Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
10:54 (GMT +7)

Để không “nhờn” luật

VNTN - Lâu nay, rượu được xem là một thức uống quan trọng trong nhiều sự kiện của đời sống xã hội, góp phần làm cho bầu không khí thêm sôi động, con người gần gũi nhau hơn. Uống rượu là một nét văn hóa đúng nghĩa khi được sử dụng có chừng mực, không bị lạm dụng, trở thành thứ để chứng minh cho sự tôn trọng, quý mến nhau. Rượu, bia sẽ không gây tác hại nghiêm trọng nếu ta không mời mọc nhau theo kiểu ép buộc đến say xỉn, không làm chủ được hành vi, ngôn ngữ…

 

Trong vòng 2 năm (2019 - 2020), Nhà nước ta đã ban hành 3 văn bản Luật, Nghị định liên quan đến rượu, bia gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (tháng 6/2019); Nghị định 100/NĐ-CP (tháng 12/2019), trong đó quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông; Nghị định 117/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/11/2020) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định các mức phạt rất nặng nhằm phòng chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, các hành vi rủ rê, lôi kéo, xúi giục, kích động hay ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ phải chịu phạt 1 - 3 triệu đồng. Nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của cộng đồng xã hội, song vẫn còn đó nhiều băn khoăn về tính khả thi khi đi vào thực tiễn gần một tháng qua.

Theo thống kê, hàng năm cả nước có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan rượu, bia. Đáng báo động là các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến rượu bia ở độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Không những thế, rượu bia còn chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh và chấn thương. Trước hệ quả đáng sợ ấy, những năm gần đây nhiều người thường sử dụng rượu, bia cũng dần biết sợ và dè chừng hơn với loại đồ uống này. Nhưng có những điều chưa dễ thay đổi. Ví như quan niệm “nam vô tửu như kì vô phong”, người ta vẫn xem “tửu lượng” là thước đo cho sự nam tính và bản lĩnh của người đàn ông. Hay như triết lý “giàu vì bạn, sang vì vợ”, nam giới coi việc chè chén như một hình thức kết giao tình thân, bạn hữu, thậm chí là tìm cơ hội làm ăn...

Về mặt pháp lý, quy định xử phạt hành vi xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia tại Nghị định là rất tích cực, song lại chưa xác định cụ thể thế nào là “xúi giục, kích động, lôi kéo”, thế nào là “ép buộc”. Có ý kiến khá hài hước khi đặt câu hỏi, liệu rằng các quảng cáo về uống rượu, bia trên ti vi hoặc ngoài đường phố có phạm luật lôi kéo hoặc xúi giục người khác uống rượu bia hay không? Mặt khác, Nghị định cũng chưa chỉ rõ ai sẽ là người giám sát và có thể kết luận được hành vi xúi giục, lôi kéo… để xử phạt. Xét ở góc độ tình cảm, thường thì phải thân quen người ta mới dễ dàng gặp gỡ, giao lưu. Khi tham gia cuộc vui, đa phần cả người mời và người được mời đều có tâm lý thoải mái, vui vẻ. Dù có những lời mời, cổ vũ uống thêm, nhưng hiếm có ai cảm thấy mình bị ép buộc hay kích động. Do đó việc “tố giác” bạn nhậu hầu như rất khó xảy ra. Hơn nữa, với các đối tượng sử dụng rượu, bia từ đủ 18 tuổi trở lên, họ phải tự chịu trách nhiệm về hành vi dân sự, thì không thể nói mình bị ai đó xúi giục, lôi kéo, kích động được. Từ góc độ này có thể thấy, những băn khoăn về tính khả thi của quy định này là có cơ sở.

Theo các chuyên gia luật, việc xử phạt đối với các hành vi này phải có bằng chứng. Chứng cứ có thể được thu thập từ tin nhắn, cuộc gọi, camera, hình ảnh, clip hoặc người chứng kiến. Nếu người nhậu không tố cáo, không ghi lại được lời kích động, ép buộc thì không có gì làm căn cứ chứng minh để có thể xử phạt.

Ở một diễn biến khác, một bộ phận phụ nữ đã bày tỏ sự đồng tình tuyệt đối với quy định xử phạt này. Có người còn khẳng định sẽ sẵn sàng bỏ thời gian để thu thập bằng chứng, tố cáo người có hành vi lôi kéo, kích động, ép buộc chồng/con họ uống rượu, bia. Cho rằng số tiền xử phạt một lần không đáng kể, nhưng nếu phạt nhiều lần thì sẽ thành số tiền lớn. Cứ đánh vào kinh tế là cánh đàn ông tự khắc phải dè chừng. Nhưng suy cho cùng, có bao nhiêu phụ nữ có dư thời gian trong vòng quay bộn bề của công việc, con cái, chuyện nhà cửa… để làm việc đó?

Các quy định là hành lang pháp lý quan trọng trong bối cảnh người sử dụng rượu, bia ở nước ta ngày càng nhiều. Song rất cần những chỉ dẫn cụ thể, quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, đơn vị và chủ thể nào sẽ đứng ra xử lý vi phạm. Có vậy mới đảm bảo quy định pháp luật không tồn tại trên giấy mà được thực thi nghiêm chỉnh và không dễ bị “nhờn”.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Luật pháp có vô tình?

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Sống chung với lũ

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Người dẫn đường và con đường đã mở

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Chủ nhật yên tĩnh – nghĩ và mong…

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

Nhà văn và xuất bản sách

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Đạo đức người làm báo

Xem tin nổi bật 6 tháng trước