Nhưng 7 năm hơn rồi, dự án này không biết đang ở giai đoạn nào, chưa biết ai là tác giả kịch bản chuyển thể, đạo diễn, diễn viên….

Như một món nợ với ngành tình báo chiến lược Việt Nam, những “điệp viên hoàn hảo” trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ, thiết nghĩ các nhà làm phim Việt Nam nên nhìn nhận đề tài này như một thể loại, một dòng phim “điệp viên”, không chỉ là tri ân chiến công của họ, mà còn có thể sẽ tạo thành dòng phim “nóng” như các phim điệp viên của thế giới, rất hút khán giả.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy