Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
15:28 (GMT +7)

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” qua những bức thư của Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ

VNTN - Bác Hồ là người đặt nền móng và xây dựng quan hệ Việt - Mỹ. Không phải từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2 tháng 9 năm 1945 mà trước đó rất lâu. Năm 1912, Bác Hồ đã đến nước Mỹ, Bác đã sống và làm việc ở thành phố Boston (bang Masachussets) và New York. Năm 1919, tại Versailles (Pháp) khi các cường quốc họp phân chia lại thế giới sau chiến tranh Thế giới I, lãnh tụ các nước đã biết đến tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi thư đến Tổng thống Mỹ lúc đó là Woodrow Wilson và các đại biểu dự hội nghị đòi quyền sống cho nhân dân Việt Nam. Chắc chắn ông Wilson không biết Nguyễn Ái Quốc là ai, mãi sau nhiều năm người Mỹ mới biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc.

 

Từ trái sang phải: Các đồng chí Trần Đăng Ninh, Bác Hồ, Nguyễn Lương Bằng (hàng trước) và Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh (hàng sau) sau cuộc họp tại Văn phòng Trung ương Đảng ở Định Hóa (Thái Nguyên). Ảnh tư liệu lịch sử.

Năm 1941, sau 30 năm lăn lộn hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc cũng là lúc thế giới đang chìm ngập trong khói lửa chiến tranh Thế giới thứ Hai. Mỹ cùng quân đội các nước Đồng minh đang chiến đấu với phát xít Nhật ở mặt trận châu Á.

Đông Dương, trong đó có Việt Nam nằm trong mặt trận ấy. Bác Hồ đã sớm nhận ra vai trò và vị trí của Mỹ trong đời sống chính trị thế giới nên Người đã chủ động tìm mọi cách quan hệ với Mỹ. Từ năm 1941 đến năm 1945 quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ diễn ra tốt đẹp. Sau Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa, chúng tìm mọi cách đè bẹp nước Cộng hòa non trẻ của chúng ta thì Mỹ cũng lảng ra.

Pháp gây hấn ở Nam Bộ, trong cuộc gây hấn ấy có một người Mỹ đã bị bắn chết. Đó là đại tá Peter Dewey.

Ngày 29/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ Harry S. Truman chia buồn. Đây là bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi Tổng thống Mỹ. Từ đó đến tháng 8 năm 1968, trước khi qua đời 1 tuần, Bác Hồ đã 9 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ (1), riêng cho Tổng thống Truman là 8 lần chỉ trong 2 năm 1945 - 1946, cho Tổng thống Nicxon 1 lần vào ngày 25/8/1968.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu các nước sang dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ bảo vệ hòa bình (Hà Nội, tháng 11/1964). Ảnh tư liệu lịch sử.

Nói “riêng cho Tổng thống” bởi cùng với 9 bức thư này là không kể rất nhiều điện văn gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, Thư gửi Hội Quốc Liên, Thư gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc… các tổ chức này đều có Mỹ tham gia và lãnh đạo. Nghĩa là gián tiếp Bác Hồ gửi các Tổng thống Mỹ. Tất cả đều thể hiện tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Người. Lấy cái không thay đổi là độc lập dân tộc, tự do, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất đất nước (Dĩ bất biến) ứng phó cho phù hợp trong những hoàn cảnh thay đổi của thời đại (Ứng vạn biến).

Ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, năm 1945, quân đội Anh với tư cách là quân Đồng minh đã giúp quân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Trong thư này gửi cho Tổng thống Truman, Bác Hồ đã tố cáo âm mưu và hành động ấy:

“Chúng tôi xin trân trọng báo để Ngài rõ về những biện pháp sau đây của Tổng tư lệnh các lực lượng quân đội Anh đã tiến hành ở miền Nam Việt Nam:

Một, cấm các báo chí;

Hai, cung cấp vũ khí và đạn dược cho dân chúng Pháp;

Ba, tước vũ khí của các lực lượng cảnh sát Việt Nam.

Các biện pháp này là một sự vi phạm rõ ràng đến những quyền tự nhiên của nhân dân Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến nền an ninh trong nước, và là nhân tố làm mất ổn định và hòa bình ở Đông Nam Á”(2).

Ngày 17/10/1945, Bác Hồ lại gửi bức thư thứ hai, dưới hình thức điện văn tới Tổng thống Truman đề nghị để Việt Nam tham gia Hội đồng cố vấn về Viễn Đông. Trong đó Người nêu rõ vị trí độc lập của nước Việt Nam ngang hàng với các quốc gia khác, khi Pháp đòi đại diện cho Việt Nam ở Hội đồng này. Bác viết: “Sự đại diện ấy thiếu cơ sở pháp lý hoặc cơ sở thực tế. Về mặt pháp lý thì giữa Pháp và Việt Nam không còn tồn tại một bổn phận nào nữa. Bảo Đại đã hủy bỏ các Hiệp ước 1884 và 1863. Bảo Đại đã tự nguyện thoái vị trao lại chính quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa; Chính phủ lâm thời chấp nhận việc hủy bỏ các Hiệp ước 1884 và 1863. Trên thực tế từ ngày 9 tháng 3, việc Pháp trao quyền thống trị cho Nhật đã cắt đứt toàn bộ các mối liên hệ về mặt hành chính với Việt Nam, từ ngày 19/8/1945, Chính phủ lâm thời trên thực tế đã là một chính phủ độc lập về mọi phương diện”(3).

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Nghị sĩ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam (4/5/1957). Ảnh tư liệu lịch sử.

Cùng thời gian này Bác Hồ còn gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ James Byrne (cũng là gián tiếp cho Tổng thống Mỹ) đề nghị gửi thanh niên Việt Nam sang Mỹ để học tập và trao đổi văn hóa. Thư Bác viết: “Nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng 50 thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”(4).

Chỉ trong tháng 11 năm 1945, Bác gửi tiếp Thư (ngày 8/11/1945) và Điện (ngày 23/11/1945) cho Truman tố cáo quân xâm lược Pháp gây hấn và yêu cầu Mỹ can thiệp, ngăn cản Pháp và giúp đỡ Việt Nam chống nạn đói.

Sang năm 1946, ngay ngày 18/1/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi thư cho Tổng thống Truman và Tướng Marshall đề nghị Mỹ can thiệp kịp thời để giải quyết xung đột ở Việt Nam. Trong đó Bác viết: “…Nhân dân Việt Nam hy vọng một cách nghiêm túc sự giúp đỡ to lớn của chính phủ Mỹ đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh giành độc lập hoàn toàn và xây dựng lại đất nước của chúng tôi. Với sự giúp đỡ của Trung Quốc (Chính phủ của Tưởng Giới Thạch lúc đó nằm trong phe Đồng minh chống Phát xít - tác giả chú thích) và Liên hợp quốc về tài chính và kỹ thuật, Cộng hòa Việt Nam chúng tôi sẽ có đủ khả năng góp phần xây dựng nền hòa bình và thịnh vượng chung trên thế giới”(5). Rõ ràng Bác Hồ đề nghị và chấp nhận sự giúp đỡ quốc tế để bảo vệ độc lập dân tộc hoàn toàn và xây dựng đất nước nhưng chỉ là giúp đỡ tài chính và kỹ thuật.

Trong số những bức thư gửi Tổng thống Mỹ Truman có bức thư thứ 8 quan trọng nhất. Thư đề ngày 16 tháng 2 năm 1946. Bác viết: “…Khi người Nhật bị đánh bại vào tháng 8/1945, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam được thống nhất lại dưới một chính phủ Cộng hòa lâm thời và chính phủ này đã lập tức đi vào hoạt động. Tròn năm tháng, hòa bình và trật tự được lập lại, một nền cộng hòa dân chủ được thiết lập trên những cơ sở pháp lý, và đã dành cho các nước Đồng minh sự giúp đỡ thỏa đáng trong việc thực hiện sứ mệnh giải giáp của họ”(6). Trong lá thư này Bác vạch trần những thủ đoạn và hành động gây chiến của quân Pháp và “Sự xâm lược này là trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới…”. Bác viết tiếp: “Cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hòa bình là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới. Nó hàm chứa sự đồng lõa, hay ít ra cũng là sự nhắm mắt làm ngơ của những nền dân chủ vĩ đại. Liên hợp quốc phải giữ lời hứa”. Không chỉ tố cáo bọn xâm lược Pháp mà Bác còn quy trách nhiệm cho Mỹ “những nền dân chủ vĩ đại” và Liên hợp quốc đã dung túng, nhắm mắt làm ngơ để Pháp xâm lược Việt Nam và yêu cầu Liên hợp quốc phải “Giữ lời hứa”. Bác viết tiếp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu đựng sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do… An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc (Hoa Kỳ) với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định trong sự ủng hộ nền độc lập của chúng tôi”. Bác vừa đề cao vai trò của Mỹ, vừa kêu gọi trách nhiệm của Mỹ nhưng cũng đặt vấn đề bình đẳng trong quan hệ với Mỹ. Lần nữa Bác đặt an ninh và quyền tự do dân tộc lên bàn của Tổng thống Mỹ và trân trọng yêu cầu Mỹ:

“Điều mà chúng tôi đề nghị đã được (Mỹ) trao cho chính phủ Philippin một cách quý báu. Cũng như Philippin, mục tiêu của chúng tôi là độc lập dân tộc hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”(7). Bác nhấn mạnh là Độc lập hoàn toàn và Hợp tác chứ không phải là cầu xin Tổng thống Mỹ.

Cũng năm 1946, Bác Hồ còn gửi Lời kêu gọi Liên hợp quốc:

Lá thư này Bác Hồ gửi Đại Anh quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên Xô và các thành viên khác của Liên hợp quốc (Hội đồng Bảo an) nhưng không có Pháp, bởi lúc đó Pháp đang gây chiến với nước ta. Tuy gửi Liên hợp quốc nhưng cũng là gián tiếp gửi Tổng thống Mỹ.

Lời kêu gọi có 9 nội dung, thì nội dung thứ 8 là quan trọng nhất. Bác nêu lên tư tưởng và “chính sách Mở cửa và Hợp tác trong mọi lĩnh vực”.

“Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”.

Trong thư Bác nêu lên vấn đề quan trọng nhất là độc lập dân tộc và sẵn sàng “mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Lời kêu gọi có 9 nội dung. Nội dung thứ 8 là: “Nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.

Điểm thứ nhất: Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

Ta thấy ở mục này Bác đã nêu rõ chính sách “mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực” nghĩa là hợp tác toàn diện và hợp tác rộng rãi; với cả “các nhà tư bản, nhà kỹ thuật”. Nghĩa là cả với các nước trong đó có các nước tư bản trong “tất cả các ngành kỹ nghệ”.

Ta biết là mãi đến năm 1960 Khorusev, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô mới nêu vấn đề “Chung sống hòa bình” mà thế giới đã chao đảo, ông bị đánh tới tấp, lên bờ xuống ruộng dưới chiêu bài chống “Chủ nghĩa xét lại hiện đại”. Nhưng ngay từ năm 1946 mà Bác Hồ đã nêu lên vấn đề “Hợp tác” và “Mở cửa”.

Điểm thứ hai: trong bức thư này Bác nêu rõ: “Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay, và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế”.

Điểm thứ ba: Bác viết: “Nước Việt Nam chấp nhận mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế…”.

Điểm thứ tư: là điểm cực kỳ lạ lùng, Bác viết: “Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân”(8). Thực tế những năm gần đây nước ta đã có nhiều đoàn quân sự tham gia trong quân đội do Liên hợp quốc tổ chức giữ gìn hòa bình ở một số nước như Bác đã nêu lên ở bức thư này. Do quan điểm chính trị của chính giới Mỹ lúc đó đã thay đổi, dù trước năm 1945 đã tích cực ủng hộ Việt Minh, nhưng Bác Hồ đã nỗ lực hết mình trong việc bày tỏ thiện chí của Việt Nam, khát vọng tự do độc lập, yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta nhưng vẫn không được Tổng thống Mỹ là Truman đáp ứng. Ông ta đã không trả lời thư Bác Hồ gửi cho ông, mà lại ủng hộ thực dân Pháp xâm lược, dẫn đến cuộc kháng chiến 9 năm đầy máu và nước mắt của nhân dân hai nước Pháp - Việt. Với chiến thắng “Điện Biên chấn động địa cầu”, thực dân Pháp phải rút chạy, để lại cuộc chiến tranh tàn khốc khốc hơn, kéo dài 30 năm tiếp theo cho đế quốc Mỹ. Với bộ máy chiến tranh khổng lồ, với vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng Mỹ không khuất phục được nhân dân Việt Nam.

Với 600 tỷ đôla đổ vào cuộc chiến tranh bẩn thỉu này, cùng với 58.000 lính Mỹ bị tiêu diệt, nước Mỹ bị dồn vào sự phân hóa nghiêm trọng. Đến lượt Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ngày 15/7/1969 phải viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đời oái ăm như vậy đấy. Lúc này Bác đang ốm, khi khỏe lên một chút, ngày 28/8/1969, trước lúc qua đời 8 ngày, Bác đã gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ với lời lẽ đanh thép, thể hiện ý chí dành độc lập tự do đến cùng của nhân dân Việt Nam trước Hoa Kỳ:

“Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… Trong thư, ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng.

Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam, phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”(9).

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam, sau cuộc chiến tranh phá hoại hủy diệt Hà Nội dịp Noel 1972 bằng pháo đài bay B52, bị quân và dân ta đánh bại, bẻ gãy ý chí xâm lược, giặc Mỹ phải cúi đầu ký Hiệp định Paris, rút quân về nước.

Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta toàn thắng, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập, tự do hoàn toàn. Trong chiến công ấy, phải kể đến vai trò kiên định tư tưởng Dĩ bất biến ứng vạn biến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta thực hiện.

(1) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 9 lần gửi thư cho Tổng thống Mỹ vào các ngày 24/9/1945; 17/10/1945; 20/10/1945; 2/11/1945; 8/11/1945; 22/11/1945: 18/1/1946; 16/2/1946; 28/8/1969.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, tập 4, tr. 27.

(3) Sách đã dẫn, tr. 60.

(4) Sách đã dẫn, tr. 60.

(5) Sách đã dẫn, tr. 185.

(6) Sách đã dẫn, tr. 185.

(7) Sách đã dẫn, tr. 204.

(8) Sách đã dẫn, tr. 520.

(9) Sách đã dẫn, tập 15, tr. 602.

PGS. TS. Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy